Friday, March 29, 2024

‘Nếu Có Yêu Tôi’… và 45 năm tình ca Trần Duy Đức


Ngô Tịnh Yên


Nhớ thuở ban đầu…


Đó là một buổi chiều của hơn mười năm về trước, tôi nhận được điện thoại của nhạc sĩ Trần Duy Đức hỏi: “Anh tình cờ đọc một bài viết của em trên tuần báo Mai, câu thơ mà em trích trong bài đó có nguyên bản không đưa cho anh đi?” Anh đến nhà tôi lấy bài thơ và ngay tối đó đã nghe anh gọi cho biết: “Trên đường lái xe về nhà anh đã phổ xong bài thơ rồi, em ạ!”









Thi sĩ Ngô Tịnh Yên, tác giả bài thơ “Nếu Có Yêu Tôi,” do Trần Duy Đức phổ nhạc. (Hình: Facebook Ngô Tịnh Yên)


Anh cũng tâm tình rằng lúc đó anh đang gặp nhiều chuyện không vui trong đời sống, và bài thơ dường như đúng với tâm trạng của anh, nên thơ và nhạc bỗng “bén duyên” ngay lập tức. Lúc ấy cả hai anh em chúng tôi đều không nghĩ rằng, và cũng chẳng hề ao ước rằng… sau này nó lại được mọi người quan tâm nhiều như thế, lại phổ biến từ trong đến ngoài nước nhiều đến thế!


Từ đám cưới, đám tang, cho đến những bữa tiệc gia đình, họp mặt hội đoàn, v.v… Ca khúc này vẫn vang lên hàng đêm ở các sân khấu quán nhạc, và nhiều nhất vẫn là ở các chương trình gây quỹ từ thiện. Những lời của “Nếu Có Yêu Tôi” đã không còn là của riêng ai, không chỉ là lời lẽ của những người yêu nhắn nhủ cho nhau, mà còn là của bằng hữu gởi đến nhau, lời của người già cô đơn nằm thoi thóp trong một viện dưỡng lão nào đó, lời của đứa bé bơ vơ không nơi nương tựa giữa chợ đời, lời của đáy vực tuyệt vọng, lời của đỉnh cao lạnh lẽo… Chỉ cần cất lên tiếng hát là thấy như mọi người đang yêu thương nhau, đang được nắm tay nhau, đang có nhau. Riêng tôi, phải nói là rất hạnh phúc khi có được sự “đồng cảm” trước hết là từ nhạc sĩ Trần Duy Đức, sau là từ những ai yêu mến ca khúc “Nếu Có Yêu Tôi.”


Bài hát này trong mấy năm qua đã chiếm nhiều giải… nhất như: Gây “scandal” nhiều nhất, bị “hát chùa” nhiều nhất ở Việt Nam bởi những ca sĩ đang ăn khách, không được trả tiền tác quyền cũng… nhiều nhất, và nó “hit” đến nỗi có ít nhất hai ca khúc ở trong nước đã “chôm” cái tựa đề “Nếu Có Yêu Tôi” để “ăn theo” sự nổi tiếng này…


Điều đáng buồn là sự nổi tiếng nào cũng có “cái giá” của nó… Có nhiều người đặt vấn đề một cách gay gắt rằng nó “không phải của NTY,” mà là ý của ông A này, bà B kia… Xin thưa rằng nếu có sự trùng hợp nào đó thì cũng chỉ là ngẫu nhiên. Ngay cả “Truyện Kiều” cũng không phải là “của” Nguyễn Du, mà được phóng tác theo tác phẩm “Kim Vân Kiều” của Thanh Tâm Tài Nhân, một nhà văn Trung Hoa đời nhà Thanh.


Điều quan trọng là Nguyễn Du đã làm cho “Truyện Kiều” hay hơn nguyên tác và khiến tác phẩm này trở thành bất tử. Cái tài hoa của người nghệ sĩ là ở chỗ đó, ai cũng có thể nghĩ ra, nhưng làm được cho nó hay, đẹp, biến những tư tưởng đã cũ thành mới, đưa được nó vào lòng người, khiến nó trở nên nhân bản thì không phải ai cũng có được cái tài năng đó.


Nhiều người cũng hỏi tôi rằng nguyên do từ đâu tôi viết nên bài thơ đó mà tựa đề vốn rất mỉa mai là “Rộn ràng một nỗi đau” (trở thành “Nếu Có Yêu Tôi” là do ca sĩ Khánh Ly đặt lại khi cô tập hát để ghi âm trong một CD mang tên này vào năm 2001). Đơn giản thôi, từ lúc còn ngồi trong ghế nhà trường, hầu như ai cũng được dạy câu danh ngôn của Lord Chesterfield là: “Đừng để đến ngày mai những việc gì bạn có thể làm hôm nay.”


Đó là một điều thật giản dị nhưng không phải ai cũng thực hiện được, và tôi là một trong số đó. Tôi vốn là người đại lãn với chủ trương việc gì cũng để ngày mai làm cũng chưa muộn. Nhưng thường thì luôn là… đã muộn rồi còn đâu! Cho nên trong nỗi muộn màng đó tôi lại nhớ đến câu danh ngôn này.


Thứ nữa, có một điều thực tế là… chẳng hiểu vì sao mà bạn bè anh em chúng tôi lại không có nhiều thời gian để thường xuyên chia sẻ vui buồn với nhau, mà cứ hay gặp gỡ nhau trong những cái… tang nghi quán. Nghịch lý là đưa tiễn người này mới gặp gỡ người kia. Cho nên bài thơ đã ra đời vào một trong những buổi chiều tôi mang tâm trạng bâng khuâng đó trở về từ nhà quàn Peek Family.


Từ tâm trạng đó của tôi, tác giả bài thơ, đến tâm trạng của nhạc sĩ Trần Duy Đức, người đưa những nốt nhạc vào bài thơ trong lúc chán ngán nhân tình thế thái, đã là chiếc cầu nối đưa tác phẩm vào lòng những người thưởng ngoạn. Có ai đó vẫn thường xuyên hát lên những ca từ “Nếu có yêu tôi thì đến với tôi bây giờ… đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời” thì cũng chỉ là cái duyên hạnh ngộ của những người tri âm cùng mang tâm sự giống nhau trong đời sống ngắn ngủi này.


Tháng Tám tới đây, tôi nghĩ rằng những người tri âm đó sẽ đến tham dự “Chiều Nhạc Thính Phòng Trần Duy Đức và Bằng Hữu: Kỷ Niệm 45 Năm Tình Ca,” vì một điều cũng hết sức đơn giản là nếu bạn không đến với người nhạc sĩ này ngày hôm đó thì chẳng lẽ lại đợi đến… một ngày mai nào khác. Lúc đó thì e rằng “Ôi muộn làm sao nói lời tạ ơn” mất rồi!


Trước khi ngừng bài viết, tôi xin mượn lời của Yoyo Kenshin viết về ca khúc “Nếu Có Yêu Tôi” trên một trang blog:


“Ai đó đã nói:
Yêu thương trong quá khứ là lịch sử
Yêu thương trong tương lai là ảo vọng
Chỉ có yêu thương trong hiện tại mới là chân thật
Vậy thì hãy trao cho nhau những yêu thương trong hiện tại này để không phải hối tiếc, các bạn nhé!”


Riêng tôi, lại thích những ca từ trong sáng tác đầu tay của anh Trần Duy Đức là bài “Khúc Mưa Sầu”… “Biệt ly gởi gắm đôi lời, trời mưa ru mảnh hồn rời, hồn rời xa mãi ngàn khơi, sầu người viễn xứ tả tơi…” Rất ám ảnh tâm tư qua tiếng hát danh ca Lệ Thu và cố danh ca Ngọc Lan. 45 năm viết tình ca hẳn anh cũng đã có nhiều bài hát rung động lòng người như thế, không chỉ riêng với “Khúc Mưa Sầu” hay… “Nếu Có Yêu Tôi.”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT