Friday, April 19, 2024

Ủy thác thay quyền quyết định

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080, website: www.lylylaw.com

Một vị nọ không may bất thình lình bị cơn đột quỵ (stroke). Thân nhân gọi 911 đem vào nhà thương cứu cấp kịp thời. Nhờ bác sĩ giỏi tận tình chữa trị nên thoát được lưỡi hái tử thần. Tuy còn nhìn và nghe nhưng ông không nói được, bệnh nhân hiểu rằng mình chẳng còn sống bao lâu. Chung quanh giường bệnh là những khuôn mặt rầu rĩ của bà vợ cả đám con cháu lo lắng hỏi nhau… “bây giờ tính sao đây?”

Phần đông mọi người thường nghĩ rằng dự trù tài sản (estate planning) chỉ tới lúc qua đời mới thấy hiệu quả. Nhưng thời nay kỹ thuật tiến bộ làm đảo lộn tất cả. Y khoa bây giờ có khả năng giữ cho thân xác một bệnh nhân sống đời thực vật vĩnh viễn cho dù bộ óc đã ngưng hoạt động. Tuy còn sống nhưng kể như chết, người ấy không còn biết gì hết và cũng không nói năng được với ai. Vì vậy muốn lập một kế hoạch dự trù tài sản tốt cần nghĩ đến triển vọng có ngày lỡ bị tàn phế mất đi khả năng tự quyết số phận chính mình, nhất là trong các quyết định tối hậu về việc điều hành tài sản lẫn sức khỏe.

Một thí dụ thời sự xẩy ra cách đây không lâu, báo chí và dư luận sôi nổi về vụ Terry Schievo ở Florida. Terry là một phụ nữ bị tai biến mạch máu não vào một ngày từ nhiều thập niên trước. Kết quả cơn đột biến làm cho bộ óc chết hoàn toàn không hồi phục được, bệnh nhân từ đó sống như loài thực vật trên giàn máy trợ sinh hô hấp nhân tạo và nuôi bằng thực phẩm lỏng truyền qua ống nhựa vào cơ thể. Ông chồng đã nhiều lần xin tòa cho rút ống cho vợ được giải thoát bằng cái chết, nhưng gặp chống đối của gia đình bên vợ nhất là có sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà thờ và chính quyền tiểu bang. Vì không có di chúc và cũng không truyền đạt được ý muốn nên số phận của Terry tùy thuộc phán quyết của tòa án. Qua nhiều lần kiện tụng lẫn kháng án nẩy lửa đầy chua chát, tòa cho phép rút ống dưỡng sinh rồi sau đó lại ra phản lệnh nối vào; dân địa phương chia thành hai phe biểu tình trước dưỡng đường nơi bệnh nhân nằm, một phe ủng hộ giữ cho bà sống sót và phe kia bênh vực ông chồng thắng thế được tòa án địa phương rốt cuộc cho lệnh rút ống. Mặc dù gia đình với hỗ trợ tối đa của thống đốc tiểu bang cùng nhà thờ đã kháng cáo một cách tuyệt vọng lên Tối Cao Pháp Viện nhưng vẫn bị bác. Sau cùng ống dưỡng sinh được rút ra, bệnh nhân nằm chết dần kéo dài nhiều ngày một cách bi thảm giữa tiếng cầu nguyện xót xa của thân nhân và đám đông bên ngoài. Ngoài vụ Terry Schievo còn nhiều trường hợp tương tự. Cũng không thiếu biết bao giấy mực viết về những tranh luận quanh vụ Bác Sĩ Jack Kervokian ở Michigan trợ giúp cho nhiều bệnh nhân nan y tự kết liễu đời sống, điều này cho thấy nhiều mâu thuẫn nghiệt ngã trong xã hội loài người về quyền được chết cùng những vụ sát nhân cứu độ (mercy killing).

Dĩ nhiên không ai muốn gặp trường hợp phải đứng trước quyết định khủng khiếp như vụ Terry Schievo hay thân chủ của Bác Sĩ Kervokian. Các vụ án trên cho chúng ta thấy trong đời sống nhân loại còn xảy ra rất nhiều trường hợp chính mình phải nhờ đến người khác quyết định thay thế một khi mất đi năng lực trí tuệ mà suy nghĩ và làm quyết định.

Hai chục năm trước theo thống kê phân nửa số bệnh nhân chết tại bệnh viện hay dưỡng đường. Ngày nay tỷ số đã tăng lên đến hơn bốn trong năm bệnh nhân chết ở những nơi trên. Nhân viên y tế tại các cơ sở này trước trường hợp đe dọa đến tính mạng bệnh nhân bao giờ cũng phải tuân hành theo chỉ thị sẵn có, hoặc cứu tỉnh bệnh nhân hay cứ để họ chết. Nếu việc cứu cấp chỉ có nghĩa kéo dài thêm đau đớn thân xác bệnh nhân hay làm tăng thống khổ của gia đình khi người bệnh sống đời thực vật thì chắc không ai muốn như vậy. Ngược lại có nhiều bệnh nhân còn muốn sống nhưng không biểu lộ được ý định cho người khác biết hoặc gia đình họ không muốn nhìn thấy người thân ra đi vĩnh viễn.

Về mặt pháp lý, luật lệ có ấn định rằng tất cả mọi người bất luận ai còn khả năng tri thức của người trưởng thành thì đều có quyền từ khước chăm sóc y tế. Nếu ai bị đau ốm rơi vào tình trạng không nói hay diễn đạt tư tưởng được với người khác nhưng có bằng chứng rõ rệt muốn chữa trị thí dụ như lời dặn trong di chúc sinh thời hay các tài liệu “dặn dò trước” (advance directive) thì ý nguyện ấy phải được triệt để tôn trọng. Thực tế những lời dặn này thường viết thành văn kiện chính thức chắc chắn sẽ được thi hành với điều kiện phù hợp theo luật lệ tiểu bang. Nếu không có văn bản chính thức thì không có gì bảo đảm nguyện vọng của đương sự được tôn trọng.

Theo luật pháp có vài phương pháp dự trù thí dụ về tài chánh có thể dùng tín mục (trusts) hay “luật quyền lâu bền” (durable power of attorney) trong việc điều hành tài sản. Với mọi quyết định liên quan đến sức khỏe thì có thể lập “luật quyền chăm sóc sức khỏe” (health care power of attorney gọi tắt là HCPA) ủy thác cho người khác quyết định thay thế mình khi mất đi khả năng tự quyết. Khi cân nhắc các văn kiện dự trù đời sống (lifetime planning) hay soạn bản “dặn dò trước” thì cần lưu ý rằng những tài liệu này chỉ có giá trị pháp lý khi lập ra lúc tâm trí còn tỉnh táo sáng suốt mà thôi. Hầu hết luật các tiểu bang có chỉ dẫn rõ ràng thủ tục thiết lập sao cho hợp lệ và phải có nhân chứng ký tên. Mặc dù luật pháp không qui định bắt buộc các tài liệu này phải do luật sư soạn thảo tuy nhiên dùng luật sư thì chắc chắn hơn. Một luật sư chuyên môn giỏi sẽ giúp soạn thảo tài liệu cá nhân phản ảnh trung thực nguyện vọng của thân chủ cùng các văn kiện liên hệ đòi hỏi khác phù hợp đúng theo luật lệ, nhất là với trường hợp có mầm mống xung đột tranh chấp trong gia đình hoặc có vấn đề đặc biệt liên quan đến y khoa và pháp lý.

Cuộc đời vẫn trôi qua dù ai có bị bệnh hoạn hay tàn phế. Không vì lý do đau yếu mà được miễn trả bills nợ thường lệ như tiền nhà, tiền điện, tiền nước… Tới kỳ khai thuế gia chủ vẫn phải nộp mẫu 1040 cho IRS. Nếu đang kinh doanh thương mại dĩ nhiên cần nhân vật thay thế quán xuyến công việc cũng như tài sản phải có người quản trị điều hành.

Thường ra những người có gia đình tin cậy nơi vợ hoặc chồng sẽ là kẻ đảm nhiệm thay thế cho mình toàn bộ. Đặt giả sử rủi ro nếu người hôn phối cũng cùng chung số phận như mình trong cùng một hoàn cảnh tai biến – thí dụ như cùng bị thương tích nặng trong một tai nạn xe cộ – thì rồi sẽ ra sao? Hoặc người này chết trước hay trọng thương hôn mê không tỉnh? Nên đặt giả thuyết cho tất cả những tình huống xấu nhất để dự trù biện pháp ứng phó. Nếu may mắn không có gì xẩy ra thì là đại phước, còn có biến cố thì cũng đã tiên liệu cả rồi nên sẽ không gặp trở ngại khó khăn nan giải. Thường lệ hai vợ chồng có chung liên chủ quyền (joint tenancies) trên tài sản chung do đó khi một người lâm nạn hay chết đi thì người còn lại sẽ đương nhiên kế vị, tuy nhiên nên cẩn thận vì liên chủ quyền theo luật sẽ chấm dứt không còn hiệu lực khi người hôn phối chết trước, hoặc hai người cùng chết, thì không đủ tính cách che chở hết mọi tình huống.

Trên khía cạnh bảo vệ tài sản cách tốt nhất là lập một “tín mục sinh thời loại thay đổi được” (revocable living trust). Theo cách này người lập tự ủy nhiệm mình và một người khác đáng tin cậy vào chức vụ “tín viên chung “ (co-trustees) hoặc còn gọi là “tín viên thay thế” (alternative trustees). Sau đó chỉ việc chuyển tất cả tài sản nào cần đến quản trị vào tín mục, đặc biệt là tài sản đầu tư như cổ phiếu hay trái phiếu, tài sản cho thuê, cùng các trương mục ngân hàng. Dĩ nhiên có thể tùy ý ủy thác cho “tín viên chung” hay “tín viên thay thế” ít hay nhiều quyền hạn và ấn định rõ các chức vụ đó chỉ có quyền hạn trong trường hợp tín viên chính (người chủ tài sản) bị mất năng lực. Ngoài ra mọi quyết định trên tài sản trong tín mục phải được tín viên chính chấp thuận. Nếu người chủ qua đời thì tài sản trong tín mục có thể (1) hoặc tiếp tục giữ trong tín mục, (2) hoặc gom vào toàn bộ di sản để lại cho thừa kế, (3) hoặc trả cho người thụ hưởng chỉ định. Tuy nhiên đôi khi tín mục tùy từng hoàn cảnh cũng không hoàn toàn đáp ứng đúng theo ý nguyện của người lập mà còn có thể gặp rắc rối vì việc chuyển tài sản vào tín mục lúc còn sống.

Chúng tôi sẽ đề cập đến những phương pháp thông dụng khác trong mục đích bảo vệ tài sản và sức khỏe trước hoàn cảnh không may bị lâm nạn trở thành tàn phế. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị. (Luật Sư LyLy Nguyễn)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT