Thursday, March 28, 2024

Luật Khánh Tận: Số phận những tài sản đáng giá khi khai phá sản

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. website: www.lylylaw.com

Những ai khai phá sản không phải chỉ có nỗi lo lắng mất nhà mà còn thấy viễn ảnh mất tất cả mọi thứ được liệt kê là tài sản. Dĩ nhiên bất cứ người nào khi vỡ nợ cũng muốn giữ lại được sau nhà cửa là những món đáng giá như xe cộ, nữ trang hay các món đồ ưa chuộng khác. Bài này sẽ giúp tìm hiểu những món tài sản nào có nguy cơ không giữ được nhưng tại Hoa Kỳ điều đáng mừng đáng ghi nhận là từ trước tới nay rất ít ai bị mất hết tài sản khi khai phá sản.

Theo căn bản luật khánh tận, nếu dàn xếp nợ nần theo Chương 13 để trả dần theo hạn định thì không bao giờ sợ mất tài sản trừ phi tình trạng trả tiền chậm trễ tái diễn. Ngược lại nếu khai theo Chương 7 tín viên sẽ tóm thâu tất cả tài sản không miễn trừ (non-exempt) đem bán đi để thanh toán cho các chủ nợ mức tối đa có thể được rồi xóa hẳn số còn lại. Ngay lúc mới nộp đơn xin phá sản thì tất cả các vật sở hữu của người khai được gọi là tài sản khánh tận (bankruptcy estate). Người khai phải lập bản liệt kê “tài sản khánh tận” gồm một danh sách ghi tất cả các món không miễn trừ và một danh sách khác là những tài sản xin miễn trừ. Tài sản khánh tận gồm có tất cả những gì người khai làm sở hữu chủ và chiếm hữu thí dụ như nhà cửa, xe cộ, thuyền bè, quần áo, tư trang, máy móc điện tử gồm hệ thống điện toán, truyền hình, máy hát…, bàn ghế giường tủ, đồ nghề, tranh vẽ nghệ thuật, chứng chỉ cổ phiếu… Những vật dụng tuy không nắm trong tay nhưng có chủ quyền cũng được kể vào danh sách tài sản khánh tận thí dụ như đồ đạc xe cộ cho người khác mượn sử dụng, chứng chỉ cổ phiếu, tiền đặt cọc điện nước do trung gian đầu tư hoặc công ty cung cấp nắm giữ…, ngược lại không kể đến những gì đang chiếm hữu nhưng thuộc về người khác. Ngoài ra còn kể đến các tài vật tuy chưa có nhưng sẽ nhận được như tiền thuế bồi hoàn, tài sản kế thừa do di chúc để lại, tiền bồi thường bảo hiểm chưa được trả, tiền bán hàng hay dịch vụ đã cung cấp nhưng chưa được thanh toán (account receivable). Luật khánh tận được áp dụng khác biệt tại các tiểu bang theo luật tài sản cộng đồng là chín tiểu bang sau đây: Arizona, California, Idaho, Louisiana, Nevada, New Mexico, Texas, Washington, và Wisconsin. Tại các tiểu bang này các tài sản vợ chồng mua sắm lúc sống chung được kể như tài sản cộng đồng, có nghĩa là người chồng hay vợ dù khai vỡ nợ cá nhân nhưng những tài sản chung cũng vẫn bị kể là tài sản khánh tận dù người kia không đứng tên trong đơn khai. Chỉ có những tài sản nào người hôn phối đứng tên riêng thì mới không bị ảnh hưởng tới. Tại 41 tiểu bang khác không theo luật tài sản cộng đồng, tài sản khánh tận gồm có tất cả tài sản người khai đứng tên riêng cùng một nửa tài sản vợ chồng đứng tên chung. Thông thường tất cả các tài vật mới có được trong vòng 180 ngày sau khi khai sẽ không bị kể là tài sản khánh tận ngoại trừ những món sau đây bắt buộc phải khai lại với tòa là gia tài mới được để lại; tài sản do hôn nhân hay ly dị mới được chia phần; tiền bảo hiểm nhân thọ mới được bồi thường.

Để được phép giữ lại những tài sản miễn trừ trước hết phải lập một bản tổng kê tất cả tài sản đang có trong tay rồi ước tính giá trị từng món thành tiền theo thời giá. Thông thường luật sư có thể giúp thiết lập bản kê khai này sao cho lợi nhất để người khai mất càng ít càng tốt bằng cách khai giá thấp nhất có thể bán được ở chợ trời hay đăng báo quảng cáo. Nên nhớ ước lượng cho hợp lý và càng thấp bao nhiêu thì càng nhiều cơ may được giữ lại món đồ đó. Nếu có đứng tên chung với ai thì chỉ ước lượng phần trăm phần mình mà thôi. Ngoài ra chỉ nên tính giá trị món đồ đó theo vốn liếng, thí dụ một người mua một chiếc xe hơi hai năm trước đã bỏ ra $3,000 tiền mặt cùng vay nợ $25,000. Nếu chiếc xe hiện tại trị giá $21,500 và vẫn còn nợ $19,500 thì vốn liếng trong xe sẽ là $2,000 tính như sau: ($21,500 – $9,500 = $2,000) mặc dù đã bỏ $18,500 ra trả. Ngoài ra trong Luật Khánh Tận Liên Bang còn có một bảng liệt kê một số món được miễn trừ bất kể giá trị là bao nhiêu cùng một số món khác được miễn trừ theo giới hạn ấn định, có nghĩa là phần trị giá sai biệt hơn mức ấn định được kể như không miễn trừ phải nộp cho tín viên bán đi, nếu bán được đương sự nhận phần miễn trừ còn lại bao nhiêu tín viên mới phân phối trả cho các chủ nợ. Riêng ở California xe cộ được miễn trừ tới $3,050 vốn liếng có trong xe hoặc $8,000 vốn liếng nếu xe đó sử dụng chính yếu để đi làm ăn; miễn trừ tất cả các món sau: quần áo cần thiết, bàn ghế giường tủ, các đồ đạc máy móc gia dụng; $8,000 nữ trang hay các tác phẩm nghệ thuật quí giá; $8,000 sách vở và các dụng cụ làm việc cần thiết.

Trên thực tế rất ít người bị mất tài sản khi vỡ nợ ngoại trừ các loại sau đây mà tín viên rất “thèm” – nên lưu ý tìm cách chuyển tên trước khi có ý định khai phá sản nếu không muốn mất – đó là vốn liếng đã trả trong xe cộ; các loại nhạc cụ đắt giá như dương cầm; các hệ thống điện tử cao cấp tối tân; các bộ sưu tầm tem thư hay tiền xu hiếm hoi; các trương mục ngân hàng; cổ phiếu, công khố phiếu hay các loại đầu tư có hình thức khác; vốn liếng buôn bán; các tác phẩm hội họa hay điêu khắc đáng giá, nữ trang và y phục đắt tiền, bảo vật gia truyền… Riêng những khoản tiền hưu trí đặt dưới Luật Lợi Tức Đầu Tư Hưu Bổng Cho Người Làm Việc ERISA (Employee Retirement Income Security Act) thí dụ như tiền hưu trí (pension) hay 401K đều an toàn không bị kể vào danh sách tài sản khánh tận, tuy nhiên có thể bị mất IRA. Để biết rõ trương mục hưu trí được ERISA bảo vệ hãy tham khảo với luật sư chuyên môn về khánh tận hoặc hỏi ban quản trị hưu trí (pension plan administrator) tại nơi làm việc của mình. Nếu có quá nhiều tài sản sợ không giữ lại được thì nên tính trước xem có thể đem bán những vật dụng không miễn trừ trước khi khai. Số tiền bán được sẽ dùng để mua lại tài sản miễn trừ sau này còn dùng làm vốn làm lại cuộc đời; hoặc để trả những món nợ không xóa được đã đề cập trong những bài trước. Trường hợp này phải cẩn thận đợi ít nhất 90 ngày sau khi trả rồi mới khai, hoặc đợi ít nhất một năm sau nếu là tiền trả cho thân nhân, bạn bè hay người cộng tác buôn bán. Nên tham khảo với luật sư để biết rõ tòa địa phương cho phép chuyển những khoản nào và chuyển cho ai để tránh bị tòa coi như cố ý lừa đảo (fraud) các chủ nợ. Ngoài ra có đôi lúc nợ nhiều quá tốt hơn hết “bỏ của chạy lấy người” đem nộp tài vật để thoát cảnh nợ nần, hoặc xoay xở nếu có thể mua lại từ tín viên các vật dụng bị tóm thâu mà muốn giữ lại. Có nhiều trường hợp đồ đạc không miễn trừ khó bán hay không bán được chắc chắn tín viên bỏ qua không đếm xỉa tới nữa và cuối cùng người khai vẫn giữ được món đồ đó.

Với các tài sản được thế chấp khi mua, nếu không trả được thì chủ nợ tài trợ sẽ tịch thu để bán đi mà trả món nợ đó, người khai phải giao hoàn (surrender) để giải nợ. Người khai còn có quyền “mua lại” món đồ (redeem property) thay vì để chủ nợ xiết đi và món đồ sau khi mua lại không còn kể là đồ thế chấp nữa. Quyền “mua lại” chỉ áp dụng cho các hiện vật cá nhân chứ không được kể đến những tài sản không hiển thị (intangible property) hay tài sản thương mại. Chót hết nếu muốn giữ những món đồ có thế chấp không bằng cách trên thì phải tái xác nhận món nợ (reaffirm the debt) có nghĩa là đồng ý giữ món nợ và có bổn phận trả hàng tháng như trước khi khai phá sản. Trong thực tế một khi vỡ nợ không ai muốn xác nhận lại nợ cả vì chẳng những không giải tỏa được gì mà còn kẹt cứng thêm sau này khi món đồ cũ kỹ hay lỗi thời vô giá trị. Sau khi tòa đã cho xóa nợ luật sư của các chủ nợ thường vẫn hay gửi thư kèo nài đề nghị tái xác nhận. Những ai gặp trường hợp này chớ dại nhận lời tái xác nhận mà nên tham khảo với luật sư của mình.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu luật khánh tận Hoa Kỳ về cách xóa các món nợ không thế chấp như nợ các thẻ tín dụng. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, Điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com. (Luật Sư LyLy Nguyễn)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT