Friday, April 19, 2024

‘Mong xe chạy được 200,000 mile!’

Tư Mỏ Lết

Đầu năm mới, mọi người hay cầu chúc, mong cho cha mẹ, ông bà “sống lâu trăm tuổi.”

Còn đối với người đi xe, thì có mấy ai cầu mong cho chiếc xe phục vụ mình hằng ngày… “chạy được 200,000 mile?”

Điều này còn tùy. Có những người thì quan niệm “Em ơi có bao lâu, 60 năm cuộc đời…,” cho nên chỉ thích đi xe mới. Xe đi chừng 5 năm là bán lại, đổi sang xe đời mới nhất để “chạy cho sướng.”

Nhưng cũng có người thích giữ chiếc xe cũ của mình đi càng lâu càng tốt. Vì lý do “bản thân là người chung thủy” cũng có. Vì lý do tiết kiệm tiền down, tiền bill hằng tháng cho chiếc xe mới cũng có.

Bỏ qua lý do thuộc về tình cảm, thì việc giữ chiếc xe cũ chạy lâu để tiết kiệm tiền là điều có thể nhận ra ngay.

Một nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Consumer Reports (www.consumerreports.org) đã chỉ ra rằng, giữ một chiếc xe chạy được đến 200,000 mile (trung bình là 15 năm lái xe đối với một người Mỹ), chủ nhân của nó có thể tiết kiệm được $30,000 hoặc hơn. Cũng hấp dẫn đó chứ!

Về mặt công nghệ, kỹ thuật, cách đây vài thập niên, giữ cho một chiếc xe chạy được 200,000 mile là một điều vô cùng khó khăn. Nhưng hiện tại, với những kỹ thuật tiên tiến liên quan đến động cơ, bộ truyền động, dầu nhớt, vật liệu chống rỉ sét và cục diện đã thay đổi. Những chiếc xe ngày nay có tuổi thọ trung bình vào khoảng 11 năm, so với khoảng 8 năm ở thời điểm năm 1995. Xe hơi thế hệ mới hoàn toàn có thể hoạt động đáng tin cậy đến cột mốc 200,000 mile, với điều kiện chủ nhân của nó phải biết cách sử dụng, bảo trì.

Consumer Reports đã chỉ ra những nguyên tắc để biến ước mơ “xe chạy 200,000 mile” thành hiện thực như sau.

Mua một chiếc xe thuộc model an toàn, tin cậy: Đây là phương châm “làm đúng ngay từ đầu” trong mọi công việc, trong đó có cả việc mua xe. Giữ một chiếc xe chạy 200,000 mile bằng mọi giá thì không khó. Cái khó là làm sao nó vẫn chạy được tốt mà không phải bỏ nhiều tiền sửa chữa. Cách hay nhất là hãy chọn mua một chiếc xe nằm trong những model được giới chuyên gia đánh giá là có tiếng về độ tin cậy, độ bền. Ở thời đại ngày nay, những thông tin loại này đầy dẫy trên mạng. Ngay Consumer Reports cũng có danh sách những chiếc xe có độ tin cậy cao, dựa theo tiêu chí của Annual Auto Survey (chuyên mục kỳ tới sẽ bàn về danh sách này).

Bên cạnh việc chọn một model đáng tin cậy, cũng nên chọn cho mình một chiếc hợp với sở thích của mình. Mua xe cũng có phần giống như… lấy vợ lấy chồng! Đó là một sự lựa chọn lâu dài. Nếu chỉ dựa trên thuần túy những “tiêu chuẩn” mà không có sự yêu thích của cá nhân, thì coi chừng sẽ đi đến tình trạng bán chiếc xe sau vài năm, cho dù nó vẫn còn chạy tốt!

Ngoài ra, khi đi chọn xe, nhớ để ý đến những trang bị kỹ thuật mới nhất, đặc biệt là cho vấn đề an toàn. Hệ thống điện tử kiểm soát độ ổn định (Electronic Stability Control – ESC) chống lật xe là phải có. Những tính năng như camera lùi xe, chống đụng xe phía trước, chống lạc tay lái… hiện nay đã trở thành tiêu chuẩn của nhiều model xe khác nhau.

Nếu mua xe cũ, hãy lưu ý đến những dấu hiệu cho thấy xe đã từng bị đụng, hay được bảo trì không đúng cách mà người bán không bao giờ muốn nói. Thí dụ những dấu vết trầy, móp méo do va chạm, những bộ phận trên thân xe có vẻ không đồng bộ với những bộ phận khác (đã bị thay mới), những lớp sơn phủ lên lớp sơn origin. Gầm xe không nên bị rỉ sét, ăn mòn. Khi xem máy, để ý xem có dấu vết dầu nhớt có rỉ ra ngoài hay không… Consumer Reports đề nghị những người mua xe cũ hãy đem xe tới những thợ máy tin tưởng để họ thẩm định chất lượng. Cho dù có tốn ít tiền, vẫn lợi hơn là mua một chiếc xe cũ không được giữ gìn tốt.

Giữ lịch bảo trì cho đúng hẹn: hãy theo đúng lịch bảo trì đề nghị trong sổ tay bảo dưỡng vận hành của xe. Trong cuốn sổ tay này liệt kê đầy đủ những công việc bảo dưỡng định kỳ cho một chiếc xe trong suốt thời gian vận hành. Thí dụ như bao giờ thì thay nhớt và lược nhớt, hoán vị bánh xe, thay timing-belt… Chỉ cần sót một lần thay nhớt máy có thể dẫn đến việc động cơ xe bị hao mòn sớm, làm giảm độ tin cậy, tuổi thọ của xe.

Nếu lỡ vì lý do nào đó mà không nhớ mình đã làm gì và quên làm gì để bảo trì xe, hay là mới nhận một chiếc xe cũ, hãy đem xe đến một tiệm sửa xe quen thuộc. Thợ máy sẽ kiểm tra, và biết phải làm những công tác bảo trì nào để xe trở lại điều kiện bình thường. Sau đó, lại tiếp tục theo lịch bảo dưỡng trong sổ tay. Lưu ý mileage là thông số quan trọng nhất để theo dõi lịch bảo trì.

Ngày nay, việc bảo trì xe đã trở nên dễ dàng hơn xưa rất nhiều, do kỹ thuật công nghệ ngành xe hơi phát triển không ngừng. Thí dụ, nhớt ngày nay có nhiều loại đến 10,000 mile mới phải thay mới. Bugi đánh lửa có tuổi thọ đến 100,000 mile là bình thường.

Đừng tiếc tiền mà mua phụ tùng “dỏm”: Đừng vì tiết kiệm tiền… ăn vài tô phở mà mua và sử dụng những loại nhớt hay phụ tùng kém chất lượng. Bởi vì nó có thể sẽ bắt ta phải trả giá trên đường dài. Sử dụng nhớt máy, nhớt hộp số kém chất lượng hoặc không đúng loại có thể dẫn đến việc làm hư hại bộ truyền động, khiến phải tốn tiền đại tu thay vì chỉ bảo dưỡng, mất cả điều kiện bảo hành của nhà sản xuất. Hãy sử dụng nhớt, phụ tùng đúng theo yêu cầu của nhà sản xuất.

Nếu trong sổ tay vận hành nói model xe cần phải sử dụng xăng chất lượng cao (premium), thì hãy cho nó… uống xăng cao cấp. Có một số động cơ chỉ vận hành đúng khi chạy bằng xăng có độ octane cao. Sử dụng xăng thường có thể sẽ làm hại máy. Tuy nhiên, nếu sổ tay không có yêu cầu này, thì xin đừng đổ xăng cao cấp làm gì cho tốn tiền. Thí dụ, xe đi Honda Civic mà đổ xăng premium thì xe cũng chẳng chạy nhanh hơn, tuổi thọ máy cũng chẳng dài hơn. Tốn tiền vô ích!

Hãy biết “quan sát và lắng nghe” chiếc xe của mình: cũng giống như vợ chồng trong nhà, nếu chịu khó để ý quan sát, nghe ngóng thì có thể đoán được chiếc xe của mình có đang… khó ở hay không! Ngay cả khi mình bảo trì thường xuyên, vẫn có những điều bất ngờ xảy ra. Thí dụ như những loại dây đai (belt) của máy có thể hư hỏng nhanh hơn bình thường do điều kiện thời tiết. Vì vậy, thỉnh thoảng nên dở nắp xe để quan sát máy xem có gì bất thường. Một sợi dây đai mà có nhiều vết nứt thì nên thay cho sớm, nếu không nằm đường bất tử! Ngoài ra, nghe và ngửi cũng là hai phương tiện hữu hiệu để đoán xe có bị trục trặc hay không. Ngửi thấy mùi khét khét, hay nghe tiếng máy nổ có vẻ to, không đều khác thường, đạp thắng thấy có tiếng kêu lạ… là đem đến cho thợ kiểm tra trước khi những trục trặc trở nên nghiêm trọng hơn, sửa tốn nhiều tiền hơn.

Đó là một vài “bí quyết” để lời “chúc thọ” cho chiếc xe trở thành hiện thực. Chúc các chủ nhân xe thuộc dạng “chung thủy” đồng hành cùng chiếc xe thân yêu của mình tới 200,000 mile hoặc hơn nữa… (Tư Mỏ Lết)

Mời độc giả xem phóng sự “Còn cần lắm những tấm lòng vàng ở trại phong Di Linh”

MỚI CẬP NHẬT