Saturday, April 20, 2024

Nghệ sĩ hải ngoại nghĩ gì về sự ra đi của nhạc sĩ Phạm Duy?

 


Ðức Tuấn/Người Việt


 


WESTMINSTER (NV) – 2 giờ 30 trưa ngày 27 Tháng Giêng, tại bệnh viện 115 Sài Gòn, trái tim nhạc sĩ Phạm Duy ngừng đập hẳn. Tin tức ông ra đi vĩnh viễn bay đến khắp nơi trên quả Ðịa cầu.










Cố nhạc sĩ Phạm Duy. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


Riêng tại quận Cam, thủ phủ của người Việt tị nạn, cũng là chiếc nôi của làng văn nghệ hải ngoại, những nghệ sĩ, ca sĩ đã có những giờ phút ngẩn ngơ, ngẩn ngơ cùng nuối tiếc là hai cảm xúc trộn lẫn và trong bài viết này chúng tôi xin được chia sẻ tất cả tình cảm trân trọng ấy đến với độc giả của trang ca nhạc nhật báo Người Việt.


Lệ Thu: Ðối với tôi, nhạc sĩ Phạm Duy là một phù thủy và thiên tài về âm nhạc. Lúc tôi về Việt Nam tôi có ghé thăm ông, và lúc đó tôi đã thấy tay ông run nhiều, tôi nghĩ dường như sức khỏe của ông đã yếu lắm rồi. Tôi không có lời nào nhiều hơn cho bằng sự đau buồn vì lần ra đi vĩnh viễn này của ông. Mãi mãi chúng ta sẽ không còn Phạm Duy trên cõi đời này.


Thanh Hà: Tôi đã từng làm việc và tiếp xúc với bác Phạm Duy mấy lần, tôi còn nhớ có một năm gia đình bác tổ chức sinh nhật mừng thọ bác được 75 tuổi, hôm ấy tôi được vinh dự là khách mời đến, và tôi đã hát tặng bác trong bữa tiệc ấy. Phải nói nhạc sĩ Phạm Duy là nhạc sĩ đa dạng, đa dạng vì ông sáng tác từ dân ca, nhạc tình quê hương, tình ca lãng mạn, nhạc ngoại quốc dịch lời Việt. Bởi vậy sự ra đi của nhạc sĩ là một mất mát vô cùng lớn cho nền âm nhạc Việt Nam chúng ta từ trong nước đến hải ngoại này.


Tôi có hát nhạc của ông đôi ba bài, tuy nhiên cứ mỗi lần tôi trình bày nhạc Phạm Duy là mỗi lần cảm xúc ùa về.


Trong lãnh vực âm nhạc, trên cương vị là bậc tiền bối, ông rất dễ chịu. Ông hầu như không bao giờ khó chịu khi các ca sĩ hát sai nhạc của ông, vì ông quan niệm mỗi ca sĩ có chất giọng và khả năng chuyển tải nhạc Phạm Duy khác nhau.


Dẫu sao với số tuổi trên 90, ông cũng đã được đánh giá là sống thọ.


Cầu chúc ông ra đi về nơi chốn yên bình như lời ông đã viết: “Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi…”


Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên: Rất tiếc ông đã ra đi, ông là người nhạc sĩ có một gia tài âm nhạc đồ sộ và sự đóng góp của ông cho âm nhạc Việt Nam là không thể nào so sánh được.


Thu Phương: Khi Thu Phương nghe tin bác Phạm Duy mất là ngày Thu Phương đang đi show ở Canada.


Nói chung lúc được tin buồn của ông, tự dưng tôi bị tắc nghẹn, cảm giác hụt hẫng, buồn chán giống như cảm xúc lúc tôi hay tin đạo diễn Huỳnh Phúc Ðiền mất, hay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra đi vĩnh viễn vậy.


Ngậm ngùi là cảm xúc duy nhất tôi có thể nói được, và tôi nhớ tôi đã lên facebook để chia sẻ cảm xúc ấy với mọi người.


Nói về nhạc Phạm Duy, hình như Thu Phương chỉ hát ba bài nhạc của ông đó là Nghìn Trùng Xa Cách, Tình Hờ, Nước Mắt Mùa Thu.


Trong đó ca khúc Nghìn Trùng Xa Cách được bác Phạm Duy khen tặng và bài Nước Mắt Mùa Thu thì tôi chọn hát chung với ca sĩ Lệ Thu trong một tác phẩm CD của tôi.


Trần Thái Hòa: Lúc tôi hay tin bác Phạm Duy mất là ngày tôi vừa đi show Canada về.


Tôi thật sự thấy tiếc cho người nhạc sĩ tài hoa, ông đã đóng góp rất nhiều cho nền âm nhạc Việt Nam.


Cảm xúc ư??? Tôi chỉ muốn mượn một câu trong bài hát “Tạ Ơn Ðời” của nhạc sĩ: “Với đôi ba lần gian dối, đời vẫn ban cho ngọt bùi.”


Trong số những ca khúc của bác Phạm Duy, nhạc phẩm “Tóc Mai Sợi Vắn, Sợi Dài” tôi hát chung với ca sĩ Ngọc Hạ được rất nhiều khán giả yêu thích.


Ðoàn Phi: Tôi đã thấy tin buồn về sự ra đi vĩnh viễn của bác Phạm Duy trên Facebook.


Anh hỏi tôi nghĩ thế nào à? Hụt hẫng, ngỡ ngàng trước tin không vui ấy trong giới ca nhạc sĩ chúng tôi.


Tiếc thật anh ạ!!!


Carol Kim: Tôi ít được hát nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy vì vốn dĩ giọng hát của tôi thích hợp với nhạc rock, và nhất là nhạc ngoại quốc, thế nhưng tôi có trình bày một hai bài nhạc của ông, trong đó Mùa Thu Chết là ca khúc được nhiều người yêu thích mỗi khi tôi chuyên chở nó trong các chương trình văn nghệ hay ca nhạc.


Ðối với tôi, nhạc sĩ Phạm Duy là một thiên tài, ông mất đi dĩ nhiên để lại trong lòng chúng ta sự hụt hẫng, vì mất ông như sự mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam.


Với nhạc sĩ Phạm Duy, những sự phê phán về bản thân ông, tôi nghĩ, khi một người đã nằm xuống, thì ra đi có nghĩa là họ mang theo tất cả và chúng ta còn ở lại nên tha thứ, dù rằng lúc còn sống họ đã gây muộn phiền hay bực dọc cho chúng ta đến bao nhiêu nữa cũng vậy.


Nguyên Khang: Hôm tôi hát cho chương trình “Tình Ca Ðăng Khánh” tôi có gặp chị Thái Thảo, và tôi đã hỏi thăm chị về sức khỏe của bác Phạm Duy, chị nói với tôi sức khỏe bác yếu vì tuổi đã cao. Vậy mà chỉ vài ngày sau, nhận được tin nhạc sĩ đã ra đi rồi.


Tôi rất buồn và tiếc vì mãi mãi hết đời nay, đời sau, hoặc đời sau nữa, chúng ta vĩnh viễn mất người nhạc sĩ tài ba ấy.


Anh em ca nghệ sĩ chúng tôi vẫn gọi bác Phạm Duy là “Bố Già.” Lúc ông còn ở đây, thỉnh thoảng tôi vẫn thường đi theo anh Thành của World Production đến thăm “Bố Già,” và mỗi khi hát nhạc của ông, chúng tôi vẫn gọi đến để hỏi ý “Bố Già” ra sao.


Vây mà bây giờ ông đã ra đi. Tiếc quá! Vì “Bố Già” không bao giờ trở lại nơi này nữa!


Kỷ niệm giữa tôi và bác Phạm Duy ư? Ðó là tác phẩm CD nhạc ngoại quốc lời Việt do nhạc sĩ dịch lời, bây giờ vẫn còn nằm trong thư viện của riêng tôi, và mãi mãi đó sẽ là kỷ niệm tôi trân trọng nhất trong đời ca hát của mình.


Hồ Lệ Thu: Ngày 27 là ngày tôi đang đi diễn ở Colorado, thật sự tôi không biết tin nhạc sĩ Phạm Duy qua đời cho đến khi tôi lên Facebook và đọc thấy tin đó. Tôi đã “ngẩn” người một lúc vì chỉ mới đây không lâu ca sĩ Duy Quang ra đi, bây giờ đến nhạc sĩ Phạm Duy. Mọi việc xảy ra quá nhanh!


Trong tác phẩm CD-DVD của tôi có một ca khúc, nhạc của Phạm Duy “Yêu Em Vào Cõi Chết” và đó cũng là bài hát tôi ưng ý nhất.


Quá đúng khi nhận định sự ra đi của nhạc sĩ Phạm Duy là sự mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam chúng ta, vì ông là cây cổ thụ của âm nhạc Việt Nam từ bấy lâu nay rồi!


Tôi cầu chúc ông ra đi sớm về cõi niết bàn.


Thế Sơn: Nhạc sĩ Phạm Duy đã ra đi, lại thêm một linh hồn tạm biệt cõi trần, vòng sinh tử luân hồi vẫn tiếp tục xoay vần, lẩn quẩn. Xin chia sẻ nỗi đau buồn cùng gia đình nhạc sĩ Phạm Duy đã gánh chịu hai cái tang trong một thời gian ngắn và nguyện cầu hương linh ông sớm siêu thăng tịnh độ.


Xin kính tặng đến quí khán thính giả của Phạm Duy tại Việt Nam ca khúc “Năm 54 Cha Bỏ Quê, Năm 75 Con Bỏ Nước.” Ðây là bài hát đặc biệt, trải lòng ông cùng lịch sử quê nhà và cũng là nỗi niềm của triệu triệu dân Việt khắp bốn phương.


Nhạc sĩ Ðăng Khánh: Tôi nhận được tin buồn về sự ra đi của nhạc sĩ Phạm Duy từ cô Kiều Chinh, bà gọi sang báo tin cho tôi biết.


Tôi đã thẫn thờ và tiếc nuối vì làng âm nhạc Việt Nam vừa mất đi một nhân tài từ đây.


Xưa nay đối với tôi, hai nhạc sĩ mà tôi trân quý nhất đó là nhạc sĩ Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, bởi vậy khi được tin về chuyến ra đi mãi mãi của ông tôi đã xúc động, thương tiếc. Nhưng rồi sau đó lòng tôi chùng xuống vì nghĩ rằng tuổi ông cũng đã cao, cũng như sự ra đi của ông sẽ khép lại những tranh luận về ông.


Ðây thật sự là tang chung của làng âm nhạc Việt Nam từ trong nước đến hải ngoại.


Tôi có rất nhiều kỷ niệm đối với ông, nhưng nhớ nhất là lần tôi sang California để làm nhạc với trung tâm Diễm Xưa, hôm đó tôi được Duy Cường đưa đến nhà gặp cụ, tôi còn nhớ lúc đó ông mặc bộ đồ đen, đang ngồi làm việc trước bàn máy tính, khi đó thì tôi không biết nhiều về sử dụng máy tính như thế nào. Bởi vậy nhìn nhạc sĩ Phạm Duy sử dụng máy tính mà tôi thầm phục.


Trở lại với câu chuyện tôi gặp nhạc sĩ, hôm đó cũng là ngày tôi vừa hoàn tất ca khúc “Cánh Hoa Xưa” và tôi đã đưa cho ông nghe bài hát mới của tôi, sau khi nghe xong ông rất hài lòng và khen bài nhạc hay quá!


MC Trần Quốc Bảo: Tối 27 ca sĩ Cẩm Vân gọi cho tôi báo tin nhạc sĩ Phạm Duy vừa qua đời được hơn 1 giờ rưỡi đồng hồ. Mặc dù tôi đã tiên đoán trước chuyện này nhưng khi nghe tin tôi không tránh khỏi bùi ngùi, bàng hoàng.


Năm 1981 tôi ra mắt tập nhạc Tình Ca Trần Quốc Bảo với chủ đề “Hát Trên Ðường Lưu Vong” và nhạc sĩ Phạm Duy đã gửi cho tôi hai bài nhạc của ông trong tập nhạc đó.










MC Trần Quốc Bảo (trái) và nhạc sĩ Phạm Duy năm 1981. (Hình: Trần Quốc Bảo cung cấp)


Năm 1991 tôi thực hiện tác phẩm “Julie, Mùa Thu Chết” dĩ nhiên tôi có gọi xin phép ông. Sau đó tôi bay sang Paris để làm người dẫn chương trình cho Thúy Nga Paris số 18, và ở đó tôi được gặp lại ông.


Ðối với tôi, nhạc sĩ Phạm Duy là cây Bồ Ðề của làng ca nhạc Việt Nam, bởi thế mất ông giống như chuyện cây Bồ Ðề bị gục ngã. Tiếc lắm!


Còn chuyện “lời ong tiếng ve” về cuộc đời ông thì tôi nghĩ ông đủ tuổi để tự biết mình làm gì, và như thế mỗi người có sự lựa chọn cho việc mình làm và cả luôn hệ lụy của nó đi sau.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT