Thursday, March 28, 2024

Sử dụng app chỉ đường một cách thông minh, chủ động

Tư Mỏ Lết

Phải nói là kỹ thuật GPS (hệ thống định vị toàn cầu) ứng dụng trong công nghiệp xe hơi đã đem lại quá nhiều tiện lợi cho dân lái xe ở Mỹ.

Chỉ mới cách đây chừng chưa tới 2 thập niên, người lái xe Mỹ đi xa phải tra cứu địa chỉ, tìm đường đi trên những cuốn bản đồ dầy cui, rồi ghi chép lại đường đi. Còn bây giờ, thì mọi thứ chỉ trên một cái màn hình nhỏ xíu.

Mười năm trước đây, thiết bị định vị GPS còn thịnh hành. Nhưng ở vào thời điểm này, thì chiếc điện thoại di động đã làm thay tất cả. Với các ứng dụng (app) chỉ đường như Google Maps, Apple Maps, Waze, thì công việc của người lái chỉ là bấm địa chỉ vào, và… a lê hấp, lên đường!

Có người còn than phiền là từ khi có ứng dụng này, khả năng định hướng trong lúc lái xe của họ mất tiêu. Bởi mọi thứ bây giờ đã có… điện thoại lo! Những ứng dụng chỉ đường online này còn có cái lợi hại, đó là cập nhật thường xuyên thông tin về tình trạng kẹt xe trên đường, và đề nghị người lái những con đường khác để đỡ kẹt xe, tiết kiệm thời gian hơn. Thông minh đến thế là cùng!

Thế nhưng, chuyện gì cũng có hai mặt. Hiện đại đến đâu thì cũng có khi… “hại điện!” Trong những năm gần đây, dù app chỉ đường giúp hàng triệu người lái xe tiết kiệm rất nhiều thời gian, nhưng cũng đã có người than phiền.

Trang báo mạng Seattle Times trong tháng 9 có bài viết về những phiền toái mà GPS đã gây ra phiền toái cho một số cư dân Hoa Kỳ. Nguyên nhân là vì ngày nay, có quá nhiều người hoàn toàn phụ thuộc vào các app chỉ đường như Waze, Google Maps, Apple Maps.

Hans Larsen, giám đốc Sở Công Chánh thành phố Fremont (Bắc California, gần San Francisco) đã nói rằng: “Thiên hạ ngày nay được huấn luyện để chỉ biết theo các app chỉ đường một cách mù quáng. Vấn đề là ở chỗ những app này không nhận ra sự khác biệt khi luồng xe cộ di chuyển trên xa lộ và trên những con đường nội thị, đi ngang qua khu vực trường học và khu dân cư.”

Để tránh kẹt đường trên xa lộ, các app này đã chỉ người lái xe đi xuống những con đường nhỏ trong khu vực cư dân, vốn không được thiết kế để “chào đón” những lượng xe lũ lượt như xa lộ. Ai cũng xài app, đi theo app, cho nên thay vì nối đuôi nhau trên xa lộ, người lái xe lại nối đuôi nhau trong đường khu vực cư dân. Điều này đã làm cư dân bực mình. Tự nhiên, con đường êm ả trước nhà sau giờ làm việc nay lại trở thành xa lộ, xe như mắc cưỡi. Có nhiều cư dân đã về đến trước nhà rồi, mà không thể nào quẹo trái vào lối vào nhà, bởi vì dòng xe cộ của những người tránh xa lộ không chịu ngừng lại để nhường đường. Hỏi vậy mà không giận sao được!

Những làn xe nối đuôi nhau vào thành phố Freemont mỗi buổi sáng và buổi chiều đã khiến cư dân hết chịu nổi. Thành phố Freemont đã phải tìm cách bảo vệ sự yên tĩnh và an toàn cho cư dân của mình. Họ tìm cách “chơi khăm” GPS, bằng cách cấm quẹo ở nhiều giao lộ quan trọng ở một số thời điểm mà các app chỉ đường hay hướng dẫn luồng xe đi từ xa lộ vào. Trước khi cảnh sát bắt đầu phạt những người vi phạm, Freemont còn để một bản thông tin điện tử bên đường nhắc nhở dân lái xe: “Đừng Tin Vào Apps của quí vị” (Don’t Trust Your Apps).

Freemont chỉ là một ví dụ cho nhiều thành phố khác của Hoa Kỳ, cũng là nạn nhân của các app chỉ đường. Nhưng cũng xin đừng đổ hết tội cho chiếc điện thoại thông minh và những app chỉ đường, vốn rất hữu ích. Điện thoại dù “thông minh” thì nó cũng chỉ là trí thông minh nhân tạo, đâu có thể thông minh hơn con người. Các app cũng thế, nó là do con người làm ra. Vì vậy, nếu người lái xe sử dụng các app chỉ đường một cách chủ động hơn, “thông minh” hơn, thì sẽ tránh được phiền hà cho mình, cho người, bằng cách lái xe thong thả hơn, và làm cho lưu thông đỡ gián đoạn hơn. Harry Campbell là một chuyên viên của The Rideshare Guy, chuyên hướng dẫn hàng ngàn tài xế của dịch Uber và Lyft hiểu rõ và sử dụng tốt hơn các app chỉ đường.

Sau đây là một số hướng dẫn của Harry Campbell.

Việc đầu tiên, hãy để đặt chiếc điện thoại của mình ở vị trí ngang tầm mắt, sẽ an toàn hơn khi lái xe vừa theo dõi app chỉ đường.

Hãy chọn cho một app chỉ đường mà mình cảm thấy phù hợp, và thực tập sử dụng nó cho thuần thục. Hiện nay có 3 app thông dụng nhất: Waze, Google Maps và Apple Maps. Campbell và những tài xế làm việc với ông cho rằng Waze và Google Maps khá tương tự, khó nói app nào tốt hơn. Waze cho tài xế nhiều thông tin hơn, thí dụ như ngã tư đèn đỏ có camera, hay thông tin về đụng xe. Tuy nhiên, nhiều người lại thích giao diện đơn giản, giống như hướng di chuyển của xe trong Google Maps. Campbell không thích Apple Maps lắm, do hay dẫn tài xế đi vào những con đường lạ, và thỉnh thoảng lại khó khăn trong việc tìm địa chỉ.

Dành khoảng 30 giây xem lại tổng thể về hướng đi, các chặng đường đi trước khi bắt đầu khởi hành. Đây là một thói quen tốt không chỉ cho người lái xe. Biết trước những hướng chính, những trục lộ chính mà mình sẽ đi giúp cho người lái tự tin, chủ động hơn trên đường, do đó lái xe sẽ an toàn hơn. Ngay cả khi có những điều bất ngờ trên xa lộ, tài xế có thể xoay xở đổi lộ trình một cách bình tĩnh, chủ động do đã biết trước hướng đi chính. Hoang mang trên xa lộ là điều không tốt chút nào! Ví dụ, cho dù có GPS, nhưng người lái xe biết trước là mình sẽ đi 5 North, sau đó 91 West, rồi 710 North… thì việc lái sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc “chỉ đâu quẹo đó.” Nên nhớ rằng trước khi có GPS, người lái xe ở Mỹ chủ yếu dùng định hướng này để di chuyển trên xa lộ, trong đường phố để lái đến đích.

Biết rõ những khuyết điểm của app chỉ đường mình đang sử dụng. Như đã nói trên, app chỉ đường dù có tốt đến cỡ nào, nó cũng không thể thay thế cho sự chú tâm của người lái. Apps ít khi báo lỗi, nhưng cũng có một số điểm yếu như: mất sóng khi vào khu nhà chọc trời, không thể báo chính xác vị trí của những địa chỉ rộng lớn như khu mua sắm, phi trường, khu đại học, đoán thời gian kẹt xe khá kém chính xác…

Nên tránh quẹo trái nếu có thể. Đây là một trong những cách thông minh khi dùng app chỉ đường. Quẹo trái gây ra 61% tai nạn trên đường phố so với 3% khi quẹo phải, khả năng gây ra tử vong cho người đi bộ cũng cao gấp 3 lần, thường tạo ra kẹt xe…

GPS dựa trên thuật toán để tính lộ trình nhanh nhất có thể, do đó đôi khi sử dụng nhiều lần quẹo trái mà có thể tránh được. Thí dụ, app có thể yêu cầu ta quẹo trái hai lần trên những giao lộ đông đúc để đi đến đích. Nếu biết trước, ta có thể quẹo trái sớm hơn một giao lộ, sau đó quẹo phải để đến đích, sẽ an toàn hơn.

Đừng chấp nhận đề nghị đổi lộ trình để tiết kiệm thời gian không đáng kể. Apps hay đề nghị đổi lộ trình để tiết kiệm thời gian. Có khi đáng, có khi không. Biết được khi nào nên đổi lộ trình theo app sẽ khiến cho ta sử dụng nó hợp lý hơn. Một qui luật khá hữu ích: chỉ đổi lộ trình nếu nó giúp ta tiết kiệm trên 5 phút lái xe. Thật là không đáng để bận tâm vào việc tiết kiệm một vài phút, đặc biệt là trong những hành trình dài.

Nói tóm lại, lái xe an toàn cần nhiều sự chú tâm, hay là “lái xe trong chánh niệm.” Việc sử dụng các app chỉ đường không thể thay thế cho sự phán đoán của người lái xe. Chúng sẽ giúp cho bác tài lái xe dễ dàng hơn khi biết sử dụng chúng một cách thông minh, chủ động. (Tư Mỏ Lết)

Cảnh sát Orange County bắt được bạch phiến trị giá $8.4 triệu

MỚI CẬP NHẬT