Friday, March 29, 2024

Quân bình âm dương là vô bệnh?

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Trước khi đi tìm hiểu về âm dương quân bình là vô bệnh, thiết tưởng chúng ta phải tìm hiểu người xưa phân biệt chỗ khác nhau giữa tương đối và tuyệt đối.

Chúng ta sống trong thế gian là tương đối, cho nên dù phát triển khoa học, y học, triết học áp dụng vào đời sống cũng vẫn nằm trong tương đối như Âm đối Dương, Hàn đối với Nhiệt, Được với Thua, Đói với No… Muốn nói tới tuyệt đối thì không có từ. Người xưa thường mượn một từ Dương trong cặp Âm Dương tương đối khi nói tới tuyệt đối. Thí dụ:

-Chữ THIÊN có hai nghĩa:

+Thiên nghĩa tương đối là thiên đối với địa (Trời đối với Đất).

+Thiên có nghĩa là tuyệt đối là Trời (duy nhất) gọi là Thượng hoặc con đường giữa (Trung Đạo) như nói Thiên Thượng Thiên Hạ duy ngã độc tôn.

-Chữ ĐẠO cũng có hai nghĩa:

+Đạo có nghĩa tương đối là đạo đối với đời hoặc đạo là thái cực thì sinh lưỡng nghi, tức âm dương tương đối.

+Đạo có nghĩa tuyệt đối là vô cực (không rõ đầu đuôi) hoặc con đường giữa (Trung Đạo) nối liền giữa đạo và đời, giữa một và tất cả, giữa biến và bất biến…

Nếu không thấu hiểu được hai nghĩa tương đối và tuyệt đối của một chữ thì sẽ gặp trở ngại rất lớn trong việc học hỏi và áp dụng trong đời sống và trong Y Lý Y Khoa Đông Phương.

Đặc tính của âm dương 

Lý luận căn bản về âm dương trong Y Khoa Đông Phương có ba đặc tính là tương đối, hỗ căn và bình hành.

-Tương đối: Là âm dương đối lập qua tâm của một vòng tròn.

-Hỗ căn: Cùng có một gốc là toàn thể sự vật (thái cực), cùng song sinh, cùng tồn vong nơi sự vật, không cố chấp vào Âm sinh Dương, Dương sinh Âm, hai mặt âm dương tuy đối lập với nhau nhưng phải nương tựa vào nhau mới tồn tại đươc. Cả hai mặt đều là quá trình của một sự vật, không thể đơn độc phát sinh, phát triển đươc.

-Bình hành: Nhiều người cố chấp với nghĩa ngang bằng nhau, nhưng không hẹp hòi như vậy dù là âm dương có đồng là hai bán kính của một đường kính, thì hai chiều thuận nghịch âm dương cũng diễn đạt hai chiều hương tâm và ly tâm (Dương bình hướng tâm, Âm hành ly tâm).

Lý luận quân bình âm dương là vô bệnh cũng là lý luận tương đối. Chúng ta ai cũng biết vũ trụ luôn thay đổi và vạn vật dĩ nhiên thay đổi theo vũ trụ. Trái đất này luôn xoay chuyển từ ngày qua đêm, từ dương qua âm và ngược lại.

Ngoài thì có kim-mộc-thủy-hỏa-thổ. Trong có tâm-gan-tì-phế-thân, tượng trưng cho kim-mộc-thủy-hỏa-thổ. Tất cả đều thay đổi từng sát na.

Tuy nhiên trong sự thay đổi giữa ngoài và trong, vẫn phải luôn luôn điều chỉnh cho âm dương và ngũ hành hoạt động nhịp nhàng và quân bình thì chúng ta sẽ vô bệnh.

Chúng ta cứ nhìn một người đi trên dây với cái sào, người này phải luôn luôn điều chỉnh cái sào sao cho quân bình thì mới đứng trên dây và đi được. Nếu mất đi sự quân bình thì người đó sẽ rớt xuống. Quân bình âm dương cũng vậy, nếu chúng ta không giữ được quân bình thì chúng ta sẽ bị bệnh tật.

Vì Đông Y luận âm dương là hai cực tương đối trên một vòng tròn; còn phương pháp dưỡng sinh và Nho Giáo thì luận âm dương tương đối theo hai chiều ly tâm và hướng tâm của một trung đao.

Đông Y lý luận âm dương tương đối trong xã hội loài người nhưng khẳng định âm dương đối lập (tương đối) không rời âm dương thống nhất (tuyệt đối).

Thực dưỡng là dùng ăn uống chẳng những để nuôi thân mà còn nuôi tâm với xu hướng tiến hóa từ tương đối tới tuyệt đối, rất phù hợp với chủ trương của nhiều tôn giáo.

Cần nhấn mạnh cho rõ ràng hơn:

-Đông Y lý luận âm dương thực tế phổ thông trong xã hội có tính tự do, có hiệu quả tùy trình độ người điều trị.

-Thực dưỡng luận Đông Y lý tưởng, giới hạn trong tôn giáo, còn hiệu quả tùy tư tưởng người hành trì.

-Hai phương pháp luận đồng có một mục đích là bảo toàn sức khỏe bằng quân bình âm dương, chứng tỏ âm dương là hai thành phần hằng có trong vạn vật mà sức khỏe con người là âm dương quân bình. Người bệnh không phải do âm hay dương mà do tính thái quá (thực) hoặc bất cập (hư) của hai thành phần này.

Trị bệnh hoặc là bảo vệ sức khỏe cũng đều là điều hòa đem lại thăng bằng âm dương cho cơ thể, cho nên vấn đề cần phải lưu tâm là quân bình âm dương không để chúng hoặc thái quá hoặc bất câp.

Theo thực tế tiến hóa là dương> âm vừa phải, thoái hóa thì ngược lại là âm> dương vừa phải: Không còn vừa phải tất nhiên bệnh tật xảy ra. Người trị bệnh hoặc người dùng phương pháp thực dưỡng cần phải biết rõ như vậy.

Xem vậy muôn quân bình âm dương thì phải làm gì? 

1- Sự điều chỉnh âm dương tự nhiên: Sự thay đổi là nguyên bản của vũ trụ và cơ thể con người cũng thay đổi theo. Thời gian gây mất quân bình là giai đoạn thụ bệnh. Sức khỏe tuyệt đối khó có thể có trong tương quan của thế giới vật chất này.

Giai đoạn liên quan với bệnh tật thường không cần thiết phải nằm trên giường bệnh, đi bệnh viện hay đi khám bệnh. Những bệnh chỉ là qua loa như nhức đầu, thiếu khí lực, bao tử không tiêu hóa một vài tiếng, đêm chập chờn khó ngủ một vài ngày hoặc bị thương nhẹ… Thực sự những điều này chỉ sơ qua mà một số người không gọi đây là bệnh và cũng chẳng lưu tâm đến chúng. Chúng ta luôn gặp nhiều người nói tôi chẳng bao giờ bị bệnh là như vậy. Đây là những sự thay đổi mà mất quân bình âm dương không thái quá hoặc bất cập, và cơ thể tự động điều chỉnh theo cách sống của từng người và quân bình trở lại.

2- Cần phải tập thể thao: Chúng ta nên đi bộ hằng ngày chừng nửa tiếng đồng hồ cho mồ hôi ra, cho máu huyết lưu thông, cho tiêu hóa dễ dàng hơn, nhờ vậy cơ thể điều chỉnh lại dễ dàng mà chúng ta vô bệnh.

3- Cần phải hít thở: Tập hít thở để lấy nhiều oxy và thải thán khí trong cơ thể là cách tốt nhất giữ quân bình cho âm dương là khí huyết, chúng ta sẽ tránh khỏi bệnh tật.

4- Cần ăn uống điều độ: Sự ăn uống cho đúng cách và tương đối là phải theo nhưng căn bản hy vọng tăng cường cho sức khỏe:

-Ăn theo mùi vị.

-Ăn theo sự lưu tâm.

-Ăn với nhiều loại thức ăn.

-Ăn thức ăn tươi.

-Ăn hơi đói.

-Ăn thức ăn giản dị.

-Ăn thức ăn quân bình.

-Ăn nhiều rau trái.

-Kinh nghiệm với những thức ăn của mình.

Cách duy nhất, chúng ta phải tự tìm ra những thức ăn gì sẽ giúp cho sức khỏe chúng ta bằng những kinh nghiệm ăn uống, cố gắng ăn những thức ăn mới và phối hợp với nhiều loại thức ăn.

5- Cần giữ cho tinh thần phấn chấn, luôn nghĩ những điều khẳng định: Giữ cho tâm hồn an lạc bằng cách tập yoga hay thiền định để biết mục đích và hiện diện của chúng ta tại thế gian này là làm gì, và tìm hiểu tôi là ai?

Càng thiền định chúng ta càng an tịnh trong Nê Hoàn Cung nơi không còn mình, còn người, còn thời gian và không gian nhưng là vũ trụ bao la, là an lạc vô biên sẽ hóa giải được bệnh tật và quân bình lại được âm dương trong lục phủ ngũ tạng.

Tất cả những điều trên đều giúp cho cơ thể tự điều chỉnh, chúng ta sống trong sự an lạc. Nếu chúng ta lưu tâm thực hành hằng ngay trong đời sống mà Đông Y gọi quân bình tương đối trong âm dương, và nó luôn tự điều chỉnh trong từng sát na là vô bệnh. (Bác Sĩ Đặng Trần Hào)

Mời độc giả xem phóng sự “Lễ kiến tạo Mạn Đà La Mật Tông lần đầu tiên tại Little Saigon”

MỚI CẬP NHẬT