Thursday, March 28, 2024

Hà Anh Tuấn ‘cháy’ hết mình trong chương trình ‘Tôi Mơ’


Ðức Tuấn/Người Việt


FOUNTAIN VALLEY (NV) – “Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ…” ca sĩ Khánh Ly, Hà Anh Tuấn, Thu Phương cùng đồng ca các ca khúc này, bên dưới khán giả vỗ tay hòa nhịp theo, làm cho khoảng cách giữa người ca sĩ trình diễn trên sân khấu và khán giả thưởng thức phía dưới như xích lại gần nhau hơn, “Họ không còn là sự cách biệt giữa ca sĩ và khán giả nữa mà bây giờ là gia đình…” Ông bầu Dũng Taylor nói với chúng tôi như vậy.









Khánh Ly (phải) và Hà Anh Tuấn. (Hình: D&D cung cấp)

Ðó cũng là hình ảnh cuối cùng để khép lại hoàn toàn chương trình nhạc thính phòng “Tôi Mơ” cũng là “mini live show của Hà Anh Tuấn”, cũng là dịp anh giới thiệu đến khán giả quận Cam tác phẩm CD còn nóng hổi mang tựa đề “Biết Tương Tư” vừa được hoàn tất trong một vài tuần qua tại Sài Gòn.

Ðồng hồ chỉ đúng 8 giờ 15, ông “Chà Và” Dũng Taylor quay sang hỏi tôi “Mấy giờ rồi anh?” tôi xem đồng hồ và cho anh biết đã quá giờ mở màn 15 phút.

“U” Mai – Khánh Ly từ trong phòng thay đồ của ca sĩ bước ra, gặp tôi, chị hé bức màn nhìn xuống phía dưới, miệng lẩm bẩm “Vẫn chưa đông nhỉ?” chị nói tiếp “Nói Dũng bắt đầu đi là vừa, phải tập cho khán giả thói quen đúng giờ chứ!”

Ðột nhiên, ngay lúc ấy – ánh đèn trong khán phòng “dịu” xuống, và chỉ có tiếng đàn Piano réo rắt của tay đàn Huỳnh Bảo… Trên sân khấu là gam màu tím pha lẫn những ánh đèn vàng nhạt cháy sáng từ những ngọn đèn cầy lớn đặt xung quanh sân khấu làm cho cả một vùng không gian trở nên huyền ảo hơn.

Hà Anh Tuấn bước ra, trong bộ quần áo chỉnh tề, tươm tất, chiếc kính màu đen, dường như khổ hơi lớn làm choáng cả gần phân nữa của khuôn mặt anh ta…

Ca khúc “Tình Bơ Vơ” của Lam Phương là bài đầu tiên anh mở màn cho đêm mini live show của chàng, cũng trong lúc Hà Anh Tuấn đang trình bày “Tình Bơ Vơ” thì trên màn ảnh rộng đang lướt qua những thước phim ghi lại dấu vết của Sài Gòn ngày xưa.

Không biết vì người ca sĩ thể hiện bài hát quá tuyệt hay vì những hình ảnh sinh hoạt của thành phố “ấy” đã khiến cho hơn năm trăm khán giả ngồi lặng im?

“Bao Giờ Biết Tương Tư” ca khúc thứ hai, bài hát như luồng gió ấm hâm nóng bầu không khí “kể chuyện âm nhạc” mà Hà Anh Tuấn đã có lần tâm tình.

Bài hát được bắt đầu bằng lối “intro” rất lạ, ban nhạc dẫn người nghe bước vào thế giới yêu đương bằng những giai điệu rộn ràng, nhộn nhịp, chứ không chậm buồn như bất cứ cách phối thông thường cho ca khúc này.

Tôi vẫn còn nhớ Hà Anh Tuấn tâm sự chính bài “Bao Giờ Biết Tương Tư” đã mang lại cho anh rất nhiều cảm xúc, và anh nhặt ý tưởng đó để đặt tựa cho tác phẩm CD mới “Biết Tương Tư”.

Những giọt nước mưa đang đổ xuống thành phố, thành phố tắt đèn, chỉ còn xa xa là những ánh sáng loáng thoáng phản chiếu từ mặt nước, từ những vòng tròn được vẽ ra do các hạt nước mưa rơi xuống, trên đó có hình ảnh của một góc các tòa cao ốc trong thành phố…

Bức ảnh sống động như thế, như chất xúc tác kết hợp với giọng ca của Hà Anh Tuấn tạo thành câu chuyện thần thoại của tình yêu “Hát xong bài ‘Tôi Ðưa Em Sang Sông’ tự dưng thấy buồn cho số phận và hiểu hơn thế nào là chữ ‘Duyên’ trong đạo Phật” Hà Anh Tuấn “buôn” chuyện về bài hát này, anh kể thêm lý do tại sao anh trình bày ca khúc “Tôi Ðưa Em Sang Sông”? là vì anh gửi ca khúc này như một món quà tặng đến ông anh hay đưa chàng đi vòng vòng khắp nơi, mỗi khi ca sĩ sang Mỹ trình diễn.

Người con gái trong chiếc áo dài tha thướt, ngồi hong tóc dưới ánh nắng ban mai, thành phố nhộn nhịp với những lồng đèn ngôi sao to đùng, treo dọc theo phía trước của các cửa tiệm bán hàng mùa Giáng Sinh, và các chiếc xe Taxi con cóc màu xanh đang len lỏi giữa dòng người đông đúc, còn những chiếc xích lô máy, xích lô đạp chen nhau chạy giữa đường phố.

Tất cả chừng ấy hình ảnh làm sống lại một Sài Gòn dấu yêu, giờ đã xa tầm tay với.

“Em còn nhớ hay em đã quên… Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng…” cứ mỗi lần nghe ca khúc này là tôi lại nghĩ đến ngày xưa, lúc đó là thời gian của những năm 77, 78, bài hát “Em Còn Nhớ Hay Em Ðã Quên” mới được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho trình làng, những năm đó người Sài Gòn đêm đêm nghe lén đài BBC, hay đài VOA và thỉnh thoảng được nghe ca khúc “Em Còn Nhớ Hay Em Ðã Quên” do ca sĩ Khánh Ly hát trong những chương trình ca nhạc của các đài…








Từ trái, Khánh Ly, Hà Anh Tuấn và Thu Phương. (Hình: D&D cung cấp)Thật sự lúc ấy người Sài Gòn nghe bài hát đó nhưng có lẽ chẳng thấy ý nghĩa gì nhiều, hay dửng dưng với những câu hỏi trong bài hát “Em còn nhớ hay em đã quên?, nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng…” bởi vì lúc đó mọi người chỉ lo “Làm sao ăn cho no” mỗi ngày là đủ mệt rồi.

Cho đến ngày người Sài Gòn thật sự rời xa thành phố đó để ra sống ở hải ngoại, lần đầu tiên nghe lại bài hát “Em Còn Nhớ Hay Em Ðã Quên” tự dưng nước mắt lưng tròng, còn miệng lẩm bẩm “nhớ quá!”

38 năm, bây giờ người Việt hải ngoại có thể về thăm quê hương bất cứ lúc nào, bởi thế bài hát “Em Còn Nhớ Hay Em Ðã Quên” nghe xong mà lòng ít cảm giác, tuy nhiên sau 38 năm vẫn có những người chưa một lần trở về thăm lại nơi “chôn nhau cắt rốn.” Bởi vậy đôi khi nghe lại “Em Còn Nhớ Hay Em Ðã Quên” mà bỗng mủi lòng, vì đâu đó đau đáu một niềm nhớ khôn nguôi.

Ở giữa ca khúc là sự xuất hiện của “U Mai”, thế là căn rạp vỡ òa, khi chị kết hợp song ca với Hà Anh Tuấn trong ca khúc này.

Ngay tiếp sau đó, Hà Anh Tuấn tạm thời rời sân khấu để vào trong thay đổi y phục, còn lại U Mai một mình trăn trở với liên khúc Phôi Pha-Những Ngày Mộng Mơ-Ðêm Cuối Cùng.

Có khán giả ngồi phía sau, buột miệng “Khánh Ly hát còn tuyệt quá!” và những tràng pháo tay không dứt mỗi khi chị chuyển sang một đoạn của ca khúc mới…

“Xin Cho Tôi”, một trong những ca khúc mà khán giả cho rằng song ca Khánh Ly và Hà Anh Tuấn đã thể hiện rất sâu lắng.

Bài hát là một trong những ca khúc Da Vàng, nhắc đến Khánh Ly và những ca khúc Da Vàng làm tôi chợt nhớ đến ngày xưa, hồi Sài Gòn sau biến cố 75, lúc ấy mọi vật đổi thay – từ cái tên đẹp nhất của thành phố cũng bị thay bằng tên xác chết, và dĩ nhiên âm nhạc cũng bị cấm đoán, muốn nghe nhạc cũ phải giấu diếm, nghe lén… Riêng tôi lưu giữ lại được cuộn băng cassette “Khánh Ly, với những ca khúc Da Vàng”, đêm nào cũng vậy, tôi để cuộn băng đó vào chiếc máy cũ xì, âm thanh nghe èo uột, nghèo như chính đời sống của người chủ nó vậy, thế mà cứ nghe mãi đến nỗi về sau này tôi thuộc lòng những ca khúc Da Vàng luôn.

“Người Già và Em Bé”, lại thêm một ca khúc Da Vàng nữa “Khi hát ca khúc này, Hà Anh Tuấn nói “cảm thấy thương cho hai nhân vật trong cả câu chuyện”.

Tại sao trong cả cuộc chiến của Việt Nam, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ mang hình ảnh của hai nhân vật một già, một trẻ làm tiêu biểu cho tính nhân bản trong âm nhạc của ông?

Hình tượng ghế đá công viên nằm lẻ loi một mình, chứng kiến biết bao hoàn cảnh xảy ra ngay trong công viên nơi nó được đặt để, còn em bé lõa lồ, người già co ro… Hai con người nhưng chỉ quy về một thân phận hẩm hiu của quê hương Việt Nam nghèo nàn, tủi nhục lúc nào cũng bị bọn đế quốc sử dụng làm những con cờ thí trong trò chơi chính trị quốc tế bẩn thỉu.

“Có lẽ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói nhiều về thân phận… tình yêu mà không có bất cứ ngòi bút nào có thể mô tả hay hơn ông về hai lãnh vực này”. Hà Anh Tuấn nói về nhạc Trịnh Công Sơn như thế.

“Áo Anh Sứt Chỉ Ðường Tà”, bài hát được Hà Anh Tuấn thể hiện rất tới đêm nay, và anh đã “cháy” bỏng để có thể truyền cho khán giả sức nóng của tình cảm, tài năng cùng lối diễn xuất rất nhiệt tình của người nghệ sĩ, Hà Anh Tuấn tâm tình rằng sau khi hát xong bài “Áo Anh Sứt Chỉ Ðường tà” thì anh cũng vật vã theo ca khúc và hình như “Mình thấy thương cô gái trong câu chuyện của bài hát luôn.”

Phải nói đối với nhạc phẩm “Áo Anh Sứt Chỉ Ðường Tà” ngoài sự diễn xuất tuyệt vời của người ca sĩ, cần phải gửi tặng đến các bạn của ban nhạc The Brother’s Band những cánh hoa đẹp, bởi vì họ chính là những người đã làm tròn vai trò phối nhạc, dẫn dắt bài hát đến chỗ thành công vượt bực.

“Nhạc phẩm này kể lại 3 giấc mơ của người nhạc sĩ, những giấc mơ được anh sáng tác ngay trong thời gian cùng cực, đời sống nghèo nàn nhất,” Hà Anh Tuấn giới thiệu về nhạc phẩm “Tôi Mơ” của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, cũng là chủ đề chính mà nhà tổ chức đã dùng đặt tên cho cả đêm nhạc.

Lạ lắm “Tôi Mơ” là lần thứ ba Hà Anh Tuấn trình bày mỗi khi anh hát trên sân khấu của D&D thế nhưng hình như mỗi lần nghe anh trải lòng trong bài hát này là sự cảm nhận của người nghe đều khác nhau hoàn toàn.

Bốn ca khúc Mơ Về Nơi Xa Lắm (Phú Quang), Biển Cạn (Kim Tuấn), Khi Xưa Ta Bé, Thuyền và Biển (Phan Huỳnh Ðiểu) đều là những bài hát sâu lắng.

Nhắc lại về nguồn gốc của bài hát “Thuyền và Biển”, nhạc sĩ Thomas Ngô kể vào khoảng năm 1980, anh đọc được một bài thơ rất hay của nhà thơ Xuân Quỳnh có tên Thuyền và Biển, và anh đọc cho nhạc sĩ Phan Huỳnh Ðiểu nghe bài thơ ấy, cuối cùng sau một thời gian nhạc sĩ đã phổ nhạc bài thơ này thành ca khúc Thuyền và Biển.

“Thu Phương hả? Oh… Giọng hát và cách thể hiện của con bé ấy còn đầy ‘lửa’ đấy chứ,” đó là lời bình luận của ca sĩ “Trên ngàn” (cách gọi thân tình của U-Mai Khánh Ly đối với ca sĩ Thanh Tuyền), khi chị nói về ca sĩ Thu Phương.

Và điểm “nóng”, “cháy” hay “bốc lửa” của nàng Thu Phương tỏa sáng khi cô trình bày các ca khúc như Bang Bang, Thuyền và Biển hoặc Tình Hờ (phần hai) cùng với ca sĩ Hà Anh Tuấn.

“Biển Cạn” một trong những ca khúc rất hay và sẽ góp mặt trong số những bài hát chọn lọc của tác phẩm CD sắp tới của ca sĩ Thu Phương.

Biển cạn kể lại mối tình giữa biển và con người, trong đó biển luôn là người tình chung thủy nhất, bởi biển sâu lắng, dịu êm như đồng cảm với tình yêu của con người, hay biển cuộn sóng, ầm ĩ như nổi lòng thương nhớ không nguôi…

Nhưng dù sao đi nữa biển sẽ không bao giờ cạn, hoặc nếu ngày nào đó biển cạn cũng chỉ vì thời tiết khắc nghiệt giống như số phận nghiệt ngã giữa người và người với nhau thế thôi…

Phần hai của chương trình là những ca khúc được biên soạn với tiết tấu sống động, “up beat”, những ca khúc được nhiều người yêu chuộng, yêu cầu Hà Anh Tuấn hát như Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Ðàn Bà, Rong Rêu…

Ðêm đã khuya lắm rồi, thế nhưng trên 500 khán giả vẫn còn ngồi nán lại, chưa ai muốn đứng dậy ra về vì mâm cỗ âm nhạc đang đến lúc cao trào, và khán giả sẵn sàng ngồi nghe đến 5 giờ sáng cũng chẳng sao.

Vẫn một lời cảm ơn hay tạ ơn khán gỉa đã dành cho nghệ sĩ quá nhiều ân tình nồng hậu… Những bài hát chót của ba ca sĩ thay cho lời chào thân ái của họ, cũng như đó là món quà cuối cùng gửi tặng mọi người với lời hứa hẹn “Sẽ gặp lại sau”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT