Thursday, March 28, 2024

Ðào cải lương Cẩm Tiên lận đận trong nghề đi hát


Ngành Mai


 


Nữ nghệ sĩ Cẩm Tiên thuộc thế hệ đàn em của những Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu… cô đã quá ư là lận đận trong những bước khởi đầu nghiệp cầm ca. Thế nhưng, nhờ kiên trì chịu đựng, cương quyết mà cô đã vượt qua bao nhiêu thử thách, và rồi thì đưa đến vinh quang trong nghệ thuật.


Nữ nghệ sĩ Cẩm Tiên. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)


Cẩm Tiên quê quán ở Gò Dầu, Tây Ninh, thi rớt đại học, cô chọn nghiệp cầm ca, và buổi đầu tiên đi theo gánh hát Trung Hiếu lưu diễn ở miền Trung, miền Bắc. Bước đầu tương đối thuận lợi, nhưng cùng lúc lại có những tiếng bấc tiếng chì, khiến cô chán nản, mất đi nhiệt tình với sân khấu.


Ðoàn ra đến Ðà Nẵng, Cẩm Tiên chán quá xin rời đoàn, nhưng số người cảm mến cô đã khuyên giải, động viên cô ở lại. Dù rằng còn trẻ và đang học nghề lại có tên trong danh sách được chọn hát ở những nơi mà thường phải là nghệ sĩ lành nghề, do đó Cẩm Tiên bị một số người ganh ghét. Cô dành dụm tiền bạc với đồng lương học việc mua vài món quà khiêm nhường cho gia đình đã bị lấy mất hết. Túi xách đựng đồ, kể cả áo quần của cô cũng bị rạch cắt. Cẩm Tiên chỉ biết khóc nơi xứ lạ quê người. Rồi khi đoàn về Nam lưu diễn đến Gò Dầu, quê nhà của cô, Cẩm Tiên đã mời bà con xóm làng quen biết xem cô hát.


Ðoàn diễn đêm đầu vở “Ðồng Tiền Ðẫm Máu,” Cẩm Tiên hóa trang vừa xong thì bỗng nhiên ông đài trưởng đến nói:


-Bữa nay cô nghỉ, vai của cô, người khác hát.


Cẩm Tiên ngỡ ngàng:


-Thay vai sao không báo trước, để tôi làm mặt rồi mới nói? Nhất là hôm nay hát tại quê nhà tôi, tôi đã mời bà con, xóm làng đi xem rồi.


-Nhưng mà, tôi nói bữa nay cô không hát.


Thế là Cẩm Tiên dọn đồ về nhà và rời đoàn Trung Hiếu luôn. Sau đó Cẩm Tiên cộng tác với đoàn Thanh Tú – Trang Bích Liễu. Kế đến hát ở đoàn Hoa Hồng của Hề Sa. Năm 1990 được mời thu băng Audio tại xưởng phim Nguyễn Ðình Chiểu. Lần đầu tiên thu băng gặp những danh ca nổi tiếng, Cẩm Tiên hơi run ca chưa đạt, và khi cô ca đạt thì bỗng nhiên có kẻ nào đó bảo Cẩm Tiên có ai tìm nên cô ra khỏi phòng thu. Thế rồi cánh cửa được khép kín không cho cô trở vào và vai hát của cô đã bị người khác thay thế.


Cẩm Tiên đứng một mình trước xưởng phim khóc. Ðây là nỗi nhục trong nghề nghiệp. Cô lững thững đi bộ về nhà mà lệ cứ luôn trào. Bây giờ cô không chán nữa, cô đau lòng quá trở thành người cương quyết. Quyết học hỏi thêm để hai năm sau người ta phải năn nỉ cô thu Audio chứ không phải hất hủi cô. Quả thế, sau đó không bao lâu và cho đến sau này cô đã thủ vai chánh hơn 50 vở, và với các băng đó, Cẩm Tiên đã nổi danh ở quốc nội cũng như ở hải ngoại.


Sau mấy năm đi hát cho một số đoàn hát nhỏ ở các tỉnh, đến năm 1993 Cẩm Tiên được một đoàn lớn mời về thay thế Lệ Thủy hát chung với Minh Vương (do Lệ Thủy sắp mãn hợp đồng).


Thấy cô và gia đình còn đang lưỡng lự chưa dám quyết định, một soạn giả nói:


-Cẩm Tiên cứ nhận lời đi. Em cứ nghĩ đó là một cuộc chơi hoặc có tất cả hoặc không có gì. Vả lại em còn trẻ, nếu có thất bại đi nữa cũng là một kinh nghiệm cho mình. Ðây là một cơ hội để em thử thách. Vả lại đoàn hát họ cũng tính toán doanh thu như thế nào mới dám mời một cô đào trẻ như em hát chung với Minh Vương chứ!


Thế là Cẩm Tiên nhận lời về đoàn. Cô tâm sự với một nữ phóng viên:


-Tôi ra miền Trung vào đúng hai suất hát cuối cùng của chị Lệ Thủy ở Phú Yên. Ðêm diễn đó khán giả đến đông nghẹt. Ngồi trong hậu trường nhìn thấy sự ngưỡng mộ nồng nhiệt của khán giả dành cho chị Lệ Thủy và Minh Vương, tôi thấy sợ cho mình. Tôi đã từng nghe có những khán giả đã phản ứng dữ dội, thậm chí hăm dọa một số nghệ sĩ khi hát xen vào cặp diễn thần tượng của họ. Liệu khán giả sẽ phản ứng ra sao khi tôi hát chung với Minh Vương và hát những vai của chị Lệ Thủy? Tôi chỉ có hai ngày để tập hai vở diễn “Nghiệp Cầm Ca” và vở “Một Chuyện Tình Buồn.”


Sáng học tuồng, tối đã lên sân khấu hát, tôi lo sợ ra mặt thì chị Thoại Miêu, anh Diệp Lang và anh Minh Vương bảo tôi:


-Em cứ coi đây là đoàn nhà, cứ bình tĩnh và tự tin ở mình, có gì thì các anh chị ở đoàn hỗ trợ cho.


Ðêm diễn đầu tiên với Minh Vương ở bến Tuy An, băng-đơ-rôn quảng cáo tên Cẩm Tiên và Minh Vương, khán giả đến vẫn đông. Cẩm Tiên nhìn thấy nụ cười nhẹ nhõm của anh trưởng đoàn, bởi vì nói gì đi nữa người phiêu lưu nhất mời Cẩm Tiền về chính là anh. Nếu như doanh thu của đoàn sụt xuống, cuộc sống của bao anh em cũng bị ảnh hưởng.


Cẩm Tiên nói:


-Tôi bước ra sân khấu trong bụng vẫn còn run. Tôi run đến nỗi không nghe được người nhắc tuồng nói gì. Ðến lượt tôi ca, tôi không thuộc tuồng nên đứng im chịu trận. Anh Minh Vương thấy vậy liền bắt nhịp ca giùm cho tôi luôn, anh vừa ca vừa nắm chặt tay tôi như động viên. Tôi không biết khán giả có nhận thấy điều đó không, nhưng hơn một ngàn khán giả xem đêm đó vẫn nhiệt tình ủng hộ đoàn. Ðêm diễn sau doanh thu của đoàn cũng không giảm sút.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT