Thursday, March 28, 2024

Tuồng cải lương và phim ‘Quan Âm Thị Kính’

Ngành Mai

 

Trong thiên hạ rất nhiều người đã biết qua truyền thuyết “Nỗi Oan Thị Kính,” nhưng đã có mấy ai rõ được câu chuyện trên xuất phát từ lịch sử của quốc gia nào, hoặc trong kinh điển của Phật Giáo hay là truyền thuyết nhân gian?

Một cảnh trong phim “Quan Âm Thị Kính.” Phim do nghệ sĩ Năm Châu hợp tác với hãng phim Mỹ Vân thực hiện vào năm 1950, với thành phần tài tử là đào kép cải lương đoàn Năm Châu. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai).

Thế nhưng, hầu như phần đông bà con ta đều tin rằng tình tiết diễn tiến trong bộ dĩa Quan Âm, do hãng dĩa hát Asia thu thanh phát hành thời thập niên 1930 là đúng với sự thật, cho nên ngoài xã hội khi đề cặp đến một sự oan ức nào thì người ta thường nói “oan như Thị Kính.” Do đó mà từ ấy về sau các gánh hát cải lương nếu có diễn tuồng Quan Âm Thị Kính thì người soạn tuồng luôn dựa vào tình tiết trong dĩa hát thì bà con ta mới chấp nhận.

Khoảng 1956 nghệ sĩ Năm Châu hợp tác với hãng phim Mỹ Vân quay cuốn phim “Quan Âm Thị Kính,” mà thành phần tài tử nòng cốt là người trong gia đình ông nắm trọn hết.

Bà Kim Cúc vợ của Năm Châu là đào lẳng, độc mà nghe qua giọng phát âm là người ta biết ngay là “độc” rồi, nên bà được giao cho vai Thị Mầu thì đúng quá thôi. Nhân vật chính bà Thị Kính thì do cô em vợ là đào Kim Lan (tức em ruột của bà Kim Cúc) đảm trách, và ông già vợ là nghệ sĩ Bảy Nhiêu thì đóng vai sư cụ chùa Vân. Còn riêng Năm Châu thì trong vai thầy Hương Giáo. Con của Năm Châu là đào Nguyệt Thu còn nhỏ đóng vai Ðạo Ðồng (con của Thị Mầu). Tóm lại phim “Quan Âm Thị Kính” báo chí thời đó phê phán khá nhiều nói rằng nghệ sĩ Năm Châu áp dụng đường lối “gia đình trị.”

Thế nhưng, dù phê phán chê trách thế nào đi nữa, thì với câu chuyện thích hợp với cảm quan của đại đa số quần chúng, nên phim “Quan Âm Thị Kính” thành công vượt bực về tài chánh. Chiếu ở thủ đô Sài Gòn xuất nào cũng chật rạp, sau đó phim đi tỉnh khán giả lại càng đông hơn, và dịp này Năm Châu thanh toán hết nợ nần mà còn dư ra sắm xe hơi, hàng tuần đưa bà Kim Cúc đi Vũng Tàu hóng mát.

Khi xưa, hãng dĩa hát Asia đã chọn các danh ca thời bấy giờ như: Nữ danh ca Tư Sạng, Tư Bé, Tám Danh… đảm trách các vai trò chính yếu để thu thanh bộ dĩa “Quan Âm” và bán khắp cả Ðông Dương.

Theo như bộ dĩa thì câu chuyện khởi đầu từ lúc bà Thị Kính vì chuyện “hớt râu” chồng là nho sinh Thiện Sĩ đang ngủ, nên bị nghi oan là toan giết chồng, và bị đuổi ra khỏi nhà chồng. Bà giả trai xin vào chùa tu lấy pháp danh là Kỉnh Tâm.

Ngày rằm Thượng Nguơn thiên hạ đi lễ chùa, có một cô gái con nhà phú hộ tên Thị Mầu đi cúng chùa, thấy chú tiểu Kỉnh Tâm khôi ngô, tuấn tú, đã tỏ ý muốn kết tình, nhưng chú tiểu Kỉnh Tâm (tức bà Thị Kính giả trai) đã không đáp lại mà cứ niệm Phật.

Khi về nhà, đêm đến Thị Mầu tự nói thầm: Hễ khi gặp mặt thì ông câm miệng như bình, và mỗi khi tôi muốn tư tình thì ông chắp tay niệm Phật. Thị Mầu vốn là gái lẳng lơ nên đêm nọ sau một hồi rạo rực nhớ đến chú tiểu trong chùa nhưng bị ngăn cách trước hoàn cảnh, thì Thị Mầu lại kêu tên gia bộc trong nhà mình vào phòng ân ái. Thị Mầu nói rằng đêm tối đâu có lo sợ gì mắt tục, chỉ sợ là ngày kia kết cuộc, 9 tháng cưu mang, chừng ấy ra giữa làng cứ đổ thừa cho ông đạo Kỉnh Tâm.

Và đúng vậy, Thị Mầu chửa hoang bị đưa ra nhà làng, và khai tác giả cái bầu tâm sự kia là chú tiểu Kỉnh Tâm. Thế là chú tiểu và ông sư trụ trì ở chùa Vân bị mời đến nhà làng. Chú tiểu (tức bà Thị Kính) bị đánh đập khảo tra để nhận tội, nhưng chú tiểu cứ một mực kêu oan mãi.

Thấy chẳng biến chuyển gì hết nên cuối cùng thầy Hương Giáo đã cho vị sư lãnh Kỉnh Tâm về chùa. Và để tránh tiếng thị phi của người đời, nhà sư không cho Kỉnh Tâm ở trong chùa nữa, mà đuổi ra ngoài hiên tam quan.

Về phần Thị Mầu đến ngày khai hoa nở nhụy lại đem con đến giao cho Kỉnh Tâm: Con ông đây, nhận mà nuôi đi! Thế là thêm một nỗi khổ nữa, bà Thị Kính phải mang chú bé đến hàng xóm xin cho bú thép.

Thiên hạ đàm tiếu rằng chú tiểu ở chùa mà sao lại có con?

Bà Thị Kính nuôi con của người và đặt tên đứa bé là Ðạo Ðồng và cũng cho tu luôn. Ðạo Ðồng ngày một lớn và luôn gọi bà Thị Kính bằng “cha.” Thế rồi Kỉnh Tâm ngã bệnh ngoài tam quan của chùa. Ðêm nọ Ðạo Ðồng vào chùa báo với sư cụ là “cha” của mình đã nhắm mắt qua đời.

Phật Thiên Tôn vâng lệnh Ðức Phật Tổ xuống phàm trần rước Kỉnh Tâm tức bà Thị Kính về cõi Phật. Và câu chuyện được kết thúc lúc bà Thị Kính thành Phật Bà Quan Âm.

Thời đó rất nhiều người đã được nghe qua bộ dĩa hát Quan Âm, câu chuyện được truyền tụng trong nhân gian, và cứ lớp lớn kể lại cho lớp trẻ. Trải qua nhiều thế hệ tình tiết câu chuyện “nỗi oan Thị Kính” không có gì thay đổi.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT