Thursday, March 28, 2024

Tầm quan trọng của Jeremy Lin

 

Chọi với hàng chục năm kỳ thị đàn ông gốc Á

 

Trần Kỳ Phong/Người Việt 2

Dịch thuật: Triệu Phong/Người Việt

 

Từ khi tạo được tiếng vang trong cả nước chỉ vừa 2 tuần nay, ngôi sao bóng rổ Jeremy Lin đội New York Knicks chứng tỏ anh không phải chỉ là chuyện một người lật ngược thế cờ. Câu chuyện Jeremy Lin là một câu chuyện rất cụ thể, rất độc nhất vô nhị.

Một Jeremy Lin đang giúp đánh đổ hàng chục năm thành kiến kỳ thị đối với đàn ông con trai Mỹ gốc Á. (Hình: Nathaniel S. Butler/NBAE via Getty Images)

Câu chuyện này làm tôi nhớ một cảnh trong phim “White Men Can’t Jump.” Trong đó, Wesley Snipes nói với Woody Harrelson, “Anh có nghe Jimi (Hendrix) đàn đấy, nhưng anh không nghe ra những gì Jimi nói trong tiếng đàn.”

Ðể “nghe cho ra” câu chuyện Jeremy Lin, phải trở lại tới năm 1984 – bốn năm trước khi Jeremy ra đời – và một cuốn phim ăn khách của đạo diễn John Hughes, phim “Sixteen Candles” của John Hughes. Một cuốn phim dễ thương về đời học sinh trung học với hai diễn viên tiêu biểu của thập niên 1980, Molly Ringwald và Anthony Michael Hall.

Thế nhưng, không vì lý do nào khác ngoài diễu cợt kiểu kỳ thị chủng tộc, Hughes nhét vào câu chuyện hình ảnh một nam du học sinh Á Châu đến từ một quốc gia không tên ở Châu Á (và do đó ám chỉ tất cả các nước châu lục đó). Nhân vật này bị gán tên Long Duk Dong, đôi lúc lảm nhảm, đôi lúc ngu ngơ, tiếng Anh thì nói ngọng, nhưng luôn luôn đeo đuổi con gái “Mỹ.”

Muốn thực sự hiểu rõ giá trị và cảm được niềm vui về những gì Jeremy Lin đạt được hôm nay, và để hiểu tại sao rất nhiều nam giới Mỹ gốc Á đều mặc áo Knicks số 17 giống anh và gào lớn tên anh, bạn đã phải từng rùng mình ghê rợn khi cuốn phim cho gióng tiếng chiêng chùa mỗi lúc Long Duk Dong xuất hiện. Bạn phải từng bị người khác gọi bằng tên của Dong nhưng giả bộ không thấy bị chạm tự ái, ngược lại vẫn cười a dua với họ. Bạn phải cố nuốt hận để cho cái nỗi ô nhục đó cháy tiêu dần trong tâm khảm.

Nói chung là bạn bị vác thập tự giá mà “Dong” phải vác.

Và cái thập tự đó là gì? Trong lịch sử văn hóa Mỹ, đó là lúc thì bị làm lơ như không hề có, lúc thì bị miêu tả một cách sỉ nhục hết mức.

Ðiều này có nghĩa là bạn không bao giờ được làm vai chính, mà luôn luôn là vai ké (Kato, Sulu, Mike Chang).

Bạn được dùng để biểu lộ cái gì đó nhập ngoại, rồi để được đặt vào hàng kẻ ác hoặc vật trang trí (The Fast and the Furious).

Bạn không được dẫn đầu ban nhạc mà chỉ được đứng bên hông sân khấu đàn ké (Smasking Pumpkings, Airborne Toxic Event).

Bạn không bao giờ được miêu tả như một người đàn ông thực thụ, đẹp trai, hào hoa.

Bạn sẽ chẳng bao giờ được hôn cô gái ấy cả. (Trong phim “Romeo Must Die” Jet Li không hề hôn cô đào Aaliyah và trong “The Replacement Killers,” Châu Nhuận Phát cũng không hề hôn Mira Sorvino. Tôi khinh bỉ Hollywood trong nhiều năm sau những lỗi đó.)

Và, tới tối Thứ Sáu, bạn sẽ bị lấy tên tuổi hình ảnh để tạo ra một đống tiền quảng cáo cho truyền hình (đài ESPN) để rồi bị đài truyền hình dùng từ ngữ miệt thị chủng tộc trong tựa bài viết về trận đầu tiên đội của bạn thua sau suốt 8 trận (cũng lại ESPN).

Gần đây, có được một số tiến bộ. Trong thể thao, chúng ta có Ichiro và Yao, nhưng vì họ vẫn còn gắn bó sâu đậm với văn hóa Nhật và Trung Quốc, điều này khiến họ không tới gần được bản sắc văn hóa Mỹ của chúng ta.

Gần đây, nhóm nhạc rap Far East Movement là nhóm ban nhạc Mỹ gốc Á đầu tiên được công chiếu lên truyền hình. Và nay mọi người đều được biết con trai gốc Á nhảy rất giỏi, qua các chương trình TV như “So You Think You Can Dance” và “America’s Best Dance Crew.”

Dĩ nhiên, chúng ta có được một nhân vật nổi bật trong văn hóa, có lẽ là cho tới nay chỉ có mỗi một người nam giới Mỹ gốc Á mà làm chúng ta hãnh diện về mình: Lý Tiểu Long. Nhưng tôi thấy có lẽ rằng, trong thâm tâm, chúng ta vẫn có điều ngần ngại: “Ờ thì ổng tài giỏi thật, nhưng mà uổng một cái lại là võ thuật. Có cần phải rập khuôn thành kiến như vậy không?”

Trước khi có Jeremy, nam giới Mỹ gốc Á bị xem như một thứ ma cà rồng. Chúng ta nhìn vào tấm gương của văn hóa bình dân Mỹ, và không thấy gì hết!

Ngày nay, 26 năm sau phim “Sixteen Candles,” Jeremy Lin xuất hiện trên sân đấu tầm cỡ nhất của môn bóng rổ, và chứng minh rằng chúng ta không chỉ hiện hữu mà chúng ta còn có thể thành công trong vai trò thể thao nhà nghề, trong một trong 3 môn thể thao hàng đầu trên ESPN.

Ðó chính là sức mạnh của truyền thông đại chúng, phải không? Khiến có hơn 300 triệu người Mỹ nhìn vào đấy và thấy một hình ảnh tập thể tiêu biểu cho tất cả chúng ta.

Ôi và cái hình ảnh mới đẹp làm sao. Qua thành tích, Jeremy phá tan được nhiều thành kiến nặng nề về đàn ông gốc Á. Anh không lùn, cũng không yếu. Anh sinh ra ở Mỹ và phát âm không có giọng ngoại quốc (mà nếu có nói giọng ngoại quốc thì đã có sao đâu!). Anh có tình cảm, anh biết biểu lộ. Anh có cái thái độ, cái điệu bộ của người biết nghề. Anh không biết sợ, không lùi bước trên sân.

Trở lại với câu của Snipes trong White Men: “Bạn có nghe Jimi đàn, nhưng bạn không nghe ra những gì Jimi nói trong tiếng đàn.”

Hãy tin tôi đi: Chúng tôi, những người nam giới Mỹ gốc Á, nghe ra hết tất cả những gì mà từng cú dội banh, dộng banh, ném banh, ghi bàn, của Jeremy Lin, nói lên về chúng tôi.

Ai ai cũng được tham gia vào hội những người hâm mộ Jeremy Lin, nhưng không phải tự nhiên mà có khu vực VIP dành riêng cho nam giới Mỹ gốc Á. Và vì chúng tôi đều là những người rất “cool,” chúng tôi hoan nghênh Long Duk Dong nếu muốn vào. (TP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT