Saturday, April 20, 2024

Làng biển Cassis gần Marseille

 

Ký sự du lịch Tây Âu (Kỳ 11)


Bài và hình: Trịnh Hảo Tâm

Cách Marseille 20 km (12.4 miles) về hướng Ðông, Cassis là địa điểm du lịch khá nổi tiếng ở miền Nam nước Pháp có những vịnh nước sâu, trong vắt chung quanh là vách đá trắng mà người Pháp gọi là những “Calanques”. Du khách từ trên ghềnh đá cao có thể phóng mình xuống nước hoặc chèo thuyền ngắm từng đàn cá dưới đáy nước. Ngoài những vịnh nước trong nơi đây còn có những bãi biển cát trắng thu hút rất đông du khách về đây tắm nắng, bơi lội trong những tháng Hè. Cassis còn là một bình nguyên hoa lá xanh tươi với những vườn nho làm rượu vang rất nổi tiếng, những ruộng rau cải hoa mầu và những đồi Olive trên sườn núi.

Bãi biển Cassis phía Ðông thành phố Marseille.

Gần Cassis có mũi Cap Canaille cao 394 mét (1,203 ft) là một trong những mỏm núi mà hàng ngàn năm trước các nhà hàng hải vẫn dùng làm điểm mốc để định hướng hải hành. Cũng như Cap Saint Jacques tức Mũi Vũng Tàu ở Việt Nam với hai núi lớn và nhỏ cùng với ngọn hải đăng, các nhà hàng hải định hướng để vào cảng Sài Gòn.

Sau khi ăn trưa ở Cảng Cũ (Vieux Port) thành phố Marseille chúng tôi sáu người lên xe đi về hướng Ðông bằng xa lộ A50, sau đó rẽ vào đường làng để tới thị trấn Cassis. Ðây là một làng quê hẻo lánh có từ xa xưa nên đường phố rất chật hẹp, khúc khuỷu vì dốc núi, đến nơi rất khó tìm chỗ đậu xe. Cuối cùng Julian bạn trai của cháu gái chúng tôi là Kim Chi cũng tìm được nơi đậu ngay trong nhà đậu xe của sòng bạc (casino) cách bờ biển vài trăm thước. Chúng tôi đi bộ xuống bến tàu, buổi trưa du khách cũng khá đông ngồi trong những nhà hàng quán nước cạnh bờ biển. Những nhà hàng này cũng chuyên về hải sản, cũng có món súp cá Bouillabaisse nhưng qua những hình ảnh trưng trước cửa tiệm, thấy món ăn nhỏ hơn và chỉ vài ba thứ cá điểm thêm vài ba con chem chép (mussels) vỏ đen. Lòng vòng các khu phố thấy có nhà hàng đề bảng hiệu tiếng Việt: Restaurant “Nguyễn Ngọc Sơn”.

Cassis hiện nay có dân số 7,793 người (2008), về lịch sử nơi này đã có người Ligures từ miền Tây Bắc Ý đến sinh sống vào khoảng 500 đến 600 năm trước Công Nguyên. Họ xây cất thành trì ở trên chóp núi Baou Redon và sinh sống bằng bắt cá, săn thú và trồng trọt. Sau đó cũng như Marseille, làng Cassis cũng có người Phoceans (Hy Lạp) đến cư ngụ và trong thời La Mã cai trị nơi đây là hải cảng tàu bè ghé bến trên tuyến đường Âu Châu sang Trung Ðông và Bắc Phi. Từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 10, giặc rợ từ phương Bắc xâm lăng cướp phá, dân chúng phải bỏ lên núi lánh nạn và xây thành trì chống giặc. Từ 1223 thành trì trên núi trở thành lâu đài của lãnh chúa vùng Les Baux-de-Provence tức vùng Nam nước Pháp hiện nay. Hiện nay vết tích thành lũy lâu đài Cassis còn trên núi và trở thành khách sạn, đứng dưới bến cảng nhìn lên thấy rất rõ. Thế kỷ 15 Cassis thuộc lãnh thổ Counts of Provence và lãnh chúa René of Anjou hiến làng cho thành phố Marseille cai trị quản lý cho đến Cách Mạng Pháp 1789. Về kinh tế kỹ nghệ làng Cassis sản xuất khô cá, dầu olive, vải vóc, rượu vang và xi măng, đá vôi như đá dưới chân tượng Nữ Thần Tự Do ở New York cũng là đá lấy từ Cassis. Hiện nay Cassis chỉ thuần là một địa điểm du lịch với nhiều khách sạn, nhà hàng rất đông khách đến nghỉ mát trong những tháng Hè ngoài ra còn sản xuất rượu nho rất nổi tiếng.

Thành trì xưa trên núi ở làng Cassis.

Chúng tôi lang thang xuống bến tàu, trời đã trưa nắng nóng nên các gian hàng bán hải sản đã dọn dẹp chỉ còn lại bán trái cây và các đồ kỷ niệm. Thấy các tàu đậu dưới bến chở người ra biển câu cá hay du ngoạn với bảng giá đi thăm các vịnh đá như: 3 Calanques 45 phút 15 Euros mỗi người, 5 Calanques 1 giờ 18.5 Euros và 7 Calanques 1 giờ rưỡi 30 Euros. Có nghĩa càng đi nhiều vịnh giá càng rẻ. Chúng tôi không có thời giờ để đi thăm các vịnh vì 6 giờ 30 phải trở về tàu mặc dù trên mạng du lịch bảo rằng nếu tới Cassis mà không đi thăm các Calanques thì quả là điều đáng tiếc. Có thể đi thăm thú các vịnh nước xanh từ bến Cassis hay Marseille, hoặc có thể tới thăm bằng xe hơi hay cả xe lửa đến Cassis rồi đi bộ.

Phía Nam bến tàu Cassis là bãi tắm nước xanh cát trắng rất thơ mộng hữu tình, hôm nay mùa Xuân tiết trời và nước biển còn hơi lạnh nên không thấy ai xuống tắm mặc dù trên bãi cát rất nhiều người nằm phơi nắng. Tháng Hè như tháng 7 và 8 bãi tắm rất đông người bơi lội, tắm nắng và chắc không thiếu những phụ nữ ngực trần cũng như ở những bãi biển Cannes và Nice. Từ bãi biển nhìn lên đỉnh núi gần đó sẽ thấy lâu đài Cassis sừng sững bên những hàng cọ xanh tươi và hoa giấy đỏ rực.

Thăm Cassis là một trong những tour phải trả tiền thêm của du thuyền MSC Preziosa khi tàu ghé bến Marseille, còn 3 tour khác nữa là: Marseille City Tour, Marseille và thành phố Avignon và tua đi Aix-en provence. Những tour này giá từ 60 Euros trở lên và đi thường mất cả ngày. Tôi chưa biết Marseille nên lên bờ là thăm Marseille chứ không bỏ thành phố lịch sử có nhiều liên hệ đến người Việt mà đi thăm nơi khác. May mà có cháu Phùng Kim Chi từ Genève xuống đưa đi chơi một ngày, ăn những món đặc sản của Marseille mà khi trở về Mỹ không làm sao tìm được. Thế là tôi đã nếm qua món cá Bouillabaisse, gan ngỗng và hương vị nấm Truffles, nói là hương vị vì trong món ăn tôi không nhìn thấy hình thù nó ra làm sao cả! Chắc chỉ là bột nấm mà thôi!

Người Việt ở Marseille

Rời làng biển Cassis chúng tôi lên xe trở về Marseille. Ngày xưa từ Việt Nam sang Pháp phải đi bằng tàu biển nên thành phố cảng Marseille là một trong những nơi đầu tiên có cộng đồng người Việt sinh sống. Mặc dù chính phủ Pháp không thống kê con số người Pháp gốc Việt tại Marseille là bao nhiêu nhưng theo ước tính có khoảng 10,000 người Việt sinh sống tại Marseille. Là nơi có cộng đồng Việt Nam đông thứ nhì tại Pháp sau thủ đô Paris. Toàn nước Pháp theo ước tính có khoảng 250,000 người Việt sinh sống, họ di cư sang thành nhiều đợt khác nhau nhưng đông nhất là số thuyền nhân vượt biển sau biến cố 1975.

Phố xá ở bến tàu làng du lịch Cassis.

Theo lịch sử có ghi chép, người Việt đến Marseille vào cuối thế kỷ 18 là Hoàng Tử Nguyễn Phước Cảnh con của vua Gia Long khi theo Giám Mục Bá Ða Lộc cầm đầu phái đoàn sang Pháp cầu viện để chống lại nhà Tây Sơn. Cậu bé 3 tuổi này chỉ ở lại Pháp vài năm nhưng để lại ấn tượng tốt trong dư luận Pháp. Sau đó Pháp thôn tính Việt Nam và người Việt bắt đầu sang định cư tại Pháp. Sứ bộ do ông Phan Thanh Giản cầm đầu trong chuyến Tây du để chuộc lại Nam Kỳ đã ghi nhận sự có mặt của người Việt tại Pháp, số đó chỉ là những người có quan hệ gia đình với người Pháp.

Ðến khi Thế Chiến Thứ Nhất (1914-1918) xảy ra, thanh niên Pháp phải động viên và chính phủ Pháp phải tìm nhân công để bổ sung vào các hãng xưởng sản xuất. Pháp tuyển lính thợ tại Ðông Dương, khi đình chiến đã có 48,922 lính gốc Ðông Dương và 51,000 lính thợ gốc Việt trong các công xưởng của Pháp. Tuy nhiên sau chiến tranh đa số đã hồi hương chỉ còn ở lại khoảng 3,000 người. Khi Ðệ Nhị Thế Chiến (1939-1945) sắp bùng nổ thì chính quốc Pháp lại có lịnh tuyển mộ người Việt sang làm lao công thuộc địa nhưng lần này dưới dạng cưỡng bách. Ðợt này đưa sang Pháp 93,000 người cả lính thợ lẫn lính chiến đấu. Kế đến sau khi thắng trận Ðệ Nhị Thế Chiến, Pháp trở lại Việt Nam cho tới Hiệp Ðịnh Genève, trong thời gian này số sinh viên Việt Nam sang du học rất đông, cộng thêm số người Việt lập gia đình với người Pháp hồi hương sau hiệp định (khoảng 50,000 người). Tính đến đầu năm 1975 cộng đồng Việt Nam ở Pháp là cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại.

Một góc phố nơi làng biển nghỉ mát Cassis.

Làn sóng người Việt sang định cư đông nhất là sau 1975, cho tới năm 1989 Pháp đón nhận khoảng 150,000 người tỵ nạn, là quốc gia đứng thứ ba sau Hoa Kỳ và Úc về số lượng tiếp nhận người tỵ nạn. Ngoài chính sách của chính phủ cho người Việt nhập cư, giới nhân sĩ Pháp như triết gia Jean-Paul Sartre, Michel Foucault, Raymond Aron còn tổ chức chiến dịch “Một con tàu cho Việt Nam”, Hội Y Sĩ Không Biên Giới tài trợ cho con tàu ra khơi cứu vớt người vượt biên.

Người Việt tại Pháp định cư khắp nơi nhưng đông nhất là hai thành phố lớn Paris và Marseille, tại Marseille có nhiều chợ thực phẩm Việt Nam, nhà hàng và các văn phòng dịch vụ. Có 5 chùa Phật Giáo sinh hoạt tôn giáo, văn hóa và cộng đoàn Công Giáo có thánh lễ tiếng Việt hàng tuần, lớp dạy Việt ngữ v.v…

Một trong những người Việt nổi tiếng nhất ở Marseille phải kể đến ông Georges Nguyễn Văn Lộc là một cảnh sát trưởng người Pháp gốc Việt. Ông sinh năm 1933 tại thành phố Marseille trong gia đình cha mẹ là người Việt sang Pháp từ 1914 (có thể cha là lính thợ sang thời Ðệ Nhất Thế Chiến). Học xong trung học, Nguyễn Văn Lộc gia nhập vào lực luợng cảnh sát thành phố Marseille. Sau đó ông theo khóa chuyên môn ở Trường Quốc Gia Cảnh Sát Saint-Cyr-au-Mont-d’Or, thành phố Lyon. Tốt nghiệp ông trở về phục vụ trong ngành cảnh sát ở quê nhà Marseille.

Năm 1972, Nguyễn Văn Lộc được bổ nhiệm làm cảnh sát trưởng quận 7 ở thành phố Marseille. Sau một thời gian nhậm chức, với biệt danh Le Chinois (người Trung Hoa), Nguyễn Văn Lộc đã góp phần làm tình hình mất an ninh ở thành phố Marseille giảm hẳn. Tháng 10 năm 1972, vì xảy ra nhiều vụ bắt cóc con tin, cảnh sát trưởng thành phố Marseille yêu cầu Nguyễn Văn Lộc thành lập một nhóm giải cứu đặc biệt chuyên tham gia can thiệp các vụ khủng bố để cứu thoát con tin.

Hoàng hôn trên biển khi tàu rời bến Marseille.

Nhóm giải cứu này mang tên Groupes d’intervention de la police nationale được viết tắt là GIPN, với 15 cảnh sát và Nguyễn Văn Lộc làm đội trưởng, đã lập được nhiều thành tích chống tội phạm, khủng bố. Nhiều lần chính ông nhận thay thế cho các con tin để giải cứu họ. Nguyễn Văn Lộc còn được giao nhiệm vụ bảo vệ nhiều phái đoàn, nguyên thủ quốc gia khi họ tới thăm thành phố Marseille.Năm 1987, Nguyễn Văn Lộc được vinh dự trao huân chương Bắc Ðẩu Bội Tinh. Tên ông xuất hiện trên nhiều tờ báo, tạp chí. Sau đó ông về hưu. Từ năm 1992, hãng phim Pháp France Films Production đã sản xuất một bộ phim truyền hình gồm 6 phần mà Nguyễn Văn Lộc là nhân vật kiêm diễn viên chính. Ông mất ngày 7 tháng 12 năm 2008 tại thành phố Cannes.

Sinh hoạt tối trên tàu

Chúng tôi lái xe về bến tàu MSC ở phía Bắc thành phố có chiếc Preziosa sừng sững đậu vào lúc 5 giờ 30 và cháu Kim Chi cùng bạn trai Julian từ giã để ngày mai lên đường trở lại Genève làm việc. Chúng tôi bốn người trở về phòng Cabin tắm rửa nghỉ ngơi để 7 giờ xuống nhà hàng L’Arabesque ở tầng 6 về phía cuối tàu ăn tối, hôm nay vói những món Pháp. Thường tàu ghé bến cảng nào thì thực đơn hôm ấy là những món đặc sản của địa phương đó. Nên nhớ ăn thì đã tính trong tiền tàu còn uống dù nước lạnh hay rượu phải trả thêm. Chúng tôi đã mua 12 chai nước suối nên mỗi bữa ăn tối là họ đem ra và trừ lần trong trương mục.

Sân khấu ca vũ nhạc trên du thuyền MSC Preziosa.

Sau đó đi loanh quanh trên tàu xem họ buôn bán, ca hát bên cạnh dương cầm ở ba rượu hoặc lên nhà hàng Buffet (tầng 14) uống cà phê ngắm cảnh biển lúc hoàng hôn hay ra trước boong tàu quay phim chụp hình cảnh mặt trời lặn trên biển (lúc 9 giờ). Chờ tới 10 giờ đến rạp Platinum Theatre xem chương trình ca vũ nhạc, đây là chương trình văn nghệ đặc sắc nhất trên tàu, mỗi đêm có hai suất 8 giờ và 10 giờ. Ðêm nay chương trình có tên là “The Witches of Paris” được giới thiệu trên tờ “Daily Program” là những vũ khúc tân kỳ và xiếc ngoạn mục với màn vũ Cancan gồm một hàng mỹ nhân chân dài, mặc Tuxedo nhưng không mặc… quần, đội nón quả dưa Charlot và vừa ca hát vừa đá chân cái nào cái nấy thật cao. Kiểu múa này theo lối rạp hát Moulin Rouge ở khu Montmartre Paris. Tôi nghĩ là họ hát nhép với nền nhạc đã được thu sẵn và chương trình thường kéo dài khoảng tiếng rưỡi đồng hồ. Công nhận là cảnh trí ánh sáng tân kỳ và âm thanh sống động, lời ca rõ nét. Trước chương trình trong lúc chờ đợi có 3, 4 anh chàng hoạt náo viên làm hề cho khán giả cười. Chẳng hạn như khi có một ông khán giả từ cửa bước vào rạp, bốn anh chàng đi theo sau, ông khán giả làm gì, vuốt tóc, sửa cà vạt, nhìn lại tìm thân nhân, bốn anh chàng bắt chước làm theo với điệu bộ khôi hài hóa với dèm ý cho rằng ông khán giả khó tánh, lẩm cẩm. Những khán giả mới vào các anh chàng làm khán giả cả rạp cười và khi ông ta ngồi xuống ghế mới biết mình đã bị bắt chước. Sau cùng có một ông khán giả vào dẫn theo một bé gái 6, 7 tuổi. Ði được vài bước ông ta biết mình bị bắt chước làm trò cười cho cả rạp nên ông ta chơi khăm bồng bé gái lên. Anh chàng bắt chước phải bồng anh bạn đồng nghiệp của mình lên. Chàng này to con nên rất nặng, anh ta ẵm không nỗi, đi ngã nghiêng xiêu vẹo làm khán giả tức cười.

Ông khán giả tiếp tục chơi khăm cho bé gái ngồi trên cổ của mình mà vác đi. Anh chàng làm không được cùng kéo nhau lắc đầu bỏ chạy ra khỏi rạp! Mỗi đêm chương trình ca vũ nhạc thay đổi các sắc thái khác nhau, đêm hát giọng cao ténor, opéra tiếng Ý, đêm Wonderland với xiếc cho trẻ con, đêm Pandora với các dân tộc cổ Nam Mỹ, đêm cuối với âm nhạc Anh Cát Lợi vui tươi hùng tráng… Nhưng trong một tuần có một đêm rạp nghỉ không có hát. Trên bờ có báo chí, dưới du thuyền mỗi ngày phân phối tận phòng tờ “Daily Program” để phổ biến những chương trình vui chơi và căn dặn những điều cần thiết.

Trịnh Hảo Tâm


Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch: 1. Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam 2. Miền Tây Hoa Kỳ 3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc 4. Mùa Thu Ðông Âu 5. Tây Âu Cổ Kính 6. Miền Ðông Nước Mỹ Và Canada 7. Hành Hương Thánh Ðịa Do Thái 8. Nhật Bản, Hồng Kông – Macau, Thái Lan. Ba quyển sách du lịch của Minh Tâm: Á Châu Quyến Rũ 1, Á Châu Quyến Rũ 2 và Ði Cruise Bắc Mỹ. Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD xin hỏi ở các nhà sách VN hay liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823.Ðiện thoại (714) 528-1413 Email: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT