Monday, March 18, 2024

Mất ngủ do tì khí suy

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Y khoa Đông phương coi tì là tạng chính góp phần vào sự kiện toàn tiêu hóa trong quá trình tiêu hóa, vận chuyển đồ ăn, để thành khí và huyết lưu thông trong kinh mạch. Cho nên thiếu khí và huyết trong cơ thể là do tì gây ra.

Tì và tì khí còn có trách nhiệm biến hóa đồ ăn thành thanh và trọc huyết. Thanh huyết trở lên phế, phối hợp với oxy để thành máu đỏ về tim, đi nuôi cơ thể và trọc huyết thì đưa xuống thận, ruột non và ruột già để chuyển hóa một lần nữa và thanh lại trở lên phế, còn trọc được đưa ra ngoài bằng đường tiểu tiện và đại tiện.

Trong quá trình tiêu hóa và biến đổi đồ ăn, tì và vị là hai tạng phủ quan trọng để tạo huyết cần thiết cho cơ thể. Nếu vì bất cứ lý do gì mà tì và vị không tạo đủ huyết thì các tạng phủ khác sẽ bị ảnh hưởng và gây ra bệnh.

Nếu tì khí suy, thân hình thường ốm yếu, ăn không ngon, biếng ăn, đầy hơi, tay chân hay lạnh, mặt xanh xao… lâu ngày không sinh đủ máu cho cơ thể và chúng ta bị thiếu máu.

Tim cần có đủ máu để đi nuôi cơ thể, một khi thiếu máu thì tim phải đập nhanh hơn để cố gắng bơm máu khi cơ thể cần thiết, sẽ làm cho chúng ta hồi hộp, mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu…

Như ta đã biết tâm tàng thần và bất cứ một lý do gì ảnh hưởng tới tâm, thì sẽ ảnh hưởng tới thần và làm cho thần bất ổn và sinh mất ngủ. Nếu thiếu máu ít thì ngủ không ngon giấc, còn thiếu nhiều thì mắt cứ trơ trơ suốt đêm không ngủ được một chút nào.

Muốn trị bệnh mất ngủ này, trước tiên chúng ta phải chữa cho tì khí trở lại bình thường, ăn thấy ngon, chân tay hết lạnh, người hết xanh xao. Sau khi tì khí trở lại bình thường chỉ chừng bốn tuần lễ, chúng ta ăn uống sẽ sinh huyết đầy đủ cho cơ thể và không còn tình trạng mất ngủ, chóng mặt, mệt mỏi nữa.

Bài thuốc:
1-Hoàng kỳ 4 grs
2-Bạch truật 6 grs
3-Đương quy 6 grs
4-Viễn trí 3 grs
5-Nhân sâm 9 grs
6-Toan táo nhân 9 grs
7-Can khương 3 grs
8-Cam thảo 3 grs
9-Phục linh 9 grs
10-Long nhãn 9 grs
11-Mộc hương 3 grs
12-Đại táo 3 trái

Nhiệm vụ của từng vị:

-Nhân sâm, hoàng kỳ, bạch truật, phục linh, đại táo, cam thảo: Bổ cho tì và vị.
-Long nhãn, viễn trí, toan táo nhân, mộc hương: Bổ huyết, an thần.
-Can khương: Giảm đau bao tử.
-Đương quy: Bổ huyết.

Bài này có thể chữa: Mất ngủ vì thiếu máu, loét bao tử, chảy máu bao tử, tinh thần hốt hoảng, kinh nguyệt không đều vì thiếu máu, ung thư bạch huyết.

Mất ngủ do bao tử bất hòa

Như chúng ta đã biết, có nhiều trường hợp gây nên bao tử đau, sình trướng, ăn không ngon, ăn không tiêu hóa được, đói cũng đau, no cũng đau, đau và xốn xang nóng trong bao tử, thường gây ra đau đầu, chán nản, không có khả năng để tập trung vào công việc.

Đau bao tử do thận suy thường đau vào gần sáng, giờ vượng của thận. Thận suy nên không quân bình được âm dương, ảnh hưởng qua bao tử, gây ra axit làm đau và xốn xang bao tử, vì những cơn đau âm ỉ làm chúng ta không ngủ được, lại thêm với ăn không được gây mệt mỏi, dễ bực bội, thiếu máu…

Tôi đã gặp những bệnh nhân đau khổ với đau bao tử và mất ngủ làm cho tâm thần sa sút, không còn tinh thần để làm việc, đôi khi đưa tới chán nản không còn ham sống.

Có bệnh nhân cho tôi biết đã bị cơn đau bao tử và mất ngủ hành hạ nhiều năm. Nhất là người này làm việc phải dùng tới “chất xám” nhiều, để hoàn thành những thảo trình mà cấp trên giao phó, phải giải quyết cho đúng thời gian hạn định.

Thật là khó khăn khi bụng cứ râm ran đau mà phải ngồi giải quyết công việc, là một điều cực kỳ đau khổ. Người bệnh nhân này vào bệnh viện đã năm lần, bảy lượt, mỗi khi bao tử đau và ra máu. Lần nào cũng vào máu và cho thuốc ngừng ra máu, rồi sau đó lại trở về uống thuốc, vì bao tử chưa đến lúc phải cắt bỏ một phần. Thế rồi cứ uống thuốc ngăn ngừa đau và ra máu nhưng chỉ cầm chừng, cho đến khi tới gặp tôi để hy vọng thuốc Bắc sẽ giúp được họ.

Sau khi khám bệnh, tôi thấy bệnh nhân bị tì khí suy và can khí phạm tì. Thân hình mập mạp, mặt xanh, tâm thần mệt mỏi. Ăn không thấy ngon và không muốn ăn, đi cầu hơi lỏng, ăn hơi nhiều thì bụng bị sình trướng, đau hai bên giang sườn, bụng bị xốn xang, nóng, khi ăn đồ ăn chua vào thấy lợm giọng, đôi khi mửa ra ngay, đêm ngủ không yên giấc và nhất là gần sáng. Lưỡi hơi mập và rêu lưỡi trắng. Mạch sáp và trầm trì.

Theo tôi đây là bệnh đau bao tử do hai nguyên nhân gây ra là bao tử khi suy và gan khí phạm tì.

Bài thuốc
1-Phục linh 9 grs
2-Đảng sâm 12 grs
3-Bạch truật 9 grs
4-Cam thảo 3 grs
5-Sài hồ 9 grs
6-Chỉ xác 9 grs
7-Bá tử nhân 9 grs
8-Đại phúc bì 9 grs
9-Mộc hương 9 grs
10-Sa nhân 9 grs
11-Hải phiêu tiêu 9 grs
12-Toan táo nhân 9 grs
13-Viễn chí 6 grs

Vì can khí phạm tì nên thêm: Sài hồ, chỉ xác, hương phụ, đại phúc bì, mộc hương, sa nhân, hải phiêu tiêu.

Mất ngủ: Viễn chi, liên tử tâm.

Nhiệm vụ của các vị thuốc:

-Phục linh, bạch truật, đảng sâm, sa nhân,mộc hương: Bổ tì khí và tản khí tại trung tiêu.
-Chỉ xác, hương phụ, sài hồ: Bình can khí và tản khí tại chấn thủy.
-Đại phúc bì: Giáng khí tại trung tiêu.
-Hải phiêu tiêu: Chống tiết ra axít tại dạ dày.
-Toan táo nhân, viễn chí, bá tử nhân: An tâm và ngủ ngon.

Sau một tuần uống thuốc, bệnh nhân cảm thấy cơn đau thưa dần, ăn được và ngủ khá hơn. Bệnh nhân tiếp tục uống tám tuần lễ bệnh hết hẳn. Ăn uống bình thường, ngủ ngon và không còn bị những cơn đau bao tử hành hạ và ra máu nữa.

Cho đến bây giờ đã hơn 10 năm bệnh nhân vẫn mạnh khỏe và đôi khi bao tử bất thường thì chỉ uống thuốc viên một vài ngày là trở lại bình thường. (Bác Sĩ Đặng Trần Hào)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT