Thursday, March 28, 2024

Vòng loại World Cup 2014 khu vực Á Châu


Iraq, Jordan, Nam Hàn, Lebanon, Uzbekistan, Nhật, Úc, Oman, Iran và Qatar có mặt vòng cuối cùng

 

Tổng hợp – Với một loạt trận đấu diễn ra vào ngày 29 tháng 2, 2012 vừa qua đã kết thúc đợt thi đấu thứ ba của vòng loại World Cup 2014 Brazil với kết quả 10 đội tuyển các quốc gia Á Châu là Iraq, Jordan, Nam Hàn, Lebanon, Uzbekistan, Nhật, Úc, Oman, Iran và Qatar sẽ tiếp tục ra sân so tài vòng cuối cùng để chọn ra bốn đội có vé thông hành đi Brazil năm 2014 và đội xếp hạng thứ năm sẽ gặp đội tuyển thứ năm của khu vực CONMEBOL tranh vé vớt.

Ðội tuyển Nam Hàn trước trận đấu với Kuwait diễn ra trên sân Seoul World Cup, Seoul, Nam Hàn ngày 29 tháng 2, 2012. (Hình: Chung Sung-Jun/Getty Images)

Vòng thứ ba của vòng loại World Cup khu vực Á Châu gồm có 20 đội tuyển tham dự được chia ra làm 5 bảng (hay group) thi đấu từ ngày 2 tháng 9, 2011 đến ngày 29 tháng 2, 2012.

Bảng A: Với bốn đội Iraq, Jordan, Trung Quốc, Singapore sau sáu trận đấu ở cả hai lượt đi và về có kết quả là đội tuyển Iraq, với 5 trận thắng và 1 thua được 15 điểm đứng đầu bảng. Ở lượt đi Iraq sau trận thua trước Jordan 0-2 vào ngày 2 tháng 9, 2011 đã liên tiếp thắng các trận còn lại: Hạ Singapore 2-0, hơn Trung Quốc 1-0 (cả hai trận đi và về), phục thù trận thua trước đó trước Jordan với tỷ số 3-1 và đè bẹp Singapore 7-1 trong trận đấu diễn ra trên sân Grand Hamad, Doha, Qatar ngày 29 tháng 2, 2012.

Ðứng thứ nhì là Jordan với thành tích bốn thắng hai thua được 12 điểm (thắng Iraq 2-0, hơn Trung Quốc 2-1, đá bại Singapore 3-0 lượt đi và 2-0 lượt về, thua lượt về trước Iraq 1-3, thua Trung Quốc 1-3).

Trong khi đó Trung Quốc đứng hạng ba với 3 thắng (thắng Singapore 2-1 và 4-0, hơn Jordan 3-1) thua 3 (thua Joran 2-1 ở lượt đi, thua Iraq 0-1 cả hai trận lượt đi và về) được 9 điểm đành trở thành khán giả.

Lee Dong-Gook (giữa) vui mừng sau khi ghi bàn thắng vào lưới Kuwait trong trận đấu vòng thứ ba của vòng loại World Cup 2014 khu vực Á Châu diễn ra tại Seoul, ngày 29 tháng 2, 2012. (Hình: Jung Yeon-Je/AFP/Getty Images)

Cùng chung số phận với Trung Quốc là Singapore đứng cuối bảng với thành tích toàn… thua, không điểm.

Trong số các trận cả hai lượt của bảng này, trận có khán giả đông nhất là trận cầu giữa Trung Quốc và Iraq diễn ra trên sân Shenzhen Bay Sports Center, Shenzhen ngày 11 tháng 10, 2011 là 25,021 người và trận ít khán giả nhất là trận Iraq đè bẹp Singapore 7-1 vào ngày 29 tháng 2, 2012 chỉ có 950 người dự khán.

Bảng B: Gồm có tuyển Nam Hàn, Lebanon, Kuwait và United Arab Emirates.

Trong bốn đội này, hai đội Nam Hàn và Lebanon đi tiếp còn Kuwait và United Arab Emirates dừng bước cuộc chơi.

Với thành tích bốn trận thắng (thắng Lebanon 6-0 lượt đi, hơn United Arab Emirates 2-1 và 2-0 ở cả hai trận đi và về, thắng Kuwait 2-0 lượt về ngày 29 tháng 2, 2012), một hòa (hòa Kuwait 1-1 và một thua Lebanon 1-2), được 13 điểm, đội tuyển Nam Hàn đứng đầu bảng B.

Trong khi đó, tuyển Lebanon sau trận mở đầu vòng này thua thê thảm 0-6 trước Nam Hàn, sau đó thi đấu khá hơn với trận thắng trước United Arab Emirates 3-1, rồi hòa Kuwait 2-2 ở lượt đi. Qua lượt về Lebanon lại hơn Kuwait 1-0, đặc biệt là đá bại tuyển Nam Hàn ở lượt về trên sân nhà của mình với tỷ số 2-1.

Brett Emerton của tuyển Úc đứng ngay trước cú đá banh móc ngược của cầu thủ Kamil Saddig của Saudi Arabia trong trận đấu vòng thứ ba của vòng loại World Cup 2014 giữa Australia và Saudi Arabia diễn ra trên sân AAMI Park, Melbourne, Úc ngày 29 tháng 2, 2012. (Hình: Robert Cianflone/Getty Images)

Trong lượt trận ngày 29 tháng 2, dù Lebanon tuy thua United Arab Emirates 2-4 nhưng Kuwait cũng thất bại trước Nam Hàn 0-2 nên đành phơi áo, nhường chỗ cho Lebanon vào vòng bốn. Cầm đèn lái là United Arab Emirates chỉ với 3 điểm vỏn vẹn.

Ở bảng B này số lượng khán giả đến sân đông hơn bảng A. Trận đông nhất là trận Nam Hàn đá bại Kuwait 2-0 diễn ra trên sân Seoul World Cup, Seoul ngày 29 tháng 2 có đến 63,400 người dự khán. Trận ít khán giả nhất là trận giữa Lebanon và United Arab Emirates ngày 6 tháng 9, 2011 với 4,000 người đến sân Camille Chamoun Sports City Stadium, Beirut.

Bảng C: Trong số bốn đội chỉ có Uzbekistan là mạnh nhất, đứng đầu bảng với 5 trận thắng và một trận hòa được 16 điểm: Lượt đi: Thắng Tajikistan 1-0, hòa Nhật 1-1, hạ Bắc Hàn 1-0. Lượt về: Hơn Bắc Hàn 1-0, đá bại Tajikistan 3-0, thắng Nhật 1-0 ngay trên sân Nhật ngày 29 tháng 2, 2012.

Nối bước theo Uzbekistan là tuyển Nhật được 10 điểm qua 3 trận thắng, 1 hòa và 2 bại. Lượt đi Nhật đá bại Bắc Hàn 1-0, hòa Uzbekistan 1-1 và nghiền nát Tajikistan 8-0. Lượt về: Trận lượt về Nhật vẫn tiếp tục thắng đậm Tajikistan 4-0. Nhưng sau trận thua Bắc Hàn 0-1 ngay tại Bình Nhưỡng, Nhật lại thua tiếp Uzbekistan 0-1 ở trận cuối cùng ngày 29 tháng 2 ngay trên sân nhà tại Tokyo.

Ðội tuyển Nhật trước trận đấu vòng thứ ba của vòng loại World Cup 2014 khu vực Á Châu với Uzbekistan diễn ra trên sân Toyota Stadium, Toyota, Nhật ngày 29 tháng 2, 2012. (Hình: Kiyoshi Ota/Getty Images)

Tuy chỉ được 10 điểm, Nhật vẫn đứng thứ nhì và tiếp tục cuộc chơi trong khi hai đội còn lại là Bắc Hàn chỉ 7 điểm với 2 thắng, 1 hòa, 3 thua và Tajikistan chỉ có cây gậy về đường khi cầm chân Bắc Hàn 1-1 ngày 29 tháng 2, 2012, cùng nhau chờ đợi bốn năm kế tiếp.

Ở bảng C, trận đấu có số lượng khán giả đông nhất là trận giữa Nhật và Bắc Hàn diễn ra ngày 2 tháng 9, 2011 với 62,000 khán giả trên sân Saitama Stadium 2002, Saitama. Và trận ít khán giả nhất là trận giữa Uzbekistan thắng Tajikistan 3-0 ngày 15 tháng 11, 2011 chỉ có 5,325 người trên sân Pakhtakor Markaziv Stadium, Tashkent.

Bảng D: Hai đội tiêu tan hy vọng tham dự vòng chung kết World Cup 2014 là Saudi Arabia chỉ xếp thứ ba với 6 điểm với 1 thắng, 3 hòa và 2 thua. Còn Thái Lan chót bảng được 4 điểm với 1 thắng, 1 hòa, 4 thua.

Trong khi đó đội tuyển Úc (Australia) chứng tỏ là một trong những đội mạnh nhất của Á Châu khi đứng đầu bảng D này với 5 thắng, 1 thua: Thắng Thái Lan 2-1 lượt đi và 1-0 lượt về; thắng Oman 3-0 trận đầu nhưng thua lại 0-1 ở trận thứ hai; hạ Arabia Saudi 3-1 lượt đi và 4-2 lượt về.

Nắm tay với Úc vào vòng bốn là Oman được 8 điểm với 2 thắng, 2 hòa và 2 thua. Ðây có thể nói là một trong những lần hiếm hoi mà tuyển Oman tiến sâu vào vòng loại World Cup khu vực Á Châu.

Trận khán giả đông nhất của bảng này là trận cầu giữa Saudi Arabia và Oman diễn ra trên sân King Fahd International Stadium, Riyadh trước sự chứng kiến của 62,740 người. Và trận ít người nhất chỉ 4,500 người xem tuyển Oman gặp Úc trên sân Sultan Qaboos Sports, Muscat ngày 11 tháng 11 năm 2011.

Bảng E: Với bốn đội Iran, Qatar, Bahrain và Indonesia. Ðây là bảng mang nhiều tai tiếng nhất hiện đang bị FIFA cho mở cuộc điều tra xem trận đấu cuối cùng giữa Bahrain và Indonesia có là trận bán độ hay dàn xếp tỷ số không vì kết quả Bahrain hạ Indonesia đến 10-0 đủ lọt qua khe cửa hẹp nếu như Qatar thua Iran.

Nhưng Qatar may mắn hơn đã cầm chân Iran 2-2 ngay trên Teheran và cả hai cùng dắt tay nhau có mặt ở vòng bốn.

Iran được 12 điểm với 3 trận thắng 3 hòa trong khi Qatar 10 điểm với 2 thắng 4 hòa. Còn Bahrain chỉ 9 điểm với 2 thắng 3 hòa 1 thua đứng thứ ba trong khi Indonesia chót bảng thua cả sáu trận không có điểm nào. Cả hai đội này đều bị loại khỏi giải.

Cầu thủ Aleksandr Shadrin (thứ hai từ phải) của Uzbekistan ghi bàn thắng trong trận đấu vòng thứ ba của vòng loại World Cup 2014 giữa Nhật và Uzbekistan diễn ra trên sân Toyota Stadium, Toyota, Nhật ngày 29 tháng 2, 2012. (Hình: Kiyoshi Ota/Getty Images)

Trận đấu thu hút đến 85,000 người đến sân Gelora Bung Karno Stadium, Jakarta chứng kiến gà nhà đấu với Bahrain là trận có số lượng khán giả đông nhất ở bảng này và cũng là trận đông nhất từ đầu giải đến nay. Riêng trận ngày 29 tháng 2 giữa Bahrain và Indonesia chỉ vỏn vẹn 3,000 người xem là trận ít nhất của bảng E này.

Mười đội tuyển có mặt ở vòng thứ tư cuối cùng của vòng loại World Cup 2014 khu vực Á Châu sẽ được rút thăm phân làm hai bảng vào ngày 9 tháng 3, 2012 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Hai đội đứng đầu và hai đội về nhì mỗi bảng sẽ có vé đến Brazil trong khi hai đội xếp thứ ba của hai bảng sẽ gặp nhau hai trận lượt đi và về để chọn đội thứ năm đá playoffs với đội đứng thứ năm của khu vực Nam Mỹ (CONMEBOL) được tổ chức vào năm 2013. (T.D.)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT