Thursday, March 28, 2024

Bài ca tân cổ giao duyên xuất hiện khá nhiều trong buổi sinh hoạt đờn ca tài tử

Ngành Mai

Trong buổi sinh hoạt đờn ca tài tử hôm chiều tối Thứ Năm tuần vừa qua tại hội trường nhật báo Người Việt ở Little Sài Gòn, miền Nam California, các tài tử giai nhân đã không hẹn mà lại nối tiếp nhau cất tiếng hát lên các bài ca tân cổ giao duyên.

Ðây là một hiện tượng kể ra cũng có hơi lạ, bởi kể từ ngày đờn ca tài tử hải ngoại bắt đầu hoạt động đến nay đã trên một năm, mà đây là lần đầu tiên bài tân cổ giao duyên lại xuất hiện nhiều hơn bài ca vọng cổ thuần túy. Hiện tượng trên khiến chúng tôi nhớ đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông vừa qua đời cách đây vài tuần, mà các cơ sở truyền thông nói đến khá nhiều. Báo chí, đài phát thanh ở hải ngoại đã nhiều lần nói đến công lao sáng tác nhạc của ông, và hầu như cơ sở nào cũng đề cập đến bản nhạc “Chiều Mưa Biên Giới.”

Nhưng có điều là báo chí và đài phát thanh đã không thấy nhắc đến công lao của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông trong lãnh vực cổ nhạc, của tân cổ giao duyên và tuồng cải lương, dù rằng công sức, tài trí của ông đổ vào đây không ít.

Người ta còn nhớ thời giữa thập niên 1960 trở đi, đài phát thanh Quân Ðội, chương trình gia binh mỗi buổi sáng đều cho phát thanh dĩa hát tân cổ giao duyên, mà phần lớn là do hãng dĩa Continental phát hành. Mỗi khi có một dĩa hát tân cổ giao duyên được ra đời, thì nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông với tư cách là người điều hành hãng dĩa Continental đã đích thân mang đến tặng cho đài Quân Ðội để được phát đi cùng khắp, mà ở miền Tây là đón nghe nhiều nhất. Sau đó thì dân đờn ca tài tử khắp nơi có bài ca mới đưa vào sinh hoạt đình đám.

Phải chăng do vấn đề vô vi nào đây, mà giới đờn ca tài tử hải ngoại có nhiều người hát lên bài ca tân cổ giao duyên để chúng tôi viết lên bài này, nhớ đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông. Chúng tôi đã dựa trên tài liệu sưu tầm, cũng như sự hiểu biết của mình nên đã viết xong bài nói về nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðồng ở lãnh vực cổ nhạc, và sẽ đăng ở các kỳ tới.

Trở lại vấn đề sinh hoạt đờn ca tài tử hôm Thứ Năm tuần qua, khán giả mộ điệu đã được thưởng thức tiếng ca của nữ ca sĩ tài tử Thạch Lan Anh với bài “Con Ðường Xưa Em Ði.” Tiếp đó là cặp ca sĩ Huỳnh Ban ố Lan Anh cùng hát bài “Thành Phố Buồn.” Tiếp đó nữa một ca sĩ tài tử khác hát bài “Tàu Ðêm Năm Cũ” và một số bài ca khác. Tóm lại các ca sĩ tài tử đã cùng lúc hát lên bài ca tân cổ giao duyên mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông đã góp công rất lớn trong việc sản xuất dĩa hát và phát hành.

Về các bài ca cổ nhạc thuần túy thì cặp ca sĩ tài tử Thanh Xuân, Thành Nhân liên ca các bài trong tuồng “Bên Cầu Dệt Lụa.” Một ca sĩ cũng có tên Lan Anh mới tham gia lần đầu, đã hát bản Văn Thiên Tường lớp dựng trong tuồng “Ðêm Lạnh Chùa Hoang” của cố soạn giả Yên Lang.

Trong buổi sinh hoạt trước đó, ban tổ chức đã hân hạnh tiếp đón cô Mai Chân, trưởng đoàn nghệ thuật sân khấu Văn Lang và bà Nguyễn Huỳnh Mai, tác giả cuốn sách “Cô Bé Làng Hòa Hảo” cùng phu quân đến thăm. Phu quân của bà Nguyễn Huỳnh Mai (ông Tài) cùng đi, đã gọi điện thoại cho Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo Miền Nam California, nói về tình hình sinh hoạt đờn ca tài tử tại đây. Ông trao điện thoại cho tôi tiếp xúc với Giáo Sư Giàu, và tôi đã mời giáo sư đến thăm một buổi sinh hoạt.

Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu là người Long Xuyên, vùng đất mà rất nhiều người tham gia và hâm mộ đờn ca tài tử. Tôi còn nhớ vào năm 2002 trong cuộc thi cổ nhạc Giải Phụng Hoàng, với tư cách thành viên Hội Ðồng Giám Sát Thi Cử, nhưng ông cũng lên sân khấu ca 6 câu vọng cổ “Tử Lộ Ðội Gạo” của Kiên Giang. Ban tổ chức hy vọng các buổi sinh hoạt tới sẽ được tiếp đón Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, và sẽ mời giáo sư lên sân khấu nói lên hoạt động của môn nhạc dân gian này ở Mỹ Luông, Chợ Mới thuộc tỉnh An Giang.

Cũng trong buổi sinh hoạt vừa qua, một nữ ca sĩ tài tử đã nói là mình rất hoan nghinh Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại đã tổ chức một nơi cho dân tài tử sinh hoạt. Cô còn nói thêm rằng mình đã tốn công, tốn tiền để học ca hát mà lại không có nơi sinh hoạt, cứ đến ca ở nhà nhạc sĩ dạy mình thì có gì đâu thích thú chớ!

Nhưng khổ nỗi các nhạc sĩ dạy ca vọng cổ, bài bản lại cứ cầm chân học trò, không muốn cho người học bung ra ca hát nơi nầy nơi nọ. Nếu người nào đi ca chỗ khác thì thầy sẽ không đờn cho ca nữa. Tệ trạng nầy không biết kéo dài đến bao giờ. (Ngành Mai)


Đờn ca tài tử hải ngoại họp mặt 6 giờ chiều Thứ Năm

Kể từ nay giới đờn ca tài tử hải ngoại họp mặt sinh hoạt hằng tuần lúc 6 giờ chiều Thứ Năm, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Ban tổ chức mời tất cả giai nhân tài tử, những ai từng học đờn, học ca cổ nhạc hãy đến tham gia. Những người khi xưa từng đi đờn ca nhưng bỏ lâu quá quên bài ca, xin hãy cứ đến nói lên kỷ niệm của mình đối với đờn ca tài tử.

Riêng những người yêu thích, chỉ muốn nghe đờn ca thì đến với tư cách khán giả. Vào cửa tự do, miễn phí. Liên lạc trưởng ban tổ chức, ông Lê Quang Thế (714) 454-7851.



Mời độc giả xem phỏng vấn “Truyện bà Thị Kính được viết thành vở opera tiếng Anh trên đất Mỹ”(Phần 1)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT