Friday, March 29, 2024

Luật Hiến Pháp: Diễn giải và áp dụng Hiến Pháp (tiếp theo)

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. website: www.lylylaw.com

Trong Hiến Pháp những điều luật về dân quyền không liệt kê rõ những khoản được bảo vệ nhưng những dẫn giải áp dụng thường rất gần với những điều luật viết. Thí dụ trong Tu Chính Thứ Nhất về tự do ngôn luận thì cũng không khó hiểu khi diễn giải những hành động không lời như đốt cờ chẳng hạn. Nhưng những chuyện hoàn toàn riêng tư cá nhân khác có được Hiến Pháp bảo vệ hay không chẳng hạn như vấn đề phá thai? Ngoài những điều luật bảo vệ dân quyền chính yếu trong các Tu Chính, Tối Cao Pháp Viện có định nghĩa một số dân quyền khác được gọi chung là quyền riêng tư (right of privacy), quyền cá nhân (personhood), quyền tự quản cá nhân (personal autonomy) đã cố hữu trong Hiến Pháp theo tinh thần của hệ thống “tự do trong trật tự” đặt trên căn bản nhân quyền.

Từ thời trước đã có hai án lệ quan trọng về tự do cá nhân là vụ Meyer v. Nebraska (1923) và vụ Pierce v. Society of Sisters (1925). Trong vụ đầu thì tiểu bang Nebraska cấm không cho dậy ngoại ngữ cho học trò dưới lớp tám. Trong vụ sau tiểu bang Oregon bắt tất cả học sinh đều phải theo học trường công. Tối Cao Pháp Viện đã dẹp bỏ hai sắc luật này cho rằng chính quyền đã ngăn trở việc đào tạo các thầy giáo sinh ngữ làm học sinh mất cơ hội trau dồi kiến thức và lấn quyền cha mẹ trong việc giáo dục lấy con cháu họ. Hai vụ án trên đã cho thấy tầm quan trọng của cha mẹ trong việc chú tâm đến học vấn của con cái. Trong án lệ khác là Loving v. Virginia (1967), Tối Cao Pháp Viện đã xử Virginia bất hợp hiến trong việc cấm hôn nhân giữa người da đen và da trắng, và trong vụ Boddie v. Connecticut (1971) tòa phán rằng luật Connecticut bắt buộc những ai nộp đơn xin ly dị phải nộp lệ phí sẽ không áp dụng đối với những người nghèo không có tiền nộp. Cả hai vụ đều được xử trên căn bản hôn nhân, bắt buộc tiểu bang không được cấm cản quyền của một cá nhân muốn vào hay ra khỏi cuộc sống vợ chồng.

Một lãnh vực tự do cá nhân được bàn cãi nhiều nhất là quyền tự do sinh sản. Án lệ Meyer và Pierce đề cập ở trên liên quan tới việc chính phủ kiểm soát trí tuệ con người, trong khi các vụ xử tự do sinh sản liên quan đến thể xác con người. Trong án lệ Skinner v. Oklahoma (1942) Tối Cao Pháp Viện hủy bỏ một điều luật của Oklahoma bắt buộc những tội nhân từng có tiền án từ hai lần trở lên đều bị triệt sản (giải phẫu không cho khả năng có con được) theo đó Tối Cao Pháp Viện khẳng định rằng quyền sinh sản là một dân quyền căn bản. Sau đó có hai án lệ khác là vụ Griswold v. Connecticut (1965) theo đó hội Planned Parenthood bị ra tòa vì cho thân chủ dùng thuốc và vật liệu ngừa thai là vi phạm luật cấm ngừa thai của tiểu bang. Tối Cao Pháp Viện dẫn giải rằng mặc dù quyền tự do trong hôn nhân không đề cập trong Hiến Pháp nhưng “hôn nhân là một dân quyền còn lâu đời hơn cả Hiến Pháp.” Sau đó đến vụ Eisenstadt v. Baird (1972) bị can Eisenstadt cũng bị truy tố vi phạm luật tiểu bang vì cung cấp thuốc ngừa thai cho một phụ nữ chưa chồng. Tối Cao Pháp Viện xử rằng quyền tự do cá nhân trong lãnh vực sinh sản không giới hạn chỉ cho vợ chồng mà còn áp dụng cho tất cả mọi người kể cả độc thân.

Vào năm 1973 sóng gió nổi lên sang lãnh vực quyền tự do phá thai với án lệ Roe v. Wade theo đó Tối Cao Pháp Viện hạn chế không cho tiểu bang ngăn cấm hay kiểm soát quyền phụ nữ muốn phá thai vì đó là một quyền hiến định. Tòa cho rằng quyền riêng tư cá nhân bao gồm cả quyền của một phụ nữ khi mang thai được tự quyết định giữ bầu hay phá đi. Dĩ nhiên ảnh hưởng các vụ xử này tràn lan khỏi tòa án biến thành các tranh luận chính trị, gây ra các cuộc biểu tình ủng hộ hay phản đối, là động lực cho các cuộc bạo động đốt phá các dưỡng đường phá thai và ám sát bác sĩ giúp phá thai. Trong vụ Roe tòa nhận ra ba điều đôi bên mong muốn. Người phụ nữ muốn tự quyết định giữ hay phá thai theo căn bản tự quản cá nhân qua các vụ Meyer và Pierce. Chính phủ tiểu bang thì có hai ý muốn vừa kiểm soát an toàn cho bệnh nhân vì phá thai là một thủ tục y khoa đồng thời tiểu bang cũng muốn bảo vệ thai nhi.

Tối Cao Pháp Viện xem quyết định giữ hay phá thai như là một quyền hiến định căn bản vì lý do liên hệ đến đời của một phụ nữ. Chính quyền tiểu bang chỉ có thể hành xử quyền xen vào đời sống của một phụ nữ nếu có lý do chính đáng. Thí dụ tiểu bang không bắt buộc phải quan tâm bảo vệ sức khỏe cho người mẹ trong ba tháng đầu khi người đàn bà mới mang bầu vì ở thời điểm này hiểm họa cho sức khỏe của người mẹ thì không bằng hiểm họa sinh nở bình thường. Đến thời kỳ tiếp qua ba tháng sau nữa chính quyền tiểu bang có quyền kiểm soát vấn đề phá thai bằng biện pháp vừa phải để bảo vệ sức khỏe của người mẹ, thí dụ như bắt buộc việc này phải được tiến hành ở một dưỡng đường có đăng ký. Tòa kết luận rằng dù dẫn chứng theo Tu Chính Thứ Mười Bốn hay theo các luật lệ khác thì cái bầu vẫn chưa được kể là người, do đó không cần chính quyền tiểu bang bảo vệ thai nhi vào thời kỳ đầu mới có mang. Tuy nhiên vào thời kỳ cuối cùng khi thai nhi trở nên tự sống sót được (có nghĩa là có thể sống được nếu lọt khỏi lòng mẹ) thì chính quyền tiểu bang có đủ lý do hợp lý và y lý để bảo vệ thai nhi. Do đó trong ba tháng cuối cùng trước khi sinh nở chính quyền tiểu bang có quyền hợp pháp ngăn cấm không cho phá thai trừ trường hợp vì sức khỏe và sinh mạng của người mẹ bị lâm nguy nếu tiếp tục mang thai.

Sau vụ Roe thì lập pháp tại nhiều tiểu bang vẫn cố ngăn cấm hay kiểm soát vấn đề phá thai. Thí dụ như chính quyền tiểu bang bắt buộc việc này phải tiến hành ở một nhà thương hay dưỡng đường có hội đủ tiêu chuẩn y khoa an toàn nhưng không cần phải là một bệnh viện lớn. Điều nên nhớ là dù chính quyền liên bang bị bắt buộc phải tôn trọng luật cho phá nhưng không có nghĩa là phải có bổn phận chu toàn việc thi hành phá thai, thí dụ chính phủ có quyền từ chối không cấp Medicaid để trả tiền bệnh viện, thuốc men, và bác sĩ. Cuối cùng Tối Cao Pháp Viện xác định rằng tự ý quyết định phá thai là một dân quyền căn bản, tuy nhiên phải xét xem tiểu bang có làm điều gì áp chế quá đáng (undue burden) trên quyền tự quyết của người phụ nữ hay không. Thí dụ trong án lệ Planned Parenthood v. Casey việc bắt buộc trước khi tiến hành phá thai phải đợi 24 tiếng từ lúc người phụ nữ tham khảo với bác sĩ không phải là áp chế quá đáng. Tuy nhiên việc bắt người phụ nữ phải chứng nhận có thông báo cho chồng biết mình sắp đi phá thai là bất hợp pháp, bởi vì qua nhiều thăm dò cho thấy sự kiện này thường đưa đến hậu quả bị chồng bạo hành hay ngược đãi làm cho người phụ nữ không còn tự do quyết định phá thai được nữa.

Đề tài phá thai đã gây ra hàng trăm phán quyết tại tòa, cùng nhiều dự luật đưa ra trước quốc hội, và nhiều cuộc đấu lý chính trị nẩy lửa cũng như các cuộc bàn cãi gay go sôi nổi trong quần chúng. Tuy nhiên vấn đề này còn là đề tài tranh luận được tóm tắt trong câu hỏi là quyền tự quyết định phá thai ở đâu mà ra? Nói một cách tổng quát hơn Tối Cao Pháp Viện xác định Hiến Pháp định nghĩa quyền tự do cá nhân ra sao? Thực ra không có điều khoản nào trong Hiến Pháp hướng dẫn Tối Cao Pháp Viện trong các phán quyết định đoạt kết quả từng vụ án. Điều mà Tối Cao Pháp Viện đã làm là diễn giải ‘quyền riêng tư cá nhân’ tương tự như các lãnh vực dân quyền khác cho phù hợp với phát triển văn minh, xã hội, chính trị, và kinh tế theo sau việc thừa nhận Hiến Pháp, do đó quyết định phá thai là một điều có tính cách riêng tư của người phụ nữ mà chính quyền không thể dễ dàng xen vào quyền tự quyết của người ấy.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục phần tìm hiểu về dân luật với thủ tục kiện tụng. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) để giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi, và không thể coi như sự liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên hệ đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, Điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT