Friday, March 29, 2024

Palm Springs, nơi nghỉ ấm mùa Ðông

 


Bài và ảnh: Trịnh Hảo Tâm


 


Palm Springs thành phố sa mạc cách Los Angeles hai tiếng đồng hồ lái xe có khí hậu ấm áp về mùa Ðông, là nơi du khách tìm đến để trốn tuyết trong những ngày lễ hội cuối năm như lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh và Tết Dương Lịch.










Dãy núi tuyết phủ ở Palm Springs, California.


Thành phố có nhiều khu nghỉ dưỡng (resort) với suối nước nóng, hồ bơi, sân golf để du khách thư giãn nghỉ ngơi. Nổi tiếng nhất là xe cáp treo để lên núi ngắm cảnh rừng thông bao la hùng vĩ, nhâm nhi ly rượu trên nhà hàng trong những ngày cuối năm tạm gác những nỗi ưu phiền sang một bên.


Từ Riverside chúng tôi lấy xa lộ 60 đi về hướng Ðông qua Moreno Valley một thành phố mới những năm trước bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế giá nhà sụt giảm, nay trên đà phục hồi. Những khu nhà mới ở đây rất khang trang, đất rộng giá lại rẻ. Kế đến là tới Beaumont nơi xa lộ 60 nhập vào xa lộ 10 từ San Bernardino xuống, đây là vùng thung lũng nằm giữa hai rặng núi cao nhất miền Nam Cali là San Bernardino và San Jacinto vậy mà đất đai màu mỡ người ta trồng cherry rất tốt. Từ xa lộ rẽ ra có con đường Beaumont Ave. lên hướng Bắc đi vào những vườn cherry bạt ngàn, mùa Xuân khoảng tháng 5 là mùa cherry chín, du khách trả $10 vào ăn cherry no bụng, mang về thì tính pound. Ngày trước cherry chỉ có trái màu đỏ, các năm gần đây lại có trái màu vàng ăn giòn và ngọt lịm lại chút vị chua rất nhiều sinh tố C. Kế đến tới Banning và Cabazon tuy gọi là thành phố nhưng chỉ vài trăm nóc nhà giữa vùng thung lũng hiu quạnh rất buồn. Giữa cảnh sa mạc vắng vẻ lại mọc lên hai cơ ngơi rất đồ sộ là Desert Hills Premium Outlets chuyên bán quần áo, giày bóp hàng hiệu danh tiếng nhưng giá lại rẻ nhiều và cơ ngơi thứ hai là sòng bài Morongo Casino Resort and Spa.










Khách sạn và sòng bài Morongo phía Bắc Palm Springs.


Nhớ lại cũng đoạn đường này ngày xưa cách nay khoảng 25 năm, lỡ đi huốt muốn quay trở lại, người bạn lái xe đi với tôi quẹo trái toan vượt qua khoảng đất trống ở giữa hai chiều lưu thông. Chẳng may xe mắc cát lầy. Trong lúc loay quay tiến thoái lưỡng nan thì một xe tuần tra xa lộ (Highway Patrol) chạy đến, anh chàng cảnh sát mở cửa xe tiến tới với sổ ghi phạt trong tay. Anh ta hỏi chúng tôi có phải “U Turn” (quẹo chữ U) rồi mắc lầy hay không? Chúng tôi chối phăng, “Không đâu! Chúng tôi bị xe hàng lớn ép mới phải tránh vào đây!” Thấy hai thằng chúng tôi có vẻ hiền lành vô tội và đi chiếc xe quá cà tàng nên cảnh sát không phạt mà còn dùng xe anh ta ủi xe chúng tôi trở lên lại đường cái! Thật hú hồn, đúng là ở hiền gặp lành! Hôm nay trở lại, xa lộ nới rộng thêm và ở giữa là tường chắn “blockwall” cao hơn đầu người. Ngày xưa đó chưa có tường chắn và xa lộ rất vắng xe, lâu lâu mới có một chiếc chạy qua, nên mới toan vượt ẩu. Nhớ lại lúc mới định cư không hiểu luật lệ xứ người nên nhiều khi hành động rất tùy tiện như đốn thông rừng về làm cây Giáng Sinh, xuống cửa biển Newport Beach bắt chem chép (mussel) về luộc! Thật là “điếc không sợ súng”!










Hàng ngàn cánh quạt gió cung cấp điện cho thành phố.

 


Desert Hills Outlets và Morongo Casino


 


Outlets không biết gọi là cửa hàng gì? Ðại khái chỉ biết rằng nó thường ở ngoại ô xa, bán những mặt hàng có khuyết điểm chút đỉnh hoặc ối đọng không còn hợp thời trang lắm. Outlets ở Cabazon là khu thương mại lớn có đường xe ra vào bãi đậu xe rộng lớn và các cửa hàng nằm xung quanh. Các hiệu nổi tiếng đều có mặt ở đây như Adidas, Puma, Nike, Calvin Klein, Coach, Saks Fifth Avenue, Eddie Bauer, Gap, Barneys New York, Lacoste, v.v… Tuy ở xa nhưng mùa mua sắm cuối năm ở đây cũng rất tấp nập. Thấy bên tay mặt xa lộ 10 đất sa mạc được cày xới lung tung với nhiều xe cơ giới, chắc là đang xây thêm khu mua sắm ở hướng Nam.










Khu trung tâm Palm Springs êm đềm thanh tịnh.


Thêm nửa mile là sòng bài khách sạn Morongo Casino, Resort and Spa là sòng bài của người da đỏ bộ lạc Cahuilla xây để kinh doanh giúp bộ lạc (nói vậy chứ thấy toàn là người da trắng điều hành, chắc trừ hết chi phí này kia còn lại chút đỉnh chia cho người da đỏ). Sòng bài cơ ngơi rất hoành tráng có đến 310 phòng và cao 27 tầng lầu là một trong những sòng bài lớn nhất ở California. Tháp cao nhất của sòng bài cao 330 ft (101m) là kiến trúc cao nhất trong vùng Inland Empire (tên gọi chung của 2 quận Riverside và San Bernardino). Sòng bài và khách sạn mở cửa từ năm 2000 lúc đó thấp lè tè, sau đó xây cất thêm với phí tổn 25 triệu USD và tái khai trương cuối năm 2004.


 


Rừng cánh quạt Palm Springs


 


Khi gần đến Palm Springs phía Nam xa lộ hiện ra một rừng chóng chóng (cánh quạt) màu trắng quay tít trong gió giữa sa mạc khô cằn. Ðược biết tại đây có đến 2,500 chong chóng để lấy điện, cánh quạt quay bởi sức gió chạy những “turbine” để sinh ra điện, thay vì đập thủy điện dùng sức nước đổ, ở đây dùng sức gió biến động năng ra điện năng. Rừng chong chóng này được dựng lên từ thập niên 1980 với địa hình thung lũng nơi đây khá đặc biệt như cổ chai nằm giữa 2 rặng núi cao (từ 500 đến 11,500 ft) chạy theo hướng Ðông Tây nên có gió thường xuyên và rất mạnh. Ðiện năng lấy từ các cánh quạt này đủ để cung cấp cho thành phố Palm Springs suốt 365 ngày trong một năm.


 


Palm Springs, nơi nghỉ dưỡng mùa Ðông


 


Từ xa lộ 10 theo bảng chỉ dẫn, exit ra đường Indian Canyon để vào thành phố, phía Tây là rặng núi San Jacinto trơ những đá không cây cối nhưng thành phố rất xanh với những bãi cỏ, những khu khách sạn với hồ bơi, nhà hàng thanh lịch và có rất nhiều sân Golf, sân quần vợt. Từ những năm 1920, Palm Springs là nơi nghỉ ngơi của minh tinh tài tử Hollywood và giới nhà giàu vùng Los Angeles vào những dịp lễ cuối năm như Giáng Sinh và Tết Dương Lịch. Họ đến đây để khiêu vũ, tiệc tùng, thư giãn, chơi golf, bơi lội, cỡi ngựa, lái xe đạp, leo núi, v.v…










Xecáp treo lên núi San Jacinto ngắm cảnh.


Palm Springs là thành phố lớn nhất thuộc quận Riverside nằm trong vùng thung lũng Coachella Valley cách Los Angeles 136 miles (219km) về hướng Ðông trên đường từ Los Angeles đi Phoenix. Theo thống kê năm 2010, Palm Springs có dân số 44,552 người. Ðây là thành phố nghỉ ngơi về mùa Ðông vì khí hậu ở đây rất ấm với nhiệt độ trung bình mùa Ðông lên đến từ 73 độ F đến 86 độ F (23-30 độ C) trong khi những nơi khác giá lạnh. Mùa Hè ở Palm Springs khá nóng và khô, ít mưa (chỉ có 4.83 inch một năm), trong năm có đến 300 ngày nắng ráo.


Ngược dòng lịch sử người da đỏ bộ lạc Cahuilla sinh sống từ thời xa xưa và đặt tên nơi đây là “Se-Khi” có nghĩa là “nước nóng” vì trong vùng có suối nước nóng thiên nhiên. Năm 1821 nước Mễ Tây Cơ độc lập thoát khỏi sự cai trị của Tây Ban Nha, ngay sau đó năm 1823 đã gởi nhà thám hiểm José Maria Estudillo và đại úy José Romero từ Sonora tìm con đường sang Alta California và hai người đã ghi lại là tìm thấy suối nước nóng nơi đây. Với hiệp ước Guadalupe Hidalgo vùng đất này đã sáp nhập vào Hoa Kỳ năm 1848. Sau đó đoàn kỹ sư trắc địa đến đo đạc ghi địa danh trên bản đồ năm 1853 là Palm Springs căn cứ theo tài liệu của người Tây Ban Nha trước đây ghi là “La Palma de la Mano de Dios” có nghĩa là “The Palm of God’s hand.” Người da trắng đầu tiên đến định cư là Jack Summers ông ta mở trạm nghỉ ngơi cho các chuyến xe ngựa vào năm 1862 và 14 năm sau Southern Pacific xây đường xe lửa xuyên qua đây. Dân cư đông dần và đầu thế kỷ 20 Palm Springs trở thành nơi dưỡng bịnh cho những người có vấn đề sức khỏe cần không khí khô nóng trong đó có nhà viết du lịch George Wharton James viết 2 bộ sách mô tả Palm Springs có khí hậu trong lành ấm áp. Từ đó nơi đây trở thành nơi nghỉ ngơi thư giãn của những đại gia, minh tinh tài tử, văn nghệ sĩ và những người về hưu. Người ta xây khách sạn, hồ bơi, suối tắm nước nóng, sân thể thao và từ những năm 1950 Palm Springs trở thành nơi nghỉ mùa Xuân (Spring Break) nổi tiếng. Cho đến ngày nay khi mùa lễ Phục Sinh (Easter) giới trẻ sinh viên nghỉ học tập trung về đây vui chơi rất đông, đàn hát nhảy múa nhậu nhẹt say sưa gây nhiều vấn nạn cho chính quyền địa phương. Ðiển hình như năm 1969 có 15,000 giới trẻ tập trung trong buổi nhạc hội tại vận động trường gây mất an ninh có 300 người bị bắt. Năm 1986 đám đông nổi loạn đập phá khiến cảnh sát phải dùng biện pháp mạnh để vãn hồi trật tự. Kết qủa là năm 1990 thị trưởng Sonny Bono và hội đồng thành phố phải đóng con đường Palm Canyon Drive trong dịp nghỉ mùa Xuân gây thương mại thành phố thất thu nặng nề thay vì đó là dịp làm ăn hốt bạc tốt nhất.


Ngày nay du lịch là nguồn kinh tế trọng yếu của thành phố với 1.6 triệu du khách đến trong năm 2011. Thành phố có trên 130 khách sạn, nhiều quán trọ cung cấp chỗ ngủ và có ăn sáng và hơn 100 nhà hàng ăn uống. Từ năm 2004, hàng năm chính quyền có tổ chức lễ hội VillageFest tại trung tâm thành phố để thu hút du khách. Trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng (2007-2011) chính quyền Palm Springs cho chỉnh trang lại khu trung tâm “The Village,” phá bỏ và xây lại với lối kiến trúc trở lại thời 1950/1960 thời thanh bình huy hoàng của thành phố.


 


Ngồi cáp treo lên núi San Jacinto


 


Lái xe dạo quanh thành phố một lúc để thăm thú cảnh trí, nhà cửa, sinh hoạt như thế nào sau đó chúng tôi trở ngược lên hướng Bắc rẽ trái vào đường San Rafael Drive đi về hướng Tây tức hướng núi San Jacinto, con đường trở thành đường Tramway để vào trạm xe cáp lên núi ngắm cảnh. Trạm xe dưới núi gọi là Valley Station có hai bãi đậu xe nhưng hôm nay bãi gần trạm xe đậu đầy không còn chỗ trống, chúng tôi phải đậu xe bãi phía dưới và đi bộ lên. Theo bảng chỉ dẫn giá vé xe cáp khứ hồi lên và xuống núi là $23.95 cho người lớn, $16.95 cho trẻ em từ 3 đến 12 tuổi và $21.95 cho người cao niên 62 tuổi trở lên. Mỗi lượt xe cách nhau nửa tiếng đồng hồ, từ Thứ Hai cho tới Thứ Sáu chuyến xe đầu tiên khởi hành lúc 10 giờ sáng, Thứ Bảy và Chủ Nhật sớm hơn lúc 8 giờ. Chuyến xe cuối trong ngày lên núi lúc 8 PM và xuống lúc 9:45 PM.










Xe cáp treo xoay vòng to lớn ở Palm Springs.


Mua vé xong sắp hàng vào nơi bến khởi hành và chờ khoảng 15 phút tới lượt mình. Hôm nay cuối tuần dịp lễ Tạ Ơn nên du khách khá đông. Xe cáp treo tròn như cái lồng chim lớn có đường kính 18 ft. (5.5m)) chứa tối đa được 80 người và xe đầy khách nên nếu không bon chen thì không ra được phía ngoài gần cửa kính để ngắm cảnh phía dưới. Núi toàn là đá và cây thông mọc lưa thưa, những rặng thông già Alpine bao năm chịu tác động của gió nên nhiều cành đã bị gãy trông không xanh tươi mà có vẽ khẳng khiu chịu đựng. Nhìn xuống phía dưới là vực sâu và tuyến xe đi ngay trên đường nứt của 2 triền núi, mùa mưa tạo thành con suối nên cây cối mọc chen chúc. Từ cao độ phía trạm dưới là 2,643 ft (806m) trên mực biển lên tới trạm trên là 8,516 ft (2,596m) cách biệt nhau gần 6,000 ft nên nhiệt độ thay đổi khá nhanh, bên trên tuyết phủ trắng nhiều nơi may là có khoác theo áo ấm. Thời gian từ phía dưới lên đến đỉnh mất 12 phút và trên xe phát cuộn băng giải thích về địa dư, thời tiết trên vùng núi này. Ðặc biệt là xe cáp vừa di chuyển vừa quay tròn xung quanh chính mình nên du khách đứng vị trí nào cũng lần lượt thấy hết cảnh xung quanh. Mỗi chuyến lên hoặc xuống xe xoay được 2 vòng. Trên thế giới hiện nay chỉ có 3 tuyến cáp treo xoay vòng , duy chỉ Palm Springs có xe cáp lớn nhất, 2 nơi khác là Cape Town (Nam Phi) và Titlis, Thụy Sĩ. Xe cáp nơi đây hoạt động từ Tháng Chín năm 1963 và đã chuyên chở an toàn hơn 12 triệu du khách lên núi vui chơi.


Trạm trên núi là trạm Mountain Station có phòng chiếu video nói về lịch sử tuyến cáp và cũng như trạm dưới có cửa hàng bán đồ lưu niệm. Nơi đây có nhà hàng Peaks Restaurant phục vụ bữa ăn trưa cũng như tối và quán cà phê Pines Café có bán thức ăn cho du khách theo cách tự lấy và trả tiền nơi quày, cách này gọi là “cafeteria.” Trên trạm có đường mòn có thanh vịn để tản bộ ngắm cảnh và chơi đùa với tuyết nhưng đi vào bên trong (hiking) phải có giấy phép của U.S. Forest Service. Từ đỉnh nơi đây khi trời quang đãng nhìn về hướng Bắc thấy ngọn núi Mount Charleston ở phía Bắc Las Vegas cách hơn 200 miles (320km). Nhìn về hướng Ðông Nam thấy hồ nước mặn Salton Sea cách 75 miles (121km) lấp lánh dưới ánh mặt trời. Ngại đường xa chúng tôi phải xuống núi sớm chứ không ngồi trên nhà hàng đón hoàng hôn, nhìn muôn triệu ánh đèn thành phố phía dưới thật là huy hoàng, lãng mạn!


Palm Springs còn nhiều nơi cần viếng như bảo tàng hàng không (Air Museum) trong phi trường quốc tế Palm Springs, nhà bảo tàng lịch sử, khu nhà của tài tử màn bạc xây từ thập niên 1920. Ban đêm có show ca vũ “The Fabulous Palm Springs Follies” ở rạp hát cổ Plaza Theatre mà các vũ công diễn viên cũng rất… cổ toàn trên tuổi 54 nhưng hãy còn duyên dáng mặn mà! Rạp hát ở số 128 South Palm Canyon Drive, Palm Springs, mỗi ngày có 2 xuất 1:30 và 7:00 PM giá vé từ 29 cho đến 95$. Ðây là show ca vũ nhạc Broadway rất nổi tiếng không nên bỏ qua mỗi khi đến nghỉ Ðông ở Palm Springs.


Trịnh Hảo Tâm


 


Cùng tác giả đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch: 1. Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam 2. Miền Tây Hoa Kỳ 3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc 4. Mùa Thu Ðông Âu 5. Tây Âu Cổ Kính 6. Miền Ðông Nước Mỹ Và Canada 7. Hành Hương Thánh Ðịa Do Thái 8. Nhật Bản, Hồng Kông-Macau, Thái Lan. Mỗi quyển đồng giá 15 USD xin hỏi ở các nhà sách VN hay liên lạc tác giả: Trịnh Hảo Tâm, 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823 USA. Email:[email protected], điện thoại: 714-528-1413.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT