Friday, March 29, 2024

Lò vi sóng

Hà Dương Cự

Ngày nay không nhà nào mà không có lò vi sóng (microwave oven) để nấu hay hâm thức ăn một cách nhanh chóng. Nếu không có nó thì thật là mất thì giờ và bất tiện. Thế thì lò vi sóng hoạt động ra sao, ai phát minh ra nó, và lò vi sóng có hại cho sức khỏe hay không?

Phổ điện từ

Muốn giải thích nguyên tắc của lò vi sóng thì phải nói tới phổ điện từ (electromagnetic spectrum) và vi sóng. Phổ điện từ dùng để chỉ phạm vi hoạt động của bức xạ (radiation) điện từ. Bức xạ là năng lượng truyền ra theo mọi hướng. Ánh sáng mà bạn thấy là một loại bức xạ điện từ. Các loại bức xạ điện từ khác là sóng ra đi ô, vi sóng, tia hồng ngoại (infrared), tia tử ngoại (ultraviolet), tia X và tia gam ma. Sau đây là hình minh họa phổ điện từ.

Phổ điện từ. (Nguồn: NASA)

Bức xạ điện từ có những hạt điện tử dương (proton) di chuyển như làn sóng. Mỗi hạt điện tử dương đều có chứa ít nhiều năng lượng. Sóng radio có hạt điện tử dương ít năng lượng, hạt điện tử dương của vi sóng có nhiều năng lượng hơn.

Bức xạ điện từ cũng có thể diễn tả bằng độ dài sóng (wavelength) hay tần số (frequency). Hai số này tỷ lệ nghịch với nhau, có nghĩa là độ dài sóng ngắn thì tần số cao và độ dài sóng dài thì tần số thấp. Đơn vị của độ dài sóng là mét, còn đơn vị của tần số là Hertz.

Tùy theo vùng tần số bức xạ điện từ có ảnh hưởng tới vật chất khác nhau. Thí dụ ánh sáng bình thường thì không xuyên qua được da thịt, nhưng tia X thì xuyên qua được. Ánh sáng thì không có hại nhưng tia X thì có hại cho sức khỏe. Hồi xưa người ta đặt ra nhiều tên vì tưởng đó là những loại bức xạ khác nhau. Nhưng thật sự tất cả đều là bức xạ điện từ chỉ có khác tần số.

Lò vi sóng hoạt động ra sao

Bức xạ điện từ có tần số khoảng 2.45 gigahertz có một tính chất đặc biệt. Những vi sóng này được hấp thụ bởi nước. Một khi hấp thụ vào, nó làm rung động những phân tử và sinh ra nhiệt. Những vi sóng này còn có một tính chất khác, nó không bị hấp thu bởi thủy tinh, chất dẻo và đồ gốm mà đi qua luôn. Còn kim loại thì phản chiếu các vi sóng này.

– Máy phát vi sóng: Máy phát vi sóng (magnetron) là một dụng cụ phát ra bức xạ điện từ cần thiết cho lò vi sóng. Máy phát vi sóng có một cực âm bằng những sợi kẽm. Cực âm này được làm nóng lên bằng một dòng điện cao thế và sinh ra những hạt điện tử âm (electron). Một nam châm được dùng để hướng dẫn các hạt điện tử âm quay vòng trong một hộp chân không. Khi những hạt điện tử này quay vòng vòng thì chúng sẽ sinh ra vi sóng. Làn vi sóng này được gửi tới lò để nấu. Đây là hình minh họa máy phát vi sóng.

Máy phát vi sóng. (Nguồn: bestmicrowave.hubspace.org)

– Ai phát minh ra lò vi sóng: Nhiều phát minh khoa học như thuốc trụ sinh được tìm ra một cách tình cờ. Lò vi sóng cũng được phát minh ra rất ngẫu nhiên. Máy phát vi sóng được phát minh ra và dùng về quân sự trong những dụng cụ về ra đa. Năm 1946, ông Percy Le Baron Spencer, một nhà khảo cứu của công ty Raytheon, đang nghiên cứu máy phát vi sóng cho ra đa. Một ngày kia trong khi đang làm việc với máy phát vi sóng ông ta nhận thấy là thỏi kẹo trong túi bị chảy ra. Ông ta nghĩ là máy phát vi sóng, mà ông ta đang làm việc với, đã làm thỏi kẹo chảy. Hôm sau ông thử nghiệm với một quả trứng và quả trứng đã bị nổ tung.

Như vậy ông Spencer đã tình cờ nhận thấy rằng vi sóng nấu chín thức ăn nhanh hơn là lò thường rất nhiều. Công ty Raytheon bán lò vi sóng đầu tiên vào năm 1947. Lò này có tên là 1161 Radarange, nặng tới 750 pound và đắt tới $5,000. Lò vi sóng dùng cho gia đình đầu tiên được bán ra thị trường vào năm 1955, nhưng không được ủng hộ cho lắm vì cồng kềnh và đắt tiền. Hơn nữa, nhiều người nghi ngờ lò vi sóng có thể có hại đến sức khỏe. Đến thập niên 1970 thì công chúng Hoa Kỳ mới bắt đầu dùng lò vi sóng nhiều. Đến nay thì 90% nhà ở Hoa Kỳ có lò vi sóng.

Lò vi sóng có hại cho cơ thể không

Lúc đầu lò vi sóng bị nghi ngờ là có hại cho sức khỏe. Lý do là lò vi sóng dùng bức xạ điện từ, người ta nghe chữ bức xạ lại liên tưởng tới phóng xạ nguyên tử. Hơn nữa, từ xưa tới nay con người chỉ nấu nướng bằng sức nóng trực tiếp cảm thấy được. Còn nấu bằng lò vi sóng thì thấy hơi lạ, nhưng bây giờ thì quen rồi, không có không được. Theo cơ quan U.S. Food & Drug Administration thì nếu dùng theo đúng lời chỉ dẫn của nhà sản xuất thì lò vi sóng rất an toàn.

Lò vi sóng được chế tạo làm sao cho vi sóng không thoát ra ngoài được. Ở phía trong chung quanh lò là một lớp kim loại. Lớp kim loại này phản chiếu vi sóng chứ không để lọt ra ngoài. Thế thì còn lớp kính ở mặt trước thì sao? Vi sóng có thể đi xuyên qua kính mà? Lớp kính này luôn luôn có gài một mạng lưới kim loại. Mạng lưới này có lỗ nhỏ hơn độ dài sóng của vi sóng nên vi sóng không thoát ra được.

Ngoài việc theo đúng lời chỉ dẫn của nhà sản xuất, thì bạn nên dùng những đồ đựng thức ăn chế tạo đặc biệt cho lò vi sóng. Không nên dùng chất dẻo vì chất dẻo gần thức ăn nóng có thể bị chảy. Cũng không nên dùng thứ nào có kim loại vì kim loại sẽ phản chiếu vi sóng nên thức ăn đựng trong đó sẽ không nóng và hơn nữa có thể làm hư hại lò.

Lò vi sóng có chốt an toàn, nếu cửa hở thì nó sẽ không chạy. Vì nếu cửa hở mà lò vi sóng chạy thì vi sóng có thể thoát ra ngoài và làm nguy hại tới cơ thể người sử dụng. Cho nên bạn không bao giờ nên sử dụng lò vi sóng nào mà vẫn chạy khi cửa hở.

Lò vi sóng có làm hại thức ăn không

Lò vi sóng là một trong những cách nấu rau tốt nhất vì thời gian nấu nhanh và không cần dùng nước. Theo Cơ Quan Sức Khỏe Thế Giới (World Health Organization) thì thức ăn nấu bằng lò vi sóng cũng an toàn và có cùng chất bổ dưỡng như là nấu bằng bếp thường.

Một vấn đề khi nấu bằng lò vi sóng là nóng không đều, vì vậy có thể có chỗ chín và có chỗ sống. Nên xoay thức ăn và quậy lên để thức ăn được nóng đều.

Lò vi sóng nào tốt

Nếu bạn muốn có một lò vi sóng chỉ để hâm nóng thì không cần quan tâm nhiều các chức năng khác. Tuy nhiên một chức năng nên có là đĩa quay để hâm nóng cho đều. Theo mạng www.bestreviews.com thì 5 lò vi sóng tốt nhất là của hãng Breville, Cuisinart, Farberware, GE và Panasonic. Còn mạng www.bestproducts.com thì  sắp hạng lò vi sóng như sau: Frigidaire kiểu FGM0205KB, Kenmore Elite 80373, Cuisinart CMW-100, Hamilton Beach EM720CGA-PMB và Panasonic NN-SD681S. (Hà Dương Cự)

—————–
Nguồn tài liệu:
http://www.bestproducts.com
http://bestreviews.com
https://www.fda.gov
http://www.who.int

Mời độc giả xem phóng sự “Chợ âm phủ Đà Lạt”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT