Nhiều sinh tố quan trọng trong bơ và dâu

Trong khi trái bơ có các sinh tố khác như A, E, thì trái dâu có nhiều sinh tố B, C. Đặc biệt, cả hai loại trái cây này còn có nhiều công dụng chữa bệnh. 

Trái bơ 

Trái bơ có nguồn gốc ở Trung Mỹ và Mexico. Ngày nay bơ được trồng ở các vùng ấm áp, gần nhiệt đới, đất không bị ủng nước và không bị lạnh băng vào mùa Đông.

Tại một số quốc gia Nam Mỹ và quần đảo Thái Bình Dương, trái bơ là nguồn thực phẩm rất quan trọng vì có nhiều chất đạm hơn các loại trái cây khác.

Bơ có thể ăn theo nhiều cách khác nhau. Ăn bơ chín cho thêm đường, sữa… hoặc nấu thịt bò hoặc thịt gà. Khi nấu, bơ có vị hơi đắng.

Một trái bơ lớn vừa phải khoảng 200 gr có 10 gr chất xơ, 30 gr chất béo,110 mcg folacin, 14 mg sinh tố C và đặc biệt là có tới 1.5 gr kali.

Chất béo chiếm 16% trọng lượng của trái bơ, nhưng đa số là chất béo chưa bão hòa dạng đơn mà nhiều người cho rằng ăn vào sẽ làm da láng mịn và mềm mại, lại không làm tăng cholesterol trong máu. Trái bơ cũng có một ít chất sắt, magnesium và các sinh tố khác như A, E,…

Trái bơ cung cấp nhiều năng lượng. Một trái lớn trung bình cho tới 200 calori, cho nên nếu thấy ngon miệng mà lại ăn nhiều thì có thể là sẽ tăng cân. Nhiều người lại cho rằng trái bơ còn tăng cường sinh lý.

Trái bơ thường được hái khi chưa chín, nên khi mua về thì nên để ở ngoài không khí vài ba ngày để trái bơ chín mềm và ăn được. Muốn cho trái bơ mau chín, nên để trái bơ trong túi giấy với một quả táo hoặc quả chuối. Khi trái bơ đã chín, nên cất trong tủ lạnh để đừng quá chín, ăn mất ngon.

Mua bơ, nên chọn trái không bị những vết bầm đen. Chỉ cắt trái bơ ra ngay trước khi ăn vì nếu để lâu, trái bơ sẽ chuyển sang màu nâu sậm trông không đẹp. 

Trái dâu 

Trong khi đó, dâu là loại trái cây có quanh năm, nhiều nhất là vào Tháng Tư tới Tháng Sáu. Dâu có loại hái một mùa hoặc loại có nhiều vụ cho tới khi tàn vào mùa lạnh băng giá.

-Thành phần dinh dưỡng: Dâu có nhiều sinh tố C, sinh tố B; chất xơ không hòa tan lignin ở hạt dâu và trên vỏ, và chất xơ hòa tan pectin trong trái dâu. Một trăm gram dâu có 21 mg folate, 42 mg sinh tố C, 1.5 gr chất xơ.

-Cất trữ: Không nên mua dâu mềm chảy nước, vỏ mọc nấm. Thường thường dâu nhỏ và trung bình lại ngon ngọt hơn trái to.

Dâu ngon khi nom còn màu đỏ tươi, thịt chắc, cuống xanh có lá nhỏ. Dâu màu hơi tái là dâu non, còn dâu có những đốm đỏ sậm lại chín quá. Dâu mà cuống lá non màu nâu đất thì là dâu già.

Mua dâu về lựa bỏ trái hư để tránh nấm mốc lan tràn, giữ nguyên cuống rồi cất giữ trong tủ lạnh, nhưng đừng để quá lâu. Chỉ rửa dâu trước khi ăn và cắt cuống sau khi rửa, tránh nước thấm vào làm nhạt vị ngọt của dâu.

Chỉ cắt dâu khi sắp ăn vì cắt để lâu, sinh tố C bị phân hủy, làm giảm giá trị dinh dưỡng của dâu.

Muốn dâu dịu ngọt, cho thêm chút đường. Đường hòa nhập với nước tiết của dâu, một lúc sau dâu trở lên mềm, dễ ăn.

Dâu có thể ăn tươi, làm mứt, đóng hộp.

Dâu khử trùng để dành bằng sức nóng mất bớt một phần sinh tố C và cũng ngả sang màu đất nên để giữ màu tự nhiên của dâu, người ta thường châm thêm một chút nước trái chanh.

-Dùng trong y học: Trái dâu vừa là một loại trái ăn ngon, vừa là một vị thuốc được dân gian dùng để chữa bệnh.

Dâu có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, làm bớt đau nhức xương khớp, chữa các bệnh ngoài da như mụn trứng cá, nấm trên da.

Dâu có nhiều chất chống oxy hóa, có tác dụng làm giảm nguy cơ bệnh tim, ung thư, thoái hóa thần kinh và làm chậm sự lão suy.

Chất folate trong dâu góp phần làm giảm nguy cơ khuyết tật bẩm sinh ở trẻ em như chẻ cằm, và ống thần kinh kém phát triển.

Sinh tố C có nhiều trong dâu nên cũng tốt để ngừa thiếu sinh tố này, tránh bệnh hoại huyết (scurvy hay scorbut).

-Vài điều cần lưu ý: Dâu là một trong mười hai loại thực phẩm hàng đầu gây ra dị ứng cho người ăn. Mười một thứ kia là sô cô la, trứng, cá, bắp ngô, hạt đậu, sữa, quả hạch (nuts), quả đào, thịt heo, đồ biển và hạt lúa mì (wheat).

Dâu có một hóa chất salicylate, tương tự như aspirin, nên quý vị dị ứng với thuốc giảm đau nhức này nên cẩn thận.

Ngoài ra, oxalic acid trong dâu có thể làm trầm trọng bệnh sạn thận, sạn ống dẫn nước tiểu và làm cơ thể khó hấp thụ calci và sắt. (Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức, www.bsnguyenyduc.com)

Giai phẩm Xuân Người Việt Tết Mậu Thân 2018