Friday, April 19, 2024

Luật Khánh Tận California – hoàn cảnh nào nên khai phá sản?

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080; 114 E. Chance A La Mer, Suite 100, Ocean Shores, Washington, Điện thoại: (360) 633-8880, website: www.lylylaw.com.

Rất nhiều người đang lúng túng vì mắc nợ quá nhiều không đủ khả năng trả tối thiểu hàng tháng đã thế còn bị đòi nợ phiền nhiễu, trong hoàn cảnh này khai phá sản có lợi không?

Hoa Kỳ là một xứ tư bản nên giới tiêu thụ ở đây hầu hết ai cũng mắc nợ cả, hàng tháng tiền kiếm về ngoài các chi tiêu căn bản còn lại để thanh toán mọi món nợ theo kỳ hạn thỏa thuận. Những người chu toàn việc trả nợ sẽ có thành tích tín dụng tốt được các ngân hàng hay công ty tín dụng (gọi chung là chủ nợ) tín nhiệm sẵn sàng chấp thuận tài trợ mọi giao dịch tiêu thụ mua sắm nếu yêu cầu. Ngược lại có người để nợ quá trớn, số lợi tức thâu vào không đủ để trả tối thiểu hàng tháng tất nhiên trả chậm trễ trở thành vi phạm giao kèo (delinquent) bị ghi thành tích tín dụng xấu đưa đến hậu quả bị đòi nợ và nhiều biện pháp chế tài khác như tăng lãi và tính tiền phạt nặng nề. Hầu hết những trường hợp khủng hoảng tài chánh thường bắt đầu do một hoàn cảnh nào đó xẩy ra khiến mức lợi tức hàng tháng không đủ để trả các phiếu nợ trong tháng đưa đến tình trạng sớt đầu này trả đầu kia, thâm thủng tiền tiết kiệm hoặc rút tiền ứng trước từ các thẻ tín dụng nên càng lún sâu thêm vào vòng nợ nần. Nếu tình trạng không cải tiến có nghĩa là không phục hồi lại được mức quân bình giữa lợi tức và tiền nợ hàng tháng sẽ đưa đến tình trạng trả chậm không bắt kịp ngày đáo hạn. Sau khi chậm hai ba kỳ thì phản ứng đầu tiên của chủ nợ là không ngừng gọi điện thoại nhắc nhở.

Chủ nợ thường dùng các dịch vụ đòi nợ (collection agencies) để đối phó với những người nợ chậm trả tiền tháng. Dịch vụ đòi nợ là các hãng tư chuyên nghiệp được trả tiền công để đi đòi nợ, nhân sự thi hành việc này đều được huấn luyện những phương pháp truy thu gay gắt tùy theo từng đối tượng. Nhân viên đòi nợ thường có lời lẽ và hành động rất cứng rắn và thô lỗ, họ không từ bỏ bất cứ biện pháp nào có thể đeo đuổi hay quấy nhiễu người nợ. Họ làm áp lực bằng đủ mọi thủ đoạn, sử dụng mọi mánh khóe để đòi cho bằng được kể cả mọi cách gây điêu đứng làm lung lay tinh thần của nạn nhân. Hành động điển hình nhất là liên tiếp gọi điện thoại, viết thư hăm dọa hoặc áp dụng những phương cách bá đạo có mục đích làm cho con nợ sợ sệt mà phải chạy tiền để trả cho yên thân.

Bắt đầu bị dịch vụ đòi nợ “hỏi thăm” là dấu hiệu khởi sự khủng hoảng tài chánh trầm trọng. Trước tình thế này ai cũng nghĩ tới phá sản nhưng quyết định này là một điều rất khó nghĩ vì hầu hết mọi người thường do dự không biết nên nhờ luật pháp giúp giải thoát xóa bỏ tất cả để làm lại cuộc đời hay nên tìm cách giải quyết khác. Để đi đến quyết định quan trọng này trước hết phải kiểm điểm lại tình trạng tài chánh thực sự của mình một cách chính xác với tổng số nợ cùng lợi tức hàng tháng hiện có hay những khoản tiền có thể bán những tài sản đáng giá để trả nợ. Tùy theo loại nợ và nếu nợ quá nhiều không có cách nào trả được thì bắt buộc phải phá sản để thoát nợ. Nếu tổng số nợ không thế chấp không quá lớn và còn một ít lợi tức cầm cự được không đáng để khai vỡ nợ thì có thể để ý đến phương sách khác.

Ngân sách tiêu chuẩn của một người trong tình trạng bình thường phải hội đủ ít nhất 35% chi cho nhà cửa, 15% cho xe cộ, 15% cho nợ nần, 10% tiết kiệm để dành và 25% cho mọi chi tiêu khác. Dĩ nhiên gặp hồi tài chánh khủng hoảng mức tiền trả nợ chiếm 100% ngân sách cá nhân hay nhiều hơn nữa, do đó trước hết phải trừ ra chi phí sinh sống căn bản kể cả tiền nhà và tiền xe cộ rồi phần còn lại mới tính tất cả nợ trong vòng ba năm liệu có thể trả dứt với lãi xuất hiện hành không? Không nên tính trả các thẻ tín dụng mức tối thiểu mà phải tính trả dứt hẳn với lãi xuất hiện hành, ngoài ra còn xét xem những biện pháp có thể thực hiện được như giảm bớt khoản chi nào hay tăng lợi tức bằng cách kiếm việc làm phụ thêm hoặc bán đi những món tài sản có giá trị để trả nợ. Cần nhấn mạnh không nên tính rút những trương mục hưu bổng như 401K để thanh toán nợ vì theo luật các ngân khoản hưu trí được miễn trừ, các chủ nợ không đụng tới được. Những khoản tiền này một khi rút ra để xài thì rất khó có thể gây dựng lại được và quan trọng hơn cả nếu rút tiền hưu trí để trả nợ sẽ tạo ra nợ mới dưới hình thức thuế lợi tức và tiền phạt vì rút sớm, ý định thoát nợ cũ sẽ biến thành buộc nợ mới mà chủ nợ mới sẽ là sở thuế IRS thay vì các chủ nợ hiện tại.

Có quyết định khai phá sản kịp thời trước tình trạng ngập nợ vô phương giải quyết trước hết giúp cho người nợ được bình an trước những hành động quấy nhiễu của dịch vụ đòi nợ, sau đến cơ hội rũ sạch nợ nần để làm lại sự nghiệp từ đầu. Khai phá sản đúng lúc có luật sư chuyên môn trợ giúp thì có thể vừa xóa được nợ mà vẫn giữ được phần lớn tài sản hiện hữu. Một người nợ nhiều hơn khả năng trả chắc chắn sẽ bị lún sâu thêm vào nợ trừ phi có được một tài sản lớn hơn đem bán đi mà trả nợ. Thay vì phải chật vật xoay xở tìm cách trả số tiền tối thiểu hàng tháng nhờ khai phá sản có thể khởi sự lại ngay từ đầu chỉnh đốn lại tình trạng tài chánh cá nhân, gây dựng lại thành tích tín dụng và dành dụm tiền cho tương lai đỡ lãng phí thời gian kéo dài trả lãi do nợ. Một luật sư khánh tận giỏi có thể giúp hướng dẫn thân chủ thiết lập lại tình trạng tài chánh và khởi sự lại đời mới.

Mướn luật sư khánh tận có thể chặn đứng được sự quấy nhiễu của chủ nợ cùng các dịch vụ đòi nợ. Một khi đã quyết định khai phá sản người nợ coi như đã tìm được giải pháp thoát hiểm. Trước hết nên tìm một luật sư có uy tín để tham khảo trường hợp của mình. Hiển nhiên mỗi vụ khai phá sản tùy theo hoàn cảnh từng cá nhân khác nhau nên không ai bảo đảm kết quả mọi vụ sẽ giống nhau, tuy nhiên thủ tục và luật lệ áp dụng không có gì khác biệt sẽ cùng đưa đến kết quả cuối cùng là giải thoát cho người khai thoát khỏi nợ nần để có cơ hội làm lại sự nghiệp. Sau khi tham khảo và đồng ý mướn luật sư đại diện tiến hành thủ tục vụ khai, luật sư sẽ hoàn tất mọi đơn từ và hồ sơ cần thiết nộp cho tòa án. Đồng thời người nợ có quyền yêu cầu tất cả dịch vụ đòi nợ liên lạc thẳng với luật sư của mình và đình chỉ mọi hành động đòi nợ. Sau khi nhận được hồ sơ xin phá sản tòa án sẽ chỉ định một “tín viên khánh tận” (bankruptcy trustee) quản trị tài sản và thanh toán tùy theo Chương 7 hay Chương 13.

Tuần tới chúng tôi sẽ nêu vài giải pháp thay thế khai phá sản theo luật khánh tận California. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, điện thoại: (714) 531-7080; 114 E. Chance A La Mer, Suite 100, Ocean Shores, Washington, điện thoại: (360) 633-8880, website:lylylaw.com. (Luật Sư LyLy Nguyễn)

Mời độc gỉa xem chương trình du lịch “Ghé thăm thủ đô Rome ở Ý”(Phần 2)

MỚI CẬP NHẬT