Friday, March 29, 2024

Những danh ca vang bóng một thời trên làn sóng phát thanh


Ngành Mai


 


Khi xưa thời thập niên 1940-1950 có những danh ca mà người ta không thấy mặt, nhưng lại nghe tiếng rất nhiều, có thể nói rằng mỗi khi nghe họ hát trong radio thì thính giả nhận ra ngay là giọng ca của người nào, khỏi cần nghe giới thiệu cũng biết.










Danh ca Sáu Thoàng. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)


Qua làn sóng phát thanh, tiếng hát của các tài tử, danh ca đã có dịp bay cao, lan xa hơn vào tận cùng các thôn xóm, đem niềm vui lại cho thính giả nông thôn và khẳng định cuộc sống nghệ thuật của mình trong cộng đồng, bảo tồn và phát triển dòng nhạc truyền thống của dân tộc.


Làn hơi những danh ca như Thành Công, Bạch Huệ, Mỵ Lan, Kim Nguyên, Hoài Vĩnh Phúc, Sáu Thoàng… đã quá quen thuộc với thính giả thời đó. Trong bài này tôi đề cập riêng về danh ca Sáu Thoàng, từng nổi tiếng trên làn sóng phát thanh đài Pháp Á, đài Sài Gòn và trong dĩa hát.


Sáu Thoàng có lối ca vọng cổ có pha hài hước trong đó nhưng mùi, với đặc điểm riêng của ông chớ không giống với Hề Minh, Văn Hường. Thời oanh liệt của danh ca Sáu Thoàng là suốt một thập niên 1950. Bước sang 1960 thì người ta không thấy ông xuất hiện, chỉ thỉnh thoảng ca ở ban Thành Công của đài phát thanh Sài Gòn.


Sáu Thoàng tên thật là Nguyễn Văn Thàng, sinh năm 1922 tại Gia Ðịnh, ông sớm bước vào đời năm 13 tuổi, làm thợ sắp chữ tại nhà in “Thạnh Mậu.” Thời gian nầy Sáu Thoàng học ca và đi chơi tài tử tại các quán Thanh Long ở Tân Ðịnh, bar Mỹ Linh đường Cô Giang, Việt Nam tửu quán ở Cầu Ông Lãnh. Giọng ca của ông “nhiễm nặng” tiếng ca của tài tử Năm Nghĩa và Hồng Châu. Âm vang rất rõ, đưa hơi dứt câu không uốn éo ủy mỵ, gây cảm xúc dài lâu cho người nghe.


Năm 1946, Sáu Thoàng được giới thiệu ca đài Pháp Á, bài vọng cổ đầu tiên “Trên Dòng Nguyệt Tử Giang” đã gây được sự chú ý nơi thính giả. Chủ quán bar Mỹ Linh mời ông về làm ca sĩ thường trực, cạnh cô Ba Bến Tre, cô Ba Trà Vinh và các ca sĩ Hoàng Lang, Văn Ðê. Năm 1948, Sáu Thoàng được nhiều hãng dĩa mời thu thanh, đa số là các bài ca hài hước như: Ông Trượng Tiên Bửu, Tâm Sự Chàng Dốt, Tâm Sự Chàng Cờ Bạc, Mọc Sừng, Nghiệp Ve Chai, Ăn Trộm Hết Thời.


Trên đài phát thanh, Sáu Thoàng nổi tiếng với hai bài vọng cổ “Bớ Ngọc Hoàng” và “Sức Mạnh Ðồng Tiền.” Về sau ông vẫn ca đài và đi hát chầu, hát đại nhạc hội. Lúc tuổi ngoài thất thập nhưng thỉnh thoảng có liên hoan sân khấu ông vẫn tham gia, và từng được thưởng khích lệ giải đặc biệt dành cho người cao tuổi nhất.


Những năm đầu thập niên 1990, thỉnh thoảng người ta thấy Sáu Thoàng có mặt ở chùa nghệ sĩ tham dự lễ hội chớ không còn ca hát, vì đã già.


Khi xưa các đại nhạc hội không hề có cổ nhạc, nhưng vào năm 1958 người tổ chức đã mời Sáu Thoàng tham gia ca vọng cổ hài hước, và tờ chương trình được ghi là “Ðại Nhạc Hội Tân Cổ,” nhờ thế mà rất đông khán giả đi coi.


Thừa thắng xông lên, sau khi thành công ở Sài Gòn, nhà tổ chức tiếp tục đi các tỉnh và cũng thành công luôn. Coi như Sàu Thoàng là danh ca cổ nhạc đầu tiên tham gia đại nhạc hỏi. Rồi từ đó về sau các nhà tổ chức đã không quên thêm màn cổ nhạc vào.


Trong dĩa hát “Ăn Trộm Hết Thời,” Sáu Thoàng đóng vai tên ăn trộm làm cho thính giả cười nghiêng ngửa. Lúc vào nhà người ta ăn trộm bị chủ nhà bắt được nắm đầu.


Tên trộm kêu cứu Thầy (Ba Vân) ở bên ngoài:


Thầy ơi! Cứu con, con bị chủ nhà nắm đầu rồi.


Trò đừng sợ, chừng nào nắm mũi mới lo.


Chủ nhà chuyển sang nắm mũi. Tên trộm lại kêu:


Thầy ơi! Con bị chủ nhà nắm mũi rồi!


Thì giựt ra chạy. Ðồ ngu…


Không biết ngày nay ông có con mạnh giỏi, vì tính ra thì đã 90 mùa Thu rồi!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT