Yếu tố pháp lý với chủ quyền tài sản

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708, điện thoại: (714) 531-7080; 114 E. Chance A La Mer, Suite 100, Ocean Shores, Washington, điện thoại: (360) 633-8880, website: www.lylylaw.com.

Cách thức nắm chủ quyền một tài sản từ thí dụ đơn giản làm chủ một trương mục ngân hàng cho đến làm chủ một bất động sản đều có ảnh hưởng quan trọng tới mức độ an toàn của các tài sản này trong trường hợp bị kiện thưa hay ly dị. Sau đây là tóm lược vài hình thức sở hữu chính đang áp dụng theo luật lệ hiện hành tại Hoa Kỳ cùng các yếu tố pháp lý đối với khía cạnh bảo vệ tài sản.

Quyền sở hữu liên quan tới việc đem tài sản làm tặng phẩm cho người khác hoặc sang chuyển cho thân nhân hay thừa kế với mục đích tránh khỏi tầm với của giới tài trợ (hay chủ nợ) khi bị kiện. Do đó bước đầu tiên của mọi kế hoạch bảo vệ tài sản là nhận định phương pháp nắm chủ quyền những tài sản hiện hữu bằng cách (1) duyệt lại các văn kiện như trước bạ nhà đất (deed), chứng chỉ trái phiếu hay bản liệt kê (statement) các trương mục đầu tư, (2) xác định căn bản thuế lợi tức phải đóng của từng món tài sản hay giản dị hơn kiểm điểm tài sản nào phải đóng thuế (3) xác định tỷ lệ đóng góp của từng chủ khác trong trường hợp có sở hữu chung (4) nhờ luật sư duyệt lại các giao kèo hay hồ sơ liên hệ để chắc chắn mọi tài sản hiện đang có trong tay đều phù hợp với luật lệ hiện hành (5) duyệt lại tình trạng pháp lý cá nhân của mình thí dụ như có quốc tịch Hoa Kỳ hay không để biết rõ mức giới hạn trong việc chuyển nhượng tài sản cho thân nhân nếu không là công dân.

Tình trạng tài chánh là yếu tố căn bản rất quan trọng trong việc hoạch định tài sản. Dù mục tiêu chính của việc lập kế hoạch tài sản để nhằm giảm thuế nhưng cũng có mục đích khác là bảo vệ tránh mất mát thiệt hại vì thưa kiện hay ly dị. Mọi hoạch định bảo vệ tài sản đều tùy thuộc vào yếu tố pháp lý đối với từng loại chủ quyền tài sản theo luật lệ liên bang hay tiểu bang được tóm lược dưới đây:

“Đơn chủ quyền” (Sole Ownership) chỉ có một người đứng làm chủ tài sản, trường hợp này thì trong văn kiện chủ quyền (title) hay trước bạ sẽ ghi “Xuân, a single man/woman as sole ownership” có nghĩa Xuân là người một mình có trọn vẹn chủ quyền trên bất động sản này. Khi Xuân qua đời tài sản sẽ chuyển cho người thừa kế chỉ định trong di chúc để lại. Hình thức chủ quyền này dĩ nhiên là một cách bảo vệ tài sản vì không hẳn “đơn chủ quyền” dành cho người độc thân mà còn kể cả người có tài sản trước khi thành hôn cũng có “đơn chủ quyền” trên tài sản riêng không dính dáng gì đến tài sản chung sau ngày cưới. Tuy nhiên hình thức này không hẳn là biện pháp bảo vệ tốt vì không thoát khỏi tầm tay của chủ nợ khi chính mình bị thua kiện.

“Liên chủ quyền” (Joint Tenancy) nói cách khác là làm chủ chung theo đó hai hoặc nhiều người đứng tên trong văn kiện chủ quyền hay trước bạ cùng làm chủ đồng đều một tài sản. Để có “liên chủ quyền” mọi chủ chung phải hội đủ yếu tố “bốn cùng” (four unities): Làm chủ “cùng” một thời gian, đứng tên “cùng” trên một văn kiện chủ quyền, có “cùng” quyền lợi như nhau, và chót hết “cùng” xử dụng tài sản đó. Thí dụ một ngôi nhà do ông Đông và bà Thu cùng đứng tên liên chủ quyền thì trong văn kiện chủ quyền hay trước bạ sẽ ghi rằng “Đông and Thu as joint tenants with right of survivorship” có nghĩa là “Đông và Thu có liên chủ quyền với quyền kế thừa.” Trên khía cạnh bảo vệ tài sản thì “liên chủ quyền” không được an toàn vì chủ quyền tài sản chia xẻ giữa các chủ chung mà cơ nguy bị thua kiện đều có thể xẩy ra cho mọi liên sở hữu chủ nên chủ nợ có quyền chiếm phần của người thua kiện. Tuy nhiên “liên chủ quyền” có lợi điểm là tài sản chung dưới con mắt của chủ nợ không có giá trị bằng tài sản một chủ vì họ chỉ xiết được một phần tài sản thôi nên rắc rối khó thanh toán. Theo thí dụ trên nếu ông Đông bị thua kiện thì chủ nợ chỉ lấy được một nửa ngôi nhà mà không có quyền trục xuất người vợ là bà Thu để lấy nhà đem bán đấu giá, ngược lại có điểm bất lợi là ngôi nhà sẽ bị chủ nợ “buộc” (lien) nên bà Thu cũng bị ảnh hưởng lây.

“Song chủ quyền” (Tenancy in the Entirety) là luật ấn định sở hữu chủ tài sản chỉ dành riêng cho cặp vợ chồng cùng đứng tên với nhau, mỗi người có một nửa (50%) chủ quyền bằng nhau. Theo “song chủ quyền” khi người chồng hay vợ qua đời thì phần tài sản của người quá cố sẽ được tự động chuyển cho người còn lại, tuy nhiên lúc cả hai còn sống thì đều không có quyền bán tài sản đó nếu không có sự ưng thuận của người kia. Thí dụ để xác nhận hình thức song chủ quyền thì trong văn kiện chủ quyền hay trước bạ sẽ ghi rằng “Đông and Thu, husband and wife as tenancy in the entirety” có nghĩa là Đông và Thu là chồng vợ cùng có đồng chủ quyền trên tài sản đó. Khi Đông qua đời thì tài sản ấy sẽ chuyển trọn cho Thu hoặc ngược lại chứ không được để lại cho bất cứ kế thừa nào khác. “Song chủ quyền” khác biệt với “liên chủ quyền” ở điểm tài sản chung không chia cắt được do đó cho dù một trong hai vợ chồng bị thua kiện thì chủ nợ cũng không có quyền đụng tới tài sản chung, vì thế hình thức chủ quyền này được coi là một phương cách bảo vệ tài sản rất tốt. Tuy nhiên tài sản “song chủ quyền” cũng có thể chia được nếu hai vợ chồng thỏa thuận hoặc ly dị do đó bình thường bất cứ một trong hai người không có quyền tự ý đơn phương xé lẻ tài sản đem bán đi hay cho người khác.

“Tài sản cộng đồng” (community property) là một hình thức chủ quyền tài sản đặc biệt áp dụng ở California, Texas, Lousiana và một số tiểu bang khác. “Tài sản cộng đồng” tương tự như “song chủ quyền” phân chia tài sản đồng đều giữa hai vợ chồng mỗi người được một nửa (50%) bằng nhau. Tuy nhiên điểm khác biệt là khi qua đời tài sản của người quá cố có thể để lại cho bất cứ thừa kế nào được chỉ định trong di chúc chứ không bắt buộc phải chuyển sang cho người hôn phối còn sống sót. Thí dụ để xác nhận hình thức chủ quyền cộng đồng thì trong văn kiện chủ quyền hay trước bạ sẽ ghi rằng “Đông and Thu, husband and wife as community property” có nghĩa là Đông và Thu là chồng vợ cùng có chủ quyền cộng đồng trên tài sản này. Nếu Đông qua đời thì tài sản ấy sẽ để lại cho bất cứ thừa kế nào do Đông chỉ định trong di chúc mà người này có thể không phải là Thu hay ngược lại. Có điều cần lưu ý tại các tiểu bang áp dụng luật “tài sản cộng đồng” tài sản được phép giữ tình trạng chủ quyền nguyên thủy trước khi kết hôn không hẳn phải theo luật “tài sản cộng đồng” thí dụ người chồng có tài sản mua trước ngày cưới có “đơn chủ quyền” thì sau đó vẫn được giữ như vậy. Tương tự nếu hai vợ chồng sống ở tiểu bang “tài sản cộng đồng” nhưng sau mới làm đám cưới tại tiểu bang không có luật “tài sản cộng đồng” thì sẽ không chịu ảnh hưởng luật này vì lý do hai người chưa thành hôn trong thời gian cư ngụ ở tiểu bang “tài sản cộng đồng.”

“Đồng chủ quyền” (Tenancy in Common) là hình thức chủ quyền tài sản có hai hoặc nhiều sở hữu chủ cùng đứng tên trong văn kiện chủ quyền cũng giống như “liên chủ quyền,” tuy nhiên phần sở hữu có kẻ ít người nhiều không đồng đều theo tỷ lệ. Khi một trong những sở hữu chủ qua đời thì phần của người quá cố được chuyển cho thừa kế có tên trong di chúc riêng của người đó và người này sẽ trở thành “đồng sở hữu chủ” mới đứng tên chung với các sở hữu chủ khác trước đó. Thí dụ để xác nhận hình thức đồng chủ quyền thì trong văn kiện chủ quyền hay trước bạ sẽ ghi rằng “Xuân, Hạ, Thu and Đông, as tenants in common” có nghĩa là Xuân, Hạ, Thu và Đông có đồng chủ quyền trên tài sản đó. Nếu Đông qua đời thì phần của Đông được chuyển cho bất cứ người thừa kế nào mà Đông chỉ định trong di chúc, phần này không dính dáng gì đến Xuân, Hạ, và Thu, cứ thế áp dụng giống nhau cho cả ba người còn sống sót. Trên phương diện bảo vệ tài sản hình thức này không an toàn như “tài sản cộng đồng” theo đó chủ nợ không đụng được đến toàn bộ tài sản chung nhưng có thể xiết được phần tỷ lệ của người sở hữu chung nếu bị kiện. Lợi điểm duy nhất của “đồng chủ quyền” là các chủ chung đều hoàn toàn độc lập với nhau, không ai có quyền đại diện hoặc phải chịu trách nhiệm liên đới thay cho chủ chung khác.

Như đã trình bày hình thức chủ quyền có tác dụng bảo vệ tài sản quan trọng khác nhau. Giả sử khi mở một trương mục ngân hàng hay đầu tư mà không để ý đến yếu tố này chỉ lơ đãng nghe theo lời người thu ngân hoặc trung gian thì về sau có thể gặp rắc rối khi xảy ra chuyện. Do đó để thận trọng hơn trong bất cứ giao dịch nào liên quan đến tài sản dù lớn dù nhỏ cũng nên hội ý với luật sư chuyên môn trước khi hành động.

Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, điện thoại: (714) 531-7080; 114 E. Chance A La Mer, Suite 100, Ocean Shores, Washington, điện thoại: (360) 633-8880, website:lylylaw.com.

Nhà báo bất đồng chính kiến Bùi Tín qua đời, hưởng thọ 91 tuổi