Monday, April 22, 2024

Ðặc điểm giao thông tại Việt Nam

Pao Lâm (sưu tầm)

 

Giao thông và phương tiện đi lại là điều quan tâm hàng đầu của những du khách đến Việt Nam du lịch. Ðể có một chuyến du lịch an toàn tại Việt Nam, việc tìm hiểu những đặc điểm và loại hình vận chuyển là một điều cần thiết.

Dưới con mắt của nhiều du khách nước ngoài, giao thông Việt Nam là “điên rồ”. (Hình: Hoàng Ðình Nam/Getty Images)

Dưới con mắt của nhiều du khách nước ngoài, giao thông Việt Nam là “điên rồ”. Dường như không có quy định và luật lệ nào để áp dụng khi tham gia giao thông tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu tìm ra “quy luật” thì quý vị vẫn hoàn toàn có thể “sống sót” và an toàn dạo phố, vui chơi trên những con đường nhộn nhịp.

Có nhiều lý do để giải thích cho sự rối loạn giao thông tại Việt Nam ngày nay, nhưng lý do căn bản nhất để nhận diện đặc điểm giao thông tại Việt Nam là phương tiện giao thông, cấu trúc đô thị và ý thức tham gia giao thông của người dân.

 

Ðặc điểm giao thông tại Việt Nam

 

Dường như không có quy định và luật lệ nào để áp dụng khi tham gia giao thông tại Việt Nam. (Hình: Hoàng Ðình Nam/Getty Images)

Phương tiện giao thông: Phần lớn người Việt Nam sử dụng xe gắn máy làm phương tiện giao thông chính, do tính cơ động chi phí hợp lý. Tuy nhiên, chính tính cơ động này của xe gắn máy là một trong những yếu tố gây hỗn loạn giao thông bởi vì xe máy có thể chạy theo nhiều chiều, đi vào mọi ngõ ngách theo ý muốn chủ quan của người điều khiển như chuyển làn tự do, quay đầu mọi lúc, mọi nơi, bóp còi ngẫu hứng, sang đường bất chợt và dừng đỗ mọi nơi.

Cấu trúc đô thị: Ðường sá ở Việt Nam đa số là đường nhỏ, quy mô đường thiếu hợp lý. Chỗ đông dân cư thì hệ thống đường nhỏ và hẹp, nơi dân cứ thưa thớt thì hệ thống đường rộng rãi và thông thoáng. Bên cạnh đó, có nhiều ngõ hẻm và đường nhỏ giao cắt với đường lớn. Nếu có dịp đến Việt Nam và quan sát quý vị sẽ thấy chỉ một đoạn đường ngắn chừng 1km đã có đến gần chục điểm giao cắt, mà ở đó không thể bố trí đèn giao thông vì quá nhỏ. Hệ thống đường phân bổ thiếu hợp lý, cấu trúc đô thị cũng thiếu quy hoạch khi nhà cửa được xây dựng chủ yếu theo kiểu nhà phố liền kề, san sát nhau với rất nhiều hẻm nhỏ đan xen qua lại. Người dân tận dụng không gian dành cho đường, lối đi để sinh hoạt và kinh doanh. Ðiều đó khiến cấu trúc đường giao thông nói chung là mất đi sự đồng nhất.

Chính vì những đặc điểm trên mà giao thông tại Việt Nam diễn ra theo nhiều hướng khác nhau trên một mặt phẳng đường đơn lẻ (chỉ có hệ thống giao thông đường bộ để đi lại trong thành phố).

Nếu tìm ra “quy luật” thì quý vị vẫn hoàn toàn có thể “sống sót”. (Hình: Hoàng Ðình Nam/Getty Images)

Ý thức của người tham gia giao thông: Do thói quen và thiếu sự đào tạo bài bản trong trường học mà ý thức tham gia giao thông của đa số người dân Việt Nam nói chung không cao, điều đó đã góp phần không nhỏ cho thực trạng giao thông thường xuyên rối loạn của Việt Nam hiện nay. Một vài dẫn chứng cho hành động tham gia giao thông thiếu ý thức như sau:

-Khi tham gia giao thông, người điều khiển xe tự do chuyển làn, chuyển hướng bất kỳ lúc nào theo ý muốn chủ quan mà không cần quan sát trước sau.

-Khi gặp vật cản, ùn tắc, người tham gia giao thông tìm mọi cách để vượt qua bất kể có lấn tuyến hay không thay vì dừng xe lại, đứng vào hàng để lần lượt đi khi hết vật cản.

-Khi gặp giao lộ, người điều khiển phương tiện thường có xu hướng tăng tốc độ để vượt thay vì giảm ngay tốc độ hoặc dừng lại quan sát trước khi vượt qua.

-Khi gặp ùn tắc, người tham gia giao thông không ngần ngại đi trên vỉa hè dành cho người đi bộ để tránh ùn tắc.

-Dừng, đỗ xe bất kỳ nơi đâu và bất kỳ khi nào muốn.

 

Một số gợi ý khi tham gia giao thông tại Việt Nam

 

Phần lớn người Việt Nam sử dụng xe gắn máy làm phương tiện giao thông chính. (Hình: Hoàng Ðình Nam/Getty Images)

-Luôn quan sát cẩn thận khi sang đường cho dù quý vị đã đi đúng làn đường và đúng tín hiệu đèn giao thông.

-Quý vị nên đi bộ trên vỉa hè (nếu có thể) hoặc sát mép đường bên phải.

-Quý vị đừng lo lắng khi các phương tiện giao thông ở sát quanh quý vị ở khoảng cách rất gần vì đó là khoảng cách bình thường ở Việt Nam.

-Hãy quan sát cẩn thận ngay cả khi quý vị đi bộ trên vỉa hè vì xe máy và xe đạp vẫn có thể leo lên vỉa hè để đi.

-Khi đi bộ ở nơi đông đúc, quý vị nên chủ động nhường và tránh các phương tiện. Ở Việt Nam các phương tiện ít nhường đường cho người đi bộ.

-Còi là thói quen của người Việt Nam, vì vậy nếu quý vị đặt khách sạn ở những khu vực đông dân cư như Phố Cổ Hà Nội, hãy chuẩn bị để làm quen với sự ồn ào hoặc yêu cầu khách sạn sắp xếp phòng nơi yên tĩnh.

 

Các loại hình vận chuyển tại Việt Nam

 

Hiện nay, các loại hình vận chuyển tại Việt Nam khá đa dạng với nhiều chất lượng khác nhau để lựa chọn khiến cho việc tham quan tại Việt Nam ngày càng dễ dàng, nhanh chóng.

Hàng không nội địa Việt Nam phát triển nhanh nhất trong những năm gần đây đã khiến cho việc đi lại giữa các tỉnh, thành phố rất dễ dàng và thuận tiện với sự hoạt động ngày càng mạnh mẽ của 4 hãng hàng không: Vietnam Airlines, Jesta Pacific, Air Mekong và Vietjet Air. Việc đặt vé, xuất vé và thanh toán rất đơn giản, nhanh chóng và an toàn với hình thức thanh toán đa dạng như chuyển khoản hoặc dùng thẻ tín dụng. Mọi giao dịch đều có thể thực hiện qua mạng Internet.

Tại Việt Nam, vừa lái xe vừa nhìn qua hướng khác là chuyện bình thường. (Hình: Hoàng Ðình Nam/Getty Images)

Việt Nam vẫn duy trì và phát huy hệ thống đường sắt do người Pháp xây dựng từ khoảng giữa thế kỷ 20. Giao thông đường sắt có trục đường chính nối liền Nam (Sài Gòn) – Bắc (Hà Nội) và một tuyến đường nối giữa đồng bằng với miền núi là tuyến tầu nối giữa Hà Nội và Lào Cai (Sapa). Ngày nay, nhiều loại tầu từ bình dân đến cao cấp được đưa vào khai thác và phục vụ khách du lịch từ Hà Nội đến với Sapa và trở thành loại hình vận chuyển chính cho tuyến tham quan này.

Thuận tiện và linh hoạt nhất cho dịch vụ vận chuyển tại Việt Nam là giao thông đường bộ. Với sự đầu tư mạnh mẽ từ nguồn vốn ODA, mạng lưới đường sá tại Việt Nam rộng khắp đến các tỉnh thành trong cả nước với chất lượng tốt, tạo điều kiện rất thuận lợi cho du khách thăm quan các điểm du lịch của Việt Nam. Ðể bảo đảm an toàn, quý vị nên chú ý chất lượng của nhà cung cấp các dịch vụ vận chuyển khi lựa chọn loại hình vận chuyển đường bộ. Phải chắc chắn nhà cung cấp dịch vụ có tài xế được đào tạo, có kinh nghiệm và những phương tiện còn bảo hành với chất lượng tốt.

 

Vài gợi ý khi đi du lịch tại Việt Nam

 

Ðường sá ở Việt Nam đa số là đường nhỏ, quy mô đường thiếu hợp lý. (Hình: Hoàng Ðình Nam/Getty Images)

-Ở Hà Nội: Quý vị nên chọn xe ô tô điện hoặc xích lô để thăm phố cổ thay vì đi bộ. Phương tiện này có tầm nhìn tốt, an toàn để giúp quý vị ngắm và tìm hiểu phố cổ Hà Nội. Nếu quý vị đi bộ, hầu hết thời gian sẽ dành để tránh các phương tiện giao thông thay vì thong dong ngắm cảnh vì đường phố nhỏ, hẹp và luôn đông đúc.

-Ở Hội An: Quý vị nên chọn xe đạp, xe hơi để khám phá vùng ngoại ô và đi bộ để khám phá phố cổ Hội An.

-Quý vị nên yêu cầu loại xe đặc chủng hai cầu như: Landcruiser, Ford Escape… cho những chuyến đi về miền núi. Sử dụng các loại xe 4C hoặc xe trên 15 chỗ để khám phá vùng núi Việt Nam thì an toàn hơn.

-Nên chọn xe Jeep nếu muốn một chút mạo hiểm với những khu vực có đường sá khó đi hoặc quý vị muốn ngắm cảnh trong suốt cuộc hành trình.

Mặc dù vẫn còn có một số hạn chế, Việt Nam vẫn là một điểm đến an toàn nhất thế giới với những cảnh đẹp rực rỡ và nhiều người dân dễ mến và một nền văn hóa đặc sắc. Chỉ cần để ý một chút thôi, quý vị chắc chắn sẽ có một kỳ nghỉ tuyệt vời ở Việt Nam.

 

 

CIAO TRAVEL

Add: 1st Floor, 3 Phan Huy Ich Street, Hanoi, Vietnam

Tel: 84 4 39290270; Fax: 84 4 39290271

E-mail: [email protected]

Website: www.ciaotravels.com

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT