Bệnh (tiểu đường) – Người bạn đời hay kẻ thù chung thân

Bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Hỏi:

Tôi nghe nói bệnh tiểu đường là bệnh phải uống thuốc suốt đời và có nhiều biến chứng như mù mắt, cưa chân, suy thận vân vân.  Điều này có đúng không?  Nếu đúng như vậy thì nếu bị tiểu đường là “đời tàn trong ngõ hẹp” rồi phải không?  

Phải làm sao để tránh các biến chứng trên mà vẫn sống đỡ khổ một chút?

Đáp:

Bệnh tiểu đường, cũng như những thứ/chuyện khác trên đời, đến với chúng ta do nhiều nguyên nhân, tùy theo từng trường hợp khác nhau: Có thể (ít hay nhiều, là) do cách ăn uống của ta, hoặc (nhiều hay ít, là) do ta có vận động thể lực đúng mức hay không, hoặc (ít hay nhiều, là) do yếu tố di truyền, vân vân và vân vân.

Dù là do (ít hay nhiều) nguyên nhân gì đi nữa, thì ta đã có “duyên” hay “nợ” với bệnh tiểu đường. Và trong đại đa số trường hợp, “em (hay anh) tiểu đường” này, sẽ ở cùng ta suốt đời!

Như là một “món nợ đời,” hay là một “người bạn đời.”

Giống như nhiều thứ khác trên đời đến với ta:  Nếu biết chấp nhận, phần “bạn” sẽ nhiều hơn.  Nếu không chịu chấp nhận (cũng không được), (ta sẽ cảm thấy) phần “nợ” sẽ nhiều hơn.

“Nợ,” hay “bạn,” (thực sự) chỉ là một hiện hữu có thật (a real fact) trong số nhiều điều xảy đến, đưa đến, trong cuộc đời của ta.

Biết chấp nhận, và biết tự mình thích ứng với nó, thì “tiểu đường” (như nhiều bệnh khác, nhiều chuyện/việc “không mời mà đến” khác, cũng) có thể là, một “người bạn” (bất đắc dĩ, nhưng) tốt.

“Tốt,” theo nghĩa, là (“bạn tiểu đường”) có thể giúp (bắt) ta (phải) kỷ luật hơn, sống điều độ hơn, học được cách (dù thế nào thì cũng cần và nên) sống vui, an nhiên tự tại, hơn. Trong bất cứ tình huống nào.

Vì có chấp nhận (những gì) cuộc đời (đưa đến), thì ta mới yêu (được, cuộc) đời.

Và, hình như, có yêu đời (hay/và những gì đến với ta trong cuộc đời), thì đời mới yêu ta.

Thì (họa may) ta mới có một cuộc sống an bình hạnh phúc.

(Có phải là cứu cánh, là một đích đầu tiên và tối hậu trong cuộc đời, của ta ?)

***

Như vậy,

Bệnh tiểu đường là một bệnh kinh niên, nên là một “người bạn đời” (hơn là một “món nợ đời”), mà người bệnh cần (và-dĩ nhiên là-nên) học cách “sống chung hòa bình” (và vui vẻ) với nó.

“Sống chung hoà bình” không có nghĩa là bỏ mặc nó, “quên nó đi.” Mà là biết nó đòi hỏi ta phải làm những gì, nắm vững những gì cần làm, hiểu tại sao ta phải làm những chuyện đó, để thấy sự cần thiết của những chuyện đó đối với sức khoẻ của mình, và do đó có một động cơ nội tại để làm các việc đó một cách tự giác hàng ngày, biến chúng thành những thói quen lành mạnh.

Ngày xưa, bên Tàu có một ông (tên là Vương Dương Minh) đề ra thuyết “tri hành hợp nhất”: Khi biết thực sự, khi thấu hiểu, hành động của chúng ta sẽ tự nhiên thay đổi để thích hợp hơn với tâm thức mới của mình.

Và khi ý thức sự tất yếu của những việc mình cần làm (không “cười” mà làm, thì cũng phải “khóc” mà làm,) ta sẽ (biết cách làm sao để) vui và tận hưởng cuộc sống, với những điều mà mình muốn tránh cũng không được (luôn tồn tại trong cuộc sống của bất cứ ai).

Giống như có người nói (hình như đúng với sự thật), đại khái là, tự do không phải là muốn làm gì thì làm, mà là ý thức được những giới hạn cần có, và do đó, cảm thấy thoải mái trong các giới hạn đó.  (Ví dụ như gặp đèn đỏ thì phải ngừng (một cách vui vẻ), mà vẫn cảm thấy rất tự do (khi ta ý thức được rằng đó là “chuyện dĩ nhiên,” là một trong nhiều giới hạn cần có giúp cho ta sống với mọi người một cách an toàn, và do đó thỏa mái hơn).

Cũng có ai đó đã nói, đại khái là, nếu không có những cái mà mình thích thì nên (tập để) thích những cái mà mình có. Hơn là mãi vọng tưởng những chuyện hão huyền, mà nếu có, cũng chưa chắc gì là thật sự thích hợp với mình.

Sống và tập thưởng thức những điều mà mình cần làm (hơn là những cái mình thích và cứ tưởng là cần, trong khi thực tế rất nhiều khi nó chẳng cần thiết chút nào, mà còn có hại cho mình), đó là một trong những bí quyết để sống mạnh khoẻ, hiểu theo nghĩa sức khỏe là sự thoải mái (bao giờ cũng tương đối) kể cả về thể chất, tâm thần và xã hội (định nghĩa của Tổ Chức Sức Khoẻ Thế Giới).

Để sống vui với “bạn” tiểu đường, những điều chính mà ta cần chú ý để điều chỉnh lối sống của mình là:

  • Để ý đến và điều chỉnh cách ăn uống cho thích hợp.
  • Tránh thuốc lá.
  • Thể dục và vận động thể lực thích hợp.
  • Biết cách kiểm tra và kiềm chế mức đường trong máu một cách thích hợp bằng thuốc men cũng như thể dục và ăn uống.
  • Biết cách phòng và phát hiện sớm các biến chứng của bệnh cũng như tác dụng phụ của thuốc men.
  • Hợp tác chặt chẽ và vui vẻ với bác sĩ để kiểm soát bệnh, phòng, phát hiện và chữa sớm các biến chứng.

Cũng như trong đại đa số các bệnh và vấn đề sức khoẻ khác, ta chính là trung tâm, là thành phần chính trong việc chữa bệnh, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ của mình.  Bác sĩ, người nhà, các chuyên viên, nhân viên y tế… chỉ có thể giúp chúng ta mà thôi.  Họ không thể uống thuốc dùm, bỏ thuốc lá dùm, ăn uống đúng cách dùm, tập thể dục dùm,… dùm thay cho chính ta.

Vạn sự khởi đầu nan. Tuy nhiên, qua khỏi bước đầu hơi khó khăn để làm quen với một “người bạn đời” mới không mấy dễ chịu (và không thể “li dị” được), (hy vọng, từ từ) ta sẽ cảm thấy dễ sống, và (thậm chí là) yêu đời hơn.

Rất nhiều người đã làm được điều đó, sống với bệnh một cách thoải mái. Rất mong rằng ta cũng sẽ (ngộ ra, và) làm được điều đó.

Biết đâu, nhờ (ngộ ra điều) đó, mà ta lại đang khởi đầu một giai đoạn mới hạnh phúc hơn trong cuộc đời.

Như ý của một bài hát:  Dù (có gì) đến, hay đi, ta vẫn xin tạ ơn đời, tạ ơn trời, tạ ơn người…

Thân mến

www.nguyentranhoang.com
(714) 531-7930

Mời độc giả xem chương trình dạy tiếng Anh “ESL Garage: Bài học về âm tiết”