Thursday, March 28, 2024

Du lịch Bắc Âu (kỳ cuối): Trên đường về


Ký sự du lịch Bắc Âu (bài cuối)


Bài và ảnh: Minh Tâm

Về tới bến tàu cruise gần 1 giờ trưa. Ở đây có một tiệm bán hàng lưu niệm. Lúc này du khách lần lượt trở về tàu nên tiệm này bán hàng không kịp. Nhiều du khách chen lấn nhau để mua hàng trong một căn tiệm nhỏ xíu. Ai cũng muốn có một chút quà nho nhỏ tặng người thân mặc dù giá hàng hóa ở đây không rẻ tí nào.



Một công viên ở Stockholm.

Quần đảo phía ngoài Stockholm (Archipelago):

Ðúng 2 giờ, tàu tháo dây, quay đầu rời bến. Từ Stockholm ra tới biển khoảng 60 km là một vùng có rất nhiều đảo lớn nhỏ, tiếng Anh là archipelago. Có khoảng 30,000 hòn đảo như vậy ở đây (cảnh trí giống như ở Vịnh Hạ Long nhưng nhiều đảo hơn). Trên các hòn đảo, người ta xây những căn nhà để nghỉ hè. Có trên 50,000 căn nhà nghỉ được xây cất ở đây. Kiến trúc các căn nhà này khác nhau, nhưng căn nào cũng đẹp đẽ vô cùng. Chúng được sơn bằng những màu đỏ, vàng nên nổi bật giữa vùng cây xanh xen lẫn đá bạc. Thời tiết lúc này nắng đẹp. Dọc đường đi chúng tôi thấy có nhiều tàu nhỏ ra vào. Có tàu chạy bằng hơi nước. Ðó là các du thuyền nhỏ của thành phố. Ðôi khi có những chiếc phà chở xe ô tô cặp bến vào những đảo lớn ở hai bên. Lâu lâu lại có những khu thị tứ với vài trăm nóc nhà.

Du khách đứng dọc hai bên hông tàu để ngắm cảnh. Họ còn lấy bánh mì bẻ vụn thả vào không trung cho mấy con hải âu bay theo để chụp ăn. Phong cảnh thật lạ lùng và thú vị. Trên loa phóng thanh, ông John Lawrence giải thích về cảnh quan và địa hình ở đây. Theo ông, ngày xưa, nhờ có vô số hòn đảo mà lối vào Stockholm theo đường biển tương đối bí mật, chỉ có người địa phương mới biết. Do đó, trong lịch sử, Stockholm không bị bất cứ tàu nước ngoài nào tấn công vì họ không biết đường để vào thành phố. Về phần chúng tôi là du khách thì thấy nơi đây thật dễ thương, thật thanh bình. Người dân Thụy Ðiển thật hạnh phúc khi có những khu vực mà cảnh quan thật xinh đẹp như vậy. Thật ra, cũng nhờ họ biết cách quy hoạch, phát triển và giữ gìn nên mới có được những nơi để giải trí, vui chơi thoải mái trong mùa hè. Trong gần 3 giờ, tàu chạy quanh co trong những hải đảo, và cảnh trí tươi đẹp luôn thay đổi thu hút sự chú ý của mọi người. Tới gần 5 giờ chiều mới ra tới biển lớn. Ðoạn đường thủy từ thành phố Stockholm ra biển thật là một đoạn đường ngắm cảnh tuyệt vời. Nếu bạn có dịp đến Stockholm bằng đường thủy nhớ đừng bỏ qua.



Tàu Princess cặp bến Stockholm.

Sinh hoạt tối nay trên tàu:

Ăn tối: tối nay chúng tôi đi ăn ở nhà hàng Da Vinci. Ngồi cùng bàn là một cặp vợ chồng người Mỹ ở Oregon. Hỏi họ thích thành phố nào trong tua này thì bà vợ nói bà thích Tallinn, St. Petersburg và Stockholm. Tuy nhiên, bà cũng phê bình là tàu ngừng ở Stockholm ngắn quá, có mấy tiếng nên chơi không đã. Bà nói: “Mình tới chỗ này chụp hình nhanh chóng rồi lại chạy tới chỗ kia chụp hình. Xong rồi về tới nhà khoe với bạn bè là mình đã tới Stockholm chớ thật ra, mình cũng ít có thời gian thưởng thức cảnh đẹp hay tìm hiểu sâu xa về văn hóa, lịch sử….” Bà nói đúng quá. Thôi ta hãy coi như đó là một lý do để nếu có điều kiện thì mình sẽ trở lại Stockholm sau này!

Xem show ca nhạc: Ðây là show hay nhứt trong bốn show mà vũ đoàn Emerald Princess trình diễn.

Thêm một ngày vui chơi trên tàu:
 
Ngày thứ ba, 7 tháng 8, 2012 là một ngày vui chơi trên biển, chúng tôi dậy trễ. Sau khi ăn sáng xong thì đi coi show của mấy ông đầu bếp biểu diễn. Sau đó, họ cho đi thăm nhà bếp để coi sự sạch sẽ của tàu. Lúc 11 giờ, bà xã đi coi người ta bán hàng giá rẻ theo kiểu chợ trời trong một nhà hàng. Mà đồ rẻ thì sản xuất ở Trung Quốc chớ đâu, nên chúng tôi không mua món gì.

Buổi chiều có lớp dạy ảo thuật mà tôi làm biếng không đi, chỉ ngủ lấy sức và soạn quần áo vào va li chuẩn bị ngày mai xuống tàu. Sau đó chúng tôi đi ngâm nước nóng trong hồ hot tub. Ở đây chúng tôi gặp một bà người Canada. Bà nói, hôm khởi hành, bà từ Montreal đi máy bay của hãng Air France qua Paris, sau đó chuyển qua chuyến bay khác ở Paris để đi Ðan Mạch. Tuy nhiên, vì máy bay từ Canada qua Pháp bị trễ nên bà kẹt ở Paris hết 4 giờ. Khi bay qua Copenhagen thì tàu cũng gần xuất bến, may là lên kịp. Chỉ có hành lý là bị lạc và cuối cùng cũng nhận lại được khi tàu cặp bến Tallinn.

Vào buổi tối có cuộc thi đố vui về Baltic. Tôi tham gia một chút, sau đó thấy câu hỏi khó quá nên chuồn. Lúc 10:15 có show do các du khách hát nhưng tôi cũng làm biếng không xuống xem mà đi ngủ sớm.



Show biểu diễn nấu ăn trên tàu Princess.

Trên đường về:

Tàu cặp bến Copenhagen lúc 5 giờ sáng. Chuyến bay của chúng tôi sẽ khởi hành lúc 12 giờ nên không vội vã mà chỉ rời tàu lúc 8:30. Ra khỏi tàu thì thấy xe taxi đợi hàng đoàn. Tôi biết rằng nếu đi taxi từ bến tàu ra phi trường giá khoảng trên dưới: 350DKK (60 USD). Do có nhiều thì giờ nên chúng tôi tà tà kéo vali ra trạm xe điện cách bến tàu khoảng 1 km. Tại đây chúng tôi mua vé tàu điện trong một tiệm 7-Eleven. Giá vé chỉ 36 DKK (khoảng 6 đô la)/một người. Từ đây chúng tôi đi 4 trạm tới nhà ga trung tâm Copenhagen. Sau đó đổi qua xe lửa khác để đi tới phi trường. Xe chạy rất đúng giờ và rất nhanh. Chúng tôi tới phi trường thì mới 9:30. Tại đây, một rắc rối nhỏ xảy ra. Các máy check in ở đây đều không hiểu số code vé máy bay của tôi nên nó không cho check in. Tưởng là phải ở lại Copenhagen rồi! Sau đó, chúng tôi phải sắp hàng, chờ nhân viên hãng máy bay SAS coi lại. Té ra có rắc rối là vì chúng tôi mua vé của Air Canada, nhưng chuyến bay từ Copenhagen qua London lại do hãng SAS thực hiện. Số code do Air Canada cho nên máy tính của SAS không hiểu. Dù sao, cuối cùng cũng có vé lên đúng máy bay đi London. Chuyến về do làm biếng nên chúng tôi gởi hết hai va li cho khỏe. Té ra do gởi hết va li nên phải xách tay khá nặng. Kinh nghiệm kỳ sau sẽ giữ lại một vali có bánh xe để kéo thì khỏe hơn (nhưng mất công phải xét an ninh nhiều vali hơn).

Máy bay tới London đúng giờ. Lúc này là 1 giờ trưa. Chúng tôi phải chuyển qua trạm số 3. Lại bị xét an ninh. Sau đó, chúng tôi tới quầy chuyển tiếp của hãng Air Canada để lấy vé máy bay về Los Angeles. Lấy vé xong còn sớm mà “kiến đã cắn bụng” nên kiếm tiệm bán thức ăn để mua. Ở đây họ nhận Euro nhưng hối suất không có lợi cho khách hàng. Trả tiền bằng thẻ tín dụng thì tốt hơn. Giá bán ở phi trường luôn luôn mắc hơn bên ngoài 30-40% nhưng bắt buộc hành khách phải mua mà thôi. Ăn uống xong, chúng tôi đi dạo một vòng để xem hàng hóa. Quần áo, đồ điện tử, dầu thơm, rượu, bánh kẹo… ở đây. Hàng hóa được trưng bày đẹp mắt nhưng giá thì cũng rất mắc. Xem cho biết chớ thật ra cũng không cần mua gì.

Hành khách ở phi trường London phải chờ ở khu mua sắm chớ không được vào cổng lên máy bay như ở các phi trường khác. Tới 2:30 mới có cổng. Từ chỗ chờ vô tới cổng lên máy bay khá xa, phải đi bộ chừng 20 phút mới tới. Lúc 3 giờ, họ cho lên máy bay nhưng rồi phải chờ 4 người khách đi xe lăn nên máy bay khởi hành trễ hết 30 phút.



Khu Phố Cổ ở Stockholm.

Hãng Air Canada phục vụ rất tốt, cho ăn ngon, có cho uống bia hay một ly rượu nho đỏ miễn phí. Ghế ngồi cũng rộng rãi hơn máy bay Mỹ. Sau khi bay khoảng 10 tiếng, lúc 6:30 giờ chiều, chúng tôi vào không phận Montreal. Thành phố này rất đẹp với một con sông chảy ngang. Nhà cửa trong thành phố trông mới mẻ, đẹp mắt. Xe cộ thấy cũng ít, dân cư cũng không đông.

Xuống máy bay trong tình trạng bị trễ 30 phút, chúng tôi lại còn phải làm thủ tục nhập cảnh Mỹ ở Montreal nữa. Theo sự chỉ dẫn, chúng tôi đi thật nhanh tới khu xét an ninh. May mắn là không có nhiều du khách đi Mỹ vào giờ này nên xét cũng nhanh. Hành lý gởi đi Mỹ, chúng tôi không phải lấy ra, nhưng phải chờ hãng máy bay Air Canada chuyển qua để an ninh Mỹ rọi coi có gì cấm hay không. Nếu không thì chúng tôi chỉ cần trình passport và tờ khai nhập cảnh (đã điền sẵn trên máy bay) thì được cho qua.

Tới cổng máy bay về Los Angeles thì cũng gần tới giờ bay. Chúng tôi chỉ chờ có 5 phút là người ta cho lên máy bay. Chuyến bay về Los dài 5 giờ rưỡi. Về tới nơi là đã gần 10:30 tối. Hai tuần nay đây là lần đầu tiên chúng tôi mới thấy lại ban đêm vì hai tuần qua, ở Bắc Âu vào mùa Hè, lúc chúng tôi đi ngủ trời vẫn còn sáng.

Từ trên máy bay nhìn xuống, thành phố Los Angeles sáng rực ánh đèn. Ði chơi xa tuy cũng vui nhưng về tới nhà thì lại mừng vì đã có một chuyến du lịch thú vị, an toàn và nhiều kỷ niệm.



Một góc thành phố Stockholm.

Thống kê về chuyến đi

Tổng chiều dài du hành: 6,000 km

Qua 7 quốc gia: Ðan Mạch, Na Uy, Ðức, Estonia, Nga, Phần Lan, Thụy Ðiển.

Viếng thăm 8 thành phố: Copenhagen, Oslo, Aarhus, Warnemunde, Tallinn, St. Petersburg, Helsinki, Stockholm.

Nhiệt độ trung bình ở Baltic vào đầu tháng 8: ban ngày tối đa 75 độ F, ban đêm lạnh nhứt 50 độ F. Có mưa rải rác, rất khó tiên đoán.



Cảnh đẹp trên đường vào thủ đô Stockholm

Kinh nghiệm du lịch

Những điểm khác nhau giữa đi cruise Bắc Mỹ và đi cruise Châu Âu:

Ði cruise Bắc Mỹ và đi cruise Châu Âu tuy giống nhau về căn bản ở chỗ cả hai đều là những chuyến du lịch bằng tàu thủy nhưng do địa lý khác nhau nên cũng có nhiều điều cần chú ý:

-Ðiểm khác biệt đầu tiên là chi phí: Vật giá ở Châu Âu tương đối đắt đỏ nên chi phí cruise thường gấp rưởi so với du ngoạn trên tàu ở Bắc Mỹ. Thêm vào đó nếu du khách ở Hoa Kỳ, Canada thì phải thêm tiền vé máy bay khoảng từ 1,000-1,500 USD tùy mùa.

-Ðối với du khách từ Mỹ, khi mua vé máy bay trở về thì cần chú ý mọi hành khách và hành lý phải qua thủ tục nhập cảnh và hải quan ở phi trường đáp xuống đầu tiên ở Mỹ (hay Canada). Do đó, ta cần có tối thiểu 3 giờ để chuyển tiếp qua chuyến bay tiếp theo. Tốt nhứt là bay thẳng về thành phố mình cư ngụ, hoặc chuyển tiếp tại một phi trường ở Châu Âu rồi sau đó bay thẳng về Mỹ.

-Mùa du lịch Châu Âu là mùa Hè từ tháng 5 tới tháng 10 hàng năm. Mùa Ðông, biển Bắc Âu đóng băng tàu không di chuyển được trong biển Baltic.

-Giấy tờ: nếu có passport Mỹ thì đi Châu Âu dễ dàng (trừ nước Nga). Nếu chuyến đi có ghé Nga thì ta nên mua tour của các hãng du lịch ở Nga, họ sẽ lo giấy tờ cho mình. Ðể lên bờ ở St. Petersburg du ngoạn trong 72 giờ, du khách chỉ cần có giấy chứng nhận đã mua tour của tàu hay của các hãng du lịch Nga, mà không cần phải xin visa. Muốn biết địa chỉ các hãng du lịch của Nga thì vào Internet, tìm kiếm trên website www.Google.com, sau đó Search, St. Petersburg Excursion.

-Ðổi tiền: Ði Châu Âu thì phải xài tiền Châu Âu. Ðó là Euro. Ðể đổi tiền nên chờ ra các khu du lịch ngoài phố hay đổi ở các ngân hàng. Hối suất ở khách sạn, phi trường, nhà ga thường không có lợi cho du khách. Tuy nhiên cũng không nên đổi nhiều mà nên dùng thẻ tín dụng, lúc đó hối suất sẽ công bằng và có lợi cho chúng ta hơn. Chú ý: để dùng thẻ tín dụng ở Châu Âu ta phải nhớ số PIN.

-Ở Châu Âu có khi tàu cặp bến rất xa thành phố (như Florence, Athens, Warnermunde,…), mà ở các hải cảng này không có nhiều công ty du lịch bán tua như ở Caribbean. Lúc đó, ta phải tìm hiểu để mua vé tua trước, hoặc phải tìm hiểu các phương tiện giao thông công cộng để tự đi lấy. Các thành phố lớn thường có các dịch vụ hop on hop off. Ðây là loại xe buýt chạy vòng vòng các địa điểm du lịch. Du khách mua vé ngày và trả tiền một lần, sau đó có thể lên xuống bất kỳ lúc nào trong ngày rất tiện. Tuy nhiên cần chú ý coi thời biểu của hai chuyến xe hop on hop off cách nhau bao lâu để tránh bị trễ chuyến xe trở về tàu.

-Các thành phố lớn ở Châu Âu thường có rất nhiều di tích lịch sử, kiến trúc, viện bảo tàng… Trước khi đi cruise nên đọc sách để biết chút ít về các nơi này, khi đó việc thăm viếng thành phố sẽ thấy thú vị hơn.

-Trở ngại ngôn ngữ: Nếu bạn đi chơi theo tour thì không thành vấn đề vì đa số hướng dẫn viên đều nói tiếng Anh. Nếu bạn tự đi chơi thì khó hơn (như ở Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga…) nhưng cũng không phải là vấn đề lớn nếu bạn chỉ dạo chơi ở các khu có nhiều du khách.

-Ðừng tưởng xứ giàu là không có kẻ xấu. Ở Châu Âu, đặc biệt là Ý, Tây Ban Nha, Nga… bọn Diệu Thủ Thư Sinh rất giỏi về mục móc túi, trấn lột… Do đó, khi xuống hải cảng chơi thì cũng nên chú ý điều này.

Chúc bạn có một chuyến đi vui vẻ.


– Cùng một tác giả, tác phẩm mới xuất bản: “Ði Cruise Bắc Mỹ” kể về các chuyến du lịch bằng du thuyền qua Caribbean, Alaska, Mexico, Canada, New England. Sách dầy trên 300 trang. Giá 15 đô la (kể cả cước phí). Muốn có sách có chữ ký của tác giả gởi tận nhà qua bưu điện, xin liên lạc về:

Tam Tu
17634 Fonthill Ave
Torrance, CA90504
Ðiện thoại: (310)523-1857
Email:
[email protected]

– Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch:
1. Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam
2. Miền Tây Hoa Kỳ
3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc
4. Mùa Thu Ðông Âu
5. Tây Âu Cổ Kính
6. Miền Ðông Nước Mỹ Và Canada
7. Hành Hương Thánh Ðịa Do Thái
8. Nhật Bản, Hồng Kông – Macau, Thái Lan.

Ðã có bán trên NGUOI VIET SHOP (www.nguoi-viet.com)

Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD (bao cước phí) hay liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823. Điện thoại (714) 528-1413. Email: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT