Tuesday, April 23, 2024

Luật giao thông cho xe hơi bắt đầu từ xe ngựa, xe lửa

Chuyên mục xe hơi này đã bàn chuyện cổ đông tây, kim cổ trong mọi lãnh vực liên quan đến xe hơi. Nay xin thêm câu chuyện về luật đi đường từ thuở xa xưa cho đến ngày nay, từ một bài viết trên trang mạng “autoevolution.com.”

Luật đi đường là người bạn đồng hành im lặng bên cạnh sự phát triển của ngành công nghệ xe hơi, và hệ thống đường xá lưu thông khắp nơi trên thế giới.

Vào thế kỷ thứ 19, khái niệm về “giao thông” khác xa bây giờ. Bởi vì lúc đó, nào đã có đường nhựa, có hệ thống đèn giao thông, hệ thống biển báo giao thông… Mặc dù chiếc “xe hơi” (automobile) đầu tiên đã xuất hiện vào năm 1885 ở Đức, nhưng số lượng xe hơi lưu hành rất ít.

Bên cạnh xe ngựa, phương tiện giao thông quan trọng nhất, phổ biến nhất vào thời đó vẫn là xe lửa. Đó là phương tiện đưa hàng hóa và con người đi xa nhất, từ thành phố này sang thành phố khác, tiểu bang này sang tiểu bang khác. Dù xe lửa thời đó chậm chạm, ồn ào, khó mà “không nghe” hay “không thấy,” nhưng nó cũng đe dọa đến sự an toàn của người qua đường, và cả ngựa nữa.

Để bảo vệ người dân khỏi tai nạn, Quốc Hội Anh đã cho ra đời bộ luật“giao thông cho xe lửa” đầu tiên vào năm 1861, mang tên “Locomotive on Highway Act,” Có thể nói đây là bộ luật giao thông đầu tiên của nhân loại, nếu người ngày nay xem lại thì sẽ thấy… tức cười! Thí dụ như luật qui định xe có trọng lượng không quá 12 tấn, và chạy tốc độ không quá… 10 mph, tức chỉ nhanh hơn người đi bộ!

Đến năm 1865, đạo luật này cải tiến, và có những điều khoản qui định để bảo đảm an toàn giao thông. Luật quy định tốc độ tối đa ở vùng nông thôn xuống chỉ còn 4 mph, và ở vùng thành thị là 2 mph, tức là tốc độ của người đi bộ. Đặc biệt, luật còn qui định những xe có động cơ khi chạy trên đường phố cũng phải được vận hành bằng ba người: một người lái, một người đốt lò (xe lửa), và một một người cầm cờ đỏ và đèn. Nhiệm vụ của người cầm cờ đỏ là nhắc người lái phải giảm tốc độ theo qui định, và cảnh báo người đi bộ và xe ngựa là xe lửa đang tới (cho dù là chỉ có người điếc và mù mới không biết sự hiện diện của xe lửa).

Đến năm 1896, tức là hơn 30 năm sau, luật “giao thông xe lửa” mới tu chỉnh lại một lần nữa. Lần này đã bỏ luật buộc có ba người vận hành xe, và nâng tốc độ giới hạn lên được 14 mph.

Trong những năm cuối thế kỷ 19, số lượng xe hơi trên đường phố bắt đầu đông lên thấy rõ, cho nên giới hữu trách nghĩ đến nhu cầu phải theo dõi xe và chủ nhân. Bảng số xe ra đời với mục đích này, và quốc gia đầu tiên áp dụng là Pháp vào năm 1893. Hòa Lan là quốc gia đầu tiên áp dụng bảng số xe theo hệ thống trên toàn quốc, gọi nó là bảng cho phép xe vận hành. Tại Mỹ, New York là thành phố đầu tiên sử dụng bảng số xe vào năm 1901, nhưng không khải là do chính quyền quy định, mà do chủ nhân tự đặt ra. Vào năm 1903, Massachusetts là tiểu bang đầu tiên phát hành hệ thống bảng số tiểu bang.

Sau khi đã có bảng số, luật lệ quy định áp dụng cho xe hơi và chủ nhân bắt đầu chặt chẽ hơn. Vào năm 1904, nước Anh là cho ra đời luật “giao thông cho xe hơi” – Motor Car Act. Trong đó lần đầu tiên khái niệm về tội “lái xe không cẩn thận” được sử dụng, và bắt đầu có hình phạt dành cho bên có lỗi trong một tai nạn xe. Gắn bảng số xe đã trở thành bắt buộc. Xe không bảng số là phạm pháp.

Và cũng từ đó, bằng lái xe lần đầu tiên được phát hành. Tuy nhiên, để có bằng lái, người lái xe lúc đó chưa phải đi thi lái xe khổ cực như bây giờ. Họ chỉ phải điền đơn, và đóng tiền, thế là xong!

Tại sao lúc đó dễ, còn bây giờ “làm khó nhau” vì tấm bằng lái dữ vậy? Câu trả lời là hồi đó xe hơi còn ít. Nhưng cũng không phải ngày nay quốc gia có số lượng xe hơi lưu hành càng nhiều thì lấy bằng lái càng khó. Thí dụ điển hình là ở Mỹ, quốc gia có số lượng xe nhiều nhất trên thế giới, nhưng việc cấp bằng lái cũng còn dễ chán so với ở Úc, Châu Âu. Lý do và vì dù ít xe hơi, nhưng những quốc gia này không khuyến khích người dân có thêm xe hơi, sẽ gây ra nạn kẹt xe, ô nhiễm… Úc và Châu Âu đều khuyến khích người dân sử dụng hệ thống phương tiện giao thông công cộng rất tiện nghi, đa dạng sẵn có. Cho nên họ siết chặt việc cấp bằng lái, cũng như hạn chế xe hơi lưu hành.

Nước Anh cũng là nơi đầu tiên có hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Nơi lắp đặt đèn giao thông đầu tiên là bên ngoài tòa nhà Quốc Hội Anh, vào năm 1868, vào lúc đó chỉ có hai màu là đèn xanh và đèn đỏ. Nó cũng không phải là đèn điện, mà sử dụng gas, và phải chuyển đèn bằng tay. Sau một tháng, hệ thống đèn này bị… nổ, và sau đó không thấy được lắp đặt lại. Như vậy là… không cần thiết lắm?!?

Chính người Mỹ thấy hệ thống đèn giao thông hữu ích, nên đã áp dụng lại ý tưởng này vào năm 1912. Nhà phát minh Mỹ này tên là Lester White, được xem là cha đẻ của đèn giao thông điện hai màu xanh-đỏ. Nơi lắp đặt đầu tiên là ngã tư East 105th Street và Euclid Avenue ở Cleveland-Ohio vào năm 1914.

Hệ thống đèn giao thông ba màu xanh-vàng-đỏ xuất hiện lần đầu vào năm 1920 ở thành phố Detroit, Michigan. Người phát minh là William Potts, một cảnh sát viên của thành phố Detroit.

Salt Lake City là thành phố đầu tiên áp dụng việc liên kết nhiều hệ thống đèn giao thông lại với nhau vào năm 1917, với hệ thống đèn giao thông tại 6 giao lộ được chuyển cùng lúc bằng tay.

Hệ thống đèn giao thông chuyển tự động đầu tiên là vào năm 1922 ở thành phố Houston, Texas.

Sau khi một loạt các thành phố ở Mỹ áp dụng thành công hệ thống đèn giao thông trên đường phố, nước Anh mới… bắt chước (!), có hệ thống đèn giao thông đầu tiên vào năm 1927, ở Wolverhampton.

Thế còn biển báo giao thông thì sao? Lịch sử ghi nhận rằng, những biển báo giao thông đầu tiên của loài người đã xuất hiện ở Iraq từ khoảng 4,000 năm trước Công Nguyên. Thời đó, chúng chỉ là những thông tin chạm trổ trên đá, thông báo khoảng cách đến những trung tâm đô thị đông đúc. Chúng không có mục đích hướng dẫn người du hành.

Hệ thống biển báo thời hiện đại đầu tiên được tạo ra vào năm 1895, bởi những người Ý thuộc Italian Touring Club. Đến năm 1909, chín quốc gia Châu Âu đã đồng ý sử dụng một hệ thống biển báo, với những ký hiệu giống nhau để chỉ “bump” hay “khúc cua,” “giao lộ”… Hệ thống biển bào chung này được tiếp tục hoàn thiện, và sử dụng mãi đến tận ngày hôm nay. Ở Mỹ, hệ thống biển báo quốc tế được áp dụng trong khoảng thập niên 1960s. Trước đó, người Mỹ sử dụng hệ thống biển báo của riêng mình.

Và sau cùng là vấn đề về lái xe bên lề trái, hay bên lề phải? Có ai đã từng đặt câu hỏi là tại sao hầu hết các quốc gia trên thế giới đều lái xe bên lề phải, mà chỉ có Anh và một vài quốc gia là lái xe bên lề trái? Tại sao họ lại “ngược ngạo” như thế? Truy lại lịch sử, thì chính đa số thế giới ngày nay mới là… “ngược ngạo!”

Các nhà khảo cổ học Anh đã phát hiện ra rằng người La Mã cổ đại sử dụng lề trái để di chuyển. Tại sao? Nguyên nhân cũng rất khoa học: đó là do đại đa số con người thuận tay phải. Do đó, khi đi bên lề trái, người cưỡi ngựa sẽ dễ dàng dùng tay phải để chống đỡ khi kẻ thù tấn công, hay là bắt tay với bè bạn.

Cũng theo nghiên cứu này, cả thế giới vẫn đi bên lề trái mãi cho đến thế kỷ thứ 18. Chỉ sang đến thế kỷ thứ 19, nhiều nước trên thế giới mới chuyển sang di chuyển bên lề phải. Lý do cũng rất… hợp lý: những người đánh xe ngựa thời đó thường hay ngồi trước con ngựa ở phía ngoài cùng bên trái. Do đó, khi di chuyển bên lề phải, họ dễ ước lượng để giữ khoảng cách an toàn với những chiếc xe ngựa đi từ hướng ngược lại hơn.

Chuyện luật lệ đi đường dành cho xe hơi bắt đầu từ xe ngựa, xe lửa từ thuở xa xưa như vậy đó… (Tư Mỏ Lết)

Luật sư đòi nhân viên tiệm ăn nói tiếng Anh bị chủ đất đuổi

MỚI CẬP NHẬT