Thursday, March 28, 2024

Nữ nghệ sĩ Hương Chung Thủy con nhà nòi

 


Ngành Mai


 


Nữ nghệ sĩ Hương Chung Thủy tên thật là Quách Thanh Thủy, sinh năm 1958, tại Sài Gòn, là con của danh hề Văn Chung (Quách Văn Chung) và nữ nghệ sĩ Thanh Hương, danh ca làn dĩa hát, từng nổi tiếng với bài ca “Cô Bán Ðèn Hoa Giấy”.










Nữ nghệ sĩ Hương Chung Thủy. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)


Hương Chung Thủy được cha mẹ nuôi dưỡng theo đoàn hát, và đến năm 3 tuổi thì nỗi bất hạnh đã đến với cô: Cha mẹ cô đã ly dị không còn chung sống với nhau nữa, và cô phải về sống với bà, chị của ông ngoại (bà Nguyễn Thị Giàu, chị thứ ba của nghệ sĩ Năm Châu) tại trại Phước Chung ở phía bên kia Cầu Bông.


Hương Chung Thủy được bà nuôi ăn học cho đến năm cô được 10 tuổi, thì năm đó lại xảy ra biến cố Mậu Thân, nữ nghệ sĩ Thanh Hương đột nhiên trở về thành phố mang con gái đi theo đoàn. Thanh Hương định bụng khi tình hình yên ổn, cô sẽ đem con về Sài Gòn cho tiếp tục học chớ không cho đi theo con đường nghệ sĩ cải lương. Tuy nhiên, Hương Chung Thủy lại thích hát quá, cứ xin mẹ cho theo nghề này, và rồi Thanh Hương vẫn cương quyết không cho. Thế nhưng, khi đoàn thiếu vai đào con, Thanh Hương cũng phải tập cho con gái ra sân khấu hát.


Thế rồi đến năm 1973, khi nữ nghệ sĩ Thanh Hương lâm bịnh, Hùng Minh đã dạy nghề cho Hương Chung Thủy để ra sân khấu hát. Cô đã thay thế vai của Thanh Hương qua hai vở Long Nữ Thần Ðao (vai Long Nữ) và Ðộc Nhãn Hiệp Hành (vai nữ hiệp). Thấy khán giả chịu, Hùng Minh lại dạy nghề thêm cho cô và từ ngày ấy cô mang nghệ danh là Hương Dạ Thủy.


Năm 1974, nữ nghệ sĩ Thanh Hương qua đời, nghệ sĩ Hùng Minh mấy tháng sau đó đoàn hát giải tán. Cuộc đời đi hát của Hương Dạ Thủy phải một thân một mình phấn đấu kể từ ngày ấy.


Năm 1982, Hương Dạ Thủy về cộng tác với đoàn Tiếng Hát Long Xuyên do nữ nghệ sĩ Kim Chưởng làm trưởng đoàn (cô Kim Chưởng từng hát chung sân khấu với Thanh Hương trước đây).


Ngày nọ, cô Kim Chưởng gọi Hương Dạ Thủy lại nói:


-Bên nội, bên ngoại cháu hiện thời chỉ có một mình cháu là đi theo nghề cải lương. Vậy cháu nên cố gắng để xứng đáng là cháu ngoại của nghệ sĩ Năm Châu, Tư Sạng, và con của Văn Chung, Thanh Hương. Từ nay cháu mang nghệ danh có tên cha mẹ là: Hương Chung Thủy. Cháu phải cố gắng học nghề, vì Kim Chưởng này không còn ở sân khấu bao lâu nữa.


Thế là từ ngày ấy Hương Dạ Thủy mang nghệ danh mới là Hương Chung Thủy, cô Kim Chưởng đã tận tình truyền nghề cho Hương Chung Thủy, nâng đỡ cô tối đa ở sân khấu Tiếng Hát Long Xuyên. Hai tháng sau đó, nhân dịp Kiều Minh Trang nghỉ đoàn, Hương Chung Thủy được giao cho hát chánh luôn. Và một năm sau đoàn đổi lại bảng hiệu là đoàn cải lương Châu Long, diễn viên và những vở hát của đoàn vẫn giữ y nguyên như cũ. Tuy vắng mặt thầy là Kim Chưởng, nhưng Hương Chung Thủy vẫn là diễn viên trụ cột của đoàn Châu Long từ ngày ấy cho đến năm 1987.


Hương Chung Thủy có một ước vọng duy nhất với sự phấn đấu duy nhứt là xứng đáng con cháu nối nghề của cha mẹ, và ông bà theo lời khuyên của nữ nghệ sĩ tiền phong Kim Chưởng, nhưng chẳng biết rồi đây niềm mơ ước của cô có trở thành hiện thực hay không? Côi cút từ nhỏ, khi lớn lên đơn thân đi vào nghề, sau hơn hai 20 năm ca hát ở sân khấu trải qua rất nhiều đoàn hát. Ðến năm ấy (1993) Hương Chung Thủy cũng chỉ một mình với hai bàn tay trắng, không nhà cửa, không danh vọng, kém bạc tiền, chỉ còn có niềm say mê nghề nghiệp, niềm vui duy nhất với ánh đèn sân khấu hàng đêm.


Cái ngày mà Hương Chung Thủy vào nghề là lúc cải lương đã suy thoái nặng nề, cho đến sau này cũng chẳng hơn gì, thật là đáng buồn. Tuy vậy, Hương Chung Thủy vẫn cố gắng bước đi trên con đường nghệ thuật của ông bà cha mẹ, dù cho có gặp chông gai trắc trở, cô chỉ mong mình xứng đáng đi trên con đường nghệ thuật đó dù cho có thiếu thốn, bơ vơ, đau khổ trong cuộc đời…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT