Friday, April 19, 2024

Núi thiêng Yên Tử

 


Pao Lâm (sưu tầm)


 


“Mênh mênh, mang mang Phù Vân Yên Tử


Vi vi vu vu, Trúc Lâm thiền tự…”


 


Núi Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh, giáp giới với Hải Dương và Bắc Giang, là ngọn núi cao nhất miền Ðông Bắc Việt Nam. Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên ngày trước có tên gọi là Bạch Vân Sơn.



Chùa Ðồng trên núi Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh. (Hình: Ciao Travel cung cấp)


Tương truyền, xưa kia, từ thời Tần Thủy Hoàng (Trung Quốc) có một đạo sĩ tên là Yên Kỳ Sinh, từng làm nghề bán thuốc rong ở vùng ven biển, tới núi này tu hành rồi sau hóa thành đá, từ đó núi có tên gọi là Yên Tử.


Nằm trong cánh cung núi trùng điệp của khu Ðông Bắc, vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hòa với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống chùa, tháp cùng với bậc thang rải đá rêu phong dọc lối đi xanh rợp bóng cây tùng, thông, đại, trúc, mai… khiến cho lòng người quên nỗi mệt nhọc trên đường dốc cheo leo.


Thế kỷ thứ 13, sau chiến thắng giặc Nguyên Mông xâm lược, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho thái tử, chọn núi Yên Tử để tụng kinh niệm Phật, tu hành, khởi xướng thiền phái Trúc Lâm, một giáo phái Phật Giáo đặc trưng của Việt Nam, và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh: Ðiều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308). Ông cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo.



Ðường lên núi Yên Tử. (Hình: Ciao Travel cung cấp)


Từ xưa, núi rừng Yên Tử nổi tiếng là nơi ngoạn mục và được liệt vào “danh sơn đất Việt” với một hệ thống chùa, tháp, am trải dọc từ chân núi đến đỉnh núi ở độ cao 1,068m so với mặt nước biển. Ðường lên núi gian nan nhưng lòng người hành hương như nhẹ tênh trước nỗi nhọc nhằn vì vẻ đẹp của núi non ngoạn mục và cả sự thanh thản được chắp cánh từ chốn tâm linh thiêng liêng, huyền bí.


 


Chùa, am dưới chân núi


 



Ðường lên chùa Ðồng. (Hình: Ciao Travel cung cấp)


Có tất cả bốn ngôi chùa nằm rải rác dưới chân núi Yên Tử: chùa Trình, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, chùa Lân.


Chùa Trình là ngôi chùa đầu tiên tại cửa ngõ vào Yên Tử, là nơi vào dâng hương để “xin phép” được hành hương, thể hiện lễ nghi “đi trình về tạ” trong giáo pháp tín ngưỡng của Phật Giáo. Sau khi làm lễ “ra mắt” tại chùa Trình, người ta sẽ đến chùa Suối Tắm. Ngôi chùa nằm bên dòng suối Tắm có dòng nước trong xanh dưới bóng cây đa đại thụ. Tương truyền xưa kia nơi đây là một cánh rừng bát ngát, dân quanh vùng đi rừng đốn củi, lấy tre gỗ vào những ngày hè nóng bức, thường xuống suối này tắm rửa trước khi rời cửa rừng. Kỳ lạ thay nước suối nơi đây như một nguồn sinh lực của đất trời giúp họ quên đi mọi nhọc nhằn sau thời gian lao động vất vả. Suối mang tên Suối Tắm từ đấy và nơi thờ Phúc Ðẳng Thần Nguyệt Nga Công Chúa, em gái Quận He Nguyễn Hữu Cầu – lãnh tụ nông dân khởi nghĩa ở thế kỷ thứ XVIII mang tên suối là chùa Suối Tắm.



Cáp treo lên núi Yên Tử. (Hình: Ciao Travel cung cấp)


Chùa tọa lạc trên núi mang hình con lân nên người xưa đặt tên là chùa Lân. Nơi đây xưa kia là nơi tu hành đầu đầu tiên của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông khi ngài về Yên Tử. Lân là con vật linh thiêng thường đặt ở cổng chùa với ý nhìn thấu tâm của con người. Chùa Lân (chùa Trình xưa) là nơi kiểm định chân tâm người vào cảnh Phật. Trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện về giấc mơ của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông ngay trong đêm đầu tiên nghỉ tại chùa Lân. Chuyện rằng: Ngài nằm mơ cưỡi trên lưng rồng vàng du ngoạn vào một động lớn. Trước cửa động có hồ nước xanh, nở đầy hoa sen vàng, lá sen bạc rực rỡ sắc màu, hương thơm tỏa ngát. Hoa, lá sen đều tỏa sáng hào quang. Tỉnh giấc sen còn thoang thoảng, rồng đất từng đoàn kéo về trước sân chùa, thượng hoàng nói đây là nơi rồng ở nên đặt cho tên là chùa Ðộng Rồng, tên chữ là Long Ðộng Tự.


 


Chùa, tháp trên núi



 Trên đỉnh núi nhìn qua chùa Trúc Lâm Yên Tử. (Hình: Ciao Travel cung cấp)


Con đường lên núi bắt đầu với chùa Giải Oan. Chuyện xưa kể rằng, khi thấy vua cha vào nơi rừng núi heo hút để tu hành, vua Trần Anh Tông không đành lòng nên đã ngầm sai các cung tần, mỹ nữ đến can ngăn và khuyên nhà vua trở lại hoàng cung. Vua Trần Nhân Tông không những không nghe mà còn khuyên họ quay về hoàng cung hoặc cấp giấy cho họ trở về quê cũ, an cư, lạc nghiệp. Biết không thể thuyết phục được nhà vua, cũng không thể quay về cung vì đã không hoàn thành nhiệm vụ và để tỏ lòng trung quân, ái quốc, các cung nữ đã trầm mình ở suối Hổ Khê. Thượng Hoàng Trần Nhân Tông vô cùng thương xót, ngài cho lập đàn tràng để làm lễ giải oan, siêu thoát cho các linh hồn của cung nữ. Sưởi Hổ Khê được đổi thành suối Giải Oan từ đó. Suối Giải Oan là ranh giới cuối cùng giữa trần gian và cửa Phật, nơi gột rửa mọi oan khiên trần thế để siêu thoát về nơi cực lạc.


Men theo đường Tùng trên 700 tuổi từ chùa Giải Oan đến dốc Voi Quỳ là nơi Vua Anh Tông mỗi lần lên thăm Thượng Hoàng Trần Nhân Tông (vua cha) phải xuống voi, đỗ kiệu để leo bộ lên chùa Vân Yên (Hoa Yên). Chùa Hoa Yên vốn có tên là Vân Yên (mây khói), mang hàm ý: chùa tận trên núi cao quanh năm mây phủ, lững lờ trôi, trắng nhẹ như mây khói trên núi. Từ khi Vua Lê Thánh Tông lên vãn cảnh, thấy sắc hoa tươi đẹp nên cho đổi là chùa Hoa Yên.



Chùa Trúc Lâm Yên Tử. (Hình: Ciao Travel cung cấp)


Chùa Hoa Yên ở độ cao 535m, là ngôi chùa chính của cả hệ thống chùa ở Yên Tử. Chùa có kiến trúc kiểu chữ “đinh” với năm gian tiền đường và hậu cung xây vào thời Nguyễn. Trong chùa còn lưu giữ rất nhiều những tượng, bia, tháp cổ, và những di vật quý giá như gạch hoa cúc, ngói mũi hài kép thời Trần, những bức phù điêu chạm trên đá hình sư tử, đầu rồng. Nhìn theo thế núi, chùa Hoa Yên tọa lạc nơi đầu rồng, núi nhô ra như trán, mũi, hàm rồng. Ðôi mắt rồng ở ngôi tháp tổ, hai dãy núi Tây, Ðông vươn về Nam ôm lấy con đường hành hương dưới chân núi Giải Oan như đôi cánh tay rồng.


Tiếp tục đi theo con đường đá rêu phong, qua thác Ngự Dội, am Thiền Ðịnh, thác Vàng với những vách đá dựng đứng cao ngất trời, dây leo chằng chịt, cảnh đẹp lạ thường. Mùa hè các thác ở đây rất đẹp, nước trắng bạc chảy từ chùa Ðồng (1,068m) như dải lụa đào thả xuống thành suối vàng, lúc ồn ào, lúc rì rào hòa cùng tiếng chim kêu vượn hú gọi bầy. Tiếng nhạc rừng lồng trong tiếng thác reo, khiến cảnh vật như mơ, như thực. Ðến chùa Một Mái, ngôi chùa chênh vênh trong vách núi, nửa nhô ra bên ngoài, nửa bám vào vách đá với cảnh vật tĩnh lặng, thanh thoát, cách xa nơi trần tục là nơi xưa kia lưu trữ các văn từ, thư tịch.


Qua chùa Một Mái là đến chùa Bảo Sái, nằm chênh vênh trên sườn núi, ở độ cao 724m, tựa vào vách đá cao chót vót là biên tập và ấn tống tất cả các kinh sách của Thiền Phái Trúc Lâm rồi chuyển đến các chùa để truyền giảng thiền tông cho tín đồ, Phật tử. Chùa Vân Tiêu tọa lạc trên một gò núi cao, nhìn từ bên dưới ngôi chùa nổi bật giữa trời mây bát ngát.



Núi Yên Tử nhìn từ trên cáp treo. (Hình: Ciao Travel cung cấp)


Nằm ở độ cao hơn 900m, trên một vùng đất phẳng và rộng giữa đường hành hương lên chùa Ðồng có pho tượng đá lộ thể, đó là tượng An Kỳ Sinh (Yên Kỳ Sinh) độc đáo, vừa như một khối đá tự nhiên vừa như có bàn tay con người tạo dựng, sừng sững trên núi cao mây phủ, mang đến cho nơi đây không khí thần tiên, huyền ảo và là điểm khởi đầu bước vào ranh giới cõi thiêng liêng nhất trên đỉnh non thiêng Yên Tử: chùa Ðồng.


 


“Chùa Ðồng tọa lạc đỉnh Yên Sơn


Lô xô sóng núi gió mây vờn


Tiên cảnh Bồng Lai nơi trần thế


Rồng vàng ẩn hiện địa linh sơn.”


(Hoàng Quang Thuận)


 


Ở điểm cao nhất và cũng là điểm cuối cùng trên Yên Tử, phía bên kia vách núi dựng đứng thuộc tỉnh Bắc Giang. Chùa Ðồng có tên chữ là “Thiên Trúc Tự” mang tên đất nước của Phật Tổ Như Lai. Chùa Ðồng mới hiện nay là một công trình độc đáo nhất Ðông Nam Á, có tượng Phật nặng 70 tấn được đúc bằng đồng nhờ sự hồi hương công đức của Phật tử Việt kiều ở tiểu bang California (Mỹ). Chùa mang vóc dáng một đài sen nở. Trong chùa thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và Tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử.


Chùa có chuông mây, chuông gió, chuông mưa. Mỗi lần thỉnh chuông là mây, mưa, gió kéo về Yên Sơn rất linh nghiệm. Cạnh chùa có giếng tiên (giếng nhỏ chỉ bằng một cái đấu nằm trên đỉnh núi mà không bao giờ cạn). Ðến chùa Ðồng lễ Phật, uống nước giếng tiên là niềm ao ước của khách thập phương mỗi lần về Yên Tử.


Yên Tử ngày nay là một trong những điểm hành hương linh thiêng vào bậc nhất Việt Nam. Lên đỉnh Yên Sơn, đi trong mây không phân biệt đâu là trời, đâu là đất, đâu là người ở nơi hòa đồng giữa trời đất và người. Cùng với việc đưa vào vận hành hai tuyến cáp treo tại Yên Tử, người hành hương đã phần nào vơi bớt gian nan trên con đường về nơi cảnh Phật. Bên rừng tùng, trúc bốn mùa xanh lá hát vi vu, núi non trùng điệp mờ sương, Yên Tử quả thực là chốn linh thiêng hội tụ.


 





CIAO TRAVEL


Add: 1st Floor, 3 Phan Huy Ich Street, Hanoi, Vietnam


Tel: 84-4-39290270; Fax: 84-4-39290271


E-mail: [email protected]


Website: www.ciaotravels.com



 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT