Thursday, March 28, 2024

Bản ca Phụng Hoàng trong vở hát ‘Nửa Đời Hương Phấn’

Ngành Mai

Vở hát tâm lý tình cảm xã hội “Nửa Đời Hương Phấn” của hai soạn giả Hà Triều-Hoa Phượng đưa lên sân khấu Thanh Minh năm 1960 đã gây chấn động giới mộ điệu lúc bấy giờ (thời điểm này đoàn Thanh Minh chưa có chữ Thanh Nga trên bảng hiệu).

Đây là vở hát thuộc loại tuồng xã hội hiện đại, mà nhân vật chánh là một cô gái giang hồ, đó là điều mà xưa nay chưa có một soạn giả nào dàn dựng kịch bản như thế. Hà Triều-Hoa Phượng đã dựng lên cô gái giang hồ lại có được một nghĩa cử đáng khen, với lòng hy sinh cao đẹp. Cũng như sự thiệt thòi, chịu đựng khổ đau của cô đã làm khán giả bùi ngùi xúc động đến rơi lệ.

Tuồng trình diễn liên tục tại rạp Nguyễn Văn Hảo suốt cả tháng vẫn còn đông đảo khán giả, do đó tiếng đồn sâu rộng trong thiên hạ, nên đoàn Thanh Minh đi lưu diễn đến nơi nào cũng thành công lớn với vở tuồng này.

Thêm vào đó hãng dĩa hát Hồng Hoa cũng thu thanh phát hành bộ dĩa “Nửa Đời Hương Phấn” phổ biến cùng khắp, do vậy mà tuồng đã nổi tiếng lại càng nổi tiếng hơn. Rồi từ đó về sau thỉnh thoảng lại được tái diễn và cũng đông đảo người đi coi, người ta ước tính vở hát ấy đã có trên cả trăm lần trình diễn. Đào thương Út Bạch Lan (vai Hương), kép Thành Được (vai Tùng), đào Ngọc Nuôi (vai Diệu).

Câu chuyện được tóm tắt như sau: Cô The từ vùng thôn dã ra chốn thị thành phồn hoa đô hội, rồi đổi tên là Hương. Cô có nhan sắc dễ nhìn khiến cho bao nhiêu khách tìm hoa mến mộ chạy theo săn đón, trong số ấy có chàng trai tên Tùng đã yêu cô tha thiết, và mong mỏi được cưới cô làm vợ. Hương cũng mềm lòng trước anh chàng trai ấy, vốn chưa biết cô là gái giang hồ.

Trong khi cả hai ước hẹn thì người anh của Tùng tên là Cang, biết được quá khứ của Hương và vì lý do danh giá gia đình, Cang đã can thiệp vào chia cách hai người. Tuy lòng đau khổ phải xa người yêu, Hương cũng chấp nhận yêu cầu của Cang. Rồi cô dứt tình với Tùng bằng cách giả bộ phản bội phụ rẫy chàng ta.

Để trả thù người yêu phụ bạc, Tùng đi cưới vợ, nhưng trớ trêu thay, cô Diệu vợ Tùng lại là em ruột của Hương. Diệu đâu có biết trước đó Tùng và chị mình đã từng yêu nhau.

Sau ngày cưới, Hương về thăm em thì mới vở lẽ ra sự việc. Nỗi ngang trái, đoạn trường này được diễn ta bằng bản ca Phụng Hoàng, một bài ca mà khi xưa lẫn bây giờ hầu như nhóm đờn ca tài tử nào cũng có người thuộc lòng.

Cái điều đáng nói ở đây là bản ca Phụng Hoàng coi như bất hủ, được soạn giả đưa vào kịch bản đúng lúc, đúng chỗ, với ba nhân vật chính là Tùng, và hai chị em cô Hương, cô Diệu, mà tình tiết câu chuyện thật éo le, gay cấn.

Riêng ở hải ngoại trong các buổi đờn ca tài tử họp mặt tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster, đã có giai nhân tài tử: Thanh Nương, Hồng Châu và một nam tài tử đã nối tiếp nhau trình bày 12 câu Phụng Hoàng nói trên. Có nghĩa là cả ba đều đã thuộc lòng mới liên ca được, mà không vấp váp, bỡ ngỡ.

Kỳ báo này chúng tôi đăng trọn bản ca Phụng Hoàng “Nửa Đời Hương Phấn.” Bài ca này lên báo, tương lai sẽ có thêm giai nhân tài tử học thuộc lòng đưa vào sinh hoạt.

Bản Phụng Hoàng – 12 câu

Dù em có thành hôn với ai đi nữa thì chị cũng về với em…
Để mừng ngày em xuất giá, cho đẹp lòng ba với má.
Chị cũng nở mặt nở mày với lối xóm bà con.
Còn dượng ba đây, là một thanh niên có học thức lại đàng hoàng.
Chị vô cùng sung sướng, thấy em có một người chồng đúng như lòng chị ước mong.
Chị hai ôi, chị nói chi câu đó cho thêm đau lòng,
Ai kia cũng đau khổ muôn phần.
Nào có phải tại ai đan tâm phụ bạc,
Phải chăng số trời biết nói sao đây.
Anh nói chuyện ai mà em không rõ được,
Vậy anh hãy nói rõ ngọn ngành,
Kẻo mà em đây thắc mắc vô cùng.
Nếu thương người thì xin đừng có nói ra,
Mà tội nghiệp cho em của người ta,
Thà chịu khổ riêng mình, chớ đừng để sầu cho em.
Ôi đau đớn thay khi gọi em mà gọi chẳng nên lời,
Diệu ơi em hãy nghe đây là sự thật,
Sự thật chị Hai đây là… Chị đây là chị ruột của em.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT