Thursday, March 28, 2024

Khi dượng đào Ðổng Lân xen vào nghệ thuật



Ngành Mai

 

Dượng đào là một thành phần trong làng cải lương, và hầu như đoàn cải lương nào cũng có, không nhiều thì ít. Một số dượng đào thì đi theo đoàn nhưng không làm việc cho đoàn mà làm ở bên ngoài với đủ thứ nghề. Một số khác không đi theo, nhưng thường hay có mặt ở hậu trường rạp hát cả ban ngay ngày lẫn đêm tùy theo sự có mặt của đào ta.

Ðào Kim Phương, đóng vai công chúa trong tuồng “Bên Cầu Dệt Lụa”. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)

Dù rằng chẳng liên quan gì đến nghệ thuật, không giúp gì cho đoàn hát, nhưng lại là những tay làm phiền toái cho mọi người trong đoàn. Các dượng đào của mấy nàng đào chánh đã gây khó chịu cho bao nhiêu người, mà khổ tâm nhứt là bầu gánh. Bởi vì mỗi khi nàng đào chánh đóng cặp với kép chánh ngoài sân khấu, thì đào ta hay lấm lét nhìn vô phía trong cánh gà coi dượng đào chồng nàng có ở đó nhìn ra hay không thì mới dám “mùi” với kép trong sen kịch, mà vai trò bắt buộc hai người phải “xáp vô” thì lớp diễn mới đạt. Như vậy dĩ nhiên đào ta bị phân tâm đâu có diễn nhập vai được.

Do vậy mà có một số bầu gánh bằng mọi cách, kể cả phải “chiến tranh” bằng miệng hay bằng tay chân gậy gộc, phải “tống quái” dượng đào đi khỏi gánh thì làm ăn mới lên được. Một ngàn lẻ một vấn đề do sự có mặt của dượng đào, đã gây bất ổn, nghi ngờ, làm suy yếu nghệ thuật mà tôi sẽ lần lượt nêu lên trong những kỳ tới. Giờ đây xin nói về chuyện dượng đào Ðổng Lân, một dượng đào được coi như có tầm cỡ, do vị thế của Vương Hậu Thanh Nga mà dượng đào nhà ta được ăn theo.

Ðược biết đầu năm 1976 đào Kim Phương về hát trên sân khấu Thanh Minh, qua các vai rất nổi như công chúa trong tuồng Bên Cầu Dệt Lụa, vai tiểu thư Bội Ngọc trong Hoa Mộc Lan, vai Trưng Nhị trong Tiếng Trống Mê Linh. Nhưng khoảng thời gian rất ngắn sau đó cô lại rời đoàn Thanh Minh. Một nhà báo hỏi cô vì sao thế?

Nữ nghệ sĩ Kim Phương suy nghĩ rất lâu mới nói:

Ðó là nỗi niềm đau khổ của tôi từ lâu mà tôi không nói… Bấy giờ đoàn Thanh Minh quy tụ thành phần diễn viên sáng chói của sân khấu cải lương như: Thanh Nga, Thanh Sang, Hùng Minh, Ba Xây, Văn Ngà, Chí Hiếu, Bích Sơn, Ngọc Nuôi, Ðặng Vinh Quang, Hương Huyền, Bảo Quốc, v.v…

Nữ nghệ sĩ Thanh Nga là thần tượng của tôi, sân khấu Thanh Minh là sân khấu lý tưởng của tôi. Sân khấu Thanh Minh cũng ưa thích tôi, nhưng một sự việc xảy ra khiến tôi phải rời đoàn là cả sự đau khổ của riêng tôi mà lúc bấy giờ tôi không thể nói được.

Số là trong vở “Bên Cầu Dệt Lụa,” tôi đóng vai công chúa, Thanh Nga đóng vai Quỳnh Nga, Thanh Sang vai Trần Minh. Trần Minh sau khi thi đỗ Trạng Nguyên được vua gả công chúa cho, nhưng Trần Minh đã có người yêu là nàng Quỳnh Nga. Vì thế đến màn chót, vua trao gươm lịnh (tiền trảm hậu tấu) cho công chúa để giành Trần Minh. Công chúa gặp Quỳnh Nga rút gươm ra kề vào cổ Quỳnh Nga với điều kiện, chọn một trong hai điều. Hoặc là nhường người yêu cho công chúa, hoặc là phải chết.

Bất ngờ Quỳnh Nga (Thanh Nga) chọn cái chết chớ không nhường người yêu. Công chúa đành làm người bại trận thét:

-Nàng ngu xuẩn, nàng tàn nhẫn!

Công chúa ném gươm xuống đất. Khán giả liền vỗ tay vang dậy, hoan hô tình yêu và sự dũng cảm của Quỳnh Nga. Lớp diễn rất thành công với hiệu quả sân khấu rõ rệt. Thế nhưng, anh Lân (chồng của Thanh Nga) người trông nom sân khấu và một nghệ sĩ lớn tuổi trong đoàn lý luận rằng, gươm lịnh của vua không được ném xuống đất, buộc tôi đến lớp đó phải diễn là: tức giận, run rẩy, từ từ để gươm rơi xuống. Tôi diễn như thế, rồi quả tình hiệu quả sân khấu không còn nữa, khán giả không vỗ tay hoan hô Quỳnh Nga nữa.

Sau đêm diễn đó, nữ nghệ sĩ Thanh Nga rất giận tôi, và mặc dù đêm sau tôi đã diễn lại như cũ cũng không làm cho chị Thanh Nga nguôi giận. Tôi tự biết tôi không thể còn hát ở sân khấu Thanh Minh nữa, nếu muốn tiếp tục hát. Thanh Nga không còn giận tôi nữa, chỉ có cách là tôi phải nói lên sự thực lỗi đó là do anh Lân (chồng Thanh Nga) buộc tôi hát như thế. Nếu tôi nói thế, có thể sẽ có mâu thuẫn xung đột lớn giữa chị Thanh Nga và anh Lân. Vì vậy tôi đành im lặng rời đoàn mà không nói gì thêm nữa, mang theo sự luyến tiếc và đau khổ riêng mình và mãi nhớ sân khấu Thanh Minh và thần tượng Thanh Nga… Ðó là lý do tại sao tôi lại phải rời đoàn Thanh Minh sau thời gian ca hát ngắn ngủi.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT