Ngày Xuân với thầy thuốc

BS Ðặng Trần Hào

Thầy thuốc ngày xưa thường là những nhà nho, những người có khoa bảng, sau những tháng ngày giúp vua, xây dựng đất nước và chăm lo cho đời sống dân chúng một giai đoạn, rồi lui về quê nhà làm thầy thuốc hay thầy dạy học.

Loại thứ hai là những thầy đồ sau nhiều năm miệt mài đèn sách nhưng số phận không may, nên theo đuổi con đường làm thầy thuốc vừa để kiếm sống qua ngày, vừa thực hành tình thương yêu và giúp đời do thánh hiền chỉ dạy.

Nói chung, dù trong bất cứ cảnh huống nào, người thầy thuốc ngày xưa vẫn được dân chúng quí trọng và luôn kính mến.

Tưởng cũng nên biết qua thầy đồ xưa. Việc học của chúng ta được hoàn toàn tự do, ai muốn dạy cũng được, từ lớp vỡ lòng cho đến những những lớp đi dự thi Trạng Nguyên Tiến Sĩ. Nhất là những gia đình khá giả thường hay rước ông đồ về dãy bảo con cái tại nhà.

Các thầy đồ thường là những người văn tự, học vấn uyên bác ở trong làng mà ai cũng biết và kính trọng.

Thường là các vị quan về hưu hay mở trường dạy học để tiếp nối truyền thống hiếu học và nâng cao trình độ dân trí, cũng có khi những vị khoa bảng không ham muốn công danh, từ chối xuất chính, ở nhà dạy trẻ.

Có nhiều ông đồ tuy không đỗ đạt gì và đã từng không qua được những kỳ thi, nhưng rất uyên bác, tiếng đồn khắp nơi nên phải theo lời đề nghị của dân làng, mở lớp dạy học. Học trò thường rất đông và những người ở nơi xa thường gửi con tới theo thầy học.

Ông đồ rất được học sinh quí mến và cha mẹ học sinh quí trọng.

Tục ngữ có câu, “Muốn cho hay chữ phải yêu lấy thầy.”

Việc học hành của con cái cha mẹ tin tưởng tuyệt đối vào thầy đồ. Nhiều học trò chỉ theo một ông thầy từ lúc khai tâm cho đến khi đi đi thi trạng nguyên, tiến sĩ.

Tình thầy trò khắng khít như tình cha con, sự thân mật này đưa tới sự thâm giao giữa thầy đồ và phụ huynh học sinh trong một tình thân ái mật thiết.

Thầy thuốc cũng vậy. Môn sinh phải tới nhà thầy để học hỏi về y lý không chưa đủ mà còn phải học thực hành và những kinh nghiệm do bản thân thầy đã gặt hái được cả một cuộc đời làm thuốc, ngoài ra còn phải dạy cách đối xử với bệnh nhân và học tình thương vô vị lợi. Mục đích là chữa bệnh hết mình, không phân biệt giầu, nghèo, sang, hèn.

Ngày Xuân các môn sinh phải tới mừng tuổi thầy. Giàu thì gà sống thiến, nghèo thì hoa quả bánh chưng, bánh dầy, bánh tét,…

Sau khi làm lễ tại bàn thờ ờ nhà thầy, các môn sinh phải lễ sống thầy 3 lễ, 2 bái và chúc Tết thầy. Sau đó thầy trò thường vui xuân nhưng không quên truyền đạt những kinh nghiện của mình cho môn sinh.

Mỗi độ Xuân về, những ân nhân thường mang lễ vật tới để biếu thầy, chính mắt tôi đã nhìn thấy cảnh tượng này khi tôi ở gần bác tôi là ông Ðỗ Vũ, vừa dạy học, vừa làm thuốc ở trong làng. Mỗi lần những ân nhân mang lễ vật tới để tạ ơn, thường cụ không lấy hết mà chỉ lấy một phần, còn một phần gửi lại mang về, cụ nói lấy để khỏi phụ lòng họ, thật ra bổn phận thầy thuốc là phải phục vụ bệnh nhân khi họ cần đến, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn.

Vào những ngày đầu Xuân, thầy Ðồ Vũ bận rộn hơn nhiều, cả hai ba tháng trước Tết là thầy đã lo làm thuốc và sửa soạn những loại thuốc thường phải dùng tới trong những ngày Xuân như thuốc: nôn mửa, thuốc ỉa chảy, thuốc đầy hơi, ăn không tiêu, nhức đầu, đau bụng,…

Thầy nói, bệnh tùng tại khẩu, nhất là vào những ngày đầu Xuân, dân chúng thường vui ăn quá chén, nên thường bị bệnh nhiều hơn. Ðôi khi ăn quá nhiều gây ra khó thở, tức ngực, biếng ăn, mất ngủ là những bệnh thường gặp, và cụ sẵn sàng lên đường phục vụ bệnh nhân khi họ cần đến không kể ngày đêm hay xa xôi, hẻo lánh, đường đi khó khăn.

Ngoài những việc điều chế thuốc để đề phòng cho những bệnh tật đến vào ngày đầu Xuân, năm nào cụ Ðồ Vũ cũng hoa quả, hương đèn vào ngày mùng Một Tết cúng tổ Ðông Y Việt Nam là Hải Thượng Lãn Ông.

Theo nghiên cứu của Giáo Sư Tiến Sĩ Ðỗ Tấn Lợi, Lê Hữu Trác sinh năm 1720 và mất năm 1791, hưởng thọ 71 tuổi. Thân phụ là Thượng Thư Lê Hữu Mưu vào thời Lê Trịnh. Quê tại làng Lưu Xá, Hưng Yên. Vì có nghiệp dĩ với nghề thuốc, vào tuổi 30 cụ đã cáo quan trở về quê để phụng dưỡng mẹ già 70 tuổi, cũng từ đó cụ miệt mài nghiên cứu y lý Ðông y và đem áp dụng vào đời sống.

Nói đến Hải Thượng Lãn Ông, trước hết là nói đến y đức. Khái niệm y đức của ông thật giản dị: “Ðã hiến thân cho nghề thuốc thì phải biết quên mình để dồn hết tâm lực vào trước thuật, trước là cứu người.” Hơn nữa, cụ phân tích mối quan hệ thầy thuốc-bệnh nhân: “Thầy thuốc là người có nhiệm vụ bảo vệ sinh mệnh người ta. Lẽ sống chết, điều phúc họa đều ở trong tay mình xoay chuyển, lẽ nào người có trí tuệ không đầy đủ, hành động không chu đáo, tâm hồn không thoáng đạt, trí quả cảm không thận trọng mà dám theo đòi bắt chước học nghề y.”

Ðầu tiên cụ học thuốc với mục đích chữa trị bệnh cho chính mình và gia đình mình, vì vào thời gian này thầy thuốc còn quá hiếm, tài liệu để học hỏi và nghiên cứu cũng rất hạn hẹp, nên bệnh tật là vấn đề nan giải trong gia đình cũng như trong dân gian,

Có lẽ nhìn thấy nhu cầu và sự cần thiết phục vụ sức khỏe và bệnh tật của người dân, nên cụ đã sớm cởi áo chiến bào, công danh, phú quí trở về đời sống bình dị để tìm tòi và học hỏi về thuốc.

Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử nước ta vào thế kỷ thứ 18, khi mà tư tưởng cầu vinh hoa, phú quí, ham quan to, chức trọng, làm tướng được dân chúng nể vì, nào võng anh đi trước, võng nàng theo sau, được dân chúng trong làng đứng hai bên đường chào đón làm rạng danh gia đình họ hàng.

Còn coi thường nghề làm thuốc là quan niệm hầu hết các trí thức nước ta vào lúc ấy. Nhưng Hải Thượng Lãn Ông đã vượt trên những cái nhìn thiển cận và quyết tâm theo đuổi mục đích phục vụ sức khỏe cho chính mình, cho gia đình và cho mọi người. Sau đây là câu chuyện Lãn Ông kể lại nhưng lời bàn ra: “Ðương lúc nghỉ ngơi, nghe tiếng gõ cửa, là ông cử nhân họ Trần, ở làng bên tới chơi, ông thấy trên bàn có chồng sách thuốc dầy mới soạn, biết tôi say sưa với nghề thuốc đã tỏ lời can ngăn đôi ba lần mà không thể được, lại nói thêm: ‘Ðạo lý rất lớn nhưng gọi là Ðạo tức là đường lối trị nước… Chính sách hay phép tắc tốt thì sử sách còn ghi, còn như đạo làm thuốc chỉ thấy chép ở ngoại sử. Tuy Ngũ Ðế Kỷ có chỗ chép về nghề thuốc, thì lại chỉ nói song song với việc làm ruộng mà thôi, ngoài ra không thấy đâu nói đến cả. Cho nên nhà nho đời này qua đời khác đều học tập kinh nghiệm Xuân Thu, sử Tư Mã, dùi mài suốt Ðông sang Hè đủ để làm bước thang phú quí, lẫy lừng công danh. Còn như việc làm thuốc chỉ là một nghệ thuật mà thôi. Nếu như có ai coi trọng một chút thì nói là nhân thuật là cùng. Như vậy, phải chăng đạo làm thuốc không chính thức là nền tảng trong đạo lý của người đời đó ru?”

Nhưng chúng ta thấy, mặc ai nói ra, nói vào, lòng yêu nghề thuốc của Hải Thượng vẫn không thay đổi vì “nghề này có thể giúp người ta yên vui,” vì “đạo làm thuốc cũng giống như đạo làm tướng.”

Cụ nói: “Phàm học thuốc, phải luôn luôn trau dồi nghiệp vụ: khi có chút thời giờ nhàn rỗi, nên luôn luôn nghiên cứu sách thuốc xưa nay, luôn luôn phát huy biến hóa thâu nhập được vào tâm, thấy rõ được ở mắt, thì tự nhiên ứng được vào việc làm mà không phạm sai lầm.”

Và quan trọng hơn, thời đó thiên hạ coi làm thuốc chỉ là một thứ “thuật,” một kế sinh nhai chứ không phải “đạo.” Cụ tuyên bố: “Ðạo là vạn vật vận động trời đất. Cái gì yên dân, giúp đời được, đều là đạo. Nghề thuốc trị bệnh cứu người. Lãnh vực y dược giúp điều hòa khí hóa, bổ cứu âm dương, biến chế vạn vật, quan hệ đến khí hậu trời đất, tính mạng nhân quần, có thấu suốt được chân lý thiên văn, địa lý và nhân sự thì mới làm được thuốc. Làm thuốc có khác chi làm tướng? Ðó là y đạo.”

Y đạo một tư tưởng siêu phàm của Y Tổ Lãn Ông.

Ðạo lý của người thầy thuốc đã được Y Tổ đúc kết và đưa ra làm tiêu chuẩn mà còn gọi là y đức gồm những điểm chính: Không nên vụ lợi; Chữa bệnh không cần báo ơn; Không nên khinh người nghèo; Phải khiêm nhường với đồng nghiệp; Phải học người giỏi hơn mình; Giúp đỡ người kém mình; Không được khinh rẻ lẫn nhau. Hải Thượng Lãn Ông khuyên: “Ðã là thầy thuốc thì nên nghĩ đến cứu giúp người, không nên vắng nhà lâu để tìm vui thú riêng. Cùng một lúc có nhiều người mời đi chữa, thì cứu người cần cứu trước, chứ không được vì người bệnh giàu hay nghèo, quen thân hay quyền chức, cũng như phân biệt thuốc tốt xấu tùy vào đồng tiền. Việc chăm sóc cần đặc biệt chú ý những người bệnh nghèo túng, mồ côi, góa bụa, vì nhà giàu sang quyền quý không lo không có người chữa. Chỉ nhà nghèo khó mới không đủ sức mời thầy giỏi, nếu ta để tâm một chút họ sẽ được sống một đời. Người bệnh nghèo mà con thảo, dâu hiền, những ca bệnh nan y, ngoài việc cho thuốc, lại tùy sức mình mà chu cấp cho họ nữa, vì có thuốc mà không có ăn thì cũng vẫn đi đến chỗ chết.”

Trong lịch sử y học Việt Nam, cụ là người đặt nền móng xây dựng y thuật với cuốn Y Tôn Tâm Lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển đề cập từ nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, nhi khoa, thương khoa, truyền nhiễm, cấp cứu đến y đức, vệ sinh phòng bệnh, phương pháp nuôi dưỡng, thậm chí cả chế biến các món ăn dưỡng bệnh. Có thể nói Y Tôn Tâm Lĩnh là tinh hoa của y học nhân loại nói chung và Y Khoa Ðông Y cổ truyền Việt Nam nói riêng.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ là danh y đã cống hiến cho nền y học dân tộc, mà cụ còn là một nhà văn, nhà thơ, và nhất là đưa y khoa lên ngang hàng với đạo, hay còn gọi là Y Ðạo.

Trong bối cảnh lịch sử vào thời đó, cụ đã nhìn thấy những sự xa hoa trong triều đình chúa Trịnh và đã mạnh dạn viết cho dân chúng biết, cũng như cảnh tỉnh triều đình, là một điểm son trong tập Thượng Kinh Ký Sự của cụ. Ngoài ra cụ còn viết thêm tập Vân Khí để giúp cho chúng ta tự tập luyện sức khỏe, hầu tránh khỏi những bệnh tật.

Hải Thượng Lãn Ông đã trở về với cát bụi tại xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, hưởng thọ 71 tuổi, là nơi sông núi hữu tình, âm dương tương hợp, làm nơi an nghỉ sau những tháng ngày đem hết tâm huyết ra phục vụ đất nước, biên soạn những bộ sách quí giá lưu lại cho hậu thế, làm kim chỉ nam chữa trị và chăm lo sức khỏe cho con người.

Cụ là ngôi sao Bắc Ðẩu trên bầu trời y học nói chung và nhất là nền Y Khoa Ðông Y Việt Nam nói riêng.

Trong cảnh sống tha hương, trước thềm năm Mậu Tuất, hậu duệ Ðặng Trần Hào luôn tưởng nhớ tới công đức cao dầy và tinh thần phục vụ vô vị lợi của Y Tổ và xin thắp nén hương lòng, gửi tới Y Tổ ở một phương trời cực lạc nào đó chứng giám cho lòng con. (BS Ðặng Trần Hào)

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Đối thoại trong gia đình để hiểu những uẩn khúc của con em”(Phần 1)