Căn bản Luật Khánh Tận California

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080; 114 E. Chance A La Mer, Suite 100, Ocean Shores, Washington. Điện thoại: (360) 633-8880, website: www.lylylaw.com.

Trong vài tuần qua chúng tôi có nhận được thư của một số độc giả ở Orange County yêu cầu giải thích về Luật Khánh Tận California (California bankruptcy laws). Phần lớn hình thức căn bản bộ luật này thuộc loại luật bảo vệ giới tiêu thụ (consumer protection law).

Thực ra Luật Khánh Tận của tiểu bang California là thủ tục pháp lý dựa theo Điều Khoản Thứ 11 Luật Liên Bang Hoa Kỳ (Title 11 of the United States Code). Luật liên bang này được đặt ra có mục đích cứu giúp những cá nhân, tổ hợp hùn hạp hay công ty hoạt động trên đất Mỹ không may sa cơ lỡ vận làm ăn thất bại trên phương diện tài chính lâm vào đường cùng có cơ hội được giải thoát khỏi nợ nần mà phục hồi làm lại cuộc đời. Vì là luật liên bang nên luật khánh tận có hiệu lực trên tất cả các điều luật có tinh thần trái ngược của các tiểu bang chiếu theo Điều Khoản Tối Thượng (Supremacy Clause) của Hiến Pháp.

Luật pháp nhìn nhận trong cuộc đời bất cứ một người tốt nào trong xã hội cũng có thể gặp vận xấu làm ăn thất bại hoặc gặp nghịch cảnh bất khả kháng đưa đến tình trạng tài chánh kiệt quệ. Dĩ nhiên phần lớn nợ do giới tiêu thụ được giới tài trợ cho vay trả góp cho nên khi suy xụp không trả nổi đúng hạn khiến tiền nợ đẻ lãi mỗi ngày một chồng chất đến hồi cơ nghiệp xụp đổ đi đến tình trạng khánh tận hay nói nôm na là bị phá sản. Dĩ nhiên khi nợ mà không trả nổi thì thường bị các chủ nợ ra tay bằng mọi biện pháp để đòi tiền lại như kêu réo đe dọa đủ điều gây khổ sở cho con nợ.

Luật Khánh Tận California là một loại luật áp dụng đồng nhất trên toàn thể lãnh thổ tiểu bang dựa trên căn bản tha thứ chứ không phải trừng phạt. Luật này không có mục đích ngăn cấm hay can thiệp vào hành vi hay hạnh kiểm cá nhân như hình luật. Nói một cách giản dị Luật Khánh Tận thừa nhận trong thực tế đôi lúc ai cũng có thể gặp tình trạng nợ nần quá sức không còn nắm chủ động ổn định được tình trạng tài chính. Một người ngập đầu vì nợ khi nộp đơn xin phá sản trước nhất được luật pháp tức thời ban hiệu lực cho hưởng đặc quyền “tự động đình chỉ” (automatic stay) có nghĩa là được bảo vệ cho ngưng tức khắc tất cả các biện pháp đòi nợ của giới tài trợ (tức chủ nợ). Tất cả mọi hành động đòi nợ nào đối với người nợ thí dụ cho người gọi điện thoại hay viết thư đòi, truất lương nơi làm việc, làm đơn kiện cáo, xiết trương mục ngân hàng hoặc dùng mọi cách hăm dọa, quấy nhiễu, hay dùng các biện pháp khủng bố người nợ đều bị cấm chỉ. Một khi vụ án xin phá sản kết thúc thành công thì người nợ được tòa án xử khánh tận cấp một án lệnh giải nợ (discharge order) cho phép được rũ sạch những món nợ có liệt kê. Án lệnh này là một văn kiện của tòa án chính thức giải thoát đương sự thoát nợ một cách hợp pháp mà có cơ hội làm lại cuộc đời hay sự nghiệp. Theo pháp lý chủ các món nợ liệt kê trong án lệnh vĩnh viễn không có quyền tiếp xúc với người nợ hòng theo đuổi đòi những món nợ đó nữa.

Luật Khánh Tận California dựa theo luật liên bang có hai cách thông thường để khai phá sản là theo Chương 7 hoặc Chương 13:

Trước hết theo Chương 7 là một thủ tục thịnh hành nhất có tác dụng giúp cho nguời nộp đơn được giải thoát trọn vẹn các món nợ không thế chấp (unsecured debts) một cách tương đối nhanh chóng và giản dị. Theo Chương 7 tòa án sau khi xét đơn khai sẽ chỉ định một tín viên (trustee) giữ quyền kiểm điểm tất cả các tài sản của người nợ rồi phân loại. Ngoài những tài sản miễn trừ (exempt assets), những tài sản khác được đem bán đi rồi thanh toán cho các chủ nợ tùy theo thứ tự ưu tiên ấn định theo luật. Sau đó người nợ được tòa tuyên bố cho xóa nợ thông thường trong vòng từ bốn đến sáu tháng sau khi nộp đơn. Lương bổng của người nợ kiếm được sau khi nộp đơn khai khánh tận được đặt ra khỏi tầm đe dọa của các chủ nợ đã khai lúc đầu.

Chương 13 có tác dụng khác giúp cho người khai được dàn xếp lại chương trình trả nợ với điều kiện dễ dàng và thích hợp theo tình trạng tài chánh hiện hữu để có cơ hội tổ chức lại cuộc sống hay hoạt động thương mại. Người nợ được giữ lại tài sản hiện hữu, tòa ấn định chương trình trả nợ do một tín viên Chương 13 được tòa chỉ định thi hành cho phép người nợ trả bằng lợi tức sẽ kiếm được trong tương lai với thời hạn thường kéo dài từ ba tới năm năm. Số tiền nợ được giảm xuống từ 10% tới 100% tùy theo lợi tức và khả năng trả của người nợ. Chương 13 có lợi điểm xóa được vài loại nợ theo Chương 7 đồng thời bảo vệ người nợ không bị xiết nhà (foreclosures) hay bị xiết các tài sản khác mua chưa trả hết (repossessions) trong thời gian trả các món nợ thế chấp có ưu tiên.

Tùy từng hoàn cảnh những vị nào đang lúng túng vì tình trạng nợ nần ngập đầu không lối thoát thì nên tham khảo ngay với luật sư chuyên môn để giúp hướng dẫn tìm một giải pháp giải quyết tốt đẹp nhất, có nên khai phá sản hay không và nếu khai thì nên theo chương nào cho có lợi hơn.

Sau đây là vài nguyên tắc chính của Luật Khánh Tận California:

(1) Ngay khi nộp đơn xin phá sản tài sản của người khai sẽ được đặt ngay dưới quyền quản trị của tòa khánh tận và được gọi là “tài sản khánh tận” (bankruptcy estate). Tuy nhiên không phải toàn bộ tài sản phải nộp hết cho tòa mà loại ra một số được miễn trừ (exempt) do luật sư chỉ dẫn. Những tài sản này không phải nộp cho tín viên của tòa chỉ định. Riêng ở California danh mục tài sản được miễn trừ rất rộng rãi, có đến 90% các vụ khai phá sản ở đây tín viên do tòa chỉ định không hề tịch thâu một món tài sản nào của người khai.

(2) Tại California tài sản mới sang nhượng hoặc cho thân nhân hay bạn bè trong thời gian ngắn trước khi khai vẫn phải kể là “tài sản khánh tận.” Có một số người khi có ý định phá sản thường được các chủ nợ ve vãn chiêu dụ hoặc gạt gẫm cho lấy đi để người nợ rảnh rang khai “khánh tận không tài sản” sẽ dễ dàng xóa nợ hơn. Cách này không xóa được nợ như nói trên vì lý do tất cả các tài sản vào một thời gian ngắn trước khi nộp đơn vẫn thuộc “tài sản khánh tận” nên tín viên theo luật định có quyền hạn thu hồi lại. Nếu đã lỡ cho đi khi khai phá sản vẫn phải liệt kê trong danh sách “tài sản khánh tận” để tòa thẩm định, thà cứ công khai giải quyết vấn đề hơn là dấu bớt đi đến lúc bị khám phá ra sẽ trở thành tội phạm.

(3) Tài sản chung của vợ chồng cư ngụ ở California đều phải kể là “tài sản khánh tận” khi một trong hai người nộp đơn xin phá sản. Tất cả tài sản do hai vợ chồng kiếm được trong thời gian sống chung và sở hữu chung cũng thuộc vào “tài sản khánh tận.” Tương tự phần lớn các món nợ do một trong hai người gây ra trong thời gian lấy nhau đều bị coi là “nợ chung” (community debt) dù rằng nợ này chỉ có một người đứng tên. Tuy nhiên cũng có vài biệt lệ cho phép người có vợ hay chồng được khai phá sản theo cá nhân nên tham khảo với luật sư để phân loại tùy theo hoàn cảnh người khai trong nội vụ.

(4) Các trương mục hưu trí được tòa kể nằm ngoài phạm vi “tài sản khánh tận” do đó không bị tín viên chi phối vì tòa án nhìn nhận nhu cầu người về già đến tuổi hồi hưu sẽ rất cần những khoản tiền dưỡng lão để sinh sống. Dĩ nhiên đây là tiền cho tương lai nên không thể “trừng phạt” một người bằng cách lấy đi phương tiện mưu sinh trong những ngày cuối đời của họ.

Tuần tới chúng tôi sẽ tiếp tục giải thích thêm các nguyên tắc của Luật Khánh Tận California về các tài sản miễn trừ cùng những điều cần biết cho những người muốn khai phá sản đang là chủ nhà hay không có nhà.

Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích xử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708. Điện thoại: (714) 531-7080; 114 E. Chance A La Mer, Suite 100, Ocean Shores, Washington. Điện thoại: (360) 633-8880, website:lylylaw.com. (Luật Sư LyLy Nguyễn)