Friday, March 29, 2024

Ramen kiểu Hakata ở Costa Mesa, đúng kiểu mì Nhật

Thiện Lê/Người Việt

COSTA MESA, California (NV) – Thành phố Costa Mesa là một nơi có rất nhiều tiệm bán món mì ramen của Nhật Bản, khó biết chọn tiệm nào để ăn. Vì là một người thích ăn ramen, tôi rất muốn thử hết các tiệm mì Nhật ở Costa Mesa và ở Orange County.

Cuộc tìm kiếm quán mì ramen vừa ý mình nhất dẫn tôi đến quán Hakata Ikkousha trên đường Bristol, ngay ngã tư với đường Paularino. Quán này rất gần siêu thị Nhật Mitsuwa Marketplace và trong siêu thị cũng có một quán ramen ngon và tôi thường hay ăn ở đó.

Nghe bạn bè giới thiệu, đọc đánh giá trên Yelp xong, tôi nhiều lần đến quán Hakata Ikkousha, nhưng không ăn được vì đông khách và không có chỗ đậu xe. Tôi quyết định dành một ngày thường để đi vào buổi trưa cho có cơ hội tốt hơn và cuối cùng cũng được vào ăn thử.

Đây là một thương hiệu bán ramen rất nổi tiếng của Nhật Bản, có nhiều chi nhánh ở khắp nước Nhật, ở các nước Á Châu và Hoa Kỳ. Thương hiệu này chuyên bán mì ramen kiểu Hakata, đến từ thành phố Fukuoka ở Nhật.

Bảng hiệu của Hakata Ikkousha. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Ramen kiểu Hakata tức là nước xương heo hầm lâu, có màu trắng đục như sữa và thấm hết được vị ngon của mỡ, của tủy và cốt xương heo. Sau đó, đầu bếp sẽ pha nước súp với các gia vị tùy theo ý khách. Khách có thể chọn vị muối, vị xì dầu hay vị của bột đậu nành lên men “miso.”

Một điểm đặc trưng của ramen kiểu Hakata là các quán mì dùng sợi mì thẳng để không thấm quá nhiều nước súp béo trên cọng mì, khách ăn sẽ không ngán.

Tôi đến đây độ 1 giờ trưa, qua khỏi giờ ăn trưa của nhân viên công sở gần đây, nhưng quán cũng đầy người ngồi bên trong và có khoảng 10 người đợi ở ngoài. Sau 20 phút đợi, nhìn dòng người ra vào, cuối cùng cũng có bàn trống cho tôi và người bạn đi cùng.

Trong tiệm đông người, dù đã quá giờ ăn trưa. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Bên trong quán khá nhỏ, chứa được 20 người là cao, nhưng không khí nhộn nhịp. Cách bày trí và trên tường còn có bảng thực đơn bằng tiếng Nhật, nên có cảm giác gần như đang ăn mì ở Nhật.

Gọi món cũng rất đơn giản, chỉ cần nhìn thực đơn rồi điền tờ giấy trên bàn. Khách có thể chọn nhiều mùi vị như vị muối, xì dầu, bột đậu nành “miso,” hay dầu tỏi đen và mì cay. Thực khách còn thể chọn độ đậm đặc của nước súp giữa hai mức bình thường và loãng. Không chỉ vậy, khách còn có quyền chọn độ dai của sợi mì và chọn thêm các phụ liệu trong tô mì như trứng luộc, măng khô hay rong biển, sau đó là các món khai vị như bánh xếp chiên hoặc gà rán.

Dạo này trời đang lạnh nên tôi thèm chút mì cay và quyết định gọi cấp độ 4 là cay nhất, thêm măng khô và trứng luộc, sau đó thêm một phần bánh xếp. Anh bạn tôi thì gọi mì với dầu tỏi đen. Cả hai người đều chọn mì dai nhất và nước súp đặc bình thường.

Bảng thực đơn tiếng Nhật. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Quay tới quay lui thì tô mì đã có trên bàn, đúng với kiểu Nhật vì món ramen được coi là thức ăn nhanh của nước này.

Tô mì cay của tôi màu có nước súp màu đỏ vì được pha loại tương ớt bí mật của Hakata Ikkousha. Trên mặt đầy hành lá màu xanh, thêm màu trắng của quả trứng luộc và màu nâu của măng khô, lại còn có thịt heo xá xíu kiểu Nhật. Nước súp thấm từ từ vào từng ngõ ngách của sợi mì, rất hấp dẫn.

Vị cay của tương ớt thấm vào nước súp, làm tê đầu lưỡi, nhưng không át đi vị ngọt và thơm béo của nước hầm xương heo hơn 10 tiếng đồng hồ. Sợi mì dai, thấm nước súp, hút mì đến đâu thì vị nước súp thấm đến đó. Vì đây là sợi mì thẳng, nên nước súp không bám quá nhiều, làm giảm đi vị béo. Miếng thịt heo thì mềm mại, mùi vị ngọt ngào nhẹ nhàng, thơm mùi thịt heo. Quả trứng luộc thì được cho chút muối vào nên tròng trắng hơi mặn một chút và rất hợp với vị bùi béo của tròng đỏ lòng đào.

Ramen với dầu tỏi đen. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Nước súp với dầu tỏi đen của anh bạn tôi cũng ngon không kém, đậm đà mùi tỏi đen.

Trên bàn còn có nhiều gia vị, phụ liệu mà khách có thể tùy ý cho vào tô mì như hạt mè được để trong hủ như đồ xay tiêu để khách xay nhuyễn khi cho vào tô. Trên bàn còn có gừng chua với vị cay chua mặn kết hợp với nhau, tỏi sống và dưa chua cay, càng làm cho mì ngon hơn.

Bánh xếp “gyoza.” (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Một món mà các tiệm ramen ở Nhật lúc nào cũng phải có là món bánh xếp có tên là “gyoza.” Món này khác với bánh xếp của Trung Quốc hay Đại Hàn là lớp vỏ mỏng, nhân bên trong không quá nhiều, nên ăn rất nhẹ bụng, rất thích hợp cho món khai vị. Lớp vỏ mỏng, một mặt được áp chảo giòn và mặt kia mềm mại. Nhân bên trong thì mùi vị hơi nhạt để khách có thể thưởng thức mùi nước chấm làm từ xì dầu và giấm.

Sau bao nhiêu lần đến không thành công, cuối cùng tôi cũng được ăn thử một trong tiệm mì ngon nhất của Costa Mesa và chắc sẽ đến đây thường xuyên, nếu có chỗ đậu xe.

Địa chỉ: 3033 Bristol St., Costa Mesa, CA 92626. (Thiện Lê)


Liên lạc tác giả: [email protected]

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT