Friday, April 19, 2024

Một sáng vui chơi ở Stockholm


Ký sự du lịch Bắc Âu Bài 20



Bài và hình: Minh Tâm

Do chưa quen đổi giờ nên sáng hôm sau, tôi dậy sớm lúc 5:30. Lúc này tàu đang chạy vào Stockholm theo một lộ trình khó vì hai bên có rất nhiều đảo nhỏ. Vậy mà sương mù dầy đặc, tầm nhìn xa không quá 20 mét.

Tàu chạy rất chậm, nó hụ từng hồi còi dài để báo động sự hiện diện của mình mỗi khi có tàu khác chạy gần. Tôi hơi sợ tàu sẽ đụng đá ngầm hay đụng tàu khác thì mệt. Từ biển vào tới bến Stockholm tàu phải chạy hơn 2 giờ mới tới. Hai giờ này thật nguy hiểm, nhưng với kỹ thuật ra đa ngày nay thuyền trưởng có thể thấy rất xa trên màn hình vi tính và chúng tôi an toàn tới hải cảng lúc 8 giờ sáng ngày Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012. Trước khi xuống tàu, ta hãy tìm hiểu sơ qua về nước Thụy Ðiển và thành phố Stockholm.



Quảng trường trước Nhà Hát Thành Phố Stockholm.

Sơ lược về Thụy Ðiển:

Vương quốc Thụy Ðiển nằm ở Bắc Âu giáp với Na Uy ở phía Tây, Phần Lan ở phía Ðông Bắc, nối với Ðan Mạch bằng cầu Orensund ở phía Nam và phần còn lại giáp biển Baltic, biển Kattegat. Diện tích Thụy Ðiển là 449,964 km2, dân số 9.3 triệu người.

Theo dòng lịch sử, vào những năm 800-1000, người Viking từ Thụy Ðiển đã có các khu định cư ở Nga và các nước Ðông Âu.

Năm 1397: ba nước Ðan Mạch, Na Uy, Thụy Ðiển thống nhứt dưới sự cai trị của Ðan Mạch.

Năm 1523: Thụy Ðiển độc lập.

Năm 1809: Thụy Ðiển mất Phần Lan vào tay người Nga trong cuộc chiến tranh Napoleon.

Năm 1814: Thụy Ðiển giành lấy Na Uy từ tay Ðan Mạch.

Năm 1867: Khoa học gia người Thụy Ðiển là Alfred Nobel phát minh thuốc nổ.

Năm 1905: Na Uy tách khỏi Thụy Ðiển thành một nước độc lập.

Trong hai cuộc chiến tranh thế giới, Thụy Ðiển đóng vai trò trung lập.

Trong thập niên 1960, Thụy Ðiển trở thành quốc gia giàu có vì không bị chiến tranh tàn phá và có nhiều tài nguyên thiên nhiên.

Năm 1995, Thụy Ðiển gia nhập Liên Hiệp Châu Âu nhưng không sử dụng đồng Euro mà vẫn xài tiền riêng của mình là Krone Thụy Ðiển (SEK). Hối xuất hiện nay 1USD = 7.2.SEK



Sân Hoàng Cung ở Stockholm.

Kinh tế Thụy Ðiển:

Về nông nghiệp, Thụy Ðiển là một quốc gia có nhiều rừng nên lâm nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng. Nông nghiệp chỉ chiếm 2% tổng sản phẩm quốc nội. Ngành công nghiệp chiếm 28% lợi tức với các ngành khai mỏ, công nghiệp ô tô, điện, điện tử, dược phẩm… Ngành dịch vụ chiếm 70% tổng sản phẩm quốc nội.

Những thương hiệu nổi tiếng của Thụy Ðiển là: xe hơi Volvo, đồ nội thất IKEA, điện thoại di động Ericsson… Lợi tức bình quân đầu người: 31,600 USD, nhưng thuế lợi tức rất nặng khoảng 50%. Bù lại phúc lợi xã hội ở Thụy Ðiển được đánh giá cao và chia sẻ đồng đều lợi ích giữa các tầng lớp xã hội.


Thủ đô Stockholm yên bình:

Nằm ở phía Ðông đất nước và ven bờ Baltic, thủ đô Stockholm của Thụy Ðiển được tạo thành từ 14 hòn đảo nối liền với nhau bởi 50 cây cầu. 30% diện tích thành phố là vùng sông nước và do có nhiều sông nên nơi đây cũng được gọi là “Venice của phương Bắc.” 30% diện tích khác của thành phố là những công viên cây xanh nên thành phố này được coi như là một thành phố xanh và sạch nhứt Châu Âu. Với hơn 1.2 triệu cư dân Stockholm lại là là thành phố lớn nhứt vùng Baltic.

Du khách đến Stockholm để thăm Khu Phố Cổ nơi có Lâu Ðài Hoàng Gia với lễ đổi gác lúc 12 giờ trưa. Họ cũng thăm viếng nhiều Viện Bảo Tàng như Bảo Tàng Vasa nơi trưng bày chiếc tàu Viking hoặc thăm khu Skansen với gần 150 căn nhà cổ xưa và trình bày sinh hoạt của người dân Thụy Ðiển thời trước. Họ cũng có thể đến thăm rất nhiều phòng trưng bày tranh hay Viện Bảo Tàng Quốc Gia. Tòa Thị Chánh Stockholm, nơi hàng năm tổ chức lễ trao giải Nobel cũng được nhiều người đến thăm viếng.



Tòa Thị Chánh Stockholm.

Phương tiện di chuyển ở Stockhom:

Stockholm có rất nhiều tàu cruise cặp bến tại những bến tàu khác nhau, do đó bạn nên chú ý tìm hiểu coi tàu mình cặp bến ở đâu trước khi mua vé các tour phụ để thăm viếng thành phố. Có chuyến cruise như tàu NCL phải neo ở rất xa và du khách phải đi tàu nhỏ vào bờ nên khá bất tiện. Riêng tàu Princess cặp bến gần Stockholm ở phía Tây. Tàu có xe con thoi “shuttle” để đưa du khách từ bến tàu vào thành phố. Tuy nhiên nếu bạn thích rong chơi tự do thì cũng nên tìm hiểu kỹ về các phương tiện giao thông ở đây.

Ðể di chuyển trong thành phố, người dân Stockholm có các phương tiện công cộng như sau: taxi, xe điện ngầm, xe buýt, tàu thủy… Du khách thì có thêm xe và tàu hop on hop off. Ðể sử dụng phương tiện công cộng, hành phách phải mua vé với giá 44 SEK/vé có giá trị di chuyển bất cứ loại xe công cộng nào trong vòng 1 giờ. Họ cũng có thể mua vé ngày giá 135 SEK (115 SEK tiền di chuyển cộng thêm tiền cái thẻ 20 SEK). Nếu ở Stockholm lâu và muốn đi xem nhiều bảo tàng thì có thể mua vé 1, 2, 3 ngày. Vé này sẽ gồm vé vào cửa 80 địa điểm du lịch và các bảo tàng viện. Một ngày giá 450 SEK, hai ngày giá 625 SEK, 3 ngày giá 750 SEK.



Tàu du lịch hop on hop off Stockholm.

Chuyến thăm viếng của chúng tôi:

Tàu cặp bến lúc 8 giờ sáng và sẽ khởi hành lúc 2 giờ trưa. Chúng tôi chỉ có không tới 6 giờ để vui chơi ở Stockholm. Hơi gấp rút, vì Stokholm là một thành phố có rất nhiều địa điểm du lịch. Chúng tôi sẽ đi những đâu và viếng được những gì?

Ðầu tiên ta phải để ý coi tàu cặp bến nào. Nếu đi theo hãng Princess, tàu thường cặp ở bến Stadgarden (phía Tây Nam thành phố). Từ đây vào khu trung tâm tương đối gần. Nếu bạn đi cruise theo tàu khác có thể bạn sẽ cặp bến Frihamnen ở phía đông (xa hơn). Có khi không có cảng để cặp bến thì tàu phải neo ngoài biển ở Nynashamn rồi chuyển khách qua tàu nhỏ để vào bờ. Khi đó phải đi xe lửa cả tiếng mới vào tới Stockholm rất bất tiện (do đó khi mua vé cruise bạn đừng nên chọn tàu không cặp bến Stockholm).

Sáng nay do thời giờ ít ỏi nên bà con hối hả ăn sáng sau đó sắp hàng dài dài để chờ ra khỏi tàu. Gần 8 giờ, tàu làm xong thủ tục nhập cảnh và cho khách lên bờ. Trên bến cảng có nhân viên của thành phố phát bản đồ và giới thiệu các địa điểm thăm viếng. Từ đây bạn có thể đi xe shuttle ra thành phố hay đi xe hay tàu hop on hop off…

Tôi đã đọc sách trước nên rẽ trái để ra bến tàu hop on hop off. Ở đó có hai công ty đang chờ đón. Một công ty có tàu sơn màu xanh và một công ty có tàu sơn màu vàng. Giá vé tàu là 10 Euros. Tàu sẽ chạy vòng tròn từ bến tàu vào khu phố cổ và viện bảo tàng Vasa… Tuy nhiên, sáng nay họ phá lệ, chạy tới viện bảo tàng Vasa trước, sau đó sẽ chạy qua khu Phố Cổ sau. Như vậy tiện cho du khách hơn vì chúng ta nên tới bảo tàng Vasa vào sáng sớm để khỏi sắp hàng chờ đợi lâu. Sau đó tàu sẽ đưa mình qua khu Phố Cổ và Hoàng Cung để vui chơi tự do.



Stockholm – Venise phương Bắc.

Xem Viện Bảo Tàng Vasa:

Lên tàu và chờ chừng 15 phút thì đủ khách và rời bến. Từ bến tàu qua đảo Djurgarden nơi có viện bảo tàng tàu chỉ chạy chừng 10 phút là tới. Lên bờ, ta phải đi bộ một khoảng cách chừng 200 mét mới tới cổng viện bảo tàng. Tại đây lại phải sắp hàng. Có khoảng vài trăm du khách đã tới đây để chờ tới giờ mở cửa. Ðúng 8:30 cửa mở. Vé vào xem là 110 SEK (khoảng 15 USD).

Bên trong viện bảo tàng là di tích chiếc tàu cổ có tên là Vasa. Tàu được đóng năm 1626, hoàn thành năm 1628. Tàu dài 69 mét, cột buồm cao 50 mét. Ðây là một chiến thuyền của hoàng gia Thụy Ðiển trang bị 64 khẩu đại bác. Nó có thể chở 450 người, trong đó có 300 binh sĩ. Tuy nhiên, vào ngày hạ thủy, tàu chỉ chạy được một đoạn ngắn. Vừa ra tới giữa hải cảng Stockholm thì bị chìm trong sự hoảng hốt của quan khách trên bờ và nhân viên trên tàu. Nguyên nhân tàu chìm là do mất ổn định. Do đặt nhiều súng thần công trên các sàn cao của tàu mà trọng tâm của nó quá cao. Gió thổi sơ là… lật.

Tàu nằm dưới đáy biển ba trăm năm. Tới thập niên 1960, các nhà khảo cổ mới tìm cách trục vớt tàu lên, sửa chữa hư hỏng và kéo về triển lãm tại đây. Từ đó đến nay nơi đây trở thành một địa điểm du lịch không thể thiếu khi du khách đến thăm Stokholm. Tính đến năm 2012, bảo tàng này đã tiếp đón tổng cộng trên 29 triệu du khách.

Con tàu đóng bằng gỗ tốt. Bên ngoài tàu được trang trí bằng các điêu khắc mỹ thuật. Một mô hình nhỏ hơn của con tàu được triển lãm ở đây. Các tầng trên của viện bảo tàng còn trưng bày các hiện vật tìm thấy trong xác con tàu như súng thần công, đồ gốm, đồ nghề…

Ðến xem viện bảo tàng Vasa vì tò mò chớ thật ra theo tôi nhận xét, nơi đây cũng không có gì hấp dẫn cho lắm.



Con tàu Vasa huyền thoại.

Khu Phố Cổ:

Xem con tàu cổ Vasa chừng 1 giờ là đủ. Chúng tôi trở lại bến tàu để chờ tàu đưa đi ra khu Phố Cổ. Stockholm là một thành phố có nhiều sông rạch nên sự di chuyển bằng đường thủy cũng rất tiện lợi.

Lúc 10 giờ, chúng tôi lên bờ ở bến tàu Slussen. Bến tàu nằm ở phía Ðông Nam một hòn đảo nhỏ nơi có khu Phố Cổ (Gamla Stan) và Hoàng Cung Thụy Ðiển.

Khu Phố Cổ Stockholm không lớn lắm. Mỗi chiều khoảng 600 mét mà thôi. Ở đó có những con đường hẹp, lát đá. Hai bên đường là những cửa tiệm bán đồ kỷ niệm, tiệm cà phê, nơi đổi tiền, khách sạn, quán bia, quán ăn… Kiến trúc ở đây tuy cũ nhưng được bảo quản tốt nên trông đẹp đẽ, văn minh. Hàng hóa ở đây giá hơi cao so với ở Mỹ. Ðặc biệt bạn không cần đổi tiền, bởi vì ngoài tiền địa phương, họ sẵn sàng nhận tiền đô la Mỹ hay Euro.

Hoàng Cung Thụy Ðiển:

Nằm ở phía Bắc khu Phố Cổ, hoàng cung Thụy Ðiển bao gồm nhiều tòa nhà bệ vệ cao ba bốn tầng bao bọc một khu rộng lớn hình chữ nhựt kích thước khoảng 200 mét x 150 mét. Ngày nay, hoàng gia Thụy Ðiển không cư ngụ ở đây mà ở lâu đài Dottingham hơi xa thành phố. Hoàng cung Stockholm có nhiều lối vào. Giữa hoàng cung là một sân rộng. Muốn vào xem các phòng bên trong thì phải mua vé giá 150 SEK (23 USD). Khi vào xem lại không được chụp hình. Chúng tôi đã xem nhiều hoàng cung rồi, hơn nữa không có nhiều thì giờ, nên tuy tới đây nhưng không vào xem bên trong. Kế bên hoàng cung có một nhà thờ của hoàng gia. Bên trong nhà thờ này được trang trí hết sức lộng lẫy và hoa lệ.

Phía ngoài hoàng cung có nhiều lính canh. Mấy anh lính này đứng nghiêm và mặc quần áo rất đẹp. Nhiều du khách đã đứng cạnh mấy anh lính để chụp hình kỷ niệm.



Lính gác hoàng cung Thụy Ðiển.

Hàng ngày, khoảng 1 giờ trưa có lễ đổi gác trước hoàng cung. Theo ông John Lawrence, đây là lễ đổi gác lớn có bạn nhạc, có lính cỡi ngựa diễn binh qua đường phố. Lẽ dĩ nhiên là sẽ có rất nhiều du khách và những người tò mò đứng xem. Chúng tôi có ít thời giờ nên không thể xem cuộc diễn binh và đổi gác này. Sau khi đi xem sơ một vòng hoàng cung, chúng tôi đi về phía bắc. Ở đó có một tòa nhà thật lớn là Quốc Hội Thụy Ðiển. Qua khỏi Quốc Hội, có một chiếc cầu. Ðứng trên cầu nhìn về phía Tây Bắc sẽ thấy một tòa nhà màu nâu đỏ. Ðó là Tòa Thị Chánh Stockholm, nơi phát giải Nobel hàng năm.

Chúng tôi không có thì giờ nhiều nên không đi thẳng lên khu mua sắm của Stockholm mà rẽ phải về phía một tòa nhà màu nâu nhạt. Ðó là Nhà Hát Opera của thành phố. Trước nhà hát là quảng trường Vua Gustav Adolf với tượng của ông cỡi ngựa đặt trên bệ cao ở giữa. Quanh nhà hát là nơi các xe tua đậu để chờ khách ở đó. Nếu bạn đi xe hop on hop off thì sẽ lên xuống xe ở đây để vào thăm Hoàng Cung phía bên kia sông.

Hôm nay nhà hát đóng cửa nên chúng tôi không được vào xem bên trong. Ngồi nghỉ chân trước nhà hát chừng 10 phút, chúng tôi qua một chiếc cầu để trở lại bến tàu hop on hop off phía trước Hoàng Cung. Trong khi ngồi chờ tàu ở đây thì ngắm cảnh sông nước và một khách sạn lớn ở phía bên kia sông. Ðó là khách sạn Grand Hotel nổi tiếng. Rảnh rỗi, tôi cũng để ý xem dân Thụy Ðiển như thế nào thì thấy mấy cô gái ở đây không cao lắm, nhưng dáng người đẹp một cách rắn chắc, khỏe mạnh.

Chờ chừng 15 phút tới 12 giờ thì tàu tới. Khách chờ cũng khá đông. Chúng tôi lên tàu thì tàu cũng đầy người. Nó không chạy ngược về đường cũ mà theo một đường vòng qua phía bắc rồi mới về bến tàu cruise. Chuyến đi kéo dài chừng 45 phút và ngừng ở 4 hay 5 bến khác. Dọc đường, chúng tôi có dịp ngắm cảnh sông nước, lâu đài, kiến trúc dọc hai bên bờ sông. Cô hướng dẫn nói nhiều khu dân cư ở đây giá rất mắc: khoảng 1 triệu đô la một căn nhà dọc bờ sông. Phải chăng vì vậy mà phong cảnh ở đây thật nguy nga, tráng lệ ít có nơi nào sánh bằng.


– Cùng một tác giả, tác phẩm mới xuất bản: “Ði Cruise Bắc Mỹ” kể về các chuyến du lịch bằng du thuyền qua Caribbean, Alaska, Mexico, Canada, New England. Sách dầy trên 300 trang. Giá 15 đô la (kể cả cước phí). Muốn có sách có chữ ký của tác giả gởi tận nhà qua bưu điện, xin liên lạc về:

Tam Tu
17634 Fonthill Ave
Torrance, CA90504
Ðiện thoại: (310)523-1857
Email:
[email protected]

– Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch:
1. Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam
2. Miền Tây Hoa Kỳ
3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc
4. Mùa Thu Ðông Âu
5. Tây Âu Cổ Kính
6. Miền Ðông Nước Mỹ Và Canada
7. Hành Hương Thánh Ðịa Do Thái
8. Nhật Bản, Hồng Kông-Macau, Thái Lan

Ðã có bán trên NGUOI VIET SHOP (www.nguoi-viet.com).

Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD (bao cước phí) hay liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823. Ðiện thoại (714) 528-1413. Email: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT