Wednesday, April 17, 2024

Ðào kép thành vợ chồng, bầu gánh phải mời luôn một cặp



Ngành Mai


 


Tựa đề bài viết này là thực tế trong làng cải lương thời thập niên 1950-1960 nhưng về sau thì bầu gánh không chấp nhận nữa, thà đi tìm người khác.










Nữ nghệ sĩ Thanh Hương. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)


Sau mấy năm chỉ ca hát ở đài phát thanh, đến khoảng 1955 cặp vợ chồng nghệ sĩ Văn Chung, Thanh Hương, có dịp lên sân khấu ra mắt khán giả, thay vì thời gian qua thiên hạ chỉ nghe tiếng mà không thấy hình dạng người nghệ sĩ ra sao.


Số là năm ấy ba đào kép chánh gánh Thanh Minh là Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thúy Nga cùng lúc rời khỏi đoàn tách ra cùng với Thanh Tao lập gánh Kim Thanh (cả bốn người đều là giám đốc).


Ðào kép cột trụ bỏ đi hết, tạo cho gánh Thanh Minh của bầu Năm Nghĩa một lỗ hổng lớn, tình trạng xuống dốc thấy rõ bởi đêm nào cũng lưa thưa người coi hát, thay vì trước đó luôn đầy rạp.


Năm Nghĩa cũng là nghệ sĩ nổi danh, nhưng lúc ấy căn bệnh đã vương vào người không thể hằng đêm lên sân khấu được. Lâu nay ông từng nghe người trong giới đồn đãi rằng ở đài phát thanh có giọng ca Thanh Hương đang được thính giả khắp nơi mến chuộng. Năm Nghĩa đến hãng dĩa hát ở gần đài để gặp Văn Chung, Thanh Hương mời đôi nghệ sĩ trẻ này về cộng tác. Văn Chung được giao cho vai Vũ Khanh là vai chánh trong tuồng “Người Nô Lệ” thay thế Út Trà Ôn. Thế nhưng Văn Chung làm sao thay thế được đệ nhứt danh ca chứ! Thành thử ra gánh Thanh Minh vẫn tình trạng đi xuống.


Cũng nên biết rằng thời đó khán giả đi coi cải lương mục tiêu là nghe ca vọng cổ, còn tuồng hay dở chỉ là phụ thôi. Với Thanh Hương thì dễ dàng giao vai chánh, vì làn hơi ca Thanh Hương ăn bứt Kim Chưởng, Thúy Nga, nhưng hơi ca của Văn Chung mà so với Út Trà Ôn thì chắc rằng khán giả đâu chấp nhận được.


Khổ nỗi thời đó, khi nghệ sĩ đã thành vợ chồng rồi thì bầu gánh muốn mời về phải mời luôn cả hai, chớ không thể mời một người, chẳng hạn như bầu Sinh thành lập gánh Hương Hoa, ông muốn mời đào Ngọc Nuôi, bắt buộc phải mời luôn Việt Hùng thì bà Ngọc Nuôi mới chịu về cộng tác. Và trong trường hợp Năm Nghĩa cũng vậy, muốn mời Thanh Hương về đoàn Thanh Minh thì phải mời luôn cả Văn Chung.


Một thời gian ở đoàn Thanh Minh thì cặp Văn Chung, Thanh Hương về đoàn Năm Châu, tức đoàn hát của thân phụ Thanh Hương. Lúc gánh Năm Châu rã gánh, cặp này đầu quân gánh Kim Thanh và khi đoàn Kim Thanh rã, đào Kim Chưởng lập gánh mời cặp Văn Chung, Thanh Hương gia nhập và đoàn lấy bảng hiệu Kim Chưởng-Thanh Hương. Tiếp đó thì hai người đi gánh Hữu Tâm của bầu Ba Khuê.


Ở đoàn Hữu Tâm thì Văn Chung không còn đóng vai chánh, bởi trong tuồng “Nắm Cơm Chan Máu” của 2 soạn giả Bạch Diệp-Minh Nguyên, hai vai nam nữ chánh do Thanh Hương và Bửu Tài đóng (Bửu Tài là rể của Bảy Cao, nguyên là kép độc của đoàn Hoa Sen, đã bất mãn ông già vợ thế nào đó mà từ bỏ đoàn, đi theo Ba Khuê sang đoàn Hữu Tâm).


Thanh Hương trong vai nàng Ðỗ Lệ thì quá hay, mà kép Bửu Tài thì không tương xứng. Chợt lúc Hùng Minh vừa chiếm giải Thanh Tâm 1959, bầu Ba Khuê mời về thay thế Bửu Tài trong vai Trần Ai. Hùng Minh vừa đẹp trai vừa có làn hơi ca hay lại mới chiếm giải, nên đóng cặp với Thanh Hương được khán giả khen đáo để, và tuồng “Nắm Cơm Chan Máu” hát cả chục đêm vẫn còn đông khán giả.


Lúc đang hát tuồng này thì Thanh Hương bỏ Văn Chung, sang ngang với Hùng Minh. Vấn đề gây sôi nổi dư luận một dạo. Văn Chung mất vợ rồi không hiểu sao ông trở thành hề, từ biệt luôn vai trò kép mùi.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT