Thursday, March 28, 2024

Nét xưa làng cổ Ðường Lâm

 


 


Pao Lâm (sưu tầm)


 


Thời gian như ngưng đọng ở làng cổ Ðường Lâm hay còn gọi là làng hai vua. Ngôi làng hơn 300 năm tuổi vẫn vẹn nguyên những nét kiến trúc, sinh hoạt của ngôi làng cổ điển hình Bắc bộ.










Ðường vào làng cổ Ðường Lâm. (Hình: Ciao Travel cung cấp)


Cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km, làng cổ Ðường Lâm, thuộc thị xã Sơn Tây, nằm trong vùng chân núi Ba Vì, gần các con sông Hồng, sông Ðà, sông Tích, sông Ðáy. Làng gồm chín thôn, là tập hợp các làng Việt cổ truyền vùng trung du Bắc bộ với các khu vực bán sơn địa, làng xóm tụ cư, bố trí quanh đồi gò và ven sông. Nhiều địa danh còn in dấu của những đồi gò và cánh rừng xưa.










Cổng làng cổ Ðường Lâm. (Hình: Ciao Travel cung cấp)


Trong tâm trí của những người xa quê, hẳn không ai không nhớ đến ký ức ngôi làng thân yêu nơi quê nhà với cây đa, giếng nước, sân đình, cổng làng và những con đường làng quanh co thơm mùi rơm rạ mỗi vụ mùa. Ðó cũng chính là kiến trúc tiêu biểu của làng Việt cổ vùng Bắc bộ với trọng tâm là đình làng, nơi thờ thần hoàng. Có thể nói đình làng là trái tim của mỗi ngôi làng. Người dân Việt tin rằng đất có thổ công, sông có hà bá, núi có sơn thần, làng có thành hoàng. Dân phải thờ phụng thần linh, để các ngài phù hộ, độ trì cho được bình an, khỏe mạnh, may mắn, tốt lành.











Ðền Ngô Quyền ở làng cổ Ðường Lâm. (Hình: Ciao Travel cung cấp)



Thành hoàng làng thường là những nhân thần có công lao với làng. Có những vị mà sự nghiệp hiển hách, công đức rõ ràng, hoặc u linh u hiển, dậy tiếng đồn, đâu đâu cũng biết, nhưng cũng có nơi thành hoàng chỉ là một người dân thường chết vào giờ linh, đã báo ứng cho dân làng thờ phụng. Có khi thành hoàng là một vị sơn thần, hoặc cũng có khi người đang còn sống, vì một lý do nào đó, được dân làng thờ phụng tại đình, làm thành thần hoàng sống.


Vì là trái tim và biểu tượng của làng nên đình làng đóng vai trò quan trọng trong tất cả các hoạt động và đời sống của người dân trong làng, là nơi công quán để đón quan chức khi tiếp xúc với dân làng, là dịch đình cho khách bộ hành dừng lại nghỉ ngơi, là nơi dán cáo thị của làng, là hương quán (nơi dàn xếp những sự tranh chấp hoặc xử kiện của dân làng…) Ðình làng cũng có thể là trường học cho những lớp ấu nhi, tiểu học và là nơi sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của cả làng. Với tầm quan trọng của mình, nhắc đến làng Việt cổ là nhắc đến những ngôi đình làng.










Tháp chùa Mía. (Hình: Ciao Travel cung cấp)


Làng cổ Ðường Lâm giữ được tất cả các nét kiến trúc điển hình của một ngôi làng cổ truyền thống với cổng làng xinh xắn, nép mình dưới gốc đa già cổ thụ, những giếng nước trong vắt được xây dựng bằng những khối đá ong từ vài thế kỷ trước và những ngôi đình làng uy nghiêm, cổ kính. Các con đường, ngõ nhỏ, lát gạch đỏ quanh làng rộng rãi, chạy theo hình xương cá, ngoằn ngoèo, uốn lượn. Dọc hai bên đường là tường hậu của các nhà dân xây bằng đá ong, hay gạch mộc càng mang đậm nét rêu phong cổ kính.


Làng cổ Ðường Lâm nổi tiếng với nhiều ngôi đền và chùa cổ. Chùa Mía, còn có tên là Sùng Nghiêm Tự, nằm trên khu đất cao của thôn Ðông Sàng. Ðây là ngôi chùa cổ rất thuần Việt. Trong chùa còn bảo lưu một hệ thống tượng Phật rất phong phú, đa dạng và vô cùng quý giá, bao gồm 287 pho và nhiều di vật quý. Chùa Mía cùng với đền Phủ, chùa Viễn, bến phà Hà Tân, chợ Mía, cổng làng Ðông Sàng, rạch Phủ, là những công trình gắn liền với công lao to lớn của bà Ngọc Dong (Ngọc Dao), một người con của quê hương và là cung phi của Thanh Ðô Vương Trịnh Tráng. Ðến với chùa Mía để được hòa mình vào cõi linh thiêng, u tịnh, thanh cao nơi đất Phật với những huyền tích rất ly kỳ của các vị Phật qua những năm tháng khổ luyện, thành tâm đến ngày thành đạt.










Cổng nhà dân trong làng cổ. (Hình: Ciao Travel cung cấp)


Cái thú lớn nhất khi đến với Ðường Lâm là được đi dạo trên những con đường làng thanh bình, mát rượi. Ghé thăm những ngôi nhà cổ hơn 300 năm tuổi mà chỉ cần bước qua cái cổng gỗ giản dị là cả một khoảng không gian quá khứ hiện về. Một khoảnh sân nhỏ lát gạch đỏ, những chum nước, vại tương, xếp hàng ngay ngắn trước hiên nhà, những mái hiên chạm trổ phủ bóng thời gian và đặc biệt là bàn thờ gia tiên với sập, gụ, hoành phi, câu đối uy nghiêm, trầm mặc. Thưởng thức ly trà xanh hay cốc nước vối trong ngôi nhà cổ, nhẩn nha ngắm những tia nắng nhảy nhót ở góc sân và lắng nghe tiếng chim hót líu lo trong khu vườn nhỏ trước nhà. Tất cả như quyện hòa và tan chảy cùng vị ngọt của món chè lam, giòn tan của kẹo lạc, để thấy như thời gian đang quay ngược về với thời thơ ấu chân trần, dãi nắng mỗi trưa hè.










Giếng làng. (Hình: Ciao Travel cung cấp)


Người làng Ðường Lâm rất tự hào với tên gọi “Làng Hai Vua”. Ngôi làng đã sản sinh ra hai vị vua cho đất Việt: Bố Cái Ðại Vương Phùng Hưng với công lao thống lĩnh quân dân đánh bại nhà Ðường để lập nên nhà nước độc lập và Ngô Vương Quyền (Ngô Quyền) với chiến công Bạch Ðằng hiển hách. Thong thả đạp xe trên con đường láng mịn thoảng hương hoa đồng nội để đến với hai ngôi đền giản dị nép dưới những rặng cây, thắp nén nhang thơm để tưởng nhớ công lao của các vị anh linh, thánh hiền tiên tổ âu cũng là cái tâm của con cháu với các vị tiền bối, vĩ nhân. Bên rặng ruối cổ thụ cạnh lăng Ngô Quyền là nơi mà hai vị vua đã buộc voi, ngựa chiến, khi xưa, nay giống như thành trì cây vững chắc, đan ken vào nhau tỏa bóng mát rượi. Ngồi dưới tán râm mát, tận hưởng những làn gió rì rào qua kẽ lá, phóng tầm mắt ra những cánh đồng lúa, nương ngô, đương thì “con gái” với màu xanh mượt mà, ngắm nhìn những chú bò đang nhởn nhơ gặm cỏ, mà như thấy thời gian ngưng đọng lại nơi đây, nơi mà không ai lớn lên ở vùng quê Bắc bộ lại không có một tuổi thơ như thế:










Ðặc sản chè lam. (Hình: Ciao Travel cung cấp)


“Thủa còn thơ ngày hai buổi đến trường


Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ


Ai bảo chăn trâu là khổ


Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao.”


Ðến với làng cổ Ðường Lâm, quý vị sẽ có dịp được thưởng thức những món ăn dân dã, làng quê đậm chất hồn cổ người Việt. Ðó là các món ăn rất bình dị, mộc mạc, bằng những sản vật từ chính miền quê dung dị này. Thịt gà Mía, xôi nếp, bánh tẻ, chè kho, chè lam, rượu, cá kho tương, đậu phụ, cà bung… Ðặc biệt là “món” tráng miệng với bát nước chè tươi, củ khoai lang vàng nghệ, hoặc một vài loại hoa quả đặc trưng như ổi găng, ổi tây, mít, xoài, hồng xiêm, đu đủ, chuối, dứa, hay ngô luộc cùng bát nước luộc sánh thơm còn vương vấn những sợi râu ngô. Những món ăn quen thuộc, đơn giản, mà lại ngon đến lạ, có lẽ bởi vì nó mang cả hương vị của tấm lòng những con người nơi đây, những con người thuần Việt.










Vại tương trong một ngôi nhà ở làng cổ Ðường Lâm. (Hình: Ciao Travel cung cấp)


Về làng cổ Ðường Lâm như chuyến đi của những người hoài niệm để tìm lại ký ức thời gian hay đơn giản là chuyến đi để tìm sự yên bình trong cảnh quê trù phú, yên bình đẹp như bức họa giữa những lo toan, xô bồ của của sống hiện đại và tìm lại hơi ấm giữa những con người nồng hậu, chan chứa tình làng, nghĩa xóm. Dù với lý do nào thì làng cổ Ðường Lâm cũng là bến đậu của những tâm hồn Việt và của những trái tim đang tìm kiếm giây phút bình yên.


 





CIAO TRAVEL


Add: 1st Floor, 3 Phan Huy Ich Street, Hanoi, Vietnam


Tel: 84 4 39290270; Fax: 84 4 39290271


E-mail: [email protected]


Website: www.ciaotravels.com



 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT