Thursday, March 28, 2024

Các hãng xe Nhật xin lỗi vì sai phạm trong kiểm tra mức tiết kiệm nhiên liệu

Tư Mỏ Lết

Trong đầu Tháng Tám, các trang web chuyên ngành xe hơi đồng loạt đưa những hình ảnh rất “Nhật” mà người Việt “mơ cũng không thấy” ở xứ mình: lãnh đạo cúi gập đầu xin lỗi người dân.

Các lãnh đạo lần này là của các hãng xe Nhật. Lỗi lầm của họ là đã thực hiện các cuộc kiểm tra mức tiết kiệm nhiên liệu các model xe bán ra thị trường Nhật không đúng với quy định của chính phủ. Những hãng xe có dính dáng đến lỗi lầm này là Mitsubishi, Nissan, Subaru và Mazda.

Theo một bản tin vào đầu Tháng Tám, 2018 của trang mạng xe hơi www.motortrend.com, Bộ Du Lịch-Vận Tải-Hạ Tầng-Đất Đai (MLIT) Nhật đã yêu cầu các hãng xe Nhật thực hiện cuộc điều tra về quá trình kiểm tra và báo cáo số liệu mức tiết kiệm nhiên liệu các model xe của họ. Theo đó, Mazda báo cáo đã phát giác ra rằng, những dữ liệu kiểm tra đã được ghi nhận không đúng với quy định. Trong tổng cộng 1,472 chiếc xe thử nghiệm, có 72 chiếc xe đã được thử với tốc độ không đúng với yêu cầu đặt ra. Tốc độ là một yếu tố quan trọng trong việc thải khí của một chiếc xe.

Vào Tháng Bảy, 2018, Nissan cũng ghi nhận có 19 trường hợp các model xe kiểm tra mức tiết kiệm nhiên liệu đã vi phạm quy định về tốc độ.

Đối với hãng Suzuki, sai phạm có thời gian kéo dài từ năm 2012. Trong 12,819 chiếc xe kiểm tra, đã có đến hơn 50% trường hợp được tiến hành với tốc độ không đúng quy định.

Lưu ý rằng các model kiểm tra nói trên chỉ dành cho thị trường Nhật. Cho nên những lỗi lầm mắc phải của 4 hãng xe Nhật không ở mức độ nghiệm trọng như tai tiếng gian lận khí thải của hãng xe lừng danh Đức Volkswagen từ năm 2015, do chính phủ Hoa Kỳ phát giác. Vụ gian lận này làm rúng động thị trường xe trên toàn thế giới, dẫn đến việc thu hồi khoảng 11 triệu chiếc xe Volkswagen, và gây thiệt hại cho hãng xe này hàng tỉ đô la.

Không có chiếc xe nào bị thu hồi trong vi phạm của 4 hãng xe Nhật, vì những vi phạm này không phải là “gian lận,” và cũng chưa đủ chứng cứ để chứng tỏ rằng các xe đang lưu hành là không đạt tiêu chuẩn. Cả 4 hãng xe đều hứa là sẽ điều chỉnh lại quy trình kiểm tra, để lỗi lầm không tái diễn trong tương lai. Tuy nhiên, nó cũng đủ gây ra tai tiếng mạnh, và ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người sử dụng xe ở Nhật cũng như trên toàn thế giới. Nói đến xe Nhật, người lái xe ở Mỹ, Âu, Á đều nghĩ ngay đến ưu điểm tiết kiệm nhiên liệu, bền bỉ, đáng tin cậy. Nay thì chưa chắc! Uy tín của các hãng xe Nhật đang bị lung lay. Có nên cân nhắc lại việc chọn mua xe Nhật để đỡ tốn xăng hay không?

Đó là chuyện ở Nhật. Hãy thử liên hệ vụ tai tiếng này đến thị trường Mỹ.

Người Mỹ cho đến nay vẫn còn tranh cãi dữ dội về quyết định của chính phủ Trump hồi đầu năm, đang chuẩn bị thu hồi quy định từ thời Obama có liên quan đến việc nâng mức tiết kiệm nhiên liệu của các model xe lưu hành tại Hoa Kỳ. Lập luận của ông Trump là chính phủ can thiệp vào thị trường nhiều quá, không tốt! Hãy để cho doanh nhân, các nhà sản xuất tự do làm ăn, tạo ra công ăn việc làm cho người Mỹ, từ đó “Make America Great Again.” Cơ quan Bảo Vệ Môi Trường (EPA) của chính phủ Trump đã tuyên bố rằng, những tiêu chuẩn của chính phủ Obama buộc các xem phải nâng mức tiết kiệm nhiên liệu từ năm 2022-2025 là quá cao, phải xem xét lại. Vụ lùm sùm ở Nhật có thể giúp chính phủ Trump củng cố lập trường của mình. Xe Nhật cũng gặp khó khăn khi tăng mức tiết kiệm nhiên liệu, chứ đâu riêng gì ở Mỹ!

Nhưng chính phủ Obama đã quy định như thế nào? Có ngặt nghèo quá không?

Theo quy định của chính phủ Obama, đến năm 2025, các loại xe hơi lưu hành ở Mỹ phải đạt được mức tiết kiệm nhiên liệu vào khoảng 55.2 mpg.

Một bảng so sánh quy định này tại các quốc gia khác nhau đã được thực hiện bởi Hội Đồng Vận Tải Sạch Quốc Tế, đăng tải trên New York Times vào đầu Tháng Tám, 2018. Qua đó, người ta có thể thấy qui định của chính phủ Obama vẫn còn thấp hơn của Liên Âu là 56.8 mpg, và Đại Hàn là 56.6 mpg, cao hơn Nhật là 48.3 mpg, và Trung Cộng là 47.7 mpg.

Đối với các chủng loại SUV và tải nhẹ, quy định về mức tiết kiệm nhiên liệu có thấp hơn: của chính phủ Obama đến năm 2025 là 40.6 mpg, so với của Nhật là 42.0 mpg, của EU là 40.1 mpg, của Trung Cộng là 35.5 mpg.

Một điểm đáng lưu ý khác về sự linh hoạt trong qui định của chính phủ Obama: trong trường hợp các hãng xe không đạt được tiêu chuẩn về tiết kiệm nhiên liệu, họ vẫn có thể đạt chỉ tiêu bằng cách sản xuất sản xuất thêm xe điện, hoặc sử dụng những loại khí làm lạnh trong máy điều hòa ít làm nóng bầu khí quyển hơn.

Như vậy là mục tiêu của chính phủ Obama quá rõ ràng: bảo vệ môi trường, chống lại biến đổi khí hậu.

Và ngược lại, bởi vì không tin sự biến đổi khi hậu là do con người gây nên, việc chính phủ Trump ngăn chận quy định của chính phủ Obama là điều dễ hiểu. Hậu quả gì sẽ xảy ra nếu chính phủ Trump thành công?

Điều đầu tiên rất dễ nhận ra, đó là các hãng xe sẽ tiếp tục sản xuất các model xe tiêu thụ xăng nhiều hơn, dẫn đến việc lượng dầu mỏ tiêu thụ nhiều hơn. Các hãng sản xuất dầu hỏa sẽ được hưởng lợi. Một chính sách mà đảng Cộng Hòa lâu nay vẫn theo đuổi.

Điều kế tiếp cũng không khó khăn để thấy, đó là tình trạng ô nhiễm do khí thải từ xe cộ sẽ cao hơn. Đối với một số tiểu bang đông đúc như California, New York… điều này sẽ là một vấn nạn. Nhưng đối với các tiểu bang thưa dân hơn như Texas, Mississippi… chuyện này không thành vấn đề, có thể chấp nhận được. Còn chuyện “trái đất ấm dần lên do khí thải” là chuyện còn tranh cãi dài dài, khỏi bàn đến làm chi cho mắc công!

Kế đến nữa, các hãng sản xuất xe thế hệ cũ, tiêu thụ nhiều xăng, xả nhiều khói sẽ có công ăn việc làm. Các chủng loại xe đời mới như xe điện, chạy bằng nhiên liệu sạch, xe hybrid sẽ chậm phát triển hơn một chút.

Nói tóm lại, quyết định này cũng như mọi hiện tượng đều có hai mặt. Tùy theo góc nhìn, mà có người sẽ thấy nó có lợi, trong khi một số khác lại thấy có hại.

Câu chuyện của nước Mỹ muôn đời vẫn thế. (Tư Mỏ Lết)

Mời độc giả xem chương trình du lịch “Ngắm thiên nhiên rực rỡ tại Yellowstone”(Phần 2)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT