Friday, April 19, 2024

Miền Tây gánh hát di chuyển đường sông

 
Ngành Mai


Khi xưa ở đất Nam Kỳ vùng châu thổ sông Cửu Long với sông ngòi chằng chịt, nên mọi sự di chuyển chủ yếu là đường thủy, người ta dùng ghe thuyền làm phương tiện đi đó đi đây. Thời bấy giờ cũng có đường bộ, nhưng cứ vài cây số lại phải cách khoảng bởi chiếc cầu, mà phần lớn là cầu nhỏ hẹp, xe cộ không thể qua được, đôi khi chỉ vừa cho một người đi, thành thử ra thiên hạ dùng đường sông. Và dĩ nhiên các gánh hát cải lương thời đó cũng thế thôi, lưu diễn từ nơi này đến nơi nọ phải có ghe thuyền, tuy chậm chạp nhưng lại là phương tiện rẻ tiền.



Ðôi nghệ sĩ Trọng Hữu-Lê Thủy và các nghệ sĩ di chuyển đường sông đi hát ở miền Tây. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)

Gánh hát “Tân Ðồng Ban” ra đời ở Mỹ Tho sau gánh Thầy Năm Tú vài năm, đã có một chiếc ghe bầu vận chuyển toàn bộ gánh hát trên đường sông qua Vĩnh Long, và lần lượt lưu diễn khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Lúc gần đến bãi hát, trên ghe dùng loa cầm tay quảng cáo chương trình biểu diễn của gánh hát.

Giữa thập niên 1920, gánh hát Huỳnh Kỳ-Phùng Há của Bạch Công Tử và Má Bảy, cũng dùng 2 chiếc ghe chài làm phương tiện đi lưu diễn. Bạch Công Tử là Lê Công Phước, cũng có tên là Phước George là con quan phủ ở Mỹ Tho, từng du học bên Pháp về. Vì quá mê mệt cô đào Phùng Há nên lập gánh hát và câu chuyện nếu kể ra đây thì rất dài.

Không phải chỉ khi xưa mà sau 1975 các gánh cải lương ở miền Tây cũng đi lưu diễn bằng ghe thuyền. Hầu hết đoàn cải lương ở miền Tây đều phải trải qua bước đường lưu diễn trên sông nước, không chỉ vận chuyển mà nhiều đoàn đã tận dụng xuồng, ghe đi quảng cáo chương trình mỗi chiều.

Vận chuyển trên sông thật vất vả, nhứt là lên xuống đồ đạc thì anh em công nhân dàn cảnh quá khổ cực, có những bãi diễn xa bến sông, ghe đậu cách cả trăm thước. Rồi có những đêm diễn xong, gặp lúc nước sông ròng cạn, đưa đồ đạc xuống là cả vấn đề khó khăn, có khi đến 2, 3 giờ khuya ghe mới nhổ neo rời bến. Và khi đến bến mới thì trời gần sáng, diễn viên, công nhân vì quá mệt mỏi sau đêm diễn và chuyển bến, nên chưa đến nơi họ đã ngủ trên ghe thả hồn theo sông nước. Trường hợp này năm 1996, đoàn cải lương Tháp Mười từ Châu Ðốc xuống Cà Mau, trên đường di chuyển, đoàn cho ghe ghé lại một bến, tạm nghỉ, đoàn mệt lả nên ai cũng tìm giấc ngủ, trên nóc ghe chỉ để một ngọn đèn dầu làm hiệu thôi. Sóng nước làm chiếc ghe tròng trành, đèn đổ dầu phựt cháy, khi mọi người hay được chỉ còn biết tìm cách thoát thân, ngọn lửa cháy mạnh cho đến khi ghe từ từ chìm lỉm giữa lòng sông. Tài sản của đoàn thiệt hại gần 95 phần trăm.

Ðoàn Bến Tre khoảng năm 1993 phục vụ trong tỉnh nhà, chuyển bến từ Bình Ðại đi Chợ Lách vào buổi trưa, gần đến nơi ghe bị sóng lớn ập vào làm mất thăng bằng, nước tràn ngập ghe, phần thì chở nặng nên ghe nhanh chóng chìm giữa lòng sông. Những người bơi giỏi cứu người không biết bơi, tất cả được thoát chết, rồi cùng chính quyền và bà con địa phương trục vớt đồ đạc, âm thanh, phong màn đem lên bờ phơi và sửa chữa. Ðến hôm sau thì đoàn lại kéo màn trình diễn và khán giả đến xem ủng hộ rất đông nên cũng đỡ khổ. Cũng không ít những đoàn đã gặp tương tự như Bến Tre.

Có những năm kép Trọng Hữu và đào Lệ Thủy kết hợp đi tăng cường cho các đoàn hát ở miền Tây kiếm khá nhiều tiền (gần 20 đoàn giành giựt để có Lệ Thủy). Do bởi đồng bào ở vùng sông nước xa xôi hiếm khi có dịp thấy tận mắt đôi nghệ sĩ nói trên. Họ thu xếp mọi công việc làm cho ổn, chuẩn bị một số tiền khả dĩ để coi hát, có nhà phải đi vay nợ hoặc bán nông sản dự phòng để lấy tiền đi xem nghệ sĩ tài danh biểu diễn.

Từ chiều, nếu cả gia đình muốn đi coi hát thì phải lo nấu cơm sớm, ăn không kịp thì gói lại mang đến bãi hát tranh thủ kiếm chỗ cho cả gia đình. Ðó là chưa kể chuyện mưa nắng hay phải đứng chen chúc, nhón gót cả tiếng đồng hồ để coi hát… Có người ở xa điểm diễn hàng chục cây số phải chèo xuồng đi từ xế để mong kiếm chỗ ngồi tốt.

Ở nhiều vùng sông nước, trong đêm diễn ghe, xuồng chiếm dầy đặc cả một khúc sông, với đủ loại ánh sáng tự có được tỏa sáng cả một vùng. Sông nước thôn quê bỗng nhiên rực sáng, huyên náo như ngày hội, mà thật ngày hội cũng chưa chắc đông vui và có sức hút kỳ diệu như thế.

Nói chung dù gặp những khó khăn vận chuyển trên sông, lũ lụt, mưa bảo anh chị em nghệ sĩ vẫn cùng sát cánh bên nhau khắc phục hoàn cảnh thiên nhiên để đem đến món ăn tinh thần cho khán giả ở những vùng xa xôi hẻo lánh đó. Bù lại là niềm vui trên sông nước, khi ghe vận chuyển vào ban ngày thì mát mẻ, thỏa thích ngắm cảnh đẹp của những dòng sông quê hương vậy.

Theo như Trọng Hữu thì người dân ở vùng sâu miền Tây sông nước, có lẽ 90 phần trăm là người nghèo, nhưng rất ái mộ nghệ sĩ, vé bán bao nhiêu bà con cũng mua. Nhiều người di “mần mướn,” vậy mà họ dám nhín ăn một bữa để đi coi hát, coi mặt nghệ sĩ. Không đủ tiền mua vé, có người bán cả đồ đạc, gọi là đi coi cho biết một lần.

Nhiều bà con bịnh tật không có cả tiền mua thuốc men nói gì đi coi hát, nên họ cố nài nỉ xin coi mặt nghệ sĩ rồi ra cổng đứng, chứ không dám xin được coi hát. Trọng Hữu nói: “Chị Lệ Thủy và tôi cũng nhiều lần đề nghị đoàn giải quyết cho những bà con ấy vào xem.”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT