Thursday, March 28, 2024

Thuốc trường thọ

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Hỏi:

-Năm hết Tết đến, một câu chúc cửa miệng là “sống lâu trăm tuổi.” Đã có thuốc nào giúp “sống lâu trăm tuổi” chưa?

-Đã có thuốc nào giúp trẻ lâu, già chậm và chết trễ hơn chưa? Tôi đang yêu đời, và muốn trẻ lâu, mạnh khỏe, vui vẻ. Mong ước này có thực tế lắm không? Và phải làm sao để đạt được điều này? 

Đáp:

Đã có rất nhiều nghiên cứu về việc tăng tuổi thọ, nhưng hiện chưa có thuốc nào làm được điều này. 

Thuốc tăng tuổi thọ

Một nghiên cứu, lại cho thấy là một thuốc đã được dùng từ lâu, và giá rất rẻ, đang được dùng cho bệnh tiểu đường, là thuốc metformin, có vẻ có nhiều triển vọng.

Và nếu đúng như mong đợi, có thể làm tăng tuổi thọ lên đến 120 tuổi, và giúp chậm già đi.

Nghiên cứu trên một loại giun tròn (roundworm) có tên là C. elegans, các nhà nghiên cứu ở Bỉ cho thấy thuốc này giúp những con giun sống khỏe hơn và kéo dài tuổi thọ đến 40%. Sau đó, nghiên cứu được thực hiện trên chuột, cho thấy kết quả tương tự, và còn cho thấy là nó giúp xương những con chuột này chắc hơn.

Một nghiên cứu khác do đại học Cardiff University thực hiện, và công bố năm 2014, trên tạp chí khoa học “Diabetes, Obesity and Metabolism” chuyên về các bệnh tiểu đường, béo phì và chuyển hóa, cho thấy các bệnh nhân tiểu đường được chữa bằng thuốc metformin, có một sự cải thiện nhỏ, nhưng có giá trị thống kê, trong việc sống lâu, so với những người không bị tiểu đường, trong khi các bệnh nhân tiểu đường được điều trị với nhóm thuốc sulphonylureas thì có tuổi thọ thấp hơn so với người không bị tiểu đường.

Giáo Sư Gordon Lithgow từ the Buck Institute for Research on Ageing, là một trong những cố vấn cho nghiên cứu này, cho rằng thuốc metformin có thể giúp cho sự tiến triển của một số bệnh khác tiến triển chậm lại.

Hiện thuốc này đang được nghiên cứu trên người, về việc có thể kéo dài tuổi thọ.

Nhưng, chính thức, hiện nay, thuốc metformin này chỉ đang được chuẩn thuận cho việc điều trị bệnh tiểu đường, ở các bệnh nhân tiểu đường có thể dùng thuốc này mà không sợ bị các tác dụng phụ khác (thường là cho các bệnh nhân bị tiểu đường loại 2, mà thận chưa bị tổn thương).

Sống lâu mà khỏe và vui 

Sống lâu mà yếu và mất vui, thì cũng như “vất đi,” “thà chết sướng hơn.” Đó là ý kiến của không ít người (lớn, hay sắp lớn tuổi).

Một điều có thể đáng ngạc nhiên cho nhiều người, là nhiều thống kê cho thấy số người lớn tuổi, mà vui, lại ngày càng có vẻ tăng lên, so với các lứa tuổi khác.

Một nhà xã hội học của đại học nổi tiếng Cornell University cho biết một nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng tuổi trung niên (mid-life) có khuynh hướng là giai đoạn căng thẳng nhất trong cuộc đời. Vì ở tuổi này, có vẻ như là ai cũng đòi hỏi họ phải làm điều này, điều nọ. Và nghiên cứu trên đây về niềm vui của người lớn tuổi có thể là ánh sáng cuối đường hầm cho lứa tuổi này.

Một nghiên cứu khác cũng của University of Chicago, phỏng vấn 3,005 người tại nhà của họ, cũng được đang trên tập san chuyên về xã hội học Hoa Kỳ “American Sociological Review” cho thấy rằng khoảng 75% những người từ 57 đến 85 tuổi tham gia vào ít nhất một hoạt động xã hội mỗi tuần. Các hoạt động này bao gồm giao du với chòm xóm, tham gia các hoạt động tôn giáo, tự nguyện, hoặc tham gia các sinh hoạt hội đoàn. Những người ở lứa tuổi 80 có tỷ lệ tham gia hoạt động xã hội này cao gấp đôi những người ở lứa tuổi 50.

Các mối quan hệ xã hội (social circles) có khuynh hướng thu hẹp lại đôi chút khi tuổi tác chồng chất, tuy nhiên, đó cũng vẫn là các quan hệ xã hội. Nếu mở rộng định nghĩa của liên hệ xã hội ra theo hướng này, thì hình ảnh tự cô lập, cô đơn, trốn tránh xã hội sẽ không còn tồn tại như các định kiến trước đây. Đó là ý kiến của một tác giả cùng tham gia nghiên cứu trên của trường Đại Học Chicago.

Một người lớn tuổi hạnh phúc tham gia nghiên cứu cho rằng hạnh phúc, niềm vui, là sự cởi mở và hòa nhập với người khác. Một người lớn tuổi hạnh phúc khác có ý kiến hơi khác đôi chút, cho rằng hạnh phúc đến khi ta biết chấp nhận sự việc như nó hiện hữu, và thật sự chấp nhận và hiểu rằng không có gì trên đời là toàn hảo (“nothing is perfect”).

Chúng ta sống trên đời (nếu muốn hạnh phúc), không phải là để tìm kiếm những gì toàn hảo (không có thực), mà là biết yêu những gì không toàn hảo (mà ông trời, cơ duyên, đã đưa đến cho mình), một cách trọn vẹn.

Bên cạnh việc:

-Uống thuốc thích hợp và đúng liều, khi cần.

-Ăn uống lành mạnh.

-Thể dục thể thao đều đặn, phù hợp với sức khỏe của ta.

-Học được bài học “chấp nhận cuộc đời.”

-Biết yêu đời, sớm hơn.

Hy vọng rằng nhiều người trong chúng ta sẽ có được nhiều thời gian để tận hưởng niềm vui của cuộc sống hơn.

Thân mến

[email protected]
(714) 531-7930

“Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khỏe có tính cách tổng quát. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp.

Nhiều thông tin thiết thực và bổ ích khác về sức khỏe cũng được phát trên đài 106.3 FM ở vùng Nam California, vào mỗi sáng Chủ Nhật 6 đến 9 giờ sáng Chủ Nhật, trong chương trình “Radio Chuyện Sáng Chủ Nhật” và trên đài KVLA 57.8 vào mỗi chiều Thứ Sáu từ 3 tới 4 giờ chiều.

Các website www.nguyentranhoang.com và www.radiochuyensangchunhat.com cũng có nhiều thông tin bổ ích.”

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT