Thursday, March 28, 2024

‘Chân Trời Yêu Thương’ hội ngộ khán thính giả Little Saigon

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Đêm nhạc thính phòng “Chân Trời Yêu Thương” vừa diễn ra tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster, lúc 6 giờ chiều Chủ Nhật, 7 Tháng Năm, hội tụ những trái tim cùng hòa nhịp trong đêm nhạc do ca sĩ Song Ngân và thân hữu thực hiện.

Với 26 tiết mục, những bản nhạc đầy ắp tình yêu nỗi nhớ, kỷ niệm, những ca khúc bất hủ Việt Nam và thế giới, những ca khúc viết về mẹ. Một đêm nhạc quy tụ những nghệ sĩ từ khắp nơi ở Mỹ, Việt Nam, với những ca khúc vượt thời gian, cùng những làn điệu cách tân đã ru hồn khán thính giả.

Ban nhạc do nhạc trưởng Hoàng Minh dàn dựng, cùng với Quang Ngọc (pianist), Vũ Tuyên (bass), Huy Cường (keyboard), Lê Minh Luân (guitarist), Khắc Luân (violinist), Marion Deduyo (violinist), cùng hai MC Thúy Anh và Anh Tuấn, cùng với dàn âm thanh của anh Tuyền, đã cống hiến hết mình những giây phút tuyệt vời cho chương trình.

Mã Đức Khang mở đầu chương trình với ca khúc “Quando Quando” (Khi Nào, Khi Nào), một ca khúc Ý nổi tiếng được viết năm 1962, có tựa đề tiếng Anh “Tell Me When,” theo điệu bossa nova, sau được chuyển nhanh hơn gần giống điệu samba.

Với nhạc điệu vui tươi nhí nhảnh, không kém phần lả lướt trữ tình của chàng trai hỏi người yêu “Khi nào anh được gặp em?” dẫn thính giả đi từ lời khẩn cầu tha thiết đến mong đợi người yêu trả lời.

Giáo Sư Nguyễn Thị Nhung (thứ hai từ trái) trong vòng tay yêu thương của học trò. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Giáo Sư Nguyễn Thị Nhung (thứ hai từ trái) trong vòng tay yêu thương của học trò. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Chàng ca sĩ nhỏ tuổi họ Mã tiếp tục với bài “Về Đây Nghe Em,” sáng tác Trần Quang Lộc, như một lời tự tình mời gọi của quê hương, với “nồi ngô khoai, bằng hạt lúa mới, để nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu.” Mã Đức Khang cho biết ca khúc này cũng để tưởng nhớ đến ông nội, cố nhạc sĩ saxo Mã Đình Sơn vừa qua đời, người đã truyền cho em máu yêu thích âm nhạc từ thuở ấu thơ.

“Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn,” thơ Du Tử Lê, nhạc Phạm Đình Chương, qua giọng nữ cao vút Nam Trân, làm người nghe cứ day dứt nhớ về Sài Gòn một thời xưa cũ với nỗi buồn “Nhớ em xa lộ, nhớ nhà Hàng Xanh. Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè. Nắng Trương Minh Giảng, lá hè Tự Do… Nhớ nghĩa trang: quê bạn bè. Nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường…”

Dòng nhạc cứ miên man tuôn chảy, những nốt nhạc cứ nhảy múa khiêu vũ trên cây đàn guitar của Hoàng Minh, người được mệnh danh là “Ngón Tay Của Quỷ,” khi thì như thác gào tuôn đổ, khi thì như giòng nước lung linh, khiến người nghe cứ run lên, hồn giật bắn theo từng nốt thanh âm, tuôn chảy những ca từ.

Các nhạc phẩm nhạc vinh danh người mẹ: “Ca Dao Mẹ” (Trịnh Công Sơn), “Mẹ Là Tia Nắng Vàng” (Minh Luân), và “Mẹ Tôi” (Trần Tiến), qua tiếng hát Vy Hà, Trọng Huy và Phạm Đình Ngọc, để dâng đến những người mẹ trên thế gian, trong sự yên lặng thưởng thức của thính giả.

Ca sĩ Quỳnh Lan, từ Texas sang, với giọng khàn cố hữu trong ca khúc phổ thơ Hoàng Ngọc Ẩn, “Bài Tango Cuối Cùng,” sáng tác cố nhạc sĩ Việt Dzũng, một bài hát thấm đẫm tình yêu.

Quỳnh Lan trong nhạc phẩm “Chuyện Tình Đã Khép.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Quỳnh Lan trong nhạc phẩm “Chuyện Tình Đã Khép.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong dịp này, nhân ngày lễ mẹ sắp tới, ban tổ chức đã mời Giáo Sư Nguyễn Thị Nhung, cựu giáo sư nữ trung học Gia Long, thân mẫu của cố nhạc sĩ Việt Dzũng, lên sân khấu, để kính dâng lên bà một đóa hồng với học trò vây quanh, trong tâm tình của những người con một thời được thương yêu dạy dỗ.

Ca sĩ Vân Khanh trong nhạc phẩm “Besame Mucho,” vừa tình tứ lả lơi, vừa thâm trầm đầy triết lý cuộc đời.

Tam ca Song Ngân, Vy Hà, Vân Khanh trong liên khúc Trịnh Công Sơn: “Bốn Mùa Thay Lá,” “Ru Tình,” “Hạ Trắng,” lại trở về với mây ngàn cuộc đời phiêu du trong cõi vô thường.

Một lần nữa, ca sĩ Song Ngân trở lại chương trình với nhạc phẩm “Đêm Nhớ Nhung,” sáng tác Thiên Phương, để nhớ về thân phận thuyền nhân Việt Nam, về những thảm cảnh họ gánh chịu trên đường tìm tự do.

Và nhạc phẩm “Đợi Chờ” sáng tác Nhật Bằng-Phạm Đình Chương đã cho thấy một Song Ngân với giọng ca mượt mà truyền cảm hơn, tuy cô tự thú vừa vượt qua kỳ thi ở trường.

Đôi song ca Thúy Anh-Mã Đức Khang cùng trở về “Quê Hương Tuổi Thơ Tôi,” sáng tác Từ Huy, để nghe lại “lời mẹ ru con hiu hiu trưa hè, bên lũy tre thả diều đá bóng, ôi thời thơ ấu nay đã qua rồi!”

Các nghệ sĩ chào tạm biệt khán thính giả. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Các nghệ sĩ chào tạm biệt khán thính giả. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ca sĩ Quỳnh Lan với một loạt ca khúc phổ thơ Hoàng Ngọc Ẩn như “Bài Tango Cuối Cùng” (nhạc Việt Dzũng), “Giữa Đêm Buồn” (nhạc Hạ Đỏ Bích Phượng), “Lạc Một Dòng Sông,” “Chuyện Tình Đã Khép” (nhạc Hoàng Cầm), “Nếu Ngày Mai Tôi Chết” (nhạc Anh Nguyên).

Với phong cách biểu diễn nghe như hơi thở, đôi lúc hoang dại, Quỳnh Lan khiến cả thính phòng khi thì im lặng như tờ, khi thì muốn nổ tung theo lời ca cùng tiếng guitar ầm vang như sóng cuồng điên đảo.

Ông Nguyễn Đình Bảo, cư dân Westminster, cho biết, đây là lần thứ ba ông dự đêm nhạc Song Ngân, nhận xét so với hai lần trước thì lần này quá thành công. Ông cảm ơn người tổ chức và các ca nhạc sĩ chuyên nghiệp đã đến với cộng đồng bằng cả trái tim, ông đến nghe nhạc cũng là một sự cảm ơn các nghệ sĩ đã cống hiến hết mình cho một đêm nhạc tuyệt vời.

Ông Nguyễn Tâm Hàn, cư dân Anaheim, người yêu thích sáng tác âm nhạc, nhận xét đêm nhạc hay lắm, ông rất thích những bài do ca sĩ Quỳnh Lan hát, nhất là bài “Giữa Đêm Buồn.”

Ca sĩ Song Ngân cảm ơn đến các nhà bảo trợ, cô nói rằng rất vui khi cộng đồng đã dành tình thương mến cho cô, đến dự trọn vẹn đêm nhạc. Điều này khuyến khích cô mạnh dạn tổ chức một đêm nhạc nữa vào Tháng Mười Một tới đây, mà mọi người dù lo toan nhiều trong cuộc sống vẫn luôn ao ước chia sẻ tình yêu thương qua nhịp cầu âm nhạc. Cô mong mọi người hãy liên lạc với cô qua email: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT