Saturday, April 20, 2024

Ðào Thanh Thủy trong vai trò mặc đồ ướt


Ngành Mai

Khoảng 1999-2000, đào Thanh Thủy được mời lên sàn quay đài truyền hình để đóng một vai, và khi được giải thích rõ mình phải làm gì trước ống kính, thì cô vừa mừng, lại vừa sợ, vì sắp phải chịu… lạnh đến đánh bò cạp.

Khi được mời lên sàn quay đài truyền hình thì nam nữ nghệ sĩ nào lại chẳng mừng, bởi rồi đây tên tuổi sẽ quen thuộc với khán giả. Có người còn nói hát cả năm trên sân khấu cũng không bằng một buổi có mặt trên màn ảnh nhỏ của truyền hình, bởi TV sẽ giúp tên tuổi, tài nghệ của mình được nhiều người biết.



Ðào Thanh Thủy. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)

Thật vậy, nếu như căn cứ vào số lượng người coi thì một vở tuồng (tuồng hay) hát trên sân khấu chỉ 5, 6 trăm khán giả là nhiều, hiếm khi lên tới 8, 9 trăm hay một ngàn người đi coi.

Thế nhưng, nếu trên truyền hình thì cũng vở tuồng đó, con số khán giả có đến hàng vạn, nhiều vạn người coi. Khoảng 1970, một viên chức ở Bộ Kinh Tế, đã căn cứ vào con số máy truyền hình được nhập vào Việt Nam. Ðồng thời quan sát những buổi tối phát hình tuồng cải lương của nhiều tụ điểm. Ông làm bài toán và ước tính con số khán giả của mỗi tối có cải lương là người coi trên một triệu.

Ðiều đó có thể đúng, bởi thời kỳ trước 1975, mỗi đêm truyền hình có cải lương thì hầu như tỉnh nào, quận nào cũng đèn điện tối om (do bởi máy TV nào cũng mở đã hút hết điện của nhà đèn). Rồi đến khi đài hết chương trình cải lương thì đèn điện sáng choang trở lại. Và cũng do đó mà cải lương truyền hình đã giết cải lương sân khấu.

Khoảng 1974, gánh Minh Cảnh nhiều năm hát ngoài Trung, nên ở Sài Gòn và các tỉnh ở trong Nam ít ai nhắc tới Minh Cảnh, khán giả cải lương thắc mắc không biết Minh Cảnh có còn đi hát hay đã nghỉ hát rồi mà từ lâu không nghe thấy.

Biết vậy, nên ông già vợ của Minh Cảnh mới vận động với đài truyền hình cho đoàn Minh Cảnh được lên màn ảnh nhỏ một lần. Về phía đài truyền hình thì cũng muốn chương trình có anh kép ca vọng cổ nổi tiếng này đến với khán giả của đài, thay vì cứ phải cho các khuôn mặt cải lương quen thuộc mà khán giả đã chán, lại cứ lên màn ảnh nhỏ hoài. Do vậy mà đài chấp thuận dễ dàng.

Thế là từ ngoài Trung, Minh Cảnh đem 2 đoàn hát di chuyển dần về Nam (lúc ấy Minh Cảnh có đến 2 đoàn). Và rồi thì khán giả truyền hình mới biết Minh Cảnh vẫn còn hát, làn hơi ca vọng cổ vẫn còn thu hút khán thính giả như hàng chục năm trước vậy.

Do truyền hình có tác dụng mạnh mẽ như thế, nên đào Thanh Thủy (thuộc lớp đào trẻ sau 1975) nhận lời đóng một vai trong vở “Những Mảnh Ðời Thương Ðau”: Vai một cô gái quẫn trí nhảy sông tự vận.

Các vở sân khấu thường được thu hình tại phòng thu lớn (diện tích khoảng 100 thước vuông), nhiệt độ ở đây luôn được giữ ở mức dưới 20 độ C để bảo vệ máy móc thu hình. Nhằm buổi trưa nắng gắt thì còn đỡ, gặp nhằm lúc ngoài trời có mưa, các diễn viên đều thi nhau rên rỉ, rằng… lạnh run cho mà coi.

Sân khấu truyền hình cũng giống điện ảnh, cần phải tả thực nên các diễn viên rất sợ khi phải đóng cảnh… té sông. Trong phòng thu, dòng sông hoặc biển được miêu tả như thật, nhưng một người vừa bơi dưới sông đi lên mà quần áo khô queo thì… cực kỳ lãng nhách. Do đó hễ diễn viên nào “lọt” vô cảnh quay này đều được ân cần mời đi… xối nước.

Trong nhiệt độ tại phòng thu mà bị ướt toàn thân, Thanh Thủy cứ vừa diễn vừa run, vận “nội công” để ca thay vì… đánh bò cạp. Nào đã yên, cảnh quay đó bị hư mấy lần. Và cứ mỗi lần quay lại là thêm một lần Thanh Thủy phải đi xối nước vì quần áo trên người đã “hơi bị” khô, không đạt yêu cầu vai diễn.

Nghệ sĩ Linh Cường đóng vai người cứu Thanh Thủy cũng bị ảnh hưởng, bởi mỗi cảnh quay ẵm Thanh Thủy từ dưới sông đi lên là lại một lần Linh Cường được Thanh Thủy “chia” cho chút… nước lạnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT