Saturday, April 20, 2024

Tìm hiểu thêm thủ tục phá sản

Luật Sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 17151 Newhope Street, Suite 113, Fountain Valley, California 92708. Ðiện thoại: (714) 531-7080. website: www.lylylaw.com

Luật Sư LyLy Nguyễn

Nhược điểm của khai phá sản là có khi một vài tài sản lớn như nhà đất và xe cộ có thể bị mất hết vì phải bán đi để thanh toán cho chủ nợ. (Hình minh họa: Kyle Grillot/AFP via Getty Images)

Theo thống kê trong đời sống phức tạp trên đất Mỹ, có nhiều nguyên do đưa đẩy người ta đến vòng khánh tận. Vào khoảng 90% trường hợp khai phá sản do hậu quả của mất việc làm, vướng nợ tiền thuốc thang chạy chữa bệnh nặng, hoặc ly dị. Phần còn lại 10% gồm đủ mọi nguyên nhân khác nhau, kể cả hai loại tiêu biểu là do làm ăn thất bại trong thương nghiệp hay do tiêu xài bằng thẻ tín dụng quá lố.

Hoàn cảnh của mỗi cá nhân khai phá sản đều khác nhau không ai giống ai, mặc dù cùng có chung một đặc điểm là mắc nợ lớn nhiều thẻ tín dụng có lãi suất cao và điều này thường đưa đến tình trạng tài chánh xuống dốc một cách bi thảm. Để giúp quý vị có khái niệm về hiện trạng điển hình của một cá nhân đang gặp tình trạng rối rắm tiền bạc như trên, chúng tôi xin nêu những thủ tục tiêu biểu cho một vụ khai phá sản theo Luật Khánh Tận mới, mà người ấy sẽ phải trải qua.

Trở lại thí dụ của người đang sa lầy trong nợ nần, người ấy vẫy vùng một cách tuyệt vọng tìm đường giải quyết nhưng đã thật sự khánh kiệt, thật sự bần cùng không lối thoát. Đã tính toán lợi tức so với tiền nợ, đã tính toán mọi ngân sách vá víu, đã thử thương lượng với chủ nợ, đã tìm đến cầu cứu các cơ sở cố vấn tín dụng. Nói tóm lại, đương sự đã tìm hết cách chữa chạy nhưng mức nợ quá ngập đầu không thuốc chữa. Chắc chẳng còn cách nào hơn là đi tìm một luật sư yêu cầu giúp làm thủ tục khai phá sản, mong tìm cơ hội làm lại cơ đồ về sau. Để giúp hiểu rõ giải pháp thích ứng cho trường hợp trên, chúng tôi xin tóm lược vài ý niệm căn bản về Luật Khánh Tận.

Khai phá sản là một thủ tục pháp lý. Theo đó, một cá nhân hay cơ sở thương mại cầu đến pháp luật giúp gỡ rối ra khỏi tình trạng khó khăn tài chánh một khi họ không còn khả năng trả nổi mọi nợ nần theo như giao ước, để sau đó có cơ hội xây dựng lại căn bản tiền bạc. Khi một người nộp đơn xin phá sản, tòa án sẽ áp dụng Luật Khánh Tận liên bang, cho xóa toàn bộ hay một phần nợ nần của cá nhân hay nghiệp vụ đó theo Chương 7, hoặc kéo dài hạn định trả dần hàng tháng dưới sự bảo vệ và giám sát của tòa án theo Chương 13.

Tuy nhiên, Luật Khánh Tận mới đã đặt để nhiều điều kiện khiến cho việc xin phá sản không còn được dễ dàng như trước nữa. Do kết quả thay đổi luật áp dụng trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ từ năm 2005, số đơn xin bị bác bỏ không cho khai theo Chương 7 càng ngày càng tăng. Thêm vào đó, nhiều vụ đáng lẽ áp dụng theo Chương 7 nay bị buộc khai theo Chương 13, theo đó người nợ phải trả dần một phần lớn toàn số tiền nợ trong một thời hạn từ ba tới năm năm.

Mặt khác, Luật Khánh Tận được tạo ra cũng có mục đích bảo vệ giới tài trợ (creditors – gọi nôm na là “chủ nợ”). Những chủ nợ có thế chấp (secured creditors) thường có lợi thế hơn chủ nợ không thế chấp (unsecured creditors), bởi vì họ nắm giữ được nợ “buộc” (a lien) có nghĩa là nắm được chủ quyền của món tài sản dùng bảo đảm cho số tiền vay lúc mua món đó. Ngay cả một chủ nợ không thế chấp trong vài vụ, cũng có thể được chia phần trong số tiền nếu người nợ có sức trả.

Theo luật chung, trong thời gian tòa án đang cứu xét một vụ khai phá sản thì mọi chủ nợ không có quyền tìm cách đòi trực tiếp người nợ. Dĩ nhiên, họ cũng không còn quyền hạn đòi những món nợ sau đó được tòa án chính thức cho giải nợ hay xóa nợ. Tuy nhiên, cũng có nhiều loại nợ vẫn phải trả mà Luật Phá Sản không có hiệu lực như nợ thế chấp hay nợ ưu tiên.

Quyết định khai phá sản hoàn toàn có tính cách cá nhân và rất nghiêm trọng. Phần đông, những người lâm vào cảnh khánh kiệt sau khi đã thành khẩn và cố gắng hết sức tìm cách trả nợ nhưng không có lối thoát nào khác ngoài giải pháp phá sản. Một khi đã chắc chắn quyết định xong, là lúc phải nộp đơn tới tòa khánh tận sở tại, có nghĩa là xin tòa chiếu theo các điều luật của Luật Khánh Tận bảo vệ và cứu giúp.

Trong đơn, người nợ phải liệt kê khai báo cho tòa án mọi chi tiết về tình trạng tài sản hiện hữu, tổng số nợ nần, lợi tức và chi phí kèm theo một bản chứng nhận đã tham dự một buổi tham vấn tại một cơ sở cố vấn tín dụng trong vòng 180 ngày, cùng nhiều giấy tờ linh tinh khác như bản sao hồ sơ khai thuế, căn cước có hình, và bằng chứng lương bổng mới nhất do nơi làm việc cấp. Dĩ nhiên, tòa đòi hỏi đương đơn phải khai báo thật thà lương thiện, không giấu giếm bất cứ điều gì.

Thông thường, người nợ nhờ đến một luật sư giúp soạn thảo đơn xin và đại diện đệ nạp tại tòa án mọi văn kiện, hồ sơ tòa án đòi hỏi. Trên nguyên tắc việc xin cứu giúp giải thoát ra khỏi nợ nần là quyền của mọi người, song được giải thoát hoàn toàn hay không thì không phải là đặc quyền tuyệt đối bắt buộc tòa án phải ban cho.

Phá sản là một vấn đề tối nghiêm trọng chỉ nên sử dụng như là giải pháp cuối cùng giúp ra khỏi tình cảnh khủng hoảng tài chánh trầm trọng, mà không còn lối thoát nào khác sau mọi nỗ lực tìm kiếm. Phá sản có tính cách công cộng, có nghĩa rằng công chúng ai muốn biết thì cũng lấy được hồ sơ cá nhân người phá sản. Do đó, bất cứ người nào từ hàng xóm láng giềng, chủ nhân nơi làm việc, công ty tài trợ địa ốc, chủ nhà, chủ đất… kể cả những sở làm trong tương lai đều có thể truy lục tiền tích người phá sản.

Ngay sau khi vụ phá sản kết thúc, thì hồ sơ liên hệ lưu trữ tại tòa án quận sẽ được các công ty báo cáo tín dụng sưu tầm trước nhất và ghi vào hồ sơ tín dụng cá nhân, rồi lần lượt sẽ cung cấp cho giới tài trợ. Thông thường, các thẻ tín dụng sẽ bị hủy bỏ trước nhất. Những ai xin gom nợ trả dần theo Chương 13, dĩ nhiên không còn giữ được thẻ nào, tuy rằng cũng có một số nhỏ có thể giữ được thẻ nếu được công ty cấp chấp thuận.

Cón người khai theo Chương 7 thường được xóa nợ không thế chấp mà hầu hết là thẻ tín dụng, tuy nhiên các công ty cấp thẻ thường dụ cho đương sự giữ lại thẻ với điều kiện ký tái xác nhận món nợ (reaffirm) và bằng lòng tiếp tục trả như thường lệ với lãi suất cao hơn.

Thông thường, các công ty cấp thẻ tín dụng không cấp thẻ cho những người có thành tích phá sản hay tín dụng xấu, để giảm thiểu nguy hiểm bị thiệt hại vì mất nợ. Sau cùng là khó khăn khi đi xin việc trong tương lai, mặc dù có luật cấm kỳ thị lý do khai phá sản trong việc thu nhận người làm, nhưng xin những chức vị có dính dáng đến tài chánh, những chức vị quan trọng cần uy tín cao, hay những chức vị có nhiều ứng viên cạnh tranh, thì người có quá trình phá sản cũng bị bất lợi.

Tóm lại, khai phá sản có thể là một giải pháp tốt độc nhất đối với người đang trong hoàn cảnh sa lầy nợ nần nghiêm trọng. Như đã nói ở trên, dĩ nhiên chỉ nên dùng như giải pháp cuối cùng bởi vì hậu quả đem lại kéo dài rất lâu. Hồ sơ phá sản lưu tới mười năm sau, với nền kinh tế hiện đại mà hầu hết mọi hoạt động tài chánh đều tùy thuộc vào thành tích tín dụng cá nhân tốt thì quả quá lâu.

Hơn nữa, nhược điểm của khai phá sản có khi còn bị hạn chế dưới nhiều hình thức, thí dụ vốn liếng tích lũy trong một vài tài sản lớn như nhà đất và xe cộ có thể bị mất hết vì phải bán đi để thanh toán cho chủ nợ thế chấp, nên cuối cùng người nợ dù được giải nợ nhưng chẳng còn lại gì trong tay.

Nên cẩn thận nghiên cứu cái lợi và cái hại trước khi sử dụng đến giải pháp khai phá sản trong mục đích gỡ khủng hoảng kinh tế và tài chánh. Quan trọng nhất là phải am tường mọi loại khai để chọn đường lối nào thích hợp nhất, với hoàn cảnh của mình. Không nên đợi “nước đến chân mới nhảy,” vào giờ chót mới tìm cầu viện. Thí dụ như ngay trước ngày bị xiết nhà hay câu xelà lúc đã quá muộn màng, khó tìm được cố vấn tốt hoặc chọn giải pháp thay thế không cần phá sản. Ngay lúc nhận biết rằng mình trả không kịp tiền nợ hàng tháng, hoặc khi thấy bắt đầu thiếu hụt, hoặc trường hợp bất ngờ bị gánh một món nợ lớn quá sức, thí dụ như nhận một bill nợ tiền thuốc thang bệnh viện và bác sĩ vì đau ốm nặng bất thường, mà không dàn xếp trả dần được thì phải tính ngay biện pháp gỡ rối.

Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin information) giúp quý độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó, nếu có vấn đề liên quan đến luật, quý độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quý vị.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT