Friday, March 29, 2024

Tiếp tục rong chơi ở Bremen, Ðức Quốc


Bài và hình: Trịnh Hảo Tâm

Hôm nay Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013, chiều nay sẽ lên đường sang Paris bằng tour xe buýt của người Ðức. Sáng nay lúc 9 giờ 30 như lời hứa, có anh Lê Thanh Bình, kỹ sư ngành cơ khí đã về hưu, đến đưa đi chơi cũng loanh quanh Bremen nhưng anh nói là những nơi mới lạ mà tôi chưa từng đến.



Một khu phố phía Bắc Bremen.

Cũng nên giới thiệu sơ qua về lý lịch tiểu sử của anh vì bên Ðức này người Việt có nhiều xuất xứ khác nhau. Anh là người Bắc di cư 1954 và là sinh viên từ Sài Gòn sang Ðức du học từ năm 1970 về ngành Cơ Khí. Trước 1975 thời kỳ miền Nam lửa khói chiến tranh, sinh viên xin xuất ngoại du học các nước Âu Mỹ chắc hẳn phải là sinh viên giỏi, đậu Tú Tài 2 phải điểm cao từ Bình Thứ trở lên như Bình và Ưu. Như cá nhân tôi đây chẳng hạn, đậu “vớt” làm sao du học cho được? Nói đậu “vớt” nhiều người trẻ ngày hôm nay không biết là nghĩa như thế nào? Ðậu “vớt” là sau một kỳ thi thấy số thí sinh đủ điểm để đậu tỷ lệ quá thấp, Bộ Quốc Gia Giáo Dục mới họp lại hạ số điểm được đậu xuống nhằm tăng tỷ số thí sinh đậu lên. Thí dụ mỗi năm thường tỷ lệ thí sinh đậu Tú Tài 2 phải khoảng 50% mà năm nay vì đề thi khó, số thí sinh đậu chỉ đạt được 40% thì phải “vớt” thêm cho đủ tỷ số 50%. Tôi đậu được là nhờ “vớt”, vì vậy mong gì được xuất ngoại, nếu có du học thì đi Tây nhưng là… Tây Ninh, hoặc đi Mỹ là… Mỹ Tho. Tôi ở lại để chờ ngày đi… theo như một bài nhạc “Ta hỏng Tú Tài ta hụt tình yêu. Thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi. Ðau lòng anh muốn khóc…” (Thà Như Giọt Mưa – Thơ Nguyễn Tất Nhiên, Nhạc Phạm Duy).



Nhà hàng Jurgenshof khuất vắng trong rừng cây.

Sinh viên miền Nam sang Ðức du học cũng chia làm hai khuynh hướng chính trị khác nhau. Ðó là mốt thời thượng lúc bấy giờ, phải theo tả khuynh đối lập phản chiến thì mới gọi là văn minh đúng mốt. Sinh viên du học ở Mỹ, Pháp, Anh, Nhật đều cũng vậy, luôn có một thành phần chống chiến tranh Việt Nam. Anh Nguyễn Thanh Bình thì không nằm trong số đó, anh sinh hoạt với nhóm sinh viên quốc gia. Ra trường và đi làm ở Tây Ðức, rồi về Việt Nam cưới vợ và bảo lãnh sang đây. Vợ anh là một cô gái Huế rất đoan trang thùy mị nhưng vẫn thường sinh hoạt văn nghệ với cộng đồng người Việt tại địa phương Bremen. Hôm chúng tôi đến phi trường Bremen, chị Bình có ra đón chúng tôi cùng với vợ chồng em gái tôi.

Vốn là người làm việc gì đâu ra đó, hoạch định chương trình đàng hoàng, anh Bình giở bản đồ Bremen ra hỏi chúng tôi đã viếng thăm những nơi nào ở Bremen? Tôi nói là đã đi khu Phố Cổ ở quảng trường trung tâm thành phố với các nhà thờ, khu làng đánh cá Schnoor, đi xem vườn hoa Rhododendron. Anh Bình cho biết hôm nay sẽ đưa chúng tôi đến công viên lớn ở về phía Bắc thành phố có tên là Burgerpark. Tôi tưởng là công viên này có nhiều quán Hamburger nhưng không Burgerpark có nghĩa là “công viên nhân dân.” Chữ “burger” trong tiếng Ðức có nghĩa là “dân chúng” (citizen, townsman) nhưng đến khi sang Mỹ không hiểu như thế nào mà chữ “burger” là viết tắt của “hamburger” nghĩa thành ra món bánh mì kẹp thịt bò, một thức ăn truyền thống của Mỹ ngày nay. Món này ở Sài Gòn mới có và người ta gọi là đi ăn “Ðố Nồ” (McDonald’s).



Ngôi nhà cổ trong công viên Burgerpark.

Chúng tôi 2 người cộng với em gái và anh Bình, tất cả 4 người lên đường bằng chiếc xe SUV Mercedes của anh Bình. Ở Ðức đi xe Mercedes là chuyện bình thường, rẻ tiền và dễ bảo trì chứ không có tính cách se sua gì cả. Chúng tôi đi về hướng Bắc bằng con đường Werderbruck vượt qua cầu bắc trên con sông Weser là con sông chảy ngang thành phố. Vùng này cây cối xanh biếc, dòng sông êm đềm thơ mộng và những ngôi nhà ngói đỏ nóc nhọn ẩn hiện sau những rừng cây. Vừa qua cầu anh Bình cho xe rẽ trái đi vào con đường nhỏ có đề bảng là “Restaurant… Cafe Jurgenshof.” Ðây là một nhà hàng thơ mộng nằm trong rừng cây xung quanh hoa nở 3 mùa. Nó còn lưu lại một ngôi nhà cổ ở vùng nông thôn Ðức với mái lợp bằng tranh, trong nhà còn những chiếc xe ngựa để chở nông phẩm. Anh Bình cho biết nhà hàng nằm khuất trong rừng cây là nơi hẹn hò tình tứ của những cặp uyên ương vào đây tâm tình nhiều hơn là ăn uống, nơi đã từng xảy ra những chuyện tình không có… lối thoát. Quán cà phê nhà hàng này nó cũng giống như Ðường Sơn Quán ở trong vườn cao su trên xa lộ Ðại Hàn của Sài Gòn thuở xa xưa ngày trước.



Anh Lê Thanh Bình và cô họa sĩ người Ðức trong Burgerpark.

Công viên Burgerpark

Rời nhà hàng chúng tôi tiếp tục đi về hướng Tây Bắc để tới công viên Burgerpark. Công viên nằm giữa thành phố và chỉ cách nhà ga xe lửa 2 km có thể đi bộ tới. Công viên rộng 202 héc ta, lớn như một cánh rừng, bên trong có nhiều ao hồ, sông suối, bãi tắm, vườn hoa, biệt thự, nhà hàng và những con đường đi bộ quanh co. Nó giống như một vườn thượng uyển của nhà vua nhưng vùng Bremen này ngày xưa không có vua chúa nào chọn làm nơi đóng đô và xây dựng hoàng cung. Lịch sử của công viên là vào giữa thế kỷ 19 thành phố Bremen đã phát triển mạnh nhưng chính quyền thiếu ngân sách, với nhu cầu cần phải có một khoảng không gian rộng mát cho dân chúng nghỉ ngơi thư giãn, dân địa phương mới hợp nhau đóng góp cùng xây một công viên. Với 2,600 thành viên đóng góp công viên đã thành hình nên được gọi là “Công Viên Nhân Dân.” Ða số các dinh thự trong công viên được xây vào khoảng năm 1900 chẳng hạn như nhà hàng Meierei có kiến trúc theo kiểu Thụy Sĩ. Quán cà phê ở cạnh hồ Emmasee bắt đầu phục vụ vào năm 1867. Sau khi quán cà phê nguyên thủy bị bom thiêu rụi trong trận Đệ Nhị Thế Chiến, quán mới được xây và mở cửa vào năm 1960.



Khách sạn Dorint Park trong công viên Burgerpark ở Bremen.

Chúng tôi đi về phía Bắc của công viên nơi đây có một hồ rộng tiếng Ðức gọi là Stadtwaldsee hình tam giác chu vi tôi đoán phải 6 km. Phía Tây có bãi tắm được trải cát vàng, mùa Hè người ta bơi lội, chèo thuyền hay nằm phơi nắng cho thân hình rám nắng vì miền Bắc nước Ðức này mùa Ðông băng giá kéo dài nhiều tháng người ta rất thích nắng ấm. Mới đầu tháng 6 tiết trời còn lạnh nên người đi tắm nắng chưa đông và không thấy ai bơi lội. Anh Bình đậu xe bên lề một con đường vắng, đưa chúng tôi vào một khu có đề bảng bằng tiếng Ðức mà tôi xem qua cũng chẳng hiểu gì. Anh Bình nói đây là khu tắm nắng nhưng tắm… truồng, con nít không được vào chỉ người lớn mà thôi. Tôi hỏi mình vào được không? Anh nói cứ tự nhiên nhưng không nên chụp hình. Trên những bãi cỏ thấy vài người đa số là đàn ông lớn tuổi nằm trên những tấm khăn lớn đọc sách, chơi game hay lim dim nhắm mắt nghỉ ngơi. Chúng tôi đi ngang qua họ và họ cứ tự nhiên không bận tâm làm gì. Ði loanh quanh cho biết, đi một hồi chúng tôi trở ra nơi để xe thì có một cô khoảng 40 khá đẹp đạp xe đi vào với phụ tùng tắm nắng để trên túi lưới trước ghi đông. Cô chào nói “hê lô” với chúng tôi. Tôi muốn trở vào nhưng sợ cô biết mặt! Tiếc thật, lỡ một dịp để được nhìn hoa thơm cỏ lạ.



Nhà bảo tàng Khoa Học trong khu đại học Bremen.

Chúng tôi lên xe đi vào con đường trải nhựa băng ngang công viên nơi đây có những căn nhà cổ to lớn như lâu đài và xây kiểu kiến trúc Bắc Âu rất đẹp. Ðây là những nhà hàng có bày bàn ghế ra sân, trên sân có những tượng đá, bồn phông tên nước, hoa cỏ xanh tươi rất đẹp. Có những ông bà cao niên người Ðức ngồi trước giá vẽ, cầm cọ chấm màu nước phác thảo những bức tranh non nước hữu tình. Tôi liếc nhìn qua thấy ai vẽ cũng đẹp và dừng chân nói chuyện với một ông cụ, ông cho biết ông là họa sĩ tài tử cũng đã có đem tranh đi triển lãm. Ðến một cô cũng khoảng 40 ngồi vẽ trên một chiếc băng, cô vui vẻ nói chuyện huyên thuyên với anh Bình. Anh giới thiệu chúng tôi là du khách từ Mỹ sang. Cô chỉ cho chúng tôi bức tranh cô vẽ cảnh nhìn xuống hướng Nam với rừng cây hai bên, giữa là bãi cỏ có vài con bò đang thảnh thơi gặm cỏ, xa nữa là tháp chuông nhà thờ của thành phố. Những con bò mà cô vẽ nếu cô không nói tôi cứ tưởng là những hòn đá!

Chúng tôi lên xe xuống hướng Nam công viên Burgerpark nơi đây có khách sạn Dorint Park Hotel đây là khách sạn sang trọng 5 sao. Mặt tiền khách sạn nhìn về hướng Nam tức là hướng trung tâm thành phố, trước khách sạn là hồ nước rộng có phông tên nước bắn lên giữa hồ và chung quanh trang trí bằng những tượng đá. Khách sạn được xây năm 1956, nhìn như cung điện vua chúa của nước Pháp, bên trong phòng ốc trang hoàng lộng lẫy, đủ mọi tiện nghi như nhà hàng, phòng họp, hồ tắm, xông hơi, massage v.v… Giá phòng thấp nhất là 250 Euro một ngày và có tất cả 175 phòng trên 4 tầng lầu. Nơi đây dùng làm nơi tổ chức những buổi trình diễn của những danh ca quốc tế như Micheal Jackson, Bud Spencer v.v…



Nhà hàng Việt Nam Nhi’s Bistro ở Bremen.

Sau đó anh Bình còn đưa chúng tôi ngang qua khu đại học để nhìn thoáng qua nhà Bảo Tàng Khoa Học Universum Science Center được khánh thành vào tháng 9 năm 2000. Viện bảo tàng này có kiến trúc lạ lùng ở xa nhìn như một cái chảo đồng lật úp nhưng người ta cho là nó giống nửa cá mập nửa hình con sò. Nóc của nó lợp bằng 40,000 tấm thép không rỉ sét.. Sau đó còn đi ngang qua công viên có tượng con voi bằng gạch đỏ được xây năm 1931 đánh dấu các thuộc địa của nước Ðức ở Phi Châu như Cameroon, Togo, Tanzania, Namibia và vài đảo nhỏ. Lâu nay tôi quên rằng Ðức cũng là một trong những nước thực dân, cũng có những thuộc địa, hôm nay đến đây mới được nhắc nhớ. Thời đó Ðức còn hùng mạnh lắm chưa bại trận đệ nhị thế chiến nên xây tượng đài con voi Phi Châu để tự hãnh diện cho rằng mình cũng có thuộc địa bên ngoài không kém gì Anh, Pháp, Hòa Lan, Tây Ban Nha v.v… Năm 1988 một bảng đồng được giới trẻ dựng lên cạnh con voi chống lại chủ trương bá quyền tìm thuộc địa của nước Ðức. Năm 1990 chào mừng sự độc lập của Namibia ở Nam Phi Châu tượng con voi lại trở thành biểu trưng chống lại đế quốc, tức quay ngược ý nghĩa ban đầu của người dựng tượng. Theo anh Bình cho biết giới trẻ học sinh, sinh viên Bremen đứa nào cũng biết nơi đây vì thường hẹn hò chỗ này, thuận tiện vì gần nhà ga xe lửa chính.

Sau đó xe chạy về hướng Nam ngang qua nhà ga thành phố kiến trúc đồ sộ cổ xưa với một quảng trường lớn phía trước mà chiều nay 5 giờ chúng tôi đến đây theo lời dặn của Tour xe buýt để đi Paris. Chúng tôi ngang qua cây cầu bắc qua thành hào ngày xưa, nay hào vẫn còn với làn nước phẳng lặng nhưng thành đã bị san bằng trở thành công viên cây cối xanh tươi. Anh Bình chỉ cho xem nhà máy xay lúa mì ngày trước nay vẫn còn với chong chóng quay như những nhà máy ở Hòa Lan.



Kỹ sư Lê Thanh Bình và gia đình chủ nhân nhà hàng Nhi’s Bistro.

Kết thúc buổi đi chơi phía Bắc Bremen, tôi mời anh Bình ăn trưa với chúng tôi. Em gái tôi thì đưa ý kiến đi ăn Buffet Tàu ở trước phi trường. Anh Bình cho biết khu downtown này có một quán ăn Việt Nam rất ấm cúng mà anh thường đến. Nói đến món ăn Việt là chúng tôi OK liền. thế là ghé quán có tên là “Nhi.” Ðó là một nhà hàng nhỏ bên Ðức gọi là “Bistro” có hơn một chục bàn trang trí khá lịch sự trong một con phố thương mại thanh lịch. Dù đã 2 giờ chiều nhưng vẫn có vài thực khách người Ðức lớn tuổi và 2 cô gái tóc đen chắc người Thổ Nhĩ Kỳ. Ra tiếp khách là cô chủ quán tiếc là tôi quên mất tên rất vui vẻ. Cô cho biết “Nhi” tên quán là tên con gái của cô, chồng cô làm bếp trưởng. Hai vợ chồng gốc người Cà Mau. Tôi nói tôi có xuống Cà Mau một lần duy nhất vào năm 1978 là để vượt biên. Chúng tôi gọi 4 món: 2 món vịt vì theo anh Bình món này ở đây rất khá, một món thập cẩm xào kiểu Thái Lan và một món cá chiên. Món khai vị có chả giò hoặc súp chua ngọt, chọn một trong hai thứ nhưng cô chủ tặng thêm cả hai. Cơm trắng hay cơm chiên không tính tiền. Ăn xong tổng cộng chỉ 33 Euros rất rẻ so với đời sống ở Ðức. Cô cho biết người Ðức vốn bảo thủ không quen với thức ăn lạ nên nấu đồ ăn Việt thuần túy rất khó bán, ngay cả Phở là món thế giới biết tiếng cũng khó mở tiệm phở ở Ðức. Món Thái Lan hay Tàu người Ðức có đi du lịch họ còn biết nên tiệm của cô cũng như các quán ăn của người Việt ở Ðức đều đề bảng chung chung là nhà hàng Á Châu thay vì đề là nhà hàng Việt Nam.

Nhà hàng sạch sẽ thanh lịch, ngồi ngắm cảnh phố xá nơi thị trấn Ðức cổ kính êm đềm rất thú vị. Chúng tôi ngồi uống trà với món tráng miệng là bánh ngọt và cam trái, nói chuyện cả tiếng đồng hồ mới ra về kết thúc một sáng rong chơi đầy thích thú.


Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch:

1. Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam
2. Miền Tây Hoa Kỳ
3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc
4. Mùa Thu Ðông Âu
5. Tây Âu Cổ Kính
6. Miền Ðông Nước Mỹ Và Canada
7. Hành Hương Thánh Ðịa Do Thái
8. Nhật Bản, Hồng Kông-Macau, Thái Lan.

Ðã có bán trên NGUOI VIET SHOP (www.nguoi-viet.com).

Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD (bao cước phí) hay liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823. Ðiện thoại (714) 528-1413. Email: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT