Thursday, March 28, 2024

Nợ trả góp và nợ xoay vòng khác nhau như thế nào?

(realtytimes.com) – Khi nộp đơn vay một món thế chấp để khởi sự tiến trình mua nhà, một trong những điều quan trọng nhất mà nhà cho vay sẽ xem xét là liệu bạn có khả năng thực hiện những kỳ thanh toán hằng tháng hay không trong trường hợp đơn vay tiền được chấp thuận.

Điều đó chắc chắn hợp lý, nhưng trước khi Cơ Quan Bảo Vệ Tài Chính Người Tiêu Dùng Hoa Kỳ (Consumer Financial Protection Bureau-CFPB) đòi hỏi những nhà cho vay phải xác định khả năng trả nợ, vài chương trình cho vay hoàn toàn không xét tới lợi tức.

Khả năng tài chánh không phải là một vấn đề bởi vì lợi tức không được kiểm chứng. Điều đó dĩ nhiên đã hoàn toàn thay đổi khi CFPB thực thi quy định liên quan đến Khả Năng Trả Nợ (ATR: Ability To Repay). Quy định này đòi hỏi những nhà cho vay phải tính toán nợ nần hằng tháng và so sánh nó với lợi tức gộp hằng tháng để đi tới tỉ số nợ nần trên lợi tức.

Việc thanh toán nợ thế chấp sử dụng sự tính toán này không những bao gồm việc thanh toán món nợ chính cùng với tiền lời trả cho nhà cho vay mà cả số tiền hằng tháng về thuế bất động sản, bảo hiểm của chủ nhà và bảo hiểm thế chấp nếu cần thiết. Tuy nhiên, vài loại thanh toán nợ nần được xem xét khác nhau.

Những kỳ thanh toán nợ thẻ tín dụng, tiền vay thời sinh viên, những món vay mua xe và những món vay khác hoặc rơi vào loại trả góp hoặc loại luân chuyển. Khi tính toán tỉ số nợ nần, hai loại được đối xử khác nhau.

Nợ trả góp (installment debt), như tiền vay mua xe hơi, có nghĩa những kỳ thanh toán hằng tháng cố định trong một thời gian được ấn định trước. Chẳng hạn, một món vay mua xe có thể mỗi tháng phải trả $500 trong 60 tháng. Điều đó dễ hình dung khi tính toán tỉ số nợ nần. Ngoài ra, khi còn chưa tới 10 tháng phải trả nợ, các nhà cho vay có thể làm ngơ việc thanh toán khi biết rằng chẳng bao lâu nữa nó sẽ biến mất.

Nợ luân chuyển, hay xoay vòng (revolving debt) có thể là nợ thẻ tín dụng hoặc một mức vay tối đa. Nợ luân chuyển xem xét lãi suất đối với món vay và kết toán còn phải trả. Nếu có một kỳ thanh toán thẻ tín dụng được liệt kê trên một báo cáo tín dụng, sẽ có một số tiền tối thiểu phải trả. Những người vay có thể trả số tiền tối thiểu đó, trả nhiều hơn một chút hoặc trả hết kết toán. Việc thanh toán hằng tháng tối thiểu sẽ thay đổi căn cứ vào kết toán hiện nay của món vay. Các nhà cho vay sẽ sử dụng khoản thanh toán hằng tháng tối thiểu trên một báo cáo tín dụng.

Những kỳ thanh toán nợ thẻ tín dụng, tiền vay thời sinh viên, những món vay mua xe và những món vay khác hoặc rơi vào loại trả góp hoặc loại luân chuyển. (Hình minh họa: David McNew/Getty Images)

Đối với hầu hết các chương trình cho vay thế chấp, tỉ số nợ nần là những hướng dẫn then chốt, nhưng không phải là những quy tắc cứng rắn. Khi một nhà cho vay cứu xét một đơn vay tiền qua một hệ thống bảo đảm món vay tự động, tỉ số được duyệt xét như một phần của tiến trình chấp thuận.

Nếu một chương trình cho vay đòi hỏi tỉ số nợ nần không được quá 50%, nhà cho vay sẽ không chấp thuận nếu tỉ số vượt quá 50%. Một tỉ số nợ nần 50% có nghĩa những kỳ thanh toán hằng tháng tổng cộng lên tới một nửa lợi tức gộp hằng tháng của người nộp đơn vay tiền. Tỉ số nợ nần cao hơn nhưng vẫn được chấp thuận vay tiền khi những khía cạnh tích cực khác được xem xét, chẳng hạn như điểm tín dụng cao hoặc một món tiền trả trước lớn hơn.

Cuối cùng, chúng ta nên xét qua những kỳ thanh toán tiền thuê mướn. Hãy nhìn vào một kỳ thanh toán tiền thuê mướn xe. Thay vì một vụ mua đứt, người tiêu thụ chọn giải pháp thuê mướn. Khi thuê mướn, người vay tiền không làm chủ chiếc xe, nhưng vẫn thường xuyên thực hiện những kỳ thanh toán hằng tháng cho nhà cho vay trong một thời kỳ nào đó. Những kỳ thanh toán này thường cố định, giống như một món vay trả góp. Nhưng vào cuối thời gian thuê mướn xe, chẳng hạn 48 tháng, chiếc xe được trả lại. Nhưng không như một món vay trả góp, khi chỉ còn 10 tháng, nhà cho vay vẫn có thể tính món nợ này khi biết rằng người vay hoặc sẽ mua đứt chiếc xe hoặc sẽ trả xe và mua hay thuê một chiếc xe khác. (N.N.) [qd]

MỚI CẬP NHẬT