Friday, March 29, 2024

‘Trong Bóng Hậu Trường’ mang tiếng cười, mua nước mắt khán giả

 

Ðức Tuấn/Người Việt

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) Ðại nhạc hội “50 năm trong bóng hậu trường” được bắt đầu lúc 2 giờ trưa, ngày 29 Tháng Chín, tại rạp Saigon Performing Arts Center, Fountain Valley.

Xuất 1 có khoảng 500 khán giả tham dự.

Chín tiết mục được lần lượt các ca nghệ sĩ trình bày trước khi vở kịch chính “Trong Bóng Hậu Trường” được ra mắt.



Một cảnh trong vở kịch “Trong Bóng Hậu Trường.” (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Chín tiết mục gồm đơn ca, song ca, tam ca như 9 món ăn đầy đủ tinh hoa của khu vườn âm nhạc nghệ thuật, trong đó có 3 phần là ca vọng cổ, hồ quảng được khán giả chiếu cố, vỗ tay khen ngợi, đặc biệt tiết mục Tứ Ðại Thiên Vương, nhắc lại câu chuyện của những người đẹp như Tây Thi, Ðiêu Thuyền, Chiêu Quân, Dương Quý Phi do các ca nghệ sĩ, tài tử điện ảnh: Hòa Hiệp, Minh Luân, Lương Thế Thành, Bá Thắng, Hà Phương, Kha Ly, Hồng Loan, Ngọc Huyền đảm trách được khán giả tán thưởng vô cùng.

Trích đoạn cải lương “Mộc Quế Anh” do Ngọc Huyền, Tuấn Châu, Bình Trang, Ngọc Ðáng, Cẩm Thu, Mai Thế Hiệp cũng là tiết mục hấp dẫn, gây chú ý đến khán giả bên dưới.

Kịch bản “Trong Bóng Hậu Trường” do đạo diễn Nguyễn Minh Phương biên soạn, với sự diễn xuất của các nghệ sĩ, tài tử như Hà Phương, Ngọc Huyền, Hòa Hiệp, Lương Thế Thành, Kha Ly, Bá Thắng, Minh Luân, Bảo Quốc, Anh Vũ, Gia Bảo, bé Thụy Khanh.

Nội dung của kịch nói về nguyên nhân tại sao phát sinh tên gọi “bà bầu Thúy Uyển,” dĩ nhiên trong đó bao hàm cả những tình tiết chọc cười của cặp hài Anh Vũ-Gia Bảo làm khán giả cười nghiêng ngửa, câu chuyện dẫn đến đêm kỷ niệm 50 năm kinh nghiệm của bà bầu Thúy Uyển trong lãnh vực nghệ thuật sân khấu.

Nội dung của kịch “Trong Bóng Hậu Trường” phản ánh thân phận của người đàn bà Việt Nam chịu đựng, nhẫn nhịn cho hạnh phúc gia đình được trọn vẹn.

Kịch “Trong Bóng Hậu Trường” lên án những người đàn ông thích trăng hoa, lăng nhăng không chung thủy, và giống như đạo diễn Nguyễn Minh Phương tâm tình: “Cái khó nhất là nói lên sự thật, có những câu chuyện thật nhưng khi đưa lên màn ảnh, sân khấu không tạo được cảm xúc nhiều cho khán giả thưởng thức phía dưới.” ông nói tiếp: “Tuy nhiên kịch bản ‘Trong Bóng Hậu Trường’ cưu mang được tính đạo đức, nhân bản của người Á Ðông và cũng cần phải khen tặng các nghệ sĩ đóng các vai nội tâm rất xuất sắc, chính điều đó đã tạo sự hấp dẫn cũng như theo dõi từng chút, xúc động từ phía khán giả.”



Bà Thúy Uyển (thứ hai từ trái) ngỏ lời cảm ơn khán giả. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Ông nhắc lại về kịch bản “Sân Khấu Về Khuya” của soạn giả Năm Châu, nội dung của “Sân Khấu Về Khuya” kể lại câu chuyện hai vợ chồng nghệ sĩ sau khi không còn sống với nhau như vợ chồng nữa, nhưng họ vẫn còn liên hệ với nhau qua những hoạt động sân khấu, ông nói: “Thật sự trước kia tôi chỉ nghĩ ‘Sân Khấu Về Khuya’ là chuyện hư cấu, làm sao ngoài đời giống như thế, nhưng rồi thời gian đã cho thấy câu chuyện đời của tôi giống như ‘Sân Khấu Về Khuya’ và cho đến ngày hôm nay, trải qua nhiều lần đổ vỡ tôi mới nghiệm được rằng cho dù sau 25 năm chia tay, nhưng cuối cùng cô Thúy Uyển vẫn là người đàn bà thủy chung, nhất là trên phương diện sân khấu dù đã chia tay 25 năm nhưng vẫn giống như ngày nào chúng tôi còn sống với nhau.”

Bằng một giọng xúc động, cô Thúy Uyển nói: “Cô không ngờ vở kịch này thành công như thế, đạo diễn Nguyễn Minh Phương đã viết kịch bản này rất hay, chính xác với tất cả những tình tiết có thật trong đời sống của cô, đây cũng là dịp duy nhất cô muốn giải đáp những thắc mắc của khán giả từ lâu về câu hỏi ‘tại sao cô là bầu show thế này, hoặc thế kia?’, hy vọng qua vở kịch ‘không đoạn kết’ này cô sẽ tìm được sự đồng cảm từ khán giả!”

Còn cô con gái Valentine Trúc Uyển chia sẻ, cô chính là người đưa ý kiến để ba của cô viết kịch bản về cuộc đời của mẹ cô, và lý do tại sao có “bà bầu Thúy Uyển”?

Bước chân ra về những khán giả nữ chùn chân, nán lại như muốn được ôm bà Thúy Uyển một lần để chia sẻ sự xúc động, cũng như đồng cảm vì chúng ta cùng là thân phận đàn bà.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT