Mổ khớp để trị đau

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Hỏi:

Khi nào mới nên và cần mổ khớp để trị đau? Có những cách mổ xẻ nào được dùng trong việc trị đau khớp, và lợi hại ra sao? 

Đáp: 

Các phương pháp mổ

Mổ xẻ thường chỉ được dùng cho những trường hợp viêm xương khớp quá nặng gây ra các hạn chế trong sinh hoạt hằng ngày và không đáp ứng với các điều trị khác.

Có nhiều cách mổ khác nhau. Ở đây, chúng tôi chỉ nói sơ qua về các phương pháp thường gặp nhất.

Nói chung, mổ thường là biện pháp cuối cùng, tuy nhiên nó nên được thực hiện trước khi viêm khớp gây ra các biến chứng trầm trọng như teo cơ, biến dạng các khớp (khiến cho dù có mổ cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tập vật lý trị liệu để có thể trở lại chức năng bình thường).

Vì vậy, nếu đã thử đủ hết mọi biện pháp mà không đỡ, nếu bác sĩ nói là cần mổ, thì nên tham khảo với các bác sĩ chuyên khoa khác (second, third opinion) và nên quyết định mổ vào lúc thích hợp nhất (đừng chần chờ đến khi quá trễ).

Những điều quan trọng nhất nên hỏi bác sĩ là có nên mổ hay không, so với không mổ thì mổ có những lợi và hại như thế nào, mổ phương pháp nào, để làm gì, tỉ lệ có thể cải thiện chức năng khớp sau khi mổ là bao nhiêu phần trăm, có sẽ cần phải mổ lại hay không, có thể xảy ra biến chứng gì, tỉ lệ bị từng biến chứng khoảng bao nhiêu phần trăm…

Nên suy nghĩ kỹ, viết xuống các câu hỏi để khi gặp bác sĩ không bị quên.

Trên nguyên tắc, trước khi mổ, bác sĩ phải giải thích những điều trên và trả lời một cách thỏa đáng tất cả các câu hỏi của bệnh nhân, sau đó bệnh nhân sẽ phải ký giấy nhận rằng mình đã hiểu rõ và tất cả những thắc mắc đã được giải thích rõ ràng, và sau khi hiểu rõ mình vẫn chấp nhận mổ. Nếu chưa hiểu rõ điều gì ghi trên giấy hay có gì còn phân vân thì nên tìm hiểu rõ trước khi ký giấy.

Kinh nghiệm của bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật là điều rất quan trọng. Nên hỏi thẳng bác sĩ về kinh nghiệm của họ trong việc thực hiện phương pháp họ sẽ làm cho mình, có gì chứng minh điều đó hoặc kiểm chứng ngoài lời nói của họ hay không (và kiểm chứng lại). Một phẫu thuật quan trọng có thể thay đổi hẳn cuộc đời bạn, và nó nên được thảo luận một cách kỹ lưỡng, thẳng thắn.

Nói chung có hai nhóm mổ chính là mổ qua nội soi khớp (arthroscopic surgery) và mở hẳn khớp ra để thực hiện thủ thuật. 

Các phương pháp mổ qua nội soi khớp (arthroscopy)

Trong phương pháp nội soi khớp, bác sĩ sẽ đục vài lỗ nhỏ để đưa ống kính vào khớp nhằm quan sát và thực hiện các thủ thuật. Phương pháp này có thể được dùng để quan sát tổn thương của các thành phần của khớp và lấy mẫu ra nhìn trên kính hiển vi để xác định bệnh của khớp. Nó cũng có thể được dùng để làm các thủ thuật nhỏ như để cắt các mảnh bao khớp bị cấn vào khớp (synovectomy).

Lợi ích của phương pháp phẫu thuật qua nội soi khớp vẫn còn đang chưa có sự thống nhất hoàn toàn giữa các bác sĩ chuyên khoa. Một số nghiên cứu so sánh giữa phẫu thuật thật sự với phẫu thuật giả (“sham” procedure) cho thấy rằng mức độ cải thiện của khớp không khác nhau lắm giữa hai nhóm.

Do đó chỉ có một nhóm nhỏ bệnh nhân trong một số trường hợp cụ thể có thể nhận được lợi ích từ các phương pháp phẫu thuật qua nội soi. Nếu đã bị viêm khớp trầm trọng, thường thì bệnh nhân sẽ cần đến các phương pháp phẫu thuật khác. 

Các phương pháp mổ khác

Tùy theo từng trường hợp với nhiều yếu tố khác nhau như độ tổn thương của khớp, tuổi tác của bệnh nhân, vị trí của khớp, bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện các phương pháp khác nhau nhằm xếp đặt lại vị trí tiếp xúc và chịu sức nặng của các khớp (realignment), làm dính luôn hai xương lại với nhau một cách vĩnh viễn (fusion), thay bằng khớp nhân tạo (joint replacement-cho tới nay, khớp nhân tạo chỉ tồn tại được từ 10 đến 20 năm là cần phải thay lại, và lần sau thường sẽ khó hơn lần đầu), ghép sụn…

Các chỉ định và vấn đề kỹ thuật tương đối phức tạp, do đó khi cần, bạn nên thảo luận cẩn thận với bác sĩ để có quyết định mà sau này mình sẽ không phải hối hận nhiều lắm. Tốt nhất là dù thế nào thì cũng đã xong rồi, nên rút kinh nghiệm để tránh lập lại, không nên hối tiếc mãi, chẳng ích lợi gì. 

Tóm tắt

Viêm xương khớp, còn gọi là bệnh mòn (thoái hóa) khớp, là bệnh của khớp thường gặp nhất, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Có thể nói, trong hơn 70% các trường hợp những điều bạn có thể làm tại nhà có thể giúp giảm triệu chứng và làm chậm lại sự tiến triển cuả bệnh một cách đáng kể. Có những biện pháp không dùng thuốc, hiệu quả mà ai cũng có thể làm được (ăn thua là có chịu làm đều đặn hay không.  Trong các biện pháp không dùng thuốc, nhiều biện pháp ít tốn kém lại được chứng minh là có hiệu quả hơn.

Khi cần dùng thuốc, có những thuốc ít tác dụng phụ không cần toa bác sĩ mà nếu biết tìm hiểu để dùng một các thích hợp, sẽ giúp rất nhiều. Có hai khuynh hướng, đáng tiếc lại rất thường gặp:

– Một là sợ tác dụng phụ của thuốc quá (thường là sợ không đúng vì “nghe đồn,” hoặc nghe “ba chớp ba nháng”) đến nỗi không dám đụng đến thuốc, chịu đau một cách không cần thiết, cho đến lúc bệnh nặng (khó chữa hơn) mới chịu đi bác sĩ.

– Hai là người này chỉ người kia “tui xài thuốc này tốt” và chuyền cho nhau các thuốc cần toa bác sĩ, mà không nhớ rằng thuốc có thể lợi cho người này nhưng có thể nguy hiểm cho người khác.

Thường khi đau nhiều bạn mới chịu chữa bệnh và khi chữa thì thường chỉ phụ thuộc vào một phương pháp nào đó. Trong thực tế, nếu biết kết hợp các phương pháp với nhau, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn nhiều mà lại ít tốn kém hơn.

Bên cạnh các phương pháp y khoa, thể lý, yếu tố tâm lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc chữa đau, một vài điều quan trọng nhất về tâm lý là:

– Nên tập trung vào những điều có thể làm hơn là hối tiếc, chờ đợi những gì đã làm chưa đúng, không hay chưa thể làm.

– Chủ động (proactive) trong việc tìm hiểu và thực hiện việc phòng và chữa bệnh hơn là phản ứng một cách thụ động (reactive) với những gì đã xảy ra.

– Luôn nhớ rằng bác sĩ không chữa bệnh, chỉ có bạn mới là người có thể chữa bệnh cho mình. Bác sĩ chỉ là một trong những người giúp đỡ bạn trong việc bảo vệ và duy trì sức khỏe của mình.

Thân mến

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
www.nguyentranhoang.com
(714) 531-7930