Saturday, April 20, 2024

Tìm hiểu luật khánh tận

Luật Sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật
Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại
nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch
Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền
điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp.
Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin
ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều
đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty
và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi
tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang
và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại
văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California
92708. Điện thoại: (714) 531-7080, website: www.lylylaw.com

Luật Sư LyLy Nguyễn

TMuốn khai phá sản theo Chương 12, đương sự phải có ít nhất 80% số nợ xuất xứ từ hoạt động canh tác hay chăn nuôi, do giới hạn khai nợ cao hơn. (Hình minh họa: Ob Englaar/ANP/AFP via Getty Images)

Để giúp quý độc giả có ý niệm về sự áp dụng luật khánh tận ra sao, trước hết
chúng tôi xin tóm lược căn bản luật khánh tận trước khi phân tích những điều kiện
cần thiết để được khai phá sản. Đây là một thủ tục theo luật liên bang Hoa Kỳ do
quốc hội tạo ra, nhằm mục đích giúp cho các tư nhân hay cơ sở thương mại có cơ
hội rũ sạch nợ nần hoặc trả nợ dần dưới sự bảo vệ của chính quyền. Khai phá sản
thường được mô tả hoặc là “giải” (”liquidation”) hay “tái tổ chức”
(”reorganizations”) tình trạng nợ nần.

Chương 7 của bộ luật khánh tận áp dụng để “giải” nợ như định nghĩa ở trên. Theo
đó, tài sản của người khai phá sản sẽ được đem bán (giải quyết) để lấy tiền trả nợ
càng nhiều càng tốt, nhưng đồng thời cũng được giữ lại một phần tiền đủ cho
người phá sản có phương tiện khởi sự làm lại đời mới.

Theo Chương 7, nếu một cá nhân nộp đơn tới tòa xin xóa nợ thì được gọi là
“khánh tận cá nhân,” còn một cơ sở thương mại xin giải nợ thì được gọi là “khánh
tận thương mại.” Một vụ khai phá sản theo Chương 7 thường kéo dài từ ba tới sáu
tháng.

Khai phá sản theo Chương 7, thì một số tài sản cá nhân phải đem bán đi để trả bớt
nợ. Bù lại phần lớn các khoản nợ không có thế chấp (tức là nợ không bị buộc một
vật gì để bảo đảm) sẽ được xóa bỏ. Người khai vẫn được quyền giữ các tài sản
được luật liên bang và tiểu bang liệt kê vào loại “miễn trừ’ (exempt), thí dụ như
quần áo, xe cộ hay đồ đạc trang bị nội thất (furniture). Nếu người khai không có
nhiều đồ đạc thì có cơ hội được xếp vào loại “miễn trừ” (”exempt”) và vụ khai
coi như “vô tài sản” (”no asset” case)

Nếu là nợ cầm thế, thí dụ như nợ tiền vay mua nhà hay xe, khi ký giao kèo vay
tiền người mua bằng lòng lấy ngôi nhà hoặc chiếc xe bảo đảm cho món nợ.
Trường hợp này người nợ có hai lựa chọn, hoặc để chủ nợ tịch thu nhà hay xe
hoặc tiếp tục trả tiền hàng tháng nếu chủ nợ bằng lòng; hoặc trả hết cho chủ nợ
một số tiền tương đương trị giá thị trường lúc đó.

Không phải bất cứ ai cũng khai được Chương 7. Thí dụ, nếu người ấy có tổng số
“lợi tức sử dụng được” (disposable income) sau khi trừ đi mọi chi phí có chấp
thuận và trừ đi các khoản tiền nợ ưu tiên như tiền cấp dưỡng và nợ thuế, hay nợ
cầm thế mà tính ra còn nhiều hơn thì sẽ không được khai theo Chương 7.

Ngoài ra, luật khánh tận không có hiệu lực với vài loại nợ. Dù rằng khai phá sản
có thể xóa rất nhiều nợ, thí dụ như nợ thẻ tín dụng, nợ bệnh viện và các loại nợ
không cầm thế khác, nhưng không thoát được nợ ưu tiên như tiền trợ cấp cho con
và vợ cũ hay nợ thuế.

Chương 13 của bộ luật khánh tận áp dụng để “tái tổ chức” giúp đắc lực cho dân
tiêu thụ được trả nợ dần trong vòng từ ba tới năm năm. Chương 13 dùng cho
người có lương bổng (wage earner), bởi vì muốn trả nợ dần thì bắt buộc người nợ
phải có nguồn lợi tức chắc chắn để thanh toán một phần nợ.

Một điều kiện nữa, muốn xin phá sản theo Chương 13, người khai phải có tổng số
nợ cầm thế ít hơn $1,395,875 và nợ không cầm thế ít hơn $465,275.

Khi theo Chương 13, người nợ sẽ đề nghị một lịch trình trả nợ rõ ràng và xác
nhận làm cách nào thanh toán được trong vòng từ ba tới năm năm tới. Số tối thiểu
phải trả sẽ tùy theo tiền kiếm được và nợ bao nhiêu, và mỗi chủ nợ không cầm thế
đáng lẽ nhận được nếu khai phá sản theo Chương 7.

Người nợ cầm thế khai theo Chương 13 sẽ có cơ hội trả bù những tháng còn
thiếu, để tránh không bị câu xe hoặc tịch thu nhà đất. Người nợ cũng có thể gộp
luôn những tháng còn thiếu chưa trả vào chung một lịch trình trả nợ mới.

Ngoài Chương 7 và Chương 13, luật khánh tận còn có Chương 11 và Chương 12.
Chương 11 là loại phá sản cho những công ty đang lâm vào tình trạng khủng
hoảng có cơ hội chỉnh đốn lại tổ chức và tài chánh. Chương 11 cũng có thể dùng
cho cá nhân, tuy nhiên vì lý do thủ tục tốn kém và tốn thì giờ nên thường chỉ áp
dụng cho những người có tổng số nợ ra ngoài giới hạn nói trên của Chương 13,
hoặc cho những người đang làm chủ nhiều bất động sản như có nhiều nhà đất
chẳng hạn.

Chương 12 cũng giống như Chương 13, nhưng đặc biệt dành cho chủ nhân các
trại chăn nuôi hay trồng tỉa. Muốn khai phá sản theo Chương 12, đương sự phải
có ít nhất 80% số nợ xuất xứ từ hoạt động canh tác hay chăn nuôi. Chương 12 có
giới hạn khai nợ cao hơn, thích hợp với những nợ lớn do kinh doanh nông trại.
Chương này chỉ giúp ích một số ít người hội đủ điều kiện nên không mấy đại
chúng. Theo thống kê mỗi năm, chỉ có vài trăm vụ khai theo Chương 12 trong lúc
có hàng ngàn vụ khai theo Chương 13.

Luật khánh tận áp dụng đồng đều cho mọi người dân sống trên đất Mỹ, nên dĩ
nhiên ai cũng có quyền xin phá sản khi bị nợ nần dồn ép vào chân tường không lối
thoát.

Như đã trình bày ở trên, Chương 7 là một dụng cụ dùng để khai phá sản có mãnh
lực rất mạnh để xóa nợ. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng có thể xin khai theo
Chương 7 để rũ sạch nợ được.

Trước hết, những người đủ sức trả nợ dần theo Chương 13, có nghĩa là vẫn còn
nguồn lợi tức nhưng không đủ để trả hết như bình thường. Theo luật khánh tận cũ,
ai muốn khai theo chương nào thì khai, ngoại trừ trường hợp bị vị chánh án bác
đơn vì xét thấy đương sự có đủ “lợi tức sử dụng được” để trả nợ theo lịch trình ấn
định theo Chương 13. Thực ra, không có điều luật cứng rắn nào để vị chánh án
căn cứ vào đó để bác đơn, mà hoàn toàn do nhận định xét theo yếu tố trong vụ
khai và thái độ của chánh án.

Hiện luật khánh tận mới đã có hiệu lực, luật pháp nay đặt ra tiêu chuẩn để tòa
quyết định cho phép những người nộp đơn xin khai khánh tận ai sẽ được đặc ân
theo Chương 7 mà xóa nợ, và ai phải bắt buộc theo Chương 13 mà trả nợ dần.
Những cựu chiến binh bị tàn phế và người bị khủng hoảng nợ nần do buôn bán
thua lỗ, thì sẽ được xét xử nhanh chóng hơn, còn những trường hợp khác đều phải
theo điều kiện quy định như đã trình bày trong các bài trước, xin tóm lược sau
đây:

Theo điều luật khánh tận, bước đầu tiên để xác định người khai hội đủ điều kiện
theo Chương 7 là làm trắc nghiệm so sánh “lợi tức hàng tháng” với lợi tức tiêu
chuẩn tùy theo nhân số trong gia đình tại tiểu bang cư trú. Tuy nhiên, lợi tức hàng
tháng đề cập ở đây không phải là lợi tức người khai kiếm được vào lúc nộp đơn
khai phá sản, mà là lợi tức trung bình sáu tháng trước ngày khai. Lợi tức này cũng
không kể đến tiền trợ cấp an sinh xã hội hay tiền trợ cấp tàn phế nếu có. Đối với
nhiều người, nhất là với những ai mới bị thất nghiệp mất công ăn việc làm thì mức
“lợi tức hàng tháng” này sẽ cao hơn lợi tức thực sự của người ấy lúc khai phá sản.

Sau cuộc trắc nghiệm thứ nhất nói trên, nếu lợi tức ít hơn lợi tức tiêu chuẩn thì
người ấy có quyền khai phá sản theo Chương 7. Nếu lợi tức hàng tháng tính ra
nhiều hơn lợi tức tiêu chuẩn, thì luật mới bắt phải qua cuộc thi thứ hai gọi là “trắc
nghiệm trung bình” (the mean test). Mục đích của “trắc nghiệm trung bình” là để
tính xem người ấy có đủ “lợi tức sử dụng được,” sau khi đã trừ đi vài chi phí đã
chuẩn y và các khoản nợ bắt buộc khác. Phần tiền còn lại sẽ dùng để trả ít nhất
một phần nào những món nợ không thế chấp trong vòng năm năm.

Chi tiết về trắc nghiệm này đã được trình bày trong bài trước.

Ngoài ra, còn điều luật không cho khai Chương 7 nếu người nào đã từng khai phá
sản trong vòng tám năm trước, hoặc khai Chương 13 trong vòng sáu năm. Trường
hợp sau đây cũng không được khai theo Chương 7 nếu trong vòng 180 ngày trước
đã từng bị tòa án bác đơn vì vi phạm án lệnh, hoặc có án tích bị tòa kết tội lừa đảo
hay lạm dụng luật khánh tận.

Tòa án còn có thể bác bỏ vụ khai, nếu xét thấy có nghi ngờ khai man hay gian lận
giấu giếm tài sản và có âm mưu lừa đảo chủ nợ. Những hành vi sau đây được kể
là mờ ám và rất dễ bị tòa án nghi ngờ, nhất là người khai từng vi phạm trong quá
khứ:

-Chuyển dịch tài sản đem gửi bạn bè hay thân nhân cất giấu giùm để tránh tai mắt
của chủ nợ và tòa án.

-Mượn nợ để mua những món đồ xa xỉ đắt tiền khi biết không có khả năng trả nổi
và còn đang ngập nợ.

-Giấu giếm người hôn phối về tiền bạc hay của cải trong thời gian đang tiến hành
thủ tục ly dị.

-Khai gian dối về lợi tức hay nợ nần trong những đơn xin vay tiền hay xin cấp thẻ
tín dụng.

Thêm vào đó trong hồ sơ khai phá sản, đương đơn còn phải ký tên với lời tuyên
thệ “trừng phạt vì nói dối” (penalty of perjury), xác nhận mọi lời khai trong đơn
đều đúng theo sự thật. Nếu đương sự cố tình không khai báo thật thà về tài sản
hiện hữu, che dấu những chi tiết liên quan đến tình trạng tài chánh, hoặc dùng số
an sinh xã hội giả mạo để dấu tung tích thật của mình, khi tòa án khám phá ra
những điều dối trá trên thì đương nhiên vụ khai bị bác bỏ đồng thời đương sự còn
bị truy tố hình sự vì tội man trá, lừa bịp.

Kỳ tới chúng tôi trình bày chi tiết và khác biệt trong thủ tục khai phá sản theo
Chương 7 và Chương 13.

Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu
luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin information) giúp
quý độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không
thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó,
nếu có vấn đề liên quan đến luật, quý độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư
chuyên môn về trường hợp của quý vị.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT