Thursday, March 28, 2024

Sao chổi đến gần Trái Đất nhất kể từ hơn 70 năm qua

Hà Tường Cát/Người Việt

Hai hiện tượng thiên văn đáng xem, có thể nhìn thấy bằng mắt thường vào cuối tuần này, đó là mưa sao băng trong đêm Thứ Năm, Thứ Sáu và sao chổi 46P/Wirtnanen đêm Chủ Nhật, 16 Tháng Mười Hai 2018.

Mưa sao băng Geminids hàng năm đều xảy ra vào tháng 12 còn sao chổi là hiện tượng hiếm có và đặc biệt 46P/Wirtnanen là một sao chổi đến gần Trái Đất hơn hết kể từ hơn 70 năm qua.

Để xem được phải cần nhiều điều kiện: tìm nơi bầu trời đủ tối, không bị mờ vì ánh sáng thành phố, không có mây che, và chịu khó thức khuya! Tuy nhiên, ở thời đại kỹ thuật thông tin này thì có thể theo dõi gián tiếp qua mạng điện toán của các cơ quan không gian hay đài thiên văn, chẳng hạn trang Virtual Telescope Project hay ‘In-the-Sky.org.’

Mưa sao băng là hiện tượng trong một thời gian ngắn có nhiều vẩn thạch cháy sáng trên bầu trời. Đây là những đám bụi vũ trụ xuất xứ từ các thiên thạch hay sao chổi tan rã, mỗi hạt bụi chỉ nhỏ bằng hạt cát và cháy tiêu trên thượng tầng khí quyển không đi xuống tới mặt đất. Quỹ đạo của những mảnh vụn này song song khi đi tới khí quyển, nhìn từ một nơi trên mặt đất người ta có cảm tưởng như các sao băng cháy sáng xuất phát từ cùng một vùng trên bầu trời, do đó được đặt tên bằng các chòm sao ở khu vực ấy.

Trận mưa sao băng Geminids diễn ra hằng năm từ ngày 07 đến ngày 17 tháng 12. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm Thứ Năm 13 rạng sáng ngày Thứ Sáu 14 lúc khoảng 2 giờ. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Song Tử (Gemini), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời. Geminids là trân mưa sao băng đẹp nhất trong nhiều trận mưa sao băng xảy ra hàng năm. Theo NASA các sao băng Geminids có vận tốc 22 dặm trên không gian nghĩa là chậm hơn các trận mưa sao băng khác trong năm như Leonids, Perseids, Orionids,…

Trăng thượng tuần sẽ lặn sớm sau nửa đêm để lại bầu trời tối thuận lợi cho một buổi quan sát mưa sao băng lúc sáng sớm. Thời gian quan sát tốt nhất để xem mưa sao băng là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng, nhưng theo Dave Samuel của AccuWeather, mưa Geminids có thể nhìn thấy suốt đêm và những đêm sau.

Vào lúc cao điểm có thể có từ 60 đến 120 sao băng một giờ nghĩa là mỗi phút có 1 đến 2 sao băng. Như vậy hy vọng không đến nỗi mỏi cổ đợi chờ nhưng tốt nhất vẫn là nên nằm ngửa hay tựa đầu vào lưng ghế ngả. Nhưng trong thành phố bầu trời sáng với ánh đèn thì nhìn thấy 30-40 sao băng một giờ là khó và đừng ngạc nhiên nếu không thấy sao băng gì hết.

Nếu thất vọng với mưa sao băn thì đến ngày Chủ Nhật hãy đón xem sao chổi, an nhàn hơn không cần thức khuya. Sao chổi 46P mang tên nhà thiên văn người Mỹ Carl Wirtanen đã khám phá ra năm 1948, thuộc họ “sao chổi Mộc Tinh” (Jupiter-family comet) quỹ đạo ngắn chu kỳ tuần hoàn dưới 20 năm.

46P/Wirtanen đi một vòng quanh Mặt Trời trong 5.4 năm. Vì thường đến gần Mộc Tinh, sao chổi chịu ảnh hưởng của hành tinh lớn nhất trong Thái Dương Hệ này nên quỹ đạo có thể thay đổi. Trong 70 năm kể từ 1948, chỉ có một lần duy nhất vào năm 1980 người ta không nhìn thấy 46P/Wirtanen vì quỹ đạo thay đổi đưa nó đến quá gần và lẫn vào vầng hào quang quanh Mặt Trời.

Năm nay, 4 ngày sau khi qua cận điểm quỹ đạo (điểm gần Mặt Trời nhất) sao chổi Wirtanen đến cách xa Trái Đất chỉ có 7.5 triệu dặm (30 lần khoảng cách từ Trái Đất Mặt Trăng) vào lúc 5 giờ sáng PT (giờ California) ngày Chủ Nhật 16 tháng 12, nhưng sẽ không có rủi ro sao chổi đụng Trái Đất.

Năm 2004 Cơ quan Không gian Âu Châu có kế hoạch phóng phi thuyền tự động Rosetta lên thám hiểm sao chổi 46P/Wirtanen nhưng vì không đạt được thời gian phù hợp nên phi thuyền đã được chuyển đến sao chổi 67P/Churyumov–Gerasimenko.

Các nhà thiên văn có thể xác định rất chính xác vị trí của sao chổi nhưng độ sáng của nó thì không thể nào dự đoán đúng vì không biết Mặt Trời tác động như thế nào. Bình thường, khi lại gần Mặt Trời, nhiệt độ tăng làm vật chất của sao chổi bốc hơi và, dưới áp suất của gió Mặt Trời, cái đuôi sao chổi được tạo ra. Mặc dầu hầu hết thời gian là một điểm sáng mờ chỉ quan sát được với viễn kính thiên văn nhưng tới lúc đó người ta hy vọng 46P/Wertanen sẽ thành một sao chổi màu xanh lá có thể nhìn rõ bằng mắt thường.

Ở Little Saigon, Nam California, có thể nhìn thấy sao chổi từ buổi chiều Chủ Nhật 16 tháng 12 vào lúc 5:46 pm PST ở 33 độ trên chân trời phía Đông. Sao chổi tiếp tục lên cao nhất trên bầu trời cho tới 9:54 pm và đến khoảng 3 giờ sáng sẽ không còn thấy nữa vì xuống thấp gần chân trời. Trong nhiều đêm sau sẽ còn trông thấy sao chổi nhưng mỗi ngày mỗi mờ dần.

Theo dị đoan từ ngàn xưa, người ta cho rằng sao chổi báo hiệu một điềm không lành cho nhân loại chẳng hạn như chiến tranh. Sao chổi nổi tiếng trong lịch sử, 1P/Halley, có chu kỳ 75-76 năm. Sau lần cuối cùng xuất hiện năm 1986, tới 1991 người ta ghi nhận có một vụ nổ vỡ và do đó chưa thể biết đến năm 2061 sao chổi Halley sẽ như thế nào.

Nhưng sao chổi Halley lớn và sáng rõ còn Wirtanen chỉ là một sao chổi nhỏ có lẽ các nhà chiêm tinh ít chú ý cho nên chưa thấy có lời tiên đoán gì và tinh hình căng thẳng Mỹ – Trung Quốc hay Nga – Âu Châu hiện nay chắc không ai tin sẽ đưa đến chiến tranh. (Hà Tường Cát)

MỚI CẬP NHẬT