Thursday, March 28, 2024

Mua hay thuê xe, kiểu nào có lợi hơn?

Không phải người Mỹ nào cũng làm chủ một cái nhà. Theo thống kê của www.Census.gov đầu năm 2018, tỉ lệ người Mỹ làm chủ nhà là 64.2%. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì giá trị một căn nhà tính bằng vài trăm ngàn đô, không phải ai cũng đủ khả năng tài chính để mua, cho dù là mua trả góp. Thay vì mua nhà, nhiều người Mỹ chọn ở nhà thuê. Và nhiều người Mỹ cũng không đồng ý với khái niệm “an cư lạc nghiệp” của người Việt mình.

Trong những năm gần đây, tình trạng người Mỹ không muốn sở hữu xe – một tài sản chỉ trị giá vài chục ngàn đô – cũng tăng thấy rõ. Thay vì mua xe, người Mỹ có thể chọn cách thuê xe dài hạn (lease), thời hạn thuê thường là từ hai đến ba năm.

Theo trang web Consumer Reports, cách đây chừng chục năm, chỉ có những xe sang trọng đắt tiền mới cho thuê. Nhưng điều đó nay đã thay đổi, khi rất nhiều chủng loại xe compact, xe sedan thông thường, xe SUV cỡ nhỏ… cũng đã tham gia vào thị trường cho thuê. Khuynh hướng thuê xe ngày càng mở rộng trong thị trường xe hơi, và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nói theo phương diện tài chính, thuê xe là một phương thức hỗ trợ tài chính, để một người có thể có chiếc xe mới để chạy mà không phải mua. Trước đây, người lái xe chỉ có lựa chọn là trả hết tiền một lần, hoặc mượn nợ và trả góp để mua và làm chủ một chiếc xe.

Nói đến tài chính, thì một yếu tố quan trọng đó là lãi suất. Trong những năm gần đây, lãi suất ngân hàng ở Mỹ thấp, và đó là một trong những nguyên nhân đã làm cho việc thuê xe trở nên hấp dẫn hơn.

Lãi suất thấp làm cho chi phí phải trả hằng tháng thấp, là điều quan trọng đối với nhiều người lái xe.

Các nhà sản xuất xe hơi cũng được hưởng lợi khá nhiều từ việc cho thuê xe. Khi cho thuê xe, lúc khách hàng trả lại xe, nhà sản xuất sẽ có được một số lượng xe đã qua sử dụng (used car) ổn định, do đó có khả năng nâng giá bán lại. Giá bán lại cao, cũng có nghĩa là chi phí khấu hao cho những chiếc xe mới thấp. Và điều này lại dẫn đến việc giá cho thuê xe cũng thấp đi. Khách hàng thuê xe lại là người hưởng lợi.

Một điểm lợi khác khi đại lý cho thuê xe, đó là khách hàng sẽ phải trở lại trả xe khi đến hạn. Đây là cơ hội bằng vàng để “gạ gẫm” họ thuê tiếp một chiếc xe mới. Bởi vì không có xe mới, lấy gì mà đi?

Xem ra có vẻ như cả người bán lẫn người sử dụng đều có lợi với việc “lease.” Tuy nhiên, điều này không phải đúng với tất cả mọi người. Để giúp khách hàng tìm hiểu khi nào thì nên mua hay thuê xe, Consumer Reports đã làm một bản đối chiếu để so sánh giữa hai cách “mua” và “thuê” như sau.

Về tính sở hữu: Người mua làm chủ chiếc xe và muốn giữ xe bao lâu tùy thích. Trong khi người thuê thì không làm chủ xe, chỉ sử dụng, và phải trả xe khi hết kỳ hạn nếu không quyết định mua lại.

Về chi phí trả trước: Người mua có thể phải trả tiền cọc, thuế, phí đăng bạ… Còn người thuê có thể phải trả trước tiền thuê tháng đầu tiên, tiền đặt cọc sẽ được hoàn lại, thuế, phí đăng bạ…

Chi phí hằng tháng: người mua thông thường phải trả nhiều hơn người thuê. Đó là do người mua phải trả toàn bộ giá bán của chiếc xe, cộng lãi suất và các loại chi phí khác. Trong khi đó, người thuê chỉ phải trả chi phí khấu hao xe trong thời hạn thuê (tức là chênh lệch giữa giá bán xe mới và giá bán dự kiến của xe sau khi đã thuê) cộng lãi suất, thuế…

Khả năng kết thúc hợp đồng: người mua có thể bán lại chiếc xe mà mình đã mua bất ký lúc nào, ngay cả khi chưa trả hết nợ. Bởi vì tiền bán xe sẽ được dùng để trừ vào phần nợ còn lại. Trong khi đó, người thuê nếu kết thúc sớm thời hạn thuê có thể phải tốn cả ngàn đô la cho các loại phí, tiền phạt. Số tiền này có khi bằng với số tiền trả cho trọn thời hạn thuê trong hợp đồng.

Giá trị của xe trong tương lai: Người mua được sở hữu giá trị còn lại của chiếc xe, trong khi người thuê thì không.

Khoảng cách đi lại (mileage): Người mua muốn đi bao xa với chiếc xe của mình cũng được, chỉ cần chấp nhận là xe đi càng nhiều thì giá bán lại càng thấp. Trong khi đó, hầu hết hợp đồng thuê xe đều giới hạn khoảng cách cho phép đi lại trong một năm, thông thường là từ 12,000 đến 15,000 mile. Người thuê xe đi lố khoảng cách qui định này sẽ phải trả thêm phí.

Bảo quản xe: Người mua xe không phải quá lo lắng trong việc gìn giữ xe. Trong khi đó, người thuê xe thì phải chịu trách nhiệm về những hư hỏng, trầy sướt trên chiếc xe, lúc trả xe sẽ phải trả thêm tiền. Cũng tương tự như việc bảo quản, người thuê xe phải trả xe ở điều kiện giống như ban đầu, không được thay đổi, thêm bớt gì.

Để cho dễ hình dung về mặt tài chính, Consumer Reports còn cho thí dụ cụ thể với một chiếc 2017 Mazda CX5 Touring có giá bán là $29,429, khi mua với thời gian trả góp 6 năm khác với trường hợp thuê trong 3 năm như thế nào. Những con số khác nhau đáng chú ý nhất là: lãi suất khi mua là 2.9%, còn khi thuê là 0.024%; tổng số tiền phải trả sau 3 năm khi mua là $16,976, trong khi thuê là $12,322. Người mua sau 6 năm phải trả tổng cộng $31,952, và giá bán chiếc xe sau 6 năm sử dụng dự kiến vào khoảng $9,675.

Qua sự so sánh trên, dễ thấy được một số ưu nhược điểm của việc thuê xe. Về ưu điểm, người thuê chỉ lái những chiếc xe trong giai đoạn mới tinh, do đó không phải lo về chuyện hỏng hóc lặt vặt. Sau đó, lại thuê một chiếc xe mới, nhờ vậy mà luôn luôn được đi những chiếc xe đời mới nhất, đầy đủ tiện nghi kỹ thuật nhất. Tiền thuê trả hằng tháng thường ít hơn so với mua. Đối với những người làm business, việc thuê xe có thể đem lại một số lợi ích về mặt thuế. Khi hết hạn thuê, chỉ việc trả xe cho đại lý, mà không phải lo gì về giá trị còn lại của xe.

Về nhược điểm, đầu tiên là tiền nợ xe không bao giờ chấm dứt, bởi vì người thuê phải thuê hết chiếc này sang chiếc khác. Trong khi người mua xe thì sẽ không phải lo trả tiền xe sau khi đã trả dứt nợ, thường là 5 hay 6 năm. Kế đến, người thuê không được đi xa nhiều quá, vì sẽ phải trả thêm phí. Rồi còn phải chăm sóc xe cho cẩn thận nếu không muốn tốn thêm tiền. Và phải chắc chắn mình có đủ tiền để trả trong suốt thời hạn thuê, vì trả sớm là tốn kém lắm!

Sự khác nhau giữa mua và thuê xe là thế. Tùy theo hoàn cảnh của từng người, mà việc mua xe hay thuê xe sẽ thích hợp hơn. Người lái xe sẽ tự cân nhắc, để có quyết định mua hay thuê cho chính xác. (Tư Mỏ Lết)

Máy bay Asiana Airlines và Turkish Airlines va chạm nhau ở sân bay Istanbul

MỚI CẬP NHẬT