Bàn chân sưng trướng

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Ngày nay y khoa Đông phương đã và đang được phát triển tại Tây phương một cách tăng tốc.

Sau đây mời quý vị theo dõi và suy nghĩ về nhận định của một bác sĩ Tây y, đó là Bác Sĩ Andrew Weil tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại đại học nổi tiếng Harvard Hoa Kỳ như sau: “Tôi thấy y khoa Đông phương thật là kỳ diệu mà đôi khi lại nằm trong những danh sách không phải là trị bệnh chính ở Hoa Kỳ. Y khoa Đông phương ít nhất đã có 3,000 năm qua, thực sự là một khoa học đang phát triển, và nở rộ từ thế kỷ 10 tới thế kỷ 13. Mặc dù sau nhiều năm suy thoái, nhưng điều này không quan trọng tại Á Châu, và ngày nay còn phát triển mạnh mẽ hơn.”

Cũng theo Bác Sĩ Andrew Weil, y khoa Đông phương coi sức khỏe là tiêu biểu của sự hòa hợp với ngoại cảnh, và là sự quân bình giữa trong và ngoài, nói chính xác hơn là giữa tiểu và đại vũ trụ. Tạo hóa là nhất nguyên rồi biến hóa ra muôn hình vạn trạng như âm dương, khí hóa trong vũ trụ là chính yếu.

Y khoa Đông phương rất quan tâm tới khí và tin khí lưu chuyển trong con người và muôn loài vạn vật. Sức khỏe đòi hỏi khí trong từng tạng phủ phải quân bình. Quá nhiều khí hoặc thiếu khí là những nguyên nhân mất quân bình từng tạng phủ, và đưa tới mất quân bình của cơ thể mà gây ra bệnh tật.

Cái cốt lõi định bệnh trong y khoa Đông phương là định được tạng phủ nào mất quân bình, và sẽ chữa trị, điều chỉnh lại tùy theo bệnh thực hay hư của từng tạng phủ, như khí hư (thiếu) thì bổ khí và khí thực (dư) thì tả khí…”

Dựa vào nhận định trên của Bác Sĩ Andrew Weil cho chúng ta biết sự quan trọng của khí huyết.

Khí thuộc về dương và khí là đối tượng của sinh lý, bệnh lý và lâm sàng. Khí có hai ý nghĩa: Một là chỉ vào thứ chất li ti, khó thấy, trôi chảy như tinh khí của thức ăn, là một chất dinh dưỡng vận hành trong cơ thể. Hai là chỉ vào sức hoạt động của tạng phủ trong cơ thể như khí của ngũ tạng, khí của lục phủ, khí của các kinh mạch…
Ngày nay Albert Einstein và nguyên lượng cơ học đã khám phá ra vũ trụ không có thật mà khi phân tách tới cùng chỉ là những rung động hay những làn sóng.

Vì vậy chúng ta không lấy làm lạ Đông y đã xây dựng y lý trên nền tảng khí hóa, âm dương là hợp lý và chính xác mà khoa học ngày nay đã minh chứng mọi vật đều biến đổi, biến hóa không ngừng và sinh diệt. Khí là nguồn gốc của sự phát triển trong con người, nhưng cũng luôn lớn mạnh theo với cơ thể. Nó không phải là một ẩn dụ mà là một hiện tượng, nó có thể làm việc một cách hoàn hảo theo sự biến đổi của cơ thể.

Trong cơ thể, khí thường xuyên trong sự di chuyển và có bốn hướng chính là lên, xuống, vào và ra. Trong Nội Kinh có nói: “Nếu không có vào và ra thì không có sự phát triển, nếu không có lên và xuống thì không có sự di chuyển, sự hấp thụ và sự tồn trữ. Bình thường cơ thể hoạt động, khí di chuyển hài hòa và thay đổi trong bốn chiều hướng trên. Nếu khí bị thiếu, nếu khí bị nghẽn, hay di động bị rối loạn, hay vội vàng, hay bất cứ một sự di động nào của khí bị mất hướng và không điều hòa được, thì sự mất hài hòa của khí sẽ xảy ra.”

Nói cách khác, khí giữ cho tạng phủ làm việc trong tình trạng bình thường, giữ cho máu trong đường đi của nó và điều chỉnh sự tiêu thụ quá tải trong cơ thể con người như chất lỏng, mồ hôi, nước tiểu,…

Khí giữ cho cơ thể ấm áp bình thường và bất cứ cơ tạng nào trong cơ thể. Thí dụ chân tay ấm áp là phụ thuộc vào sự hâm nóng của nguyên khí.

Sau đây chúng ta đi tìm hiểu sưng trướng trong cơ thể nhất là tứ chi thường do nguyên nhân khí huyết không thông, thêm với nhiệt độc thấp trọc ngăn trở mà gây ra.

Chứng này là khi bắp chân sưng trướng và đau. Bắp chân sưng trướng xuất hiện những sợi mạch cứng rắn như chuỗi thừng sưng, nóng rát, đau rất khó chịu là do khí huyết nghẹt, nhiệt độc, thấp trọc ngăn trở đường mạch lạc phần hạ tiêu mà gây ra.

Nếu đau dữ dội, nơi đau biến màu tím tối, cứng rắn là do huyết ứ ngăn trở lạc mạch. Tiểu tiện vàng đậm. Mạch sác. Lưỡi khô đỏ, rêu lưỡi dày, vàng nhợt.

Chủ trị: Thông khí huyết, thanh nhiệt, trừ thấp và giải độc.

Bài thuốc
1. Ngưu tất 12 grs
2. Mộc qua 12 grs
3. Kê huyết đằng 18 grs
4. Ô dược 6 grs
5. Xích thược 12 grs
6. Đào nhân 12 grs
7. Trạch tả 9 grs
8. Trạch lan 14 grs
9. Đương qui 12 grs
10. Trích hoàng kỳ 9 grs
11. Hồng hoa 12 grs
12. Kim ngân hoa 9 grs
13. Độc hoạt 9 grs
14. Tần giao 9 grs
15. Tục đoạn 9 grs
16. Đỗ trọng 9 grs
17. Xa tiền tử 9 grs
18. Đại táo 3 trái

– Ngưu tất, mộc qua, kê huyết đằng, ô dược, trạch lan: Trừ thấp, giải độc.
– Đào nhân, hồng hoa: Thông huyết.
– Đương qui, xích thược: Thông huyết và bổ huyết.
– Kim ngân hoa: Giải độc.
– Độc hoạt, tần giao, tục đoạn: Trừ thấp.
– Trích hoàng kỳ: Bổ khí.
– Xa tiền tử, trạch tả, đỗ trọng: Lợi tiểu, giảm sưng.
– Đại táo: Phối hợp các vị thuốc.

Mời độc giả xem chương trình dạy nấu ăn “Tôm kho tàu gạch đỏ au”